31.2 C
Hanoi
Thứ Tư, Tháng 7 16, 2025

Đời nến

K ý ức con người là một thứ...

Những ánh trăng quê

N hìn ánh trăng chảy tràn trrên...

Chỗ dựa mang tên ba

Ba tôi có một thói quen lạ....
Trang chủ Blog Trang 3

Giữa quê lòng lại nhớ quê

Tôi sinh ra ở quê, lớn lên ở quê và sống ở quê mà vẫn đau đáu nỗi nhớ quê. Không phải cứ xa quê mới thấy nhớ quê. Thứ khiến người ta nhớ nhiều là kỷ niệm, là hình ảnh đã từng gắn bó thân thuộc dần dần phai nhạt theo thời gian hoặc cũng cảnh cũ đó nhưng người xưa giờ đã không còn nữa.

     Tôi nhớ con đường làng đất cát quê tôi. Buổi sớm khi mặt trời vừa ửng hồng đôi má phía đằng Đông, tôi ngái ngủ dậy theo tiếng gọi của má ra đồng. Chao ôi, cái cảm giác đi chân trần trên con đường đất cát mới sung sướng làm sao. Những hạt cát mềm, trắng muốt, mịn màng, êm ái cứ như tan chảy dưới đôi bàn chân bé nhỏ. Tôi thích cảm giác miết bàn chân mình trên cát để cho cát phủ lấp hết cả đôi chân, nghe hơi mát của cát ngấm vào da thịt. Con đường làng hằng ngày tôi đi học, đi chăn bò hay lon ton theo má đi chợ huyện giờ chỉ còn trong ký ức. Làng tôi bây giờ mọi con đường đều đã bê tông hóa khang trang. Hai bên đường người ta cất nhà san sát, tường rào cao, cổng ngõ kín, không còn những hàng dâm bụt hoa đỏ, những hàng chè tàu mướt xanh. Người xa quê lâu ghé về thăm không ngớt lời khen quê mình giờ giàu đẹp mà người giữa chốn quê như tôi lại thấy điều gì đó hụt hẫng, chơi vơi.

Tôi nhớ cánh đồng làng phía sau nhà tôi. Quê tôi là vùng bán sơn địa không có những cánh đồng cò bay thẳng cánh, ngút ngàn lúa xanh. Nhưng không phải vì thế mà tôi không yêu cánh đồng làng quê mẹ. Những đứa trẻ con như chúng tôi ngày ấy, ngoài giờ trên lớp thì thời gian ngoài đồng còn nhiều hơn ở nhà. Cánh đồng làng như người bạn lớn chở che chúng tôi, nuôi dưỡng ước mơ của chúng tôi, bao dung với những lỗi lầm của chúng tôi. Từ lúc bé tí tôi đã được má gánh ra đồng. Một bên quang gánh là thúng lúa giống, một bên quanh gánh là tôi. Dưới bóng mát của cây duối tôi nhẩn nha chơi một mình, có lúc cuộn tròn ngủ quên bên gốc duối già nua. Lớn hơi chút nữa, đồng làng là nơi chúng tôi chơi những trò chơi trốn tìm, nhảy dây, bịt mắt bắt dê, là nơi những cánh diều chở ước mơ bay lên trên bầu trời rộng lớn, bay ra khỏi ngọn khói làng. Thỉnh thoảng nhớ những ngày xưa tôi thường tha thẩn ra cánh đồng làng.

Tôi ngồi lặng im, hít hà mùi nồng ẩm của đất, mùi ngai ngái của bùn non, nhớ từng khuôn mặt đen nhẹm, mái tóc khét nắng của thằng Tí, thằng Tèo, nhớ trái banh làm bằng lá dứa gai ném vào người đau điếng mà tiếng cười rộn rã chiều quê. Bây giờ, những buổi chiều nhạt nắng tôi chờ đợi thật lâu nhưng không còn tiếng trẻ í ới gọi nhau chạy ra đồng chơi, những trò chơi thuở xưa giờ cũng không còn ai chơi nữa. Tôi ngồi thật lâu bên cánh đồng, tôi lặng im, cánh đồng cũng lặng im, chỉ có tiếng gió lao xao đùa cùng sóng lúa. Thỉnh thoảng một vài cơn gió bay lạc vào mắt khiến mắt tôi hoen đỏ, cay xè.

Tôi nhớ ngôi nhà tranh của ngoại có khu vườn ngát hương. Khu vườn mà suốt năm tháng tuổi thơ tôi xem như báu vật, là nơi tôi hãnh diện với những đứa em con chú tôi ở thành phố mỗi lần về quê. Mùa hè gió từ cánh đồng thổi vào mát rượi. Gió mang theo hương dủ dẻ thơm lừng len vào giấc mơ trưa của cô bé đang say giấc nồng trong lời ầu ơ của ngoại. Mùi ổi chín, mít chín, chay chín và sim chín thơm giấc ngủ trưa hè. Cũng có những trưa tôi không chịu ngủ, lén theo anh chị ra sau vườn trèo lên cây hái ổi. Những trái ổi chi chít vết bấm móng tay của anh em chúng tôi để kiểm tra xem trái đã chín chưa. Và hậu quả của những trưa không ngủ là vết sẹo dài trên đầu gối do ngã từ trên cây xuống. Mỗi lần nhìn vết sẹo tôi lại nhớ ngoại, nhớ khu vườn thần tiên da diết. Tôi nhớ cái giếng nước bằng đá, chiếc ảng đặt cạnh giếng, trên miệng ảng bao giờ ngoại tôi cũng đặt một chiếc gáo dừa. Sau những trò chơi nghịch ngợm chúng tôi chạy ào ra giếng, múc nước trong ảng mà tắm, mà rửa mặt. Tôi nhớ cũng bên chiếc ảng nước đó, tôi múc từng gáo nước dội cho ngoại gội đầu. Vừa dội nước tôi vừa hát líu lo “bà ơi bà, cháu yêu bà lắm, tóc bà trắng, màu trắng như mây”. Ngoại mất, khu vườn tuổi thơ cũng mất, giếng nước, chiếc ảng, chiếc gáo dừa cũng trôi vào dĩ vãng. Chỉ duy nhất hương thơm từ khu vườn xưa, hương thơm từ hương bồ kết ngoại gội đầu vẫn vương vấn mãi trong tôi.

Tôi nhớ những thanh âm quen thuộc của tuổi thơ ngày ấy. Tiếng gà gáy sáng tinh mơ, tiếng chú bê con ậm ò gọi mẹ, tiếng chim bắt cô trói cột khắc khoải giữa trời chiều. Tiếng rao “ai nhôm nhựa soong nồi bể bán không” giữa trưa hè nắng gắt làm tôi nhớ những ngày má chở muối lên tận miền ngược bán bằng chiếc xe đạp cà tàng để kiếm tiền nuôi anh em chúng tôi khôn lớn. Thảng hoặc trong giấc mơ tôi vẫn nghe tiếng chuông leng keng đầu ngõ và tiếng rao “cà rem, cà rem đây”. Nhớ đám trẻ con nhà nghèo chạy ra đem theo nào dép đứt, thau bể, nào sắt vụn, vỏ đạn mà những hôm chăn bò nhặt được để đổi lấy những que kem mát lạnh, ngon lành.

Không phải cứ xa quê mới thấy nhớ quê. Thứ khiến người ta nhớ nhiều là kỷ niệm, là hình ảnh đã từng gắn bó thân thuộc dần dần phai nhạt theo thời gian hoặc cũng cảnh cũ đó nhưng người xưa giờ đã không còn nữa. Như tôi đi giữa con đường làng, ngồi giữa cánh đồng quê mà nhớ ngày xưa quay quắt, nhớ ngọn khói bay lên từ chái bếp của ngoại mỗi sớm mỗi chiều. Vẫn biết “ngày mai bắt đầu từ hôm nay”, quê rồi sẽ còn nhiều đổi thay, chỉ mong mỗi người vẫn giữ trong lòng mình một chốn đi về để mà nhớ mà thương, để đi xa muốn trở về, hạnh phúc muốn trở về, khổ đau càng muốn trở về…

Đèn thương nhớ ai

Trong nhiều đêm chập chờn thức ngủ, tôi thấy mình lơ lửng giữa những vầng sáng le lói của ngọn đèn dầu. Ánh vàng nhàn nhạt liu riu ấy như một nốt trầm của bản giao hưởng ký ức. Ngân rung, đánh thức chuỗi ngày dài hoài niệm đầy đặn những nồng ấm yêu thương.

     Mỗi buổi hoàng hôn, nắng tàn sắp tắt, tiếng côn trùng tỉ tê trong vồng khoai vạt mía, đàn chim đa đa đã rúc vào cánh nhau lim dim gật gù đi vào cơn mê đồng bãi .Tiết giao mùa chuyển từ thu sang đông, đất trời u tịch, trầm mặc. Chỉ vài hồi tắc kè ngập ngừng những âm thanh đều đều như nhịp đếm từ gốc đa cổ thụ là trời đã tối bưng. Lúc đó bọn trẻ thường nôn nóng muốn thắp đèn ngay.

Nhưng mẹ tôi dỗ dành:

– Để tiết kiệm dầu và bấc, phải chờ trời tối hẳn hẵng thắp các con ạ! Đó, mấy nhà hàng xóm cũng chưa đỏ đèn kia mà!

     Vậy là, khi ánh hoàng hôn khuất lấp sau dãy lèn đồ sộ xanh sẫm. Khi màn đêm chầm chậm đổ về phía cuối ngày. Khi ánh trăng cuối thu ngọt trong treo lưng chừng núi thì lúc ấy ánh đèn vàng nhạt bắt đầu lấp ló dưới những nếp nhà đơn sơ rêu cũ.

     Không hiểu sao, lúc ấy tôi lại có một niềm thú vui là ngồi nhìn mẹ rót dầu vào đèn. Mẹ không dùng phễu mà từng giọt dầu hỏa sánh xanh cứ từ từ chui vào cái cổ đèn nhỏ xíu, không hề chảy ra ngoài một giọt. Bàn tay cẩn trọng của mẹ dạy cho tôi biết nâng niu, san sẻ những điều quý giá giản đơn.

     Những hôm thời tiết ẩm ương, mây buồn thiu che mờ mặt nguyệt, dải ngân hà chỉ là một vệt sáng màu trắng mờ xa. Vài con đom đóm lập lòa trên đám cỏ dại. Khoảnh khắc ấy chiếc đèn mới dạn dĩ khoe hết những nồng đượm lung linh. Đèn bình dị, khiêm nhường đèn chẳng bao giờ nỡ để người đời gieo tiếng kiêu căng:

Đèn khoe đèn tỏ hơn trăng
Đèn ra trước gió còn chăng hỡi đèn
( Ca dao)

…Đôi ba bữa, tôi lại sang nhà hàng xóm xin lửa về nhen bếp. Tôi ren rén từng bước một. Tay cầm đèn, tay khum khum che ngọn gió vô tình nhẹ lướt. Ngọn lửa đèn liu điu mà diệu kỳ lan tỏa biết bao nồng đượm ấp iu trong căn bếp ti tách củi khô.Tôi nhớ ngày gieo neo. Ánh đèn sáng rỡ soi tỏa đêm thâu, dõi theo từng đôi chân trần khấp khểnh…Tôi nhớ ngày bão dông. Lũ nhỏ ngồi tót cả lên giường, ôm nhau, mắt dõi ra khung cửa gỗ cũ. Nghe gió thổi ù ù ngoài vườn chuối. Nghe tiếng mái tranh mái rạ xao xác ngả nghiêng.

     Trên cái bàn, chiếc đèn nhỏ vẫn kiên trung không tắt. Lặng thầm, nhẫn nại và tận hiến: “Đèn hết dầu đèn cháy tới tim”(Ca dao). Rạng rỡ phản quang qua chiếc chụp thủy tinh tròn vo trong suốt. Soi rõ mấy khuôn mặt bé con ngây ngô đã mang nét âu lo, thấp thỏm. Ánh đèn nhỏ nhoi ấm áp lúc ấy như ngọn đuốc ở cuối đường hầm nhen nhóm trong tôi niềm hy vọng, niềm tin ấu thơ sắt đá. Rằng ngọn đèn vẫn đang tỏa sáng, thứ ánh sáng diệu ảo rực rỡ như ánh cầu vồng sau mưa. Rằng ngọn đèn xua tan nỗi sợ hãi, thắp lên niềm hy vọng, cơn bão sẽ qua ngày mai trời lại sáng.

     Bền bỉ, thủy chung trôi theo ngày tháng, có lúc đèn hắt hiu nhạt nhòa, có lúc đèn sáng hồng đậm sâu. Quần tụ vén vun trong tôi một tình yêu đủ lớn với tất thảy những người, những vật mộc mạc gần gũi bên đèn xưa yêu dấu.

     Bên ánh đèn dầu, nhập nhoạng bóng côn trùng đêm hoang hoải lượn qua lượn lại lao vào quầng sáng tự kết liễu đời mình trong bản năng mù quáng. Một khoảnh khắc thoáng qua vô thức của thế giới tự nhiên cũng khiến tôi xót xa suy ngẫm. Trong đời người, có những phút giây ta không cưỡng lại được sự cuốn hút mà dẫn đến hành động điên cuồng, nông nổi.

     Tôi nhớ có lần nhờ ánh đèn dầu mà chị em tôi phát hiện ra kẻ gian đang thập thò rình rập ngoài hiên, chiếc bóng mờ ám xiên ngang gần chạm mái nhà thâm thấp. Dưới ngọn đèn, cái xấu xa trong mảng tối cuộc sống, đôi khi rõ nét như một thước phim đen trắng.Và bao tình, bao cảnh đẹp nhất trong cuộc đời đã hiện hữu đêm đêm. Hồn tôi ngập tràn hơi ấm từ đốm sáng hắt hiu mà thiêng liêng, kỳ diệu.

     Bên đèn, nội tôi tỉ mẩn ngồi đan những tấm tranh bằng lá săng, lá mía để lợp lại chái bếp. Bóng nội đổ dài lên chiếc sân gạch, những thanh tre nhỏ kêu lách tách, những nhành cỏ săng đánh nhịp lào xào. Phía trong nhà tiếng đọc bài ê a của hai thằng cu em, tiếng bố trầm ấm rủ rỉ bày tôi cách giải toán. Con mèo mướp thấy bóng mình tưởng có thêm bạn, chạy qua chạy lại, huơ chân lên bờ vách meo meo.

     Bên đèn, mẹ tôi tranh thủ ngồi soạn bài, chấm bài, xong lại đưa thúng lúa mới xay hồi chiều dần sàng nhặt nhạnh. Cái dáng dấp thảo hiền phản chiếu lên bức tường vôi, đẹp như một bức họa. Bức họa của ký ức một thời mưu sinh bần hàn nhưng luôn nhen nhóm những điều dung dị vĩnh cửu, không manh nha sự lụi tàn héo úa.

     Tôi đi qua những tháng năm dùi mài đèn sách. Những lần thất bại, những bước trưởng thành luôn có bóng đèn dầu tri kỷ soi chiếu cận kề. Đèn đồng hành cùng tôi trên chặng đường có ngọt bùi và cay đắng, có nước mắt và nụ cười cho đến khi tôi rời quê, rời những kỷ vật thân thương mộc mạc.

     Tôi trở thành cô giáo trẻ đi dạy học ở vùng cao. Tuổi thanh xuân lại có cơ duyên gắn bó với ngọn đèn dầu, trọn trịa nét chữ viết tay in trang giáo án. Đã nhiều lần tôi thì thầm hát: “Bên ánh đèn khuya em thức đã bao đêm…”*.Hát mãi cho đến khi ngửi mùi dầu hăng hắc thân quen quẩn quanh trong căn phòng ký túc xá, hối thúc con tim nhớ thương về chuyến tàu ký ức.

     Năm tháng qua đi. Điện lưới quốc gia đã bừng sáng khắp mọi miền Tổ quốc. Tôi hạnh phúc tự hào khi ngắm cuộc sống đang biến đổi không ngừng. Vậy nhưng, tôi vẫn chạnh lòng nhớ nhung quầng sáng xưa mà giờ đây chỉ còn trong loáng thoáng đâu đó, trên ban thờ tiên tổ vào những dịp tế bái, giỗ chạp.Trong nhiều đêm chìm đắm giấc mơ quê bát ngát. Tôi lại thấy ánh đèn dầu hiện hữu với hình sắc khi xưa, phả vào bóng đêm những tía lấp lánh như mắt ai thao thức:

Đèn thương nhớ ai,
Mà đèn không tắt
Mắt thương nhớ ai
Mắt ngủ không yên
( Ca dao)
* Lời bài hát “Bài ca người giáo viên nhân dân”( Hoàng Vân)

Như cánh hoa bay

Cô bạn thuở hoa niên vừa gửi qua zalo khoe rổ hoa dầu sớm nay mới nhặt trên đường tập thể dục về. Ôi những cánh hoa vươn dài, vừa mỏng manh vừa cứng cỏi. Một cái gì đó như bung vỡ trong em. Một cảm giác thật khó định hình. Bồi hồi. Thảng thốt. Trái tim em bỗng lỗi mấy nhịp. Điều gì vừa gần gụi vừa xa xăm. Sài Gòn và anh!

Thuở ấy, Sài Gòn trong hình dung của em là tất cả thế giới nơi anh. Đó là “thành phố tình yêu và nỗi nhớ” với bao nhiêu là đường phố người xe tấp nập và hàng me xanh ngắt, lá reo như thơ. Anh cứ đổ lỗi tại em mà anh yêu bài hát này. Tình yêu của anh và nỗi nhớ em. Yêu em và tưởng tượng ngày nào đó anh sẽ cùng em dắt nhau qua từng con phố trong niềm “bối rối khi cầm tay nhau” như lời ca ấy.

Nhưng anh kể em nghe, anh ghiền nhất là những cánh hoa dầu. Anh nói diện mạo thành phố của anh là loài cây này. Trước nhà thờ Đức Bà, Bưu điện trung tâm thành phố, quanh hồ Con Rùa…, cứ vàokhoảng tháng ba tháng tư, hoa dầu nở long lanh rồi rơi thành thảm hoa trên mặt đường, hè phố. Anh khiến em yêu thêm một loài hoa. Bởi thành phố sinh viên của em nào có hoa dầu! Mấy năm liền, mùa hoa nào anh cũng kèm theo thư cho em những cánh hoa đôi. Vì chỉ có loài hoa này mới có hai cánh thôi. Anh nói đó là hoa của anh và em. Em ngây ngô tin, nếu yêu một người cùng thích hoa dầu, sẽ mãi mãi thành đôi. Anh kể mỗi mùa hoa bay, anh thường tới quán cà phê Cộng sát bờ hồ Con Rùa gọi một ly đen đá cho anh, và một ly cà phê sữa cho em. Anh thích đắng, em thích thêm chút ngọt ngào. Xem như em vẫn cùng anh ngồi góc phố thân thương ấy mà ngắm từng loạt từng loạt hoa xoay theo vũ điệu của gió, rạt rào bay. Thói quen kỳ lạ vậy mà anh bảo thích lắm kia. Góc phố ấy, loài hoa ấy, vị cà phê ấy và em đã trở thành một quãng đời của anh. Dù em chưa một lần đặt chân đến Sài Gòn. Mỗi lần uống cà phê, anh thích nghe ngẫu nhiên ca khúc “Còn chút gì để nhớ” của Phạm Duy. Anh lại ích kỷ bảo đó cũng là bài hát dành cho anh vì nó có câu “May mà có em đời còn dễ thương”. Thật không gì lãng mạn bằng khoảng cách địa lý trong tình yêu, nó thổi bùng ngọn lửa tưởng tượng về những gì đẹp nhất trong nhau, anh nhỉ? Vậy mà, lỗi tại em, tại anh hay tại gì không biết nữa. Chúng ta đã lạc mất tình đầu…

     Hồ Con Rùa ngày em đến. Một trưa hè không có hoa dầu bay. Chỉ có những hàng cây cao vút, tán lá xanh um và dòng người xe tấp nập. Em cũng gọi hai ly cà phê như hai mươi năm trước anh đã từng. Quán này em đặc biệt thích bởi không gian được bài trí gợi nhiều niềm xưa cũ, vì chủ quán khuyến khích không dùng ống hút nhựa để bảo vệ mội trường. Hay đặc biệt thích vì xưa, từng có người đến đây uống cà phê cùng em trong tưởng tượng? Cà phê Sài Gòn không đậm mà dịu vị. Em như chạm vào giấc mơ xa. Mà tình yêu nào chẳng có vị đắng lẫn ngọt ngào như cà phê? Em không cố tìm anh bởi lẽ hiện tại của em chẳng thể có anh, bởi hiện tại của anh,em thuộc về miền xưa cũ. Chúng ta không cần tìm nhau nữa, để khoảng trời hoa mộng ngày xưa mãi tươi đẹp. Em cảm ơn anh, cảm ơn một vùng ký ức huy hoàng của thuở sinh viên. Cảm ơn tình yêu trong veo đầu đời, nhớ lại để mà thương. Cảm ơn anh đã cho em thêm yêu một góc phố không phải quê hương mình. Em vẫn thấy những cánh hoa bay rơi hồn nhiên, xôn xao cả khoảng trời thành phố. Như anh.

     Em vẫn yêu những cánh hoa đôi, yêu thành phố dù không còn anh như những ngày xưa cũ. Sài Gòn vẫn những mùa hoa dầu tiếp nối. Em bây giờ, tóc đã lấp lánh màu thời gian nhưng những hàng dầu cổ thụ vẫn ngăn ngắt xanh như bài thơ tuổi trẻ. Em chợt mỉm cười trong nỗi trống vắng và nhủ thầm: nếu được trở lại thành phố của tình đầu lần nữa, em cũng vẫn tới quán cà phê Cộng, gọi hai ly và ngắm phố phường, ngắm mùa hoa dầu xoay tít bay bay.

Về đồi sim lại nhớ màu hoa

K hi ánh nắng chiều dịu dần và tắt lịm trên đồi sim, tôi có cảm giác đi ngang qua lời của một bài hát có “tím chiều hoang biền biệt”. Sim cũng như buổi chiều tà đẹp, một vẻ đẹp không thể gọi tên. Tôi cố suy nghĩ đặt cho nó một cái tên thật gợi mà không dẫm vào bóng dáng người xưa. Loay hoay với suy nghĩ về tên gọi mà tôi vấp phải một gốc sim, suýt ngã. À, mà việc gì phải tìm ra một cái tên mới. Cứ gọi nó là sim. Chỉ là sim thôi. Sim bềnh bồng nơi lưng chừng đồi, bềnh bồng nơi lưng chừng dốc, bềnh bồng… bềnh bồng… như mơ hồ, như lãng đãng mà gần gũi, quen thân. Sim bềnh bồng mà lênh loang…

Tôi len lỏi trong đồi sim, “ôi đồi sim tím chạy xa tít lan dần trong bóng tối”. Tôi chạy mà không thoát khỏi một đồi sim cùng chạy ngút ngàn tím ngát trong ánh nắng cuối chiều. Tôi chạy mà không thoát khỏi bài hát mang nỗi buồn da diết về mối tình tan vỡ. Tôi chạy như muốn thoát khỏi màu tím đầy ám ảnh mà như tôi đang trốn lẫn vào cùng màu sim quyến rũ! Phải chăng mỗi bụi sim là một thực thể sống mang một linh hồn phiêu bồng của nỗi buồn rồi hóa thân vào thơ nhạc? Hay đồi sim là tấm gương cho tâm hồn tôi soi chiếu trong những chiều thương nhớ như hôm nay?

Tôi mải miết chạy trong đồi sim mà về với tuổi thơ mình, khi tất cả còn trắng trong cùng ùa lên đồi sim đồng loạt chín. Sim được ăn thỏa thuê trên sườn đồi; sim căng đầy trong túi quần, túi áo; sim thành đề tài để chọc ghẹo nhau: “Đói lòng ăn nửa trái sim, uống lưng bát nước đi tìm người thương”; sim đã làm cho bạn trai thêm mạnh mẽ, dạn dĩ; cho bạn gái xấu hổ, giận dỗi; sim đã làm cho tuổi thơ mau giận nhau và cũng mau chóng làm lành. Phải chăng màu hoa sim tím vừa mạnh mẽ, cứng cỏi vừa yếu đuối nên giới tính nào cũng thấy hợp với mình? Lớn lên một chút, đến tuổi không còn vô tư thì mùa sim chín không còn hấp dẫn như trước nữa. Tuổi dậy thì lại mộng mơ về tình yêu, về mộng ước tương lai, về dự định cho đời; màu tím hoa sim có lúc lại trào lên thổn thức khi tình yêu tan vỡ, mộng ước không thành. Ta chạnh lòng vì màu tím của hoàng hôn và màu của hoa hòa lẫn vào nhau tạo nên một màu buồn nhưng hình như sắc tím còn nồng nàn níu kéo cuộc tình phai! Màu hoa sim gắn bó với tâm trạng tôi có lẽ là một món quà, một thông điệp của thiên nhiên ban tặng. Tôi tin mỗi loại cây, mỗi loại hoa có đời sống riêng, có tiếng nói riêng và mỗi màu hoa là mỗi kỷ niệm thương nhớ không nguôi của mỗi người với đất và người quê nhà.

Trên đồi dốc đâu chỉ một màu tím hoa sim. Màu tím nào cũng có nét yêu riêng. Màu tím nao lòng của hoa bằng lăng; màu tím điệu đàng, e ấp của hoa mua; màu tím của một loài hoa dại nào đó mà tôi chẳng rõ tên… tất cả hòa quyện với màu tím hoa sim tạo một nét đáng nhớ cho vùng đồi. Bỗng nhiên, tôi có một ước muốn kỳ quặc là được làm một bụi sim sống bình yên cùng cây cỏ vô tư, vui buồn cùng bọn trẻ trong mỗi chiều tắt nắng. Đâu rồi những ngày thơ bé chăn trâu tung tăng trên đồi mà lắng nghe màu tím hoa sim kể chuyện tình thuở lòng còn trong vắt! Tôi ngộ ra một điều là ngày xưa tôi sống trong màu tím hoa sim, nay màu tím ấy đã sống trong tôi. Tôi biết, đây không phải là lần cuối cùng tôi trở lại vùng đồi ngan ngát màu hoa, hái một màu tím trong ký ức muôn ngàn nhớ thương của lòng tôi.

Hoa dại

Những tái tê cóng rét của mùa đông cuối cùng cũng đến lúc phải kết thúc, nhường chỗ cho các loài hoa xuân bung sắc Cho những nụ mầm mở xanh mắt tí hon ngắm nhìn thế giới khổng lồ. Những loài chim di cư tìm về tổ cũ , những loài thú gọi bạn tình, những mầm non trên cành mở mắt… Vạn vật cất lên tiếng hát yêu thương. Tất cả đều bận rộn thay áo mới, đón xuân về. Và các loài hoa dại cũng vậy

Tôi trang trí khu vườn và ngôi nhà của mình bằng các loài hoa dại. Tôi cũng không biết tôi bắt đầu yêu hoa dại từ bao giờ. Phải chăng, từ khi còn nhỏ, chạy cùng bạn đuổi bắt cào cào châu chấu trên ruộng, rồi thích thú ngắm những bông đồng nội bé xíu xiu như tuổi mình? Hay từ lúc bắt đầu chơi đồ hàng, lấy hoa làm nguyên liệu nấu ăn, làm phấn son trang điểm và cài lên tóc cô dâu, áo chú rể khi chơi trò đám cưới?

     Cũng có thể từ khi gặp những bè Lục Bình ngẩn ngơ tím biếc, những bông xuyến chi trắng muốt, trinh nữ phớt hồng hay sắc vàng như giọt nắng đậu trên thảm lá xanh của sài đất. Và hàng rào dâm bụt đỏ ai đó trồng như mặt trời xuống núi. Những bông hoa súng trắng như áo mình mặc đi học mọc gần loài hoa mặt trời to bằng ngón tay cái, tròn như một viên kẹo trắng xinh xinh. Hay những bông hoa Sấm ( nhiều nơi gọi hoa Súng) tím hồng như hoàng hôn? … Tôi cũng không nhớ nữa.

     Chỉ biết rằng nếu một ngày không được nhìn thấy chúng là tôi lại cảm thấy thiếu vắng một điều gì đó. Nên tôi hay rủ cô bạn đồng ấu trong xóm tên Phương cùng ngắm những bụi hoa dại ngoài đồng. Chúng tôi nói với nhau hàng chục câu chuyện không đầu không cuối mỗi ngày mà không biết chán. Một hôm Phương chỉ cho tôi xem hoa rau răm vừa nở trong vườn nhà bạn. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy cây rau răm nở hoa. Mỗi bông hoa như một ngôi sao trắng, to bằng đầu ba que tăm gợi nên cảm giác mong manh cho người nhìn. Tôi cúi xuống, khẽ chạm nhẹ mũi mình vào mặt hoa, nhắm mắt lại mới cảm nhận được mùi hăng nhẹ của nó.

     Bỗng nhiên có cảm giác hoa và mình như là hiện thân của nhau. Hoa không loè loẹt sắc màu, cũng không hương ngát quyến rũ mà giản đơn sắc trắng mộc mạc, giống như tôi. Tôi không được thừa hưởng nhan sắc mỹ nhân và sự khéo đảm của mẹ. Tôi di truyền vẻ đẹp trai của bố. Tiếc là khuôn mặt bố chỉ đẹp khi ở trên cơ thể đàn ông. Tôi như một phông nền thô sơ tô cho mấy đứa bạn thân khoe sắc khi đi cạnh nhau. Mặc bao ánh mắt tò mò đánh giá với những cái nhìn thiếu thân thiện chiếu vào mình, tôi vẫn tự tin rảo bước.

     Có khi còn tặng họ một nụ cười xã giao thay lời chào nữa là khác. Tại sao tôi phải tự ti và co rụt lại trong vỏ ốc với nỗi sợ vô hình vì mấy người lạ ấy chứ? Tôi xấu nhưng tôi biết nghe lời cha mẹ , được hàng xóm khen và có nhiều bạn tốt . Tôi lạc quan trong từng ý nghĩ. Vì trước đó Phương đã bảo với tôi. ‘’ Cậu sinh ra xấu không phải là tội! Chẳng việc gì phải cúi đầu! Bản thân cậu cũng đâu có muốn như vậy. Chỉ những kẻ sống không tốt mới phải xấu hổ. Dèm pha khinh thường vẻ bề ngoài của ngừời khác cũng là một tội ác.

     Kẻ nên cúi đầu là chúng nó chứ không phải cậu!’’. Lời khuyên của Phương đã cứu đời tôi thoát khỏi những suy nghĩ bi quan về vẻ ngoài từ lúc ấy. Tôi khắc ghi câu nói này và hình bóng cô bạn xinh đẹp cả dung nhan và phẩm hạnh vào sâu thẳm trái tim, cùng mình đi qua những thời gian với phong thái luôn lạc quan, như hoa dại mặc kệ môi mắt thế gian vẫn ngạo nghễ dâng hoa tặng đời.

     Cũng từ ấy tôi hiểu rằng không phải dao kéo hay đồ kim khí mới sắc nhọn. Bởi vì lời nói con người đôi khi còn nguy hiểm và đáng sợ hơn. Nó có thể cứu hoặc dìm người ta thoát khỏi hoặc rơi vào bể tuyệt vọng bất cứ lúc nào. Do đó tôi thường cẩn trọng suy nghĩ khi nói bất cứ chuyện gì có thể ảnh hưởng đến tâm trạng người khác. Và tất nhiên tôi luôn ít nói khi ở trong đám đông. Nhưng tôi không mờ nhạt. Như hoa rau răm có mùi hăng nồng không lẫn với bất kỳ loài hoa nào.
Phương cười bảo tôi đa cảm. Tôi bảo Phương vô tình. Chúng tôi tranh luận rồi cãi nhau. Nhưng không giận được lâu. Sau này, Phương đậu đại học và ra Hà Nội để thực hiện giấc mơ trở thành cô giáo dạy tiếng Pháp của mình. Chúng tôi xa nhau từ ấy. Mỗi khi nhìn thấy hoa rau răm lòng tôi lại nhớ người bạn dễ thương này. Kỷ niệm như những cánh hoa hé nở tìm về. Có lẽ bạn đã quên bài hát tôi tự sáng tác bằng nhạc mồm. Vì ngày ấy mình đâu được học môn âm nhạc như bây giờ, nhan đề là “ Nỗi nhớ hoa rau răm’’. Đến nay, mỗi khi nghĩ về bạn tôi vẫn còn nghêu ngao: “ Nhìn hoa kia lại nhớ đến người. Nhớ nụ cười rạng rỡ như hoa..Người phương xa còn giữ trong hồn, những cánh hoa trắng muốt nơi này?…” Cái cảm giác không được ngắm hoa dại cũng giống như cảm giác vắng bạn vậy, Phương ạ!

Vệt nắng ngày giữa năm

K hi những cơn mưa giông bất chợt đổ xuống giữa cái nóng hừng hực, ta chợt nhận ra trái đất đã đi qua gần nửa vòng quay rồi đấy. Mùa hè đã gõ cửa khi nàng xuân còn dùng dằn chưa muốn dời gót.

Tất bật với nhịp sống hiện đại mà đôi lúc ta không nhận ra sự đổi thay của đất trời, vạn vật. Phố phường vẫn mãi dòng ào ào di chuyển của người xe mỗi ngày, mỗi mùa nên vòng quay của thời gian ta nào để ý đến. Chỉ khi một ngày về lại vườn xưa, bất chợt bắt gặp mùi hương quê dịu nhẹ thoảng trong không gian trầm lắng ta mới hay thiên nhiên đã ca khúc giao mùa tự bao giờ rồi.

Tết Đoan Ngọ như lúc ngắt hơi lấy đà trong câu vọng cổ mưu sinh dài dằng dặc tận một năm trường. Chẳng phải lễ to, hội lớn nhưng ngày mùng năm tháng năm này là một nét văn hóa được lưu giữ bao đời. Dù đang ở bất cứ nơi đâu ta cũng muốn quay về chốn xưa để nghe ký ức rung lên những nhịp ngọt ngào của bao ngày xưa cũ. Tôi lang thang trong khu vườn nhỏ phía sau nhà mà nghe dậy lên những mùi hương đã lâu rồi không gặp lại. Trái mít ướt chín bị sóc ăn vừa rụng rơi nơi gốc tỏa mùi thơm ngào ngạt cả một góc vườn. Mấy quả thơm vàng hườm mở mắt căng mọng. Hàng dừa xiêm với những buồng quả dày đặc. Cây dâu da chi chít trái trên thân hay mấy chùm xoài treo lủng lẳng trông bắt mắt lắm mà không có ai hái vì đàn cháu vừa nghỉ hè chưa kịp về.

Khu vườn ngày xưa rộn ràng tiếng cười con trẻ trong những trưa hè giờ vẳng lặng chỉ còn tiếng chim trong vòm lá. Tiếng sột soạt của những con sóc chuyền cành khi thấy bóng người. Khi xưa nó chính là nơi “giấc mơ trưa” của đám nhóc khi chúng tôi leo trèo chẳng khác gì mấy con sóc kia đâu. Những trái mít được vỗ bình bịch hàng ngày xem chừng đã chín chưa. Những quả ổi chi chít dấu móng tay bấm coi thử đã chua chua chưa. Những trái xoài bị vặt khi chưa kịp lớn. Chúng tôi cứ đợi cho đến tận trưa ngày tết Đoan Ngọ để được vào vai cây. Bà giao cho mỗi đứa trèo lên nấp sẵn trên những cây ít sai quả đợi bà dùng rựa giả vờ chặt vào gốc và cất giọng hỏi “Có chịu ra trái không?”. Chỉ chờ có thế chúng tôi vội vàng trả lời “có, có để con ra” rồi tụt xuống cười như nắc nẻ.

     Bà gieo vào lòng con trẻ những niềm tin vô hình vì bà nghĩ cây cũng có linh hồn như một con người vậy. Cây cũng biết buồn, biết vui, biết hờn giận không đơm quả từ đó dạy cho các cháu biết chăm sóc, nâng niu những hàng cây bà trồng. Mỗi khi chúng ra hoa kết trái, tôi lại nghĩ do lời đe dọa của bà vào tết Đoan Ngọ đó thôi. Những niềm tin vào đấng siêu nhiên nào đó luôn làm các cháu của bà tin sái cổ như rụng cái răng sữa là đem ném lên mái tranh hú chuột chờ nó trả cho. Đêm đêm mỗi khi tỉnh giấc tôi giật mình sờ thử xem răng đã được trả chưa. Trong cái ngày đặc biệt này chúng tôi cứ vô tư chui từ bụi này sang lùm nọ mà không sợ rắn cắn vì bà nói “trốn như rắn mùng năm” mà. Còn biết bao kỷ niệm thời ấu thơ nữa đã cùng bà sang thế giới bên kia để cho cháu của bà đứng giữa khu vườn xưa nghe trái tim mình chộn rộn. Thoáng chút hương của những ngày xưa cũ làm dậy lên trong lòng ta bao nỗi nhớ mà ta ước gì có thể gói được mang theo cùng về với phố phường nhộn nhịp. Để mỗi khi nhớ về nơi chôn rau cắt rốn ta có thể lấy ra mà hít hà hương vị ấy cho thỏa.

Tranh màu nước của Nguyễn Bá Thanh

     Sống giữa bao đủ đầy của thế giới hiện đại bây giờ chẳng làm cho các giác quan của ta thèm thuồng chi khi mà chỉ cần vài phút đã thỏa mãn. Bởi thế nên ngày tết Đoan Ngọ đã ít nhiều nhạt nhòa và không còn mấy ý nghĩa vì chúng ta giờ ngày nào chẳng là…tết. Bánh ú, bánh tro không phải đợi đến ngày này mới được ăn. Trái cây, hoa quả tận những lục địa xa xôi giờ được bày bán đầy. Những món quà quê mà ngày còn nhỏ ta phải đợi đến tận nửa năm trời mới có. Với anh em chúng tôi ngày tết đánh dấu mốc nửa năm này được ăn món “mít đút” bà làm ngon hơn bất cứ món quà nào khác.

     Chỉ là những múi mít hườm hườm được bóc hạt ra rồi cho vào đó chút nhân làm từ dừa sợi, nếp, hạt mít giã nhuyễn xào với dầu hành đem hấp lên cho chín. Ngon hơn chút nữa là có tí thịt heo băm. Chỉ có thế thôi nhưng là món ăn nhung nhớ cả một đời người bởi nó được làm tỉ mỉ bằng cả tấm lòng của mình dành cho các cháu.

     Những món ăn giản đơn chứa đựng bao tình cảm của người làm giờ chỉ thấy thôi cũng đủ làm cảm giác của ta rưng rưng. Chẳng cao lương mỹ vị gì chỉ là những thứ trái cây có trong vườn nhà, những món bánh được tận tay các bà, các mẹ làm ra như bánh ú, bánh đúc, bánh xèo, bánh tro… rồi cả nhà quây quần bên nhau là đủ ấm cúng. Hương vị tình thân hun đúc nên thứ tình cảm gắn bó keo sơn giữa các thành viên trong gia đình từ đấy cả. Ta mang theo cả cuộc đời dù có đi phương trời góc biển nào. Ngồi thưởng thức bữa tiệc đón mùng năm tháng năm bằng nhiều món ăn hiện đại bây giờ như bánh pizza, hamburger và nhiều loại trái cây ngoại nhập làm ta nhạt nhòa cảm xúc như mất đi một thứ gì đấy luyến tiếc lắm. Ngoài kia vệt nắng giữa ngày đã quét qua con đường nhộn nhịp xe cộ như cuốn đi những ký ức của lễ hội giữa năm này. Còn đâu hương vị năm nào, còn đâu không gian của bao năm tháng cũ. Ta nhớ lắm, nhớ lắm ngày xưa ơi.

Chè khoai vạc

Tháng Chạp ta đã đến thật gần. Tiết trời năm nay thật lạ. Hình như tính khí cũng trở nên thất thường. Mấy hôm trước vừa mưa như trút. Mưa dầm dề mấy ngày không ngớt, vườn nhà ngập nước, mương nước trước nhà chảy ồ ồ vẫn không kịp, nước tràn lên mặt đường, tràn vào sân. Lênh láng. Hôm qua nắng như giữa ngày hạ oi nồng. Và chi qua một đêm thôi, trời rét buốt kèm mưa. Trời mưa rét dễ khiến con người ta hoài niệm. Tôi nhớ những ngày xa. Nhớ vườn khoai vạc cha trồng. Nhớ nồi chè khoai vạc nóng hổi mẹ vừa nhắc xuống khỏi bếp than hồng.

     Khu vườn nhà cha thường trồng đủ các loại cây.Khi bờ rào bớp bớp đã nở từng chùm hoa tím nhạt tôi lại náo nức vì sắp đến tết rồi. Gần tết, sắc đỏ của cây hồng nhung bung toả trước nhà hương ngào ngạt theo bước chân người. Luống thược dược đủ mọi sắc màu, những bông hoa thi nhau khoe sắc: thược dược đỏ, vàng, cánh sen …rực rỡ. Mặc ai khoe sắc, mặc ai khoe hương. Bụi khoai vạc cứ thế, âm thầm hút nhựa từ lòng đất để dâng người những củ khoai to nhất, ngon bùi nhất. Dây khoai leo lên cây mít mật trước sân. Nhờ tay người cần mẫn chăm sóc nên lá sum suê. Lá khoai to xoè ra như những trái tim. Khoai bị củ có màu tím sẫm luộc lên nứt nở, ăn thơm bùi. Khoai từ mẹ cha trồng thành luống, chúng tôi thường chơi trốn tìm nơi những nơi có cây lá um tùm như vậy. Những loại khoai này vấn vít vào nhau. Khoai cũng như người nương tựa nhau mà sống. Còn bọn trẻ chúng tôi xem chúng như những người bạn thân thiết chẳng kể buổi nào cũng có thể chạy ra mà nô đùa rồi cười vang cả góc vườn nhà. Có khi mải chơi mà quến cả lời mẹ dặn.

Thuở nhỏ, tôi không hiểu sao mẹ cha lại ưu ái trồng nhiều khoai vạc đến thế . Cha trừ giống khoai từ mùa trước. Giống khoai là phần trên cùng của củ khoai khi cắt để ăn cha mẹ không quên phần đầu làm giống đợi mùa sau. Khoai sau khi được cắt để giúp người no bữa sẽ dùng phần trên cùng, già nhất khi vừa cắt xong phải chấm vào tro bếp. Có vậy giống mới không bị khô héo dần rồi không trồng được. Cha mẹ trồng cả một vườn khoai. Thì ra, khoai vạc năng suất hơn nhiều loại khoai khác. Khoai vạc mỡ củ vừa to vừa trắng, nó là vật cứu tinh cho gia đình chúng tôi những ngày giáp hạt. Là niềm vui khi cha mẹ dỡ khoai, có củ khoai to như cái ấm, cha gọi chúng tôi lại cùng xem, tôi thấy áo cha ướt đẫm nhưng niềm vui ngập tràn. Bao nhiêu mệt mỏi dường như tan biến hết. Mẹ nhanh tay xếp khoai vào rổ trên môi nở nụ cười tươi. Trưa hôm ấy, mẹ cho chúng tôi thưởng thức món ăn từ khoai vạc.

     Mẹ nấu canh, những củ khoai bị chắn( bị nhát cuốc phập vào không còn nguyên vẹn) mẹ dành nấu trước. Hình ảnh mẹ tôi ngồi bên giếng khơi trước sân nhà, cặm cụi ,ti mẩn gọt những mẩu khoai rồi ngâm vào chậu nước giếng trong văn vắt. Rồi mẹ lại tất tưởi ra vườn hái những lá mùi tàu xanh mướt mọc chen lấn dưới những gốc chè. Mùi tàu rửa sạch, để ráo nước rồi bàn tay mẹ thoăn thoắt thái chỉ. Chẳng hiểu sao tôi cứ thích được ngắm mẹ tôi làm việc. Đến giờ, tôi cũng không hiểu vì sao mình lại cứ vô tâm mà chẳng biết giúp mẹ những việc làm dù là nhỏ nhặt. Mẹ thương tôi vì tôi còi cọt nên không nỡ bắt làm việc. Còn tôi cứ nhàn rỗi trong sự tất bật của mẹ một cách vô tình thế! Tôi chi chờ đợi nồi canh chín…Bát canh toả khói trong những chiều đông có lẽ suốt cuộc đời tôi cũng không sao quên được. Mùi thơm của rau mùi tàu xanh sắc lá, bát canh sánh đặc, nhin làn khói bốc lên đã thèm nhỏ dãi.

     Ngày ấy, đói. Chao ôi, đói. Nhất là những ngày đông bụng lúc nào cũng như kẹp lép lại. Khoai vườn nhà có sẵn, song hết nấu canh lại luộc. Những miếng khoai vạc trắng tinh, cứ nứt nở ra. Luộc cũng chán mà canh cũng ngậy. Một ít cơm còn chủ yếu là canh nên cả thèm đó nhưng xem ra chóng chán. Phàm cái gì cũng thế, ăn nhiều sinh ra không mấy trân trọng. Ngày một, ngày hai…chứ cứ liền tù tì đâm ra…chán! Nhớ nồi cháo chè khoai vạc mẹ nấu thơm cả chiều đông. Mấy ngày nay các bác kéo che ở sân nhà kho hợp tác( kéo che là ép những cây mía đê lấy nước nấu mật, người dân quê tôi dùng trâu để kéo che). Vui nhất khi cậu út gọi to:

-Chị ơi! Về nhanh lên. Mẹ nấu cháo chè chị ạ.

     Bát cháo chè khoai vạc được mẹ múc ra bát còn nóng hôi hổi. Chi mong được sà ngay vào bàn, húp lấy húp để bát chè cho đỡ cơn thèm. Bát chè ngọt ngào hay là vị ngọt của tình mẫu tử. Bát chè mẹ nấu ngọt đến tận ngày nay mẹ ạ. Những ngày cuối năm con lại cảm thấy lạnh giá hơn mẹ ạ. Mẹ ơi, mẹ có thấu lòng con không, mẹ kính yêu!

     Nhớ nồi cháo chè trong đêm giao thừa. Lễ tế Tổ họ Vương của chúng tôi muộn nhất trong tất cả các họ trong làng. Đúng mười hai giờ họ chúng tôi mới thực hiện nghi thức tế tổ. Họ Nguyễn Đình nhà cái Hương đã tế từ lúc 9 giờ. Họ Nguyễn Văn rộn ràng trống họ lúc đồng hồ chi mười giờ đêm. Họ Trần ở gần đó, lại là họ ngoại của tôi cũng bắt đầu tế tổ. Chị em tôi lại rồng rắn sang xem. Bác Hải, anh Hùng mặc bộ đồ lễ trông thật trang nghiêm…Chúng tôi mấy chị em cùng họ đi xem các họ khác tế tổ đã xong mà vẫn mới chi mười một giờ. Dạo loanh quanh cũng chán, mà giờ tế họ chưa đến tôi bèn rủ cái Uyên (Uyên cùng tuổi lại học cùng lớp) đi về nhà tôi. Nhà tôi chi cách nhà thờ họ có một quãng ngắn. Vừa về đến nhà đã nghe tiếng mẹ từ bếp vọng ra:

– Hai chị em về rồi à? Đã tế họ đâu mà về nhanh thế ?
– Con đói bụng rồi mẹ ạ.

Tôi nhìn lên bàn thờ, hương đang cháy đỏ, mùi hương trầm thơm ngát. Mẹ đã chu đáo mâm cỗ giao thừa với năm bát cháo chè thơm ngọt.

Mẹ tôi bao giờ cũng chu đáo trong việc cúng đơm. Hôm cha đào khoai vạc mẹ đã âm thầm chọn những củ khoai ngon nhất, không sứt mẻ một tí tẹo nào, mà phải là củ khoai cân đối, vỏ khá trơn tru để cất vào góc nhà. Những củ khoai ấy mẹ dành cho ngày lễ tết. Mẹ thường dạy chúng tôi phải trên kính dưới nhường, phải thành tâm với người đã khuất. Để có nồi cháo chè khoai vạc cúng lễ giao thừa mẹ mua mật trước đó cả tháng rồi. Mẹ chọn mật có màu vàng nâu sánh mọi. Nhìn ánh mắt mẹ ánh lên niềm vui được chuẩn bị cho lễ cúng giao thừa. Mẹ nói : Con người có cội nguồn, phải biết ơn, trân qu‎‎í tổ tiên, cố can, ông bà đã cho ta cuộc sống này, con ạ. Mẹ luôn nhắc nhớ chúng tôi nhớ về nguồn cội :

« Con người có cố, có ông
Như cây có cội, như sông có nguồn »
« Khôn ngoan nhờ đức cha ông
Làm nên phải đoái tổ tông phụng thờ »

     Bát chè khoai ngọt thơm mẹ dâng lên người đã khuất, tôi như thấy ông bà đang nở nụ cười hiền. Tôi và cái Uyên ríu rít bên mẹ. Mẹ ơi, nhà thờ họ Nguyễn năm nay đông lắm ạ. Chúng con vừa ở đó về. Uyên thì nhanh nhảu : Làng mình có nhiều nhà thờ bác nhi, chúng cháu đi khắp luôn, bác ạ. Chúng tôi chờ đến giờ để xuống nhà thờ họ. Bỗng tiếng mẹ nhẹ nhàng cất lên : Còn chỗ cháo chè trong nồi hai chị em ăn nhé ! Bao giờ cũng thế, mẹ là người tâm lí nhất và yêu con nhất. Bát chè ngọt vừa độ, mùi khoai vạc thơm bùi, màu mật vàng nâu, những miếng khoai vạc bên trong trắng muốt, bát chè khoai vạc ngày xưa cũ con mãi nâng niu.

     Mẹ kính yêu của con ơi ! Bánh xe thời gian đã chuyển dần về những ngày cuối năm. Bầu trời đùng đục, gió vẫn thổi buốt thịt da, vườn rau nhà mình không hiểu sao mùa này không lên nổi mẹ ạ. Cả luống khoai sọ các năm xanh tốt là vậy mà nay lá khô dần, rũ xuống. Mẹ có biết không, khoai vạc, khoai bị đã đến kì thu hoạch. Hôm trước con qua chợ Truông dã thấy họ đã bày bán khá nhiều đó mẹ. Nơi góc chợ quê, con hình dung bóng mẹ một thời gồng gánh, tảo tần khi mớ chuối, mớ khoai. Mùa khoai lại tiếp mùa sao mẹ của con đi mãi. Mẹ ơi ! Mẹ về với con đi mẹ. Con ước được nhìn bóng mẹ. Con ước được nghe tiếng mẹ. Con thèm được cất lên hai tiếng : Mẹ ơi ! Hình bóng mẹ vẫn đâu đây mà con không bao giờ chạm tới. Con vẫn như nghe văng vẳng bên tai câu ca dao xưa mẹ thường hay đọc : « Từ từ, vạc vạc/ Bên bác mang về… » Bụi khoai vạc nhà chú Ba trước ngõ nhà mình lá úa vàng và bắt đầu rụng xuống. Nay mai chú sẽ thu hoạch thôi mẹ ạ. Mẹ có thèm ăn khoai luộc như có lần mẹ bảo lúc này chi thèm một miếng khoai vạc thật bột, loại khoai mỡ thật trắng để ăn không ạ . Lần ấy, mẹ yếu lắm rồi, không thể nào nuốt khoai được nữa. Có những khi, mong ước bình dị, mong ước nhỏ nhoi nhất nhưng cũng không có cách nào thực hiện được.

     Mùa khoai tháng chạp, con lại thấy thấp thoáng bóng mẹ đâu đây. Mẹ thoăn thoắt ra vườn với chiếc rổ tre trong tay trên môi nở nụ cười hiền hậu. Chị em con cùng nhặt những củ khoai cha vừa đào được. Mẹ lại tất bật với những khoai luộc, nấu canh, nấu chè …Bao nhiêu món ngon được tay mẹ nấu. Ngôi nhà thân yêu lại rộn rã tiếng nói cười. Những giây phút ấy chúng con hạnh phúc biết bao. Thế nhưng, tất cả chi là một giấc mơ. Không bao giờ chúng con được gặp mẹ nữa dù chỉ một lần…một lần thôi. Có chăng mẹ chi hiện về trong những giấc mơ. Mẹ hãy về trong giấc mơ của con, mẹ nhé ! Đã gần một năm rồi chúng con không còn mẹ, Cha và chúng con thật không dễ gì chấp nhận sự thật này. Khi về nhà mình, con vẫn cất tiếng gọi mẹ, tìm cha. Con vẫn có thói quen mở nhẹ tấm mành và nhẹ nhàng gọi mẹ. Sau đó cất tiếng gọi cha. Tìm cha nhà mình thật dễ mẹ nhi ? Nếu cha không đọc báo trong phòng thì chắc sẽ ra vườn bắt sâu, tưới nước cho mấy cây rau, cây hoa sau trước vườn nhà.

     Mùa khoai vạc năm nay, con và cả cái Uyên nữa chi biết nấu cháo chè dâng lên những người mẹ kính yêu của chúng con. Vườn nhà mình năm nay không trồng được gốc khoai từ, khoai vạc nào mẹ ạ. Nhưng con tin ngày tết vẫn không thể thiếu bát cháo chè khoai vạc với tấm lòng thành kính dâng lên người đã khuất. Thức quê dân dã với tấm lòng thơm thảo. Món quê gọi về bao kỉ niệm những ngày xa.

Tôi về nằm dưới giấc trưa

Tôi chạy như bay trên đồng cỏ mướt xanh. Gót chân trần chạm vào lụa là cỏ biếc. Chưa bao giờ êm ái gọi tên ngọt mềm đến thế. Mặc cậu bạn chạy theo sau mướt mải. Tôi quay lại. Khanh khách cười. Rồi lại băng đi. Cỏ thênh thang gọi mời. Chưa bao giờ, chưa bao giờ, tôi thấy chân trời xanh thế…

     Tôi chạy như bay trên triền sông. Nắng lấp loáng màu cổ tích. Đò cập bến. Cậu bạn kịp tới nơi. Chúng tôi bước lên. Mênh mang nắng trưa. Cậu bạn nhìn tôi mỉm cười. Nụ cười say như sóng. Nụ cười hiền như sông. Chúng tôi lặng yên bên nhau. Xa xa, bãi mía nương dâu thầm thĩ xốn xang gì. Sông cứ thế rộng dài. Miên man…

     Tôi chạy như bay về ngõ nhỏ. Con ngõ thần tiên nở nụ cười hiền, ôm tôi ru vỗ. Tụi bạn ríu ran. Ô ăn quan, đánh đáo, đuổi bắt, xòe hoa, trốn tìm…Bao nhiêu trò chơi, bao nhiêu nói cười. Những đứa trẻ trốn giấc trưa, ném tuổi thơ mình vào nắng gió. Ngõ nghiêng mình đồng lõa bao dung.

     Tôi đến bên hàng rào ô rô. Cậu bạn ngắt lá, đưa ống tre lên thổi. Bong bóng xanh, trắng, tím, hồng…rối rít bay lên. Tôi ngước nhìn mê mải. Ngỡ chạm phải giấc mơ trong vắt, ngọc ngà. Cậu bạn bảo: “ Ước đi, thế nào cũng thành hiện thực”. Tôi nhắm mắt lại. Cuống cuồng. Sợ bong bóng tan đi. Gió dùng dằng giữ hộ. Tôi mơ…

Tôi bước vào vườn xưa. Đây rồi cây hoàng lan của mẹ. Cây dịu dàng như nắng, bung biêng những sợi hoa vàng. Hoa nồng trên tay cha ngắt cài lên tóc mẹ buổi mai nào. Đây rồi cây xà cừ sừng sững, vương quốc của bao nhiêu loài chim. Chúng dệt vào tuổi thơ tôi bản tình ca xanh biếc. Và đây, ngôi nhà bằng lá chuối, anh chị em tôi gửi trọn tiếng cười, gửi ánh mắt long lanh khát thèm, ánh mắt dạt dào niềm vui khi nhà mới “xây” xong. Chúng tôi nằm vào trong khẽ hát.

     Tôi đến bên bờ ao nhà mình. Cây sung già hiền lành nghiêng nghiêng soi bóng. Anh trai tôi thoăn thoắt trèo lên, trẩy xuống những chùm sung xanh mỡ. Muối trắng đổ ra lá khoai. Chúng tôi ngồi ăn rất đỗi ngon lành. Mặt ao phẳng lặng, sóng khẽ lăn tăn. Những cọng lục bình dập dềnh khoe bông hoa tím biếc ngẩn ngơ. Giàn bí cạnh cầu ao của mẹ đã xanh lên tự bao giờ. Những đốm nắng vàng ươm ú tim trong vòm ngọc bích. Những quả bí xinh xinh nhú ra. “Một, hai, ba, bốn…”. Tôi khẽ đếm lòng vui như hát. Trên lá khoai, chú chẫu chàng mắt tròn xoe ngơ ngác, xấu hổ nhảy đi mặc chúng tôi dáo dác kiếm tìm. Mấy chị chuồn ớt cạnh đó giật mình, hoảng hốt. Chúng tôi cười khúc khích. Tiếng cười vỡ vào gió, lan vào sóng, chảy tràn trên mặt ao yên tĩnh.
Tôi bước xuống cầu ao. Chiếc cầu tre lắt lẻo giấu gót mẹ tôi những chiều chạng vạng, những sớm tinh sương, những trưa mòn bóng nắng. Tôi ngồi xuống cây cầu thả chân trần khỏa nước. Nghe mát lạnh chạy đi râm ran trong từng sợi tế bào.

     Tôi chạy vào căn nhà xưa. Mẹ ngồi bên bậc thềm, hong tóc dưới hiên. Mái tóc chạm gót chân từng khiến cha tôi mê đắm cứ xanh lên từng sợi. Nắng lẩn vào trong tóc lung linh. Cha ngồi bên chải khẽ. Bềnh bồng mây bay. Nghe hương bồ kết, hương bưởi, hương nhu, hương chanh, hương sả, hương thương quện hòa vào gió. Tôi tan đi, chưa thấy ở đâu bình yên thế. Ngay bên bậc cửa nhà mình.

     Ấy là tôi đang mơ.
Tôi ngồi xuống chạm tay vào hiên đêm thanh tĩnh. Cả nhà quây quần bên nhau ngóng trăng lên. Cha kể chuyện ngày xưa. Mẹ gãi rôm cho lũ con đang rinh rích nói cười. Cha đưa tay chỉ cho chúng tôi kia là Bắc Đẩu, Sao Hôm, kia là chùm Đại hùng tinh, ông Thần Nông có phép, chiếc Gầu Sòng, Con Vịt theo sau; kia là dải Ngân hà. Bao nhiêu bí mật của vũ trụ xa xôi mà tôi khát khao khám phá cứ mở ra thăm thẳm khôn cùng.

     Trăng lên, giấu mặt sau chòm cau bẽn lẽn, thẹn thùng. Hương trăng, hương cau tình tự, dệt thơ trước hiên nhà. Trăng văn vắt, lung linh trong những tối thứ bảy cả nhà lắng nghe Câu chuyện cảnh giác, Sân khấu truyền thanh. Và mênh mang, vời vợi là lúc chúng tôi lên giường đi ngủ, trăng theo vào những câu chuyện đêm khuya, những Tiếng thơ tha thiết bổng trầm…
Trăng nghiêng. Ấy là khi cô bé tôi thao thức ghé nhìn qua song cửa, tò mò. Đêm sao mà sâu thế. Trăng sao mà thanh quá!

Tôi mơ…
Tôi bé lại, lăn vào lòng mẹ. Mẹ âu yếm ấp ôm. Tôi miên man nghe yêu thương lan đi trong từng hơi thở mẹ. Mẹ vuốt tóc tôi – những sợi tóc mai bết dính bao nhiêu mồ hôi buổi trưa hè bêu nắng. Ngón tay mẹ nhẹ nhàng khẽ luồn vào từng sợi, hong khô bằng nụ cười hiền. Trái đất như ngừng quay. Tôi nhắm mắt chìm đi trong giấc trưa nào…

     Tôi nằm xuống cánh võng giữa trưa hè đổ lửa. Võng tơ đay mòn cũ, cọ nhẵn mòn chiếc chấn song thưa. Cọt kẹt võng đưa, đưa tôi vào giấc ngủ. Tay cha sải mạnh chiếc quạt mo cau, gom từ đâu về cơ man nào gió. Tôi chìm vào giấc sâu còn nghe vang vọng những câu Kiều. “Ơi à!À ơi,…”
Ấy là tôi đang mơ.

     Tôi về nằm lại ngôi nhà ngói trầm nâu của thầy u sau bao trốn chạy mệt nhoài. Bận rộn, muộn phiền, phố thị cuốn đi. Tôi bơ vơ lạc loài giữa bao nhiêu điều xa xôi không biết. Tôi cỗi cằn, hoang vu giữa bao điều không tha thiết mênh mang.

     Ừ nhỉ, bao lâu rồi tôi sợ hãi khi nghĩ sẽ đặt chân về chốn ấy? Bao lần tôi khoác ba lô lên rồi lại quay đầu? Tôi cứ trốn chạy thế đến khi nào? Tôi trốn chạy tôi đến bao giờ?
Để rồi hôm nay, tôi dũng cảm trở về. Tôi về đây – về ngồi lại dưới hiên nhà ngập nắng. Rong rêu thời gian, rong rêu cuộc người. Thầy u tôi đã hóa mây trời…Tôi đã dũng cảm về đây để nhặt lại mình, để tự nhủ lòng đừng chạy, chạy mệt nhoài và trốn sẽ thêm đau.
Nằm trên chiếc giường thân thuộc của thầy u, giữa căn nhà rêu phong trầm tích những u hoài, tôi chìm đi trong giấc mơ trưa. Chiếc nôi bình yên nhè nhẹ vỗ ru…
“Ơi à, à ơi, ơi à, à ơi…”

Như vị muối chung lòng biển mặn

N hiều lần, tôi thử đứng trước những cánh đồng muối để tìm cho được vẻ đẹp lấp lánh trong những câu chuyện về đời muối. Những hạt muối đi vào đời sống, nếp nghĩ của bao người và chứa đựng cả một đại dương yêu thương.

     Và, những hạt muối ấy tựa mạch nguồn chảy mãi như tiếng lòng của nhà thơ Lưu Quang Vũ:

Như vị muối chung lòng biển mặn
Như dòng sông thương mến chảy muôn đời.

Mỗi dịp giỗ chạp, tôi lại thấy hình ảnh quen thuộc của đĩa muối nhỏ trên mâm cúng gia tiên. Và có lẽ, hình ảnh ấy từ lâu cũng trở nên thân quen trong mỗi nếp nhà của người dân đất Việt. Điều này không quá ngạc nhiên vì những hạt muối lấp lánh ấy là bao câu chuyện cuộc đời. Hạt muối tuy nhỏ bé nhưng lại có vị trí quan trọng trong đời sống.

     Hạt muối đâu chỉ là “muối mặn tình đời” như ta vẫn nghĩ đến. Nhắc đến muối, người ta hồi nhớ đến buổi sơ khai con người đã biết đến tinh thể rắn được cô đọng kết tinh để ứng dụng trong đời sống. Từ câu tục ngữ thấm đẫm bài học làm người “Cá không ăn muối cá ươn” đến lời ý nhị, hàm chứa ân tình “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn” (Nguyễn Khoa Điềm) cho ta thấy, cuộc đời không phải lúc nào cũng ngọt ngào, đôi khi chúng ta phải nếm trải những nỗi buồn, thất bại và khó khăn.

Dưới ánh nắng chói chang của mặt trời, kết tinh từ những giọt nước biển mặn mòi, mỗi hạt muối là một phần của biển cả, mang trong mình vị mặn của nước mắt, của mồ hôi và sự biến thiên của thời gian. Khi chạm vào đầu lưỡi, hạt muối thức tỉnh giác quan, làm ta nhận ra sự hiện diện của những vị đắng cay, ngọt bùi trong cuộc sống.

     Ngoài công dụng trong thực phẩm, thì trước đó, con người đã biết dùng muối để “bảo hiểm” cho cuộc sống vốn nhiều rủi ro. Tôi vẫn thường nghe má kể, người làng vẫn thường truyền nhau kinh nghiệm đi đâu xa nhất định có hạt muối kề bên. Khi thấy mệt và khát nước thì ngậm một hạt muối trong miệng. Nghe có vẻ phi lý vì hạt muối mặn mòi làm sao có thể đánh tan cơn khát. Nhưng thực ra, nếu ra mồ hôi nhiều, cơ thể bị mất muối thì hạt muối sẽ là vị cứu tinh trên đường xa vạn nẻo.

Vậy đó, hạt muối đã theo bao lớp người trên dặm dài xa ngái, khi tứ xứ làm ăn, khi chuyển dời đời sống, muối theo họ trên hành trình vạn nẻo.
     Ở quê tôi, nhà nào cũng có một bịch muối được treo ngay trong bếp. Ngoài sự tiện lợi khi nấu nướng, muối được bảo quản trong bếp sẽ không bị chảy nước. Người làng tôi vẫn giữ thói quen cho đến cuối đời, là mỗi khi nhìn xuống mâm cơm lúc nào cũng phải có một đĩa muối trắng thì mới bưng chén cơm mà ăn được. Thời kỳ gian khổ, có bát cơm nóng rắc một chút muối đã là bữa cơm đáng giá rồi. Má tôi vẫn thường nhắc: Vị chua vị chát thì có thể thiếu được, chứ thiếu vị mặn coi như mất nửa phần đời.

Cũng vì thỏa mãn sự hiếu kỳ về hạt muối, hôm lang thang trong Thư viện tỉnh, tôi đã tìm đọc tài liệu về sự giao thương hạt muối. Mới hay, hạt muối hiện diện từ rất lâu, không chỉ ở đồng bằng mà còn ngược ngàn gắn kết với cộng đồng người Tây Nguyên. Mới biết rằng, một thời, ông cha ta băng rừng, dấu chân len lỏi và không mệt mỏi đã gùi sản vật từ miền núi xuống miền biển để cõng về những gùi muối nặng ân tình.

     “Cung đường muối” cũng từ đó mà xuất hiện. Vượt núi, men theo các đỉnh đèo, di chuyển xuống đồng bằng mà giao thương hàng hóa trong những cuộc mua bán theo phương thức vật đổi vật. Hay khi đọc lại tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc, tôi đã rơi nước mắt khi ông kể về những cơn “đói muối” trên đất Tây Nguyên xưa.

     Mới đây trên một nền tảng số, chúng ta nhận được sự quan tâm, chia sẻ, bàn luận từ câu chuyện của giáo sư người Pháp gốc Việt Phan Văn Trường, khi ông đề cập về chủ đề sự tự tin của người Việt. Tôi thấy thú vị và bổ ích. Giáo sư Phan Văn Trường cho rằng: Người Việt từ chối tủ lạnh “văn minh” để được “hạnh phúc”.

     Khoan bàn đến sự đúng-sai hay cơ sở khoa học với những luồng ý kiến khác nhau mà tôi chỉ muốn nói đến sự thú vị qua câu chuyện của ông, khi những món đồ tươi sống cổ truyền mang ngay từ chợ vào bếp mà không sợ tẩm ướp hóa chất bảo quản. Điều này cũng đúng đó chứ. Đúng hơn nếu ta ghi nhận vai trò của hạt muối trong việc ướp, bảo quản thực phẩm.

     Câu chuyện của Giáo sư Phan Văn Trường không phải một đoạn cắt cúp lan truyền trên mạng mà là câu chuyện của những gì rất tự nhiên, của bao thứ vốn dĩ bình dị, thân quen như hạt muối.
Má tôi, một người đàn bà chất quê thấm đẫm vẫn giữ thói quen ăn uống cũ, nồi canh chỉ cần nêm hạt muối cũng đã ngon, chứ không nêm gia vị được đóng gói bày bán la liệt tại các chợ, siêu thị. Dường như từ buổi sơ khai, mẹ thiên nhiên đã tính toán, lo liệu cho con người hết thảy. Nên cơn cớ gì con người cứ mãi kiếm tìm những điều mà chưa chắc đời họ đã cần đến nó.
Nhắc đến nhà văn Nguyễn Tuân, ta nhớ đến chỉ có một bữa cơm muối “để đời” như ông từng ăn và mô tả thì khó bắt gặp vô cùng. Ngay cả khi các đầu bếp nổi danh của phương Tây lên truyền hình nấu ăn, họ cũng luôn dùng 2 thứ gia vị chính là muối và hạt tiêu.

       Nhiều lần, tôi thử đứng trước những cánh đồng muối để tìm cho được vẻ đẹp lấp lánh trong những câu chuyện về đời muối. Khi đến làng Gò Cỏ (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), tôi vô cùng ngạc nhiên khi biết nơi người dân làm muối trên các trảng đá cổ và cũng là nơi phát tích nghề muối có niên đại khoảng 2.000 năm.

     Tôi đã ngắm nhìn những hạt muối thật lâu, những hạt muối trắng nhưng nhức thứ ánh sáng diệu kỳ trong ký ức tuổi thơ tôi. Những hạt muối đi vào đời sống, nếp nghĩ của bao người và chứa đựng cả một đại dương yêu thương.Và, những hạt muối ấy như mạch nguồn chảy mãi như tiếng lòng của nhà thơ Lưu Quang Vũ:

Như vị muối chung lòng biển mặn
Như dòng sông thương mến chảy muôn đời.

Cỏ lau

Sông Lô, sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u. Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu Sông Lô, sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô xưa...Văn Cao

     Tôi thích ngắm bình hoa sen rực rỡ, gợi nhớ hương trà ướp sen thơm ngát trong gian nhà cổ của bà ngoại giữa thành Sơn êm đềm, gian nhà có nền gạch đỏ trầm mặc, có bể nước mưa mát lạnh, dài như nỗi nhớ về tuổi thơ; tôi thích cảm giác bước vào gian phòng có hương thơm thanh quí của bông hồng nhung như thầm thì lời xao xuyến; tôi cũng thích cả trời hoa dã quỳ lộng lẫy trong nắng và gió cao nguyên bên những người bạn nồng hậu ngọt ngào… Tôi thích rất nhiều loài hoa, chỉ đơn giản vì hoa luôn gợi cái đẹp, luôn là cái đẹp…

     Nhưng có một loài hoa tôi không phải thích, không phải ham, không phải hiếu kì… mà là yêu, là thương, là nhớ nhung đắm đuối, là ngậm ngùi, xót xa…, loài hoa ấy, thậm chí nhiều khi nhắc tới, nó bị cắt bỏ hẳn chữ “hoa” vốn là biểu trưng cho cái đẹp, chỉ để lại phần nhỏ nhoi, bình thường, tầm thường, phần hay gắn với thân phận hèn mọn bên mọi cái kiêu sa, gắn với cái nhạt nhoà bên mọi sự lộng lẫy – đó là hoa lau, đó là cỏ lau! Chẳng thế, người xưa đã phân định ranh giới sang hèn “Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi” (Nguyễn Trãi) khi nói về cái mong manh của kiêu sa, sang trọng để được chiều chuộng, nâng niu trong sự tương phản với sức sống mạnh mẽ của cái tầm thường hèn kém dưới chân người để thờ ơ, hờ hững…!

     Tôi đã yêu tới xao xác những bờ lau hiu hắt âm u từ lời ca đẹp não nùng của Văn Cao.
Tôi cũng yêu xót xa những hồn lau cô đơn “nẻo bến bờ” trong câu thơ Quang Dũng bởi hình dung đầy nhớ nhung về con đường hành quân trập trùng đèo dốc của miền Tây…

     Tôi yêu “cỏ lau” từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Minh Châu bởi sự cộng hưởng nao lòng khi hình dung một vùng bạt ngàn cỏ lau, bạt ngàn những hình người đàn bà hoá đá, trong tiếng hát và tiếng đàn ghi ta vẳng trong gió Lào cuốn lá lau bập bùng:

“Điều đó rồi xảy ra, em biết và em biết
Một mai anh chiến thắng trở về
Đôi vai gầy và đôi mắt sâu
Tóc đã điểm bạc, làn da nay sạm màu sương gió
Bởi chiến tranh, bởi chiến tranh đâu phải trò đùa”

Tôi càng yêu lau vì “Phận hoa bên lề” của một người thơ tài hoa đi qua cuộc đời như một cánh lau mềm trắng xót lòng…!Tôi yêu lau bởi vẻ đẹp buồn của nó có khả năng làm run rẩy kể cả gỗ đá!

     Tôi không hiểu sao nhiều người cho rằng hoa lau đơn điệu – đơn điệu được sao với bao nhiêu hình trạng trong mỗi thời điểm, mỗi góc nhìn, khi là những cụm bông mềm xốp, nhẹ như mây khiến muốn ấp iu bên má; khi như những chiếc lược cong cong với li ti hạt nhỏ để khát khao gài lên mái tóc; khi nở bung trong nắng để người bước tới bất giác mỉm cười; khi lả lướt yếu mềm trong gió để người qua rồi còn tần ngần thương mến…

     Tôi cũng không hiểu sao nhiều người cho rằng sắc lau buồn tẻ! Buồn tẻ được sao khi màu của lau là sắc trắng của mây, sắc vàng của nắng, sắc tím của hoàng hôn, sắc xao xác của gió… tinh khiết trắng, ấm áp vàng, tím như thương nhớ, nhạt nhoà như hư không… những sắc màu buồn, rất buồn, nhưng tuyệt nhiên không buồn tẻ. Buồn khiến người ta muốn khóc, vì yêu thương, buồn tẻ khiến người ta chán, vì nhạt nhẽo!

     Tôi càng không hiểu vì sao nhiều người cho rằng phận lau hèn mọn, sự hèn mọn của thân phận thường hay bị gắn với sự hèn mọn trong cốt cách! Hèn mọn được sao khi hồn lau thanh sạch giữa mây ngàn gió núi, khi lau được tưới tắm trong khí trời và sương núi trong lành; hèn mọn được sao khi lau bình thản giữa hoang vu, không đua chen, không bấy bớt, lau lả lướt mà cứng cỏi, lau hiu hắt mà an nhiên, cái từ “an nhiên” theo nét nghĩa đẹp nhất của sự đứng ngoài mọi bon chen, hỉ nộ, sân si…, tuyệt không mang nghĩa hèn kém của sự ích kỉ, thờ ơ, vô cảm…

     Vô cảm sao được khi những bông lau tạo bởi muôn hạt nhỏ li ti, tựa cái tế vi mềm mại, khả dĩ đón nhận trọn vẹn tất cả mọi xao động của đất trời, dù chỉ một chút mơ hồ của gió, để run rẩy, chao đưa, để nũng nịu, duyên dáng… Sự nhạy cảm của người có thể nặng nhẹ, giấu che, còn của lau, đó là cái nhạy cảm vĩnh hằng cùng gió vĩnh hằng, hiện hữu trong cả tiếng lau xào xạc, trong cả bóng lau xao xác, sự nhạy cảm làm nên hồn cốt, làm nên vẻ đẹp, làm nên cái nhoà nhạt mong manh rung động muôn đời để lau thầm thì muôn đời với hư không, để người ngơ ngẩn không nỡ bước qua những bờ lau xao xác đung đưa…

     Nhưng tôi hiểu vì sao người ta nói lau cô đơn! Lau luôn đưa tới cảm giác cô đơn bởi lau thường chọn cư ngụ ở những nơi tiêu sơ, hoang vắng – là triền núi heo hút chỉ có những ngọn gió buồn, là bờ sông quạnh quẽ chỉ miên man lặng thầm tiếng sóng, là ven đường nhỏ chỉ hắt hiu những cỏ hoa mà đời đã mặc định gắn thêm vào tên một chữ “dại” – cái dại khờ của vô danh, lặng lẽ, của chấp nhận, nhạt nhoà… Lau đưa tới cảm giác cô đơn có lẽ còn bởi dáng vẻ của chính nó – người xưa nói “Cây cao tìm sự cô đơn trên trời / Ngọn cỏ tìm bạn bè dưới đất” ( Tagore) – lau không thuộc hàng tứ quí như tùng như bách, cao quý, sang trọng ngay trong cái cô đơn thăm thẳm giữa bầu trời, nhưng lau cũng không la đà ngả mình tìm bạn bè với hoa cỏ xòa lan dưới đất…

     Lau vượt thoát khỏi cỏ hoa mà cũng không bận tâm vươn níu theo tùng bách, lau một mình giữa lưng chừng cái chông chênh chới với của mình, cái lưng chừng vừa cô đơn vừa kiêu hãnh, cái lưng chừng giữa cỏ thấp mây cao, cái lưng chừng trong cõi riêng khiêm nhường mà cao ngạo của lau…

     Nhưng ngẫm lại, hình như cô đơn chỉ là cảm giác con người mang đến cho lau, mặc định cho lau, chủ yếu để tìm kiếm chốn nương náu đồng cảm sẻ chia cho nỗi cô đơn của chính mình – có mấy ai đang vui vầy ấm áp mà tìm đến với lau? người ta tìm tới lau mong nhìn thấy sự hiện hữu cái cô đơn không thể bạch hoá của lòng mình. Lau như tách trà độc ẩm, như chén rượu Lý Bạch xưa ” Cử bôi yêu minh nguyệt/ Đối ảnh thành tam nhân” (Nâng chén mời trăng sáng/ Mình, với bóng, là ba) – những phương cách con người tự ru mình, tự thương mình, tự an ủi mình…, lấy lau, lấy trà, lấy rượu làm niềm tri âm, tri kỉ! Xét cho cùng, hoa lá cỏ cây, mây ngàn gió núi, buồn hay vui, thảy tự lòng người khi nhìn ngắm!

     Còn lau, dù luôn tìm tới lau để nghiền ngẫm nỗi cô đơn, nhưng tôi vẫn ngậm ngùi hiểu rằng lau không hề cô đơn. Hãy xem sức mạnh của lau, hình hài của lau, vẻ đẹp và hồn cốt của lau đều do gió – gió là tri âm, tri kỉ, gió là bạn bè, thân hữu, là lý do tồn tại của lau. Lau cứng cỏi và yếu mềm trong gió, tiếng lau xào xạc, hình lau xao xác, sắc lau nhạt nhoà, lau lả mình trong gió, lau vút cao trong gió, gió khiến lau có linh hồn, gió xui lau thầm thì tâm sự… Khi bên mình luôn hiện hữu một tri âm tri kỉ như vậy, lau liệu có cô đơn? Ngắm sắc lau, hình lau, nhiều khi tôi ngỡ ngàng nhận ra vẻ đẹp tới nghẹn ngào của tình tri kỉ: gió vô hình nên lau cũng như muốn tiết chế sắc màu để sắc lau mang màu hư không tựa gió; gió trìu mến ấp ôm nên lau cũng như muốn lả mình thành gió, cả bờ lau, thân lau cho tới từng bông lau đều miên man theo hình gió, vươn một chiều đắm đuối yếu mềm như muốn tan trong gió… – người ta luôn nhận ra gió qua hình lau, cũng như đời luôn nhận ra ta từ tri kỉ, tất nhiên nếu trên đời thật sự tồn tại một khái niệm “tri kỉ” – nhưng giả thiết ấy thực ra luôn mong manh hơn hình lau, nhạt nhoà hơn sắc lau, mơ hồ như sương, như gió…

     Ngẫm vậy mới nhận ra vì sao xa cách phồn hoa mà lau vẫn an nhiên, vẫn bình thản – lau không cô đơn tội nghiệp như con người, sống giữa đông đúc ồn ào mà vẫn thấy heo hút trống trải, lau đã có suốt đời lau một tấm tình tri kỉ, vô hình mà thuỷ chung, vô vi mà trìu mến, hoang hoải mà ngọt ngào…

Yêu hoa lau, cỏ lau từ lâu lắm, cũng muốn lắm một lần bày tỏ niềm yêu, nhưng lại nghĩ tới Hoàng Hạc Lâu và câu thơ họ Lý:”Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc/ Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu” (Trước mắt có cảnh không nói được/ Thôi Hiệu đề thơ ở trên đầu).

     Nhưng lau mùa đông cứ xao xác gọi vời tự cõi hư không, cứ thao thức một niềm nhung nhớ, cứ miên man lời ca “Sông Lô, sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u…”, chẳng thể không đáp gọi…!

Ghi chú: * “Phận hoa bên lề” – Chu Văn Sơn. Minh họa: Alfred Grupstra
Hà Nội, 18/12/2019