25 C
Hanoi
Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Dưới tán cây lộc vừng

Bố nói tôi di chuyển bàn ở...

Tam Kỳ vàng nắng vàng hoa

Bây giờ đã là cuối mùa xuân,...

Trở lại Ayun Pa

C on người ta thật kì lạ,...

Dưới tán cây lộc vừng

    Bố nói tôi di chuyển bàn ở trong nhà ra ngoài sân dưới tán cây lộc vừng. Tôi cau mày, không phải không muốn giúp bố, mà mùa hoa lộc vừng nở rộ, cánh hoa rụng lả tả, ngồi dưới tán cây có nhiều côn trùng xuất hiện. Nhưng không hiểu sao năm nào cũng thế, mùa hoa nở rộ, bố tự pha một ấm trà, tự rót tự uống, ngồi tư lự hàng giờ rồi lẩm nhẩm như đang nói chuyện với ai.

    ​Cây lộc vừng đứng sừng sững trong sân nhà, gắn bó với gia đình tôi bao mùa mưa nắng. Ngày xưa khi tôi lên bốn, lên năm còn đi lẫm chẫm, chú Biên- người đồng đội cũ của bố mang đến nhà tặng cây lộc vừng. Lúc ấy, cây chỉ bằng cán cuốc, cao ngang đầu tôi một chút. Bố cuốc đất, tự tay trồng, ngày ngày tưới tắm, chăm sóc. Vậy mà nay mấy chục năm trôi qua, cây vươn cao, xòe ra ba cành đối xứng, trên từng cành có nhiều nhánh, ở mỗi nhánh lại xếp lớp lớp những lá xanh.

    ​Mùa lộc vừng đổ lá, ngay sau đó là mùa lộc vừng đơm bông. Sáng sớm hôm trước, trong ánh bình minh ló rạng, từ ô cửa sổ trong căn phòng nhìn ra, tôi thấy đám lộc vừng mới lốm đốm vài chiếc lá vàng tươi, vậy mà chỉ sau một đêm thức giấc, cả cây đã chuyển sang sắc vàng óng ánh. Một cơn gió thổi qua, đám lá vàng lìa cành rơi lả tả xuống sân nhà. Bố quen dạy từ tờ mờ sớm, đôi chân còn ngập ngừng đạp nhẹ lên đám lá lộc vừng thẫm ướt đẫm sương đêm. Nhớ khi còn nhỏ, tôi hay ôm cả đám lá đã quét gọn vào một góc, tung lên, những chiếc lá bay bay xoay tít trong gió như những cánh bướm dập dờn. Bố đứng bên nhìn, mỉm cười đôn hậu và chẳng bao giờ trách mắng. Những mùa hè rực rỡ của tuổi thơ, chúng tôi hay ngồi dưới gốc cây chơi ô ăn quan, chơi chuyền, chơi chắt….

    Bố tôi rất dễ tính, ngồi dưới gốc cây lộc vừng dùng đất sét nặn ra rất nhiều con vật như con trâu, con voi, con gà…nhìn vô cùng đẹp mắt. Bọn nhỏ trong xóm đứa nào ngưỡng mộ vì tôi có ông bố thật tâm lý. Có những ngày thuê được truyện tranh bảy viên ngọc rồng, trốn việc nhà leo lên cây ngồi vắt vẻo ở chạng ba gác để đọc. Đến đoạn hay quá cười như nắc nẻ, thế là bị bố phát hiện. Nhưng bố không quát và la mắng bao giờ, bố ngước lên nhìn chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng, leo cây phải cẩn thận kẻo ngã. Nên thế giới tuổi thơ của tôi qua đi thật êm đềm và hạnh phúc.

    ​Tôi chưa thấy cây nào lá rụng nhanh như lộc vừng. Thời gian ngắn ngủi quá. Nên lộc vừng chọn cách phô diễn hết mình cho vẻ đẹp lung linh ngay trong giờ phút tàn lụi, đúng như người ta hay ví “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Nhưng quy luật ở đời thịnh-suy chuyển động, có những thứ phải mất đi để tạo ra những giá trị mới tốt đẹp hơn. Sau đám lá vàng cuối cùng rụng rơi, từ cành cây khẳng khiu ấy những nụ non xanh biếc, mỡ màng bật lên trong ánh bình minh ló rạng. Đầu cành bắt đầu xuất hiện những chuỗi dây hoa rủ xuống như mành mành. Mỗi chuỗi hoa ấy lại chi chít hàng trăm chiếc nụ bé xinh, tròn vo như trứng cá. Hoa nở cánh mỏng như tơ, bung ra mềm mại, hàng ngàn, hàng vạn cánh hoa như những chiếc đèn đang lung linh thắp sáng một góc sân nhà.

    Lộc vừng chỉ đẹp khi nở về đêm. Nhưng đêm, tôi nào có thời gian mà ngắm. Chỉ có hương hoa thơm nồng nàn, theo cơn gió len lỏi vào căn phòng, hương hoa mơn trớn để lòng người phải si mê, xao xuyến, sống trong phút giây bình yên, thư thả. Hoa lộc vừng nở nhanh và tàn nhanh. Chớp mắt mới chiều qua còn buông mình đỏ thắm, sáng nay ra trên cây đã chơi vơi, trơ trọi, chỉ thấy trước sân nhà có một thảm nhung hoa. Có lần bố nhìn hoa rụng tơi tả rồi thở dài bảo: chú Biên trở bệnh, đã đi đến thế giới khác, một thế giới mà những vết thương từ thời còn chiến tranh để lại trên người chú không còn đủ sức hành hạ chú nữa. Bố nói thế, nhưng mắt bố đỏ hoe, khuôn mặt nhăn dúm như quả táo tầu. Bao nhiêu cảm xúc chẳng thể kìm nén. Những bông hoa lộc vừng cứ rơi rơi theo cơn gió phủ đầy như một thảm hoa

    ​Vô thường cứ thế trôi qua, sáng nay đi làm, dắt xe ra, chẳng nỡ đạp chân xuống thảm hoa mềm mại. Chợt dừng lại ngước mắt lên nhìn vòm cây xanh. Nhận ra hoa lộc vừng đã tàn nhanh, đã tận cùng dâng hiến tất cả cho đời, chẳng giữ lại cho riêng mình, trên cây chơ chọi. Nhìn qua bố đang ngồi uống trà một mình, dưới tán cây lộc vừng. Tóc bố đã bạc, lưng còng, chân chậm, còn bị lẩn thẩn do bệnh tuổi già. Bố lúc nhớ, lúc quên, nhưng trong câu chuyện không đầu không cuối lại nhắc: Sao lâu rồi không thấy chú Biên tới nhà chơi.

    Tôi chợt thấy sống mũi cay cay. Cuộc đời này ngắn ngủi quá. Mới đó mà thời gian đã hằn lên trên khuôn mặt khắc khổ của bố. Vậy mà tôi đã vô tâm không nhận ra. Tôi dừng xe, ngồi xuống uống trà cùng bố và bắt đầu lắng nghe câu chuyện của bố mình. Hương hoa vẫn nồng nàn trong gió.

    Tam Kỳ vàng nắng vàng hoa

      Bây giờ đã là cuối mùa xuân, bầu trời xanh thênh thang hơn, nắng cũng vàng mênh mang hơn. Tôi ngồi bên quán vắng mơ màng theo câu hát:

      “Tam Kỳ mùa xuân như đã
      Mang bao tươi xanh về đây trải rộng
      Cánh đồng rừng dương biển cả
      Con kênh trôi xa, trời nước bao la…”.

      Tiếng cô gái bàn bên nũng nịu với chàng trai làm tôi chú ý: anh đưa em đến vườn Cừa chụp ảnh hoa sưa nhé! Tôi bất giác nhìn lên, góc phố hằng ngày tôi qua đã rực rỡ sắc vàng. Vậy là một mùa hoa sưa nữa lại về….
      Nếu có ai hỏi rằng Tam Kỳ mùa nào đẹp nhất tôi sẽ không ngần ngại mà bảo rằng thành phố ngã ba sông này đẹp nhất, lộng lẫy nhất là khi mùa hoa sưa nở. Trên từng con đường, góc phố, dọc theo bên bờ sông đâu đâu cũng sẽ bắt gặp những hàng sưa lấp lánh hoa vàng trên những tán lá xanh. Những ngày này, dạo bước dưới đường Bạch Đằng, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Hưng Đạo, bên hồ Nguyễn Du hay lạc bước vào vườn Cừa tôi như đi dưới một dòng sông hoa vàng óng ánh. Loài hoa mỏng manh chỉ rực vàng ít ngày nhưng lại gây thương nhớ không nguôi. Không chỉ riêng tôi mà hầu như ai đã một lần chạm ánh vàng sưa ấy đều bâng khuâng, xao xuyến, đặc biệt là những người con xứ Quảng xa quê.

      Hoa sưa còn có tên là cửu lý hương, nghĩa là loài hoa có hương bay xa lắm, hương thơm bay khắp chín làng thôn. Giữa muôn vàn màu sắc, sưa lại chọn cho mình một sắc vàng óng ả. Cây cứ như gom hết nắng, gom hết gió, gom hết sương, gom hết những tảo tần, vất vả của mảnh đất khắc nghiệt miền Trung để tỏa ánh vàng rực rỡ.

      Không giống như những loài cây khác thường đâm chồi nảy lộc lúc xuân sang. Sưa vàng vẫn âm thầm ấp ủ nắng xuân, mưa xuân, gió xuân, gom góp hết những gì tinh túy nhất của đất trời mùa xuân để rồi khi mùa xuân qua đi, những nụ mầm mới bắt đầu nhú lên biêng biếc. Không biết vàng sưa gọi nắng hè về hay vì nắng vàng kia mà sưa bung nở? Chỉ biết, sau cơn mưa đêm đầu mùa, sáng ra đã thấy sưa bừng nở sắc hoa, vàng rực cả khoảng trời thương nhớ. Hương sưa thoảng thơm dìu dịu trong gió, sà trên vai, đậu trên tóc, len vào giấc mơ của cô gái đang tuổi xuân thì.

      Tôi nhớ mình đã đọc ở đâu đó rằng những gì rực rỡ thường chóng tàn phai. Và hoa sưa cũng vậy. Hoa sưa dân dã nhưng không kém phần kiêu kỳ, mộc mạc nhưng lộng lẫy vô cùng. Mỗi mùa hoa, sưa như rút cạn nắng vàng, khoe sắc phô hương. Mới buổi sáng thôi vẫn còn bung biêng trên cành lá biếc mà khi bóng chiều vừa chập choạng phía chân mây đã thấy hoa sưa trải một lớp hoa vàng. Hoa chỉ nở rộ khoảng vài tuần rồi sau đó từng cánh hoa mỏng manh rơi xuống mặt đường. Hoa kết thúc đời hoa nhưng vẫn không quên làm đẹp cho đời. Những cánh hoa rơi xuống tạo thành một tấm thảm hoa vàng tuyệt đẹp. Đến Tam Kỳ mùa này chỉ thấy vàng nắng, vàng hoa, thành phố trẻ như khoác lên mình tấm áo choàng rạng rỡ.

      Tôi yêu Tam Kỳ vẫn vẹn nguyên như ngày đầu tiên tôi đặt chân đến mảnh đất này cách đây đã mười năm. Tam Kỳ là phố nhưng vẫn giữ nguyên nét bình dị của miền quê yên ả. Người Tam Kỳ hồn hậu, chân chất, đất Tam Kỳ cứ vậy níu giữ bước chân bao người lữ thứ. Dưới những gốc sưa già, vào những đêm trăng sáng từng đôi tình nhân hò hẹn nhau. Hoa sưa là nhân chứng cho tình yêu. Những hàng sưa ven sông đã chứng kiến bao sự hợp tan, bao niềm vui, bao nước mắt của những đôi lứa yêu nhau.

      Cô bạn tôi đã mười năm khắc khoải đợi chờ chàng trai của tuổi thanh xuân. Cô ở lại mảnh đất quê nhà còn chàng theo đuổi giấc mơ ở tận trời Tây. Tình yêu của họ lớn dần chỉ qua những tin nhắn, những cuộc gọi trái giờ. Cứ đến mùa sưa nở, cô lại ngóng trông mặc bạn bè khuyên nhủ, ba má thúc giục chuyện chồng con. Cô lỡ yêu màu vàng sưa, lỡ yêu chàng trai lãng tử, lỡ tin vào lời hứa khi hoa sưa nở sẽ trở về mà chờ đợi một năm, hai năm, ba năm và rồi đã mười năm đằng đẵng. Mỗi mùa hoa sưa về, cô lại lặng lẽ ngồi bên bến sông, nhìn hoa bay mà lòng thương nhớ không nguôi.

      Tôi nhận được tin nhắn của cô bạn khi mùa sưa vừa bung cánh: “mai chúng mình đi chụp ảnh hoa sưa nhé. Tớ có tin đặc biệt dành cho cậu”. Vừa gặp nhau cô ấy đã ôm chầm lấy tôi và bảo anh ấy về nước rồi, cuối tháng này chúng tớ tổ chức đám cưới, cậu đến vui cùng tớ nhé. Tôi chưa bao giờ thấy cô ấy vui đến vậy và trong giây phút đó tôi tin rằng nếu có tình yêu, nếu đủ niềm tin thì hạnh phúc nhất định sẽ đến với những ai biết đợi chờ. Như sưa vàng qua bao ngày đông giá rét, chỉ chờ ngày nắng ấm mới tỏa sắc đưa hương.

      Không hẹn mà chúng tôi đều chọn cho mình bộ áo dài màu trắng. Cả hai muốn lưu lại bộ ảnh kỷ niệm mười năm gắn bó với vùng đất này cùng hoa sưa. Hôm nay, Tam Kỳ nắng vàng dường như lung linh hơn, sưa vàng dường như rực rỡ hơn và tiếng cười của chúng tôi dường như cũng xôn xao hơn. Tôi ngước nhìn lên bầu trời xanh vời vợi và bất chợt ngân nga câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

      “Em đến bên đời hoa vàng một đóa
      Một thoáng hương bay bên trời phố hạ
      Nào có ai hay ta gặp tình cờ
      Nhưng là cơn gió em còn cứ mãi bay đi…”

      Trở lại Ayun Pa

        C on người ta thật kì lạ, luôn khao khát được đi xa, đến những vùng trời mới, khám phá những miền đất mới nhưng đôi khi lại hờ hững, dửng dưng hoặc bỏ qua những vẻ đẹp rất gần, hiện hữu trước mắt, quanh mình.

        Sống ở Gia Lai bao năm nhưng tôi vẫn chưa có dịp đi hết các huyện, thị xã trong tỉnh. Phần vì bận rộn, phần vì không có chủ đích, bởi một ý nghĩ: ở đó có gì đẹp/hay/ vui không? Nên Ayun Pa cứ xa vời thế, dù thị xã này chỉ cách Pleiku hơn hai giờ xe chạy.

        Bao lần đi Phú Yên, Nha Trang, Ninh Thuận, qua Quốc lộ 25 ngang Ayun Pa, tôi cũng không dừng lại. Tôi cứ lướt qua Ayun Pa, trên đường đi và cả trong ý nghĩ, dù tôi chưa biết gì nhiều về mảnh đất này. Trong trí nhớ của tôi, Ayun Pa gần 20 năm trước – khi tôi về làm nhiệm vụ coi thi tốt nghiệp cấp 3 lần đầu ở đó – khá buồn tẻ và heo hút. Những gì còn đọng lại trong tâm trí tôi là đường xuống huyện khá xa, nhiều quãng khó đi, chúng tôi lại gặp phải cơn giông tối tăm mặt mũi trên đèo Chư Sê khiến cả đoàn đi xe máy ướt sũng. Ngoài ấn tượng về nỗi buồn vắng ở cả cảnh và người, tôi không nhớ gì nhiều về Ayun Pa thuở ấy.

        Bẵng đi bao nhiêu năm, lần này tôi mới trở lại, cũng là lần thứ hai làm nhiệm vụ coi thi tại chính ngôi trường năm xưa tôi từng đến, trong kì thi TN THPT vừa rồi. Cảm giác vừa vui vừa buồn, vừa nao nức, có gì như là sự hồi hộp mong chờ.

        Vẫn con đèo Chư Sê quanh co uốn lượn nhưng đã được nâng cấp và mở rộng, có taluy rào chắn an toàn, chạy giữa những hàng cây xanh mướt. Đây là con đèo ngăn cách hai huyện Chư Sê và Phú Thiện. Đỉnh đèo là đất Chư Sê, chân đèo là đất Phú Thiện, giáp với Ayun Pa. Không ít ô tô xe máy đã dừng lại lưng đèo chỉ để thu vào tầm mắt và ống kính hình ảnh con đường rợp mát bóng cây cùng toàn cảnh thung lũng Ayun trù phú thanh bình với những xóm làng quây quần dưới chân đèo. Cảnh ấy không hẳn ngoạn mục hay hùng vĩ như nhiều con đèo khác nhưng đủ khiến người ta thốt nhiên trầm trồ vì vẻ nên thơ và yên ả.

        Ayun Pa đã thay da đổi thịt rất nhiều so với lần đầu tôi đến. Ở vùng ven thị xã, nơi quốc lộ 25 đi qua, những căn nhà sàn tranh tre nứa lá lụp xụp tạm bợ nằm dọc hai bên đường năm xưa hầu hết đã được thay bằng những nhà sàn gỗ khang trang, vững chãi. Hàng quán nối nhau mọc lên. Ấn tượng trước đây về một phố huyện đìu hiu buồn tẻ khiến tôi hơi ngỡ ngàng và phấn chấn khi gặp lại một Ayun Pa náo nhiệt, rộn ràng.

        Trong mấy ngày lưu trú tại Ayun Pa, chúng tôi được thưởng thức văn hoá ẩm thực của người dân vùng Cheo Reo, ấn tượng vì lạ và ngon. Không phải chỉ ở tài nghệ nấu nướng chế biến món ăn của người Ayun Pa mà ở chính nguyên liệu làm nên những món ăn ấy. Đặc biệt là món lá mì xào hoa đu đủ đực. Không phải tôi chưa từng được ăn lá mì theo cách chế biến của người dân tộc thiểu số nhưng đây là lần đầu cảm nhận được đủ vị đắng cay ngọt bùi của lá, của hoa, của ớt, thứ ơt xiêm, ớt hiểm xanh bé xíu lẫn trong rau, không cay xé lưỡi nhưng đủ làm bừng tỉnh vị giác. Có cả vị béo thơm của cá hấp được xé nhỏ và tóp mỡ trộn một cách công phu hài hoà trong rau, ăn một lần rồi nhớ mãi.

        Thị xã Ayun Pa mấy ngày tôi đến nóng kinh người, chênh lệch nhiệt độ với Pleiku có lẽ tầm 5 đến 8 độ. Cái thứ nóng khô và oi bức không chỉ do nắng mà bởi địa hình lòng chảo. Dù vị trí địa lý của Ayun Pa nằm ở ngã ba sông, nơi hợp lưu của sông Ba và sông Ayun nhưng Ayun Pa cũng lọt thỏm giữa hai con đèo. Phía tây bắc là đèo Chư Sê, phía đông nam là đèo Tô Na. Ngay cả gió cũng thành gió nóng. Nhưng Ayun Pa cũng bằng phẳng một cách khó tin với những cánh đồng trải rộng như nhiều nơi miền duyên hải nước ta, khiến người ta có cảm tưởng như đang ở vùng đồng bằng. Ayun Pa đích thị là đồng bằng trên cao nguyên, đồng bằng giữa vùng núi đèo. Mảnh đất này đang trở thành vựa lúa của tỉnh, đáp ứng như cầu an ninh lương thực không chỉ của Gia Lai mà cả nhiều địa phương khác. Gạo Phú Bổn là “thương hiệu” được nhiều người Gia Lai gọi một cách thân mật, chỉ hạt gạo được thu hoạch từ những cánh đồng ở Ayun Pa này. Nhớ có lần tôi được người quen cho chục cân gạo, nói là gạo lúa mới Phú Bổn, hạt không suôn dài đều tăm tắp như các loại khác nhưng vốc lên nghe mùi thơm, cơm dẻo và đậm vị, rất khác so với những loại gạo nhìn thì đẹp nhưng ăn rất nhạt do đã bị tẩy trắng, đánh bóng mất hết chất cám ngoài. Hạt lúa hạt gạo nơi đây cũng như những con người trên mảnh đất này, dãi dầu nắng gió nhưng tâm hồn đậm đà mà phóng khoáng.

        Trở lại Ayun Pa lần này, tôi làm nhiệm vụ tại hội đồng thi có đến 83% thí sinh dự thi là con em đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Jrai. Qua thái độ giao tiếp và ý thức làm bài trong phòng thi thấy các em khá ngoan, hiền và lễ phép, để lại thiện cảm cho các thầy cô giáo trong hội đồng coi thi. Trò chuyện cùng một số học sinh sau giờ thi, khi được hỏi em đăng kí vào trường ĐH nào, hầu hết đều trả lời: em không vào đại học/ em sẽ đi công nhân/ em vào Bình Dương/ em đi xuất khẩu lao động… Một cán bộ sở tại cho biết thêm, hầu hết học sinh ở trường này mong có được tấm bằng tốt nghiệp THPT để ra xin việc làm, rất ít em coa nguyện vọng học lên ĐH.
        Chứng tỏ đã có những dịch chuyển trong tư duy nhận thức về việc học của nhiều học sinh phổ thông, ĐH không còn là cánh cửa duy nhất để các em vào đời, lập nghiệp, nhất là với những em có hoàn cảnh khó khăn. Cũng thật khó nói tốt hay xấu, vui hay buồn, nên hay không nên trong những trường hợp này, khi với nhiều học sinh người dân tộc thiểu số, việc học đến hết lớp 12 đã là một cố gắng, nỗ lực lớn. Chỉ mong các em hoàn thành được tâm nguyện của mình, dẫu đi xa hay ở lại trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn đều có thể góp phần làm cho quê hương ngày một giàu đẹp hơn.

        Bởi tương lai của một vùng đất phụ thuộc rất nhiều vào tiềm năng, thế mạnh của vùng đất ấy, đặc biệt là yếu tố con người. Ayun Pa đang phát triển từng ngày, thành vùng kinh tế động lực phía đông nam của tỉnh Gia Lai. Ayun Pa sẽ giàu mạnh hơn nếu thế hệ trẻ hôm nay trên mảnh đất này bằng bàn tay, khối óc và tình yêu quê hương cùng vun đắp dựng xây.

        Tôi rời Ayun Pa trong buổi chiều muộn, hoàng hôn dần buông trên đỉnh đèo Chư Sê. Ngoảnh lại phía sau, Ayun Pa cũng đang dần lùi xa khuất nẻo, nhưng khung cảnh bình dị và tình cảm nồng ấm hồn hậu của đất và người Ayun Pa đã đọng lại trong lòng tôi, êm dịu mà khắc khoải…

        Tháng Tư hương dẻ

          xr:d:DAGCSfzqaAE:37,j:6977626584103053713,t:24041416

          M ột sớm mai thức giấc, bỗng hương dẻ ngọt ngào đã chờ sẵn trên khung cửa sổ màu xám tro cùng chú mèo mun khoanh tròn say sưa bên chồng sách đêm qua tôi đọc còn dang dở, chực chờ cánh cửa vừa hé ra là vội vàng len vào xâm chiếm cả căn phòng. Căn phòng tôi ngập tràn hương hoa dẻ, ngập tràn tháng tư chớm hạ khẽ khàng…

          Tôi là người khá đặc biệt, như bạn bè gọi là người tối cổ. Cho dù smartphone với chức năng như một cuốn bách khoa toàn thư, thì tôi chỉ chung thủy với sách, với những cuộc trò chuyện của người lớn trong làng.

          Cho dù có lịch treo tường, lịch để bàn sặc sỡ luôn trông chờ bàn tay chủ nhân chạm tới, thì tôi lại chỉ chung thủy với những cảm nhận về thời gian qua sự thay đổi của vạn vật xung quanh.

          Tôi thích cảm giác mỗi khi tiếng gà gáy sáng mai vừa dứt là chuông báo thức sẽ rung lên vài nhịp, thích cảm giác đón ngày mới bằng một ánh bình minh vừa le lói chưa đủ hình hài, thích một chút gió ngang qua mang theo mùi nước mưa ở đâu đó xa xa, hay sự thay đổi nhẹ nhàng những loại cây trái trong vườn, những loài hoa tìm về đặc trưng, thích cảm giác nhắm mắt lại cho trái tim cảm nhận mùa sang…

          Sáng nay, giàn hoa dẻ trước ngõ nhà tôi đã cùng nhau khoe sắc, mang cả tháng tư về sau bao ngày nỗi chờ mong. Không sặc sỡ như chuông vàng, không nhạt nhòa như phù dung, hoa dẻ có màu vàng nhẹ nhàng tinh tế, đủ xinh đẹp, đủ say mê.

          Hoa dẻ cũng không đứng riêng lẻ một mình như hồng, như ly kiêu sa đài các mà kết thành chùm tựa dãy chuông gió nhè nhẹ đung đưa. Hoa dẻ Không tỏa ra mùi thơm nồng nàn có thể khiến con người ta ngộp thở như hoa sữa, mà ngọt dịu giống một loại nước hoa đắt tiền, phảng phất, quyến rũ, làm con người ta say đắm ngất ngây.

          Cứ mỗi độ tháng tư khi sắc nắng lục đục vươn vai dòi chiếm hữu một ngày. Khi cái lạnh vừa gói ghém tư trang để sắm sửa bước về phương xa lắc, nhưng vẫn luyến lưu, vẫn dùng dằng nhấm nhá giữa ra đi và ở lại, thỉnh thoảng nuối tiếc gieo vài đợt mưa nhún nhín sau cùng.

          Khi những ngày nồm ẩm thất bại bởi cơn gió phơn khô ráp vãi vương, hơi nước trên nền nhà gom thu nhỏ rồi mất đi vĩnh viễn. Khi ngoài vườn các luống rau đang tìm kiếm những tiếng rì rào tôi tắm tưới đều tay…. Là giàn hoa dẻ ngoài ngõ bắt đầu lủng lẳng những bông dài, chụm năm chụm bảy gửi hương thơm theo gió, cho ai mê say, cho ai thổn thức, cho ai đắm chìm…

          Trước đây hoa dẻ mọc tự do hoang sơ ngoài vườn như một loài cây tạp, nay được người dân quê tôi ưu ái trồng bên hàng rào trước nhà, trồng ngay ngõ, phía dưới làm vòm dàn đủ kiểu dáng cho cây leo lên. Dưới ánh nắng nhảy nhót chào đón mùa hè , dàn dẻ bao phủ một màu xanh của lá, lủng lẳng những chùm hoa vàng, tỏa hương ngào ngạt thật điệu đà, thật xinh đẹp và quyến rũ biết nhường nào.

          Cứ mỗi lần về ngang ngõ, mùi hương quí phái ấy lại nhẹ nhàng đậu lên tóc, vương trên vai, quấn quýt trên áo, vuốt ve đôi má ửng hồng bởi cái nắng tháng tư. Cứ mỗi lần về ngang ngõ, tôi lại phải dừng lại để hít hà thật lâu, thật sâu, thật thỏa thuê như thể một kẻ trộm cố nhét đầy những thứ quý giá vào trong lòng tham vô đáy.

          Chao ôi, hoa là của tôi trồng, ngõ là vườn nhà tôi, và hương thơm ấy mãnh liệt lan tỏa vào tận phòng khách, vào tận nhà bếp, vào tận giấc say ru cơn ngủ nhẹ nhàng.

          Cớ gì tôi tham lam như thế chứ? Là tôi mê say muốn chiếm hữu sự quyến rũ này cho riêng mình, dẫu biết rằng không thể. Là tôi khờ dại khi nghĩ rằng mình hít hà một bụng căng đầy mùi thơm mỹ miều ấy, thì dù có đi nơi đâu, mùi dẻ vẫn kề bên….

          Là tôi ghen tị với bao người ngang qua lại cứ được giàn hoa ở ven đường xinh đẹp lả lơi tỏa hương thơm mời gọi, và mặc kệ cho ai kia dừng lại hít hà, mặc kệ có người lén nhón tay hái một vài bông cho vào túi áo.

          Tôi ích kỷ ngắt những bông đã đượm nồng, ép vào cuốn thơ tình vẫn thường vu vơ viết mỗi ngày bên ô cửa màu xám tro và chú mèo mun chớp chớp mắt chờ chủ đọc cho nghe sau khi viết xong như bao lần vẫn vậy.

          Hoa khô thì còn mãi, hương vẫn ngập tràn khi cuốn sổ được lật ra. Thỉnh thoảng khiến tôi mỉm cười vu vơ, nhìn ra khu vườn với đàn chim chiếp chiu, và hoài niệm về những ngày xưa tuổi học trò tinh khôi áo trắng, với mối tình đầu trong veo như nắng tháng tư, nhẹ nhàng như gió tháng tư cùng những dòng lưu bút nhớ thương nhòe mực, ướp cùng bông dẻ thơm hẹn một ngày gặp lại khi đã đủ trưởng thành…

          Ngoài kia, những cây lúa trổ đòng thơm ngọt cả trời chiều.
          Ngoài kia, mùi ráp nắng tháng tư đổ xuống đường làng với bóng cau già nghiêng theo nắng liêu xiêu.
          Ngoài kia, mùi hanh gió lào hòa với mùi mồ hôi mằn mặn trên vai áo ai loang lổ.
          Ngoài kia, giàn hoa dẻ vẫn miệt mài chụm năm chụm bảy, lúng liếng, đung đưa.
          Ngoài kia, có ngọn gió tháng tư đang khe khẽ thì thầm, mang từng đợt từng đợt hương dẻ mê say về một nơi xa lắm.
          Ngoài kia tràn nắng, và hương dẻ thơm quẩn quanh len vào những rung cảm thanh xuân trên mắt biếc môi cười.
          Ngoài kia, tháng tư hương dẻ…

          Cây gạo làng

            xr:d:DAGCOTMi0Is:8,j:7560842531599443919,t:24041217

            Cây gạo làng tôi đứng ở một góc sân chùa. Từ dưới bến sông nhìn lên qua một con đê nhỏ chỉ thấy vòm cây nhô ra. Mỗi mùa xuân sang, cây gạo nở rộ, đồng loạt bung những cánh mịn như nhung rồi rủ nhau cùng buông mình rụng xuống. Đêm khuya, gió từ sông Cầu thong dong ghé lại khe khẽ lay cành, tiếng bông gạo thỉnh thoảng rụng lụp bụp làm sư thầy tỉnh giấc. Những bông gạo nằm nghiêng giữa nền gạch sân chùa, nghiêng trên đám cỏ,giắt vào mái ngói rêu phong rồi đầucánh xạmdần, đen lại. Chú tiểu mỗi sớm quét chùa lại vun hoa gạo thành từng đống như đống lửa, thỉnh thoảng chú tinh nghịch tung một bông hoa còn tươi lên cao để hoa xoay xoay rồi lại bắt lấy, bỏ vào túi áo nâu.

            Hoa của cây gạo làng tôi có màu đỏ thẫm, màu của son môi các cô gái làng hay thoa đằm đằm quyến rũ, chứ không đỏ tươi hay đỏ cam như nhiều cây gạo khác trong vùng. Người làng tôi bao đời truyền lại, từ khi có một ông lão ăn mày phiêu bạt đến xứ này thì cây gạo cũng bắt đầu mọc lên ở sân chùa. Ông lão hiền lành, mái tóc bạc phơ không nhớ tên tuổi quê quán của mình, được người làng cưu mang bữa rau bữa cháo, cho đến khi ông mất dân làng cũng đặt ông nằm lại ngoài cánh đồng mênh mông trước cổng chùa. Còn cây gạo lớn ù ù như thổi. Năm nào cây nở bung hoa, năm ấy dân làng tôi được mùa có thóc ăn thóc để. Đứng từ gốc cây gạo nhìn ra, mộ lão ăn mày chon von giữa cánh đồng.

            Ông nội tôi kể rằng có lần nước sông dâng cao lên qua mặt đê tràn cả vào sân chùa. Cây gạo lầm lũi ngâm mình trong nước lụt cả tháng trời. Đến khi nước rút, lá cây võ vàng rụng như trút hết xuống gốc, chỉ còn trơ cành. Ai cũng tưởng cây gạo chết. Năm ấy làng tôi mất mùa, đói to. Ấy vậy mà đến mùa xuân, cây gạo lại nảy lá non, những cây tầm gửi leo trên thân gạo cũng xanh trở lại. Từ đó, cây gạo thành hồn làng gắn với chuyện vui buồn của người dân.

            Tôi nhớ ngày bé theo ông nội lên chùa nhặt hoa. Ông tôi cẩn thận chọnnhững bông hoa gạo vừa rụng xuống còn nguyên vẹn, không giập nát đem về tỉ mẩn tách từng cánh phơi khô dùng làm thuốc. Chú Tứ người làng tôi hay rượu, da vàng vọt xanh xao, ông bảo tôi leo lên cây hái tầm gửi để ông làm thuốc chữa gan cho chú, áo tôi bị gai cào rách cả một mảng. Thế mà kiên trì uống thuốc và kiêng rượu da chú Tứ hồng hào trở lại, ngày nào chú cũng ra ngồi gốc cây gạo ngước lên nhìn tán lá mà cười.

            Thần cây đa. Ma cây gạo. Cú cáo cây đề… Dân làng tôi ai cũng biết, ấy thế mà cây gạo làng tôi gần gũi thân thiết như một biểu tượng của làng. Người ở xa về, đứng trên bến đò Gầm nhìn lên, thấy dáng cây gạo là như thấy người thân đang chờ mình trên dốc đê làng.
            Có cô con gái lấy chồng bên kia sông, khi cây gạo quê mẹ thắp lửa, chiều nào cô cũng cứ đứng bờ sông mà ngóng vọng sang. Có chàng trai đi làm ăn xa mối tình còn vương vấn để cô gái làng chờ đợi, mỗi tháng ba cô đứng dưới gốc gạo hoa nở thắm như màu của mảnh vải đỏ người vợ chung tình trong câu chuyện xưa buộc cổ tay nhắc người đi xa trở lại. Bọn trẻ con chúng tôi mỗi năm đềuháo hức chờ đến mùa hoa gạo. Khi nắng hưng hửng mấy đứa rủ nhau lên chùa, ra gốc gạo nhặt hoa xâu thành vòng đội đầu. Chúng tôi ngồi quây quần dưới gốc cây nghe các liền anh liền chị trong làng tập hát đối đáp bài Quan họ cổ cho ngày hội làng sắp mở, có đứa còn lẩm nhẩm hát theo:

            Trèo lên cây gạo cao cao
            Khăn thâm vắt dưới, khăn đào vắt trên
            Tay cầm nắm trấu tung lên
            Trấu rơi xuống đất bạn hiền nao nao…
            Trèo lên cây gạo chon von
            Trông xuống dưới đất thấy con người bò
            Con người ấp trấu ấp gio
            Em đi múc nước tắm cho con người…

            Lớn lên, có những đứa trẻ ngày ấy đi xa, nhưng trong nỗi nhớ da diết về làng luôn có bóng hình cây gạo, vạt áo tứ thân mớ ba mớ bảy của mẹ của chị cùng những câu dân ca tình tứ đã khắc sâu vào tâm khảm.

            Một sớm từ thành phố về làng thăm cây gạo sân chùa, tôi đứng lặng nhìn chú tiểu đang ngồi khoanh chân giữa một vòng tròn được xếp bằng những bông hoa gạo mới rụng cánh còn tươi. Hai tay chú tiểu chắp hình búp sen để trước ngực, mắt nhắm hờ hàng mi dài cong vút, trên cổ chú tiểu cũng choàng một vòng hoa gạo được xâu lại cẩn thận. Vẻ đẹp thánh thiện hồn nhiên giữa một buổi sáng trong trẻo của mùa xuân làm hồn tôi ngơ ngẩn, bao nhiêu ưu phiền của cuộc sống bộn bề ngoài kia bỗng tan biến hết. Tôi cúi xuống khẽ khàng nhặt một bông gạo còn lóng lánh hạt sương mai, cố gắng nhẹ nhàng nhất để không làm chú tiểu giật mình…

            Những vòng quay của mẹ về đâu?

              C ậu em gửi cho tôi hình mẹ già đang xay bột. Thế là cả một trời thương ùa về. Tôi nhớ mẹ. Mẹ tôi làm bánh mùng ba tháng ba.

              Nhà tôi không có cối xay. Mỗi dịp Tết trôi chay, mẹ lại đôn đáo lo xay bột nhờ. Làng trên xóm dưới, mẹ không nhờ được nhà này, lại nháo nhào chạy tới nhà kia. Bởi xay bột thì lâu, mà cả xóm ríu ran sắp hàng chờ tới lượt.

              Thương nhất là một lần mẹ xay về thì đã tối muộn, ba giờ sáng trở dậy, bột vẫn nhèo nhèo, mẹ phải vùi vào thùng tro để hút nước thật nhanh. Năm đó, đĩa bánh ngả màu đùng đục chứ không được trắng ngà trắng ngọc như mọi lần. Mẹ nâng đĩa bánh lên thắp hương mà cứ ngùi ngụi như thể mắc lỗi gì.

              Ngày bé, tôi thích đi theo mẹ lắm, xăm xắn cầm giùm mẹ chiếc bát sắt con, chiếc chậu nhôm hứng bột. Cái cảm giác mình cũng “có công” nó hạnh phúc chừng nào. Đến nhà bà lão đầu xóm, mẹ nhanh tay rửa sạch từng kẽ cối. Xong đâu đó, mẹ cầm chiếc tay quay bằng gỗ lim nâu óng bắt đầu khởi động.

              Chiếc cối đá to, nặng trịch vậy mà mẹ đưa tay kéo khẽ vào lòng, rồi lựa, lái thật nhẹ, thật êm khiến chiếc cối ngoan ngoãn quay tròn đầy diệu nghệ. Mẹ múc bát gạo đổ vào. Cứ thế, đều đặn, bát gạo, bát nước xen nhau. Từng đụn gạo trắng ngần từ từ tụt xuống. Mẹ quay liền tay, không phút nào ngưng nghỉ. Tôi nhìn theo tay mẹ, theo ngõng cối quay mà thán phục sao mẹ có thể kiên trì và khéo léo như thế được.

              Lớn lên một chút, thấy mẹ đổi tay luôn, tôi đòi mẹ cho mình quay thử. Nhưng mấy lần bánh cối cứ trật ra, thành thử tôi chỉ biết đỡ mẹ xúc gạo, rồi đủn gạo xuống sao cho thật nhịp nhàng.

              Tôi nhớ lắm những buổi trưa yên ắng chỉ có hai mẹ con bên chiếc cối đá quay chầm chậm, trên hiên nhà xanh rêu, loang vài bông hoa nắng dịu hiền. Những lần ấy, nghe tiếng dạ dày sôi lên ục ục, tiếng thở nằng nặng hơn từ mẹ, tôi hối thúc mình làm nhanh thêm một chút để mẹ được ăn cơm. Nhìn những đụn gạo cứ vơi dần, vơi dần mà lòng tôi hạnh phúc. Còn mẹ thì cười nhìn tôi, cái cười hiền hậu, dịu dàng khôn tả. Tôi lại lén quan sát khuôn má thắm hồng của mẹ. Đôi má tròn đầy lấm chấm vài hạt nám li ti càng lúc càng ửng lên dưới màu nắng mới. Cạnh đó, những sợi tóc mai rìn rịn mồ hôi, bắt đầu kết lại, đen bóng.

              Mẹ vẫn quay đều. Vừa quay, mẹ vừa dạy tôi phải quay thế nào cho thật nhẹ nhàng, thật khéo, để bột không bắn ra ngoài, không dồn hết lực mà bánh cối vẫn xiết vừa khin khít để từng hạt bột được tan ra, nhỏ mịn. Tôi cứ mê mải nhìn dòng sữa trắng như mây mềm mại vòng ôm dưới thân cối đá, mà ngỡ, có chiếc voan mây vừa rớt xuống ở lưng trời. Chầm chậm, chiếc voan mây ấy chảy xuống chiếc chậu nhôm một dòng thương nhớ.

              Xay xong lần một, mẹ lại tiếp tục quay thêm lần hai, lần ba. Mẹ bảo, phải xay nhiều lần như vậy thì bột mới mịn mềm, bánh mới óng đẹp và quện dẻo thật đều.

              Rồi mẹ rì rầm kể bao nhiêu chuyện. Mẹ ríu rít kể rằng quê ngoại ăn Tết này to lắm. Nhà mẹ làm bánh trôi chay, bánh rán, bánh rợm, để dâng cúng tổ tiên, để biếu các cụ hai bên nội ngoại… Mẹ không nói hết, ánh mắt đã cụp xuống ngân ngấn buồn. Tôi nhận ra điều ấy vì hôm nay là ngày giỗ cậu tôi. Cậu liền kề ngay sau mẹ, là liệt sỹ trên chiến trường miền Nam. Cậu mất đúng ngày mùng hai tháng ba. Nhưng mẹ lấy cha tôi xa biền biệt. Tôi biết, chưa khi nào mẹ được về thăm nhà vào dịp Tết trôi chay…

              Mùng ba tháng ba lại tới. Chiếc cối năm xưa đã nằm im ở một nơi nào, tôi không rõ nữa. Duy chỉ chiếc cối thời gian vẫn lừng lững quay rất đỗi vô tình. Bần thần ngắm những khối bột xanh đỏ tím vàng bán đầy khắp phố, sau vài phút rèo rèo của chiếc máy xay, tôi chợt giật mình. Có phải tôi là hạt gạo nếp năm xưa bị xiết giữa đôi bờ quên – nhớ? Mà ngậm ngùi thương mẹ, rưng rức hỏi lòng: Những vòng quay của mẹ về đâu?

              Phù sa đời cha

                C ha trầm lành như đất, tôi là con gái nhưng đáo để nghịch ra trò. Vậy mà hai cha con lại bện nhau như hình với bóng. Khi thời gian hào phóng tặng cho tôi một tuổi thơ dài rộng thênh thang thì cha kiên nhẫn dịu dàng tặng cho tôi một bầu trời trong xanh đầy ý nghĩa.

                Rồi sớm sớm, hôm hôm, tôi mải lớn mải khôn mà quên bẵng đi những buổi chiều thẳm sâu trầm lặng. Những buổi chiều cặm cụi, những buổi chiều không nói của nhân gian. Tôi thảng thốt chạy ùa về quê hương, chạy về phía cha tôi mà nước mắt chực giụa giàn. “Cha à! Cha đừng giống chiều khi con còn như nắng…”

                Có những ngày, nắng chẳng bận rộn nơi nào xa xôi mà trải vàng con đường từ nhà tôi tới chợ huyện. Cha ngồi phía sau xe, hai tay vịn vào sườn áo tôi thật chặt giống như ngày xưa có đôi tay bé nhỏ bám vào cha chẳng rời. Tôi bé thơ ngồi trên chiếc gối cũ được buộc sẵn vào yên xe êm mềm mà líu lo sau lưng cha hiền cùng những vòng quay yêu thương tròn trịa. Cô con gái bé bỏng của ngày nào giờ đã biết chọn mua áo quần giày dép và đủ thứ cho cha mà lòng vui sướng hệt ngày xưa khi được cha mua cho những món đồ bé nhỏ.

                Đời cha giản dị bao nhiêu, lòng tôi càng canh cánh thêm nhiều. Tôi nhận mình là đứa con mắc nợ. Mắc nợ những ngọt bùi phù sa mà đời cha tảo tần chắt chiu để dành cho tôi khôn lớn. Tôi như bắp ngô non từng ngày mẩy hạt, như củ khoai quê trong lòng đất vươn mình, như ngọn cây xanh hướng về ánh bình minh từ đời sông, từ đời cha, một đời trầm tích. Những hạt phù sa bôn ba từ núi non hiểm trở, chông chênh vượt thác xuống ghềnh, lặn ngụp chìm nổi theo dòng sông mà thành bờ thơm bãi ngọt. Những buổi chiều rơi, vệt nhá nhem muôn nơi, sông quê vẫn hiền hoà bình thản, mặt sông bừng lên những đốm sao lấp lánh. Dòng sông hạnh phúc mỉm cười nhìn bãi bờ màu mỡ tốt tươi. Như cha nhìn tôi, người cha thứ bao nhiêu trên cuộc đời nhưng với tôi là người cha đặc biệt duy nhất.

                Chuyện xưa kể rằng ông Trời bắt đầu tạo ra người cha đầu tiên trên thế gian bằng một cái khung thật cao. Một nữ thần đi qua thắc mắc vì sao người cha lại cao đến vậy, thật bất tiện nếu ông ta đi chơi bi với trẻ con thì phải quỳ gối, nếu ông ấy muốn hôn những đứa con mình thì phải cúi người. Trời gật gù rằng có lý nhưng nếu để người cha cao bằng lũ trẻ thì lũ trẻ biết lấy ai làm tầm cao mà vươn tới. Khi trời nặn đôi bàn tay thô ráp, nữ thần lại bảo tay to thường vụng về, khó mà đóng tã, cài nút áo hay buộc tóc cho con, không thể khéo léo lấy những mảnh dằm sâu trong da thịt mềm của trẻ. Ông trời bảo đôi bàn tay to lớn vững chãi đó sẽ dìu dắt bọn trẻ qua mọi sóng gió, cho tới lúc chúng trưởng thành. Nữ thần bảo thật hoang phí khi nhìn Trời nặn người cha với đôi vai rộng lực lưỡng. Ông Trời đáp rằng người cha sẽ đặt con ngồi đâu khi phải đưa nó đi xa, lấy chỗ đâu cho đứa con ngủ gật gối đầu, quan trọng hơn đôi vai ấy gánh vác cả gia đình. Và ông Trời đã thức trắng đêm để nặn cho xong người cha đầu tiên. Người cho tạo vật mới ít nói, nhưng mỗi lời phát ra là một lời quyết đoán. Đôi mắt người cha nhìn thấu mọi việc trên đời nhưng lại bình tĩnh và bao dung. Cuối cùng khi đã gần hoàn tất công việc, Trời thêm vào khoé mắt người cha vài giọt nước mắt nhưng rồi lại chùi chúng đi. Thành ra người đời sau không mấy khi thấy được giọt lệ hiếm hoi của người cha, mà chỉ có thể cảm và đoán được ông ta đang khóc.

                Cha tôi không cao lớn như người cha đầu tiên được tạo ra trên cuộc đời nhưng bóng cha đủ che cho tôi khỏi cơn mưa xiên và chòm nắng rát:

                “Cha là bóng mát giữa trời
                Cha là điểm tựa bên đời của con”.

                Bàn tay cha cấy cày gặt hái, hương lúa thơm khắp đồng gần đồng xa, bùn chàm bấu riết bên mùa nắng lửa, mùa lạnh cắt thịt cắt da. Đôi vai trầy xước vì chặt tre, vác gỗ, dựng cửa làm nhà, đào ao, đào giếng. Đôi tay khẽ khàng chườm những ngọn ngải cứu lên trán tôi khi ốm, đôi tay nhổ chiếc gai nhọn cắm ngập vào chân tôi ngày bé la cà, đôi tay bế tôi chạy một mạch tới bệnh viện cấp cứu khi bị xe tông ở con đường làng có đoạn ngã ba. Cha kể cho tôi những bài học cha đã từng tích luỹ, cha dạy cho tôi những đạo lý làm người chân chính thiện lương, cả những bài học trên lớp trên trường, cha luôn dõi theo tôi và chỉ bảo. Còn nhiều lắm những điều không thể gọi thành tên, tôi có một người cha hiền, luôn dành cho con bằng tất cả điều cha có. Câu ca dao muôn đời còn đây:

                “Cha đưa cả tấm lưng gầy
                Chở che con được tới ngày hôm nay”

                Ngày niên thiếu, cha chịu nhiều đắng cay từ miệng đời, tuổi thơ cha sóng gió đầy vơi khi ông nội tôi, người cha trụ cột của cha đã ra đi như con thuyền bị lật tung giữa muôn trùng sóng dữ. Cha cút côi giữa những chèn ép trên đời…cho tới ngày cha lớn khôn tự tại. Tôi ngắt lời để nỗi buồn trong cha không lặp lại: “Con sẽ gắng bảo vệ chính mình!”. Ánh mắt cha lẩn khuất những lo lắng vô hình. Cha hỏi tôi về những khó khăn, cha muốn nghe về những điều quanh tôi dù có đủ đầy hay thiếu thốn. Lòng nhân hậu của cha luôn là điểm tựa của cả nhà, cha bao dung với mọi thứ. Đã có những khoảng thời gian tôi biền biệt với quê nhà để rồi một hôm tôi trở về bất chợt, hoa chanh hoa bưởi đang bình lặng toả hương mà như xốn xang nô nức. Cha lúi húi bước ra từ làn khói bếp: “ Sao con về mà chẳng báo trước cho cha?”, đôi mắt trũng sâu nhìn tôi như vỡ oà. Cơn mưa phùn thay cha bật khóc.

                Tôi quét dọn mảnh sân cũ và lối cổng chạy dài. Giặt chiếc màn tuyn, vò tấm chăn nhung, rũ bộ quần áo cha ngâm trong chậu rồi ra vườn bằng đôi chân trần, hái rổ rau về cùng cha nấu bữa cơm ấm áp. Cha kể về buổi họp lớp chỉ toàn những người bạn đã tuổi ngoài 70. Cha đọc cho tôi nghe bài thơ xúc động bồi hồi mà cha đã đọc trước bao người trong buổi lễ, thầy giáo chủ nhiệm năm xưa đã ôm cha trong niềm nhớ thương và phấn khởi vô chừng. Nét mặt cha đang thật hạnh phúc.

                Và những lần đi, tôi nghẹn ngào nhìn lại, cha bần thần đứng đó rất lâu, bóng cha lọt thỏm dần sâu vào vườn cây, ngõ cổng. Có đàn chim bay về phía xa xa trời rộng, có phải chúng bay về tổ ấm ngôi nhà. Tôi nhắc mình ngày về thăm cha. Cuối làng, dòng sông vẫn lặng lẽ hiền hoà, ngô khoai vẫn ven bờ biêng biếc…

                Miền hoa ban trắng

                  Không hồng dịu như đào phai, mộc mạc như tam giác mạch, không rực rỡ như đỗ quyên, không vàng tươi như dã quỳ phố núi, hay nhỏ xinh như cải vàng. Nhưng có một loài hoa nở trắng núi trắng rừng mỗi độ tháng Ba về, đó chính là hoa ban. Ban trắng là linh hồn của Tây Bắc, hoa ban đã đi vào đời sống văn hóa – tâm linh bao đời nay của người dân nơi này, nhất là dân tộc Thái vùng cao.

                  Khi hoa ban nở, gần như cả Tây Bắc chìm trong sắc trắng miên man, các thảm hoa lô xô trên đỉnh núi, nối dài, chảy tràn giống như những thác nước khổng lồ vươn từ sườn núi này vắt qua vách đá khác. Tất cả đều mang một màu trắng sáng bừng, tinh khôi đến nao lòng. Ban sà từ trên núi soi dáng mình nơi thung lũng ăm ắp nước đầy, ban hút hồn người lữ khách đến đây. Ngày hoa ban nở cũng là lúc đồng bào dân tộc vùng cao bắt đầu vụ mùa tươi tốt cho các thửa ruộng của mình.

                  Nhắc đến Tây Bắc, người ta nhớ đến những cung đường quanh co, hết dốc lại đến đèo, có những đoạn khúc khuỷu, gập ghềnh. Có cả những đoạn chạy thẳng rồi bất ngờ như ngút lên trời xanh.
                  Tháng Ba, hoa ban thổi hồn vào gió, gửi sắc vào không gian, gửi ấm nồng dịu ngọt của mình vào trời đất. Ngắm hoa ban nở, người ta cảm nhận được cái đẹp, thứ đẹp ấy thật giản đơn, không cần giáo huấn hay kinh kệ, nhưng vẫn dễ dàng nhận ra, một vẻ đẹp hoàn toàn thuyết phục bởi ngàn hoa ban trắng. Bỗng nhiên thấy mình thật hạnh phúc giữa đất trời Tây Bắc mang một màu ban. Loài hoa trắng núi trắng rừng ấy nở khắp lưng núi ven đồi, tỏa hương gọi mời ong bướm, hoa vừa dịu dàng vừa thuần khiết. Giữa bao la lộc biếc, chồi non nơi đại ngàn, ban khoe mình từng chùm trắng như bông, xốp đẹp tựa mây, bồng bềnh trôi trong không gian, ban chảy tràn xuống thung lũng…

                  Tây Bắc là xứ sở của hoa ban và hoa ban là biểu trưng cho Tây Bắc. Theo tiếng Thái, hoa ban có nghĩa là hoa ngọt. Hoa ban có năm cánh xoè thành hình quạt, thân màu xám, có nhiều cành, nhiều nhánh dài. Hoa ban có nhiều màu sắc như tím, đỏ, trắng, nhưng nhiều và phổ biến hơn cả vẫn là hoa ban trắng. Hoa ban Tây Bắc lặng lẽ nở, lặng lẽ tặng dâng hết mình. Hoa ban từ lâu đi vào thơ, ca, nhạc, hoạ. Gần nửa thế kỷ trước, hoa ban đã từng nở rộ trong những trang ký lấp lánh của nhà văn Nguyễn Tuân với “Mùa Xuân đi trong hoa”. Thật cảm xúc, yêu thương và đẹp đẽ biết bao. Cách đây hơn 40 năm, năm 1981,trong chuyến thực tế Lai Châu, nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã viết bài thơ “Gửi Lai Châu” trong đó có câu:

                  “…Hoa Ban nở thành người con gái Thái
                  Đám mây bay trong thau nước gội đầu”

                  Với người Lai Châu, đó là câu thơ hay nhất viết về hoa ban, là sự ví von kiều diễm nhất về người con gái Thái. Lên Tây Bắc, đến Điện Biên ghé Mường Then thăm Mường Trời, ta được hòa mình vào trong sắc trắng bừng ngàn ngạt của hoa ban huyền thoại, cùng thưởng thức những hương vị thanh tao. Tìm một nét cười lấp lánh cúc bạc sơn nữ đâu đó bất chợt nơi lưng chừng núi, lưng chừng đèo, để rồi lạc bước lãng du quên ngày quên tháng trong bạt ngàn hoa ban…

                  Hoa ban tượng trưng cho đất trời Tây Bắc, người con gái Thái như đại diện cho linh hồn của hoa ban, là cuộc đời người con gái Thái, trong trắng trinh nguyên, tỏa hương dâng sắc cho đời cho người. Từ khi sinh ra người con gái đã thấy cội ban, lớn lên được người mình yêu tặng nhánh ban làm kỷ vật hẹn ước thủy chung. Đến ngày cưới theo chồng, hoa ban cài mái tóc, phòng hoa chúc đẹp trắng sắc ban. Những món ăn đãi khách cũng nhẹ nhàng cùng với hương ban phảng phất. Người con gái Thái rất trân quý mái tóc của mình, đặc biệt xem trọng nuôi tóc, dưỡng tóc từ thời con gái đến khi lấy chồng, họ thường ủ tóc với nước vo gạo và gội đầu bằng nước lá chanh đun cùng sả. Gắn liền với người con gái Thái là chiếc khăn Piêu được dệt nên từ đôi tay khéo léo. Màu sắc trên khăn chảy ra từ huyết mạch của trái tim, bao tình cảm bao nhớ thương được chắt chiu trên từng nhịp khung cửi. Chiếc khăn là tấm choàng, là tấm bùa hộ mệnh bảo vệ tóc, làm tóc đẹp dáng. Cùng với khăn piêu, chiếc trâm bạc cài tóc, hoa ban đã tôn vinh nét đẹp cho những cô gái miền sơn cước giữ được bản sắc rất riêng cho mình. Khăn piêu sẽ kém hoàn hảo, khi thiếu đi sắc trắng hoa ban, hoa ban biết tựa vào cút piêu nâng vẻ đẹp cho người con gái Thái. Vẻ đẹp viên mãn, trinh nguyên tròn đầy, vẻ đẹp mộc mạc mà rực rỡ khiêm nhường, vẻ đẹp hoang dại nhưng không kém phần quyến rũ.

                  Trong tiếng suối đêm ngày róc rách vang vọng nơi đại ngàn hùng vĩ, là lời thì thầm của đất mẹ về huyền thoại con chim lông vàng lẻ bầy suốt đời suốt kiếp đi tìm người yêu Ô Quy Hồ, và thủ thỉ bên tai về loài ban – một thiên tình sử bất tử của dân tộc Thái. Hoa ban được dệt lên bằng sương khói miền cổ tích xa xưa cùng mối tình đẹp mà bi thương của đôi trai gái người Thái. Đó là câu chuyện tình yêu của nàng Ban và chàng Khum. Tình yêu và niềm tự hào của người Tây Bắc đối với hoa ban có lẽ cũng được bắt đầu từ câu chuyện này. Những cánh trắng mỏng manh mà bền bỉ như sự chắt chiu của khí trời, khoáng đạt của đá núi thăng trầm, và của đại ngàn hùng vĩ. Vì lẽ đó hoa ban được coi là hình ảnh đại diện cho mảnh đất Tây Bắc vùng cao. Hoa ban tựa như “búp tay người con gái Thái”, chịu thương chịu khó bằng cả tấm lòng.

                  Khi mùa hoa ban nở, cũng là bắt đầu mùa lễ hội lớn nhất trong năm của người Thái. Đó là Sên bản, Sên mường (cúng bản, cúng mường) cầu mưa, cầu phúc, cầu mọi điều tốt đẹp cho bản mường của đồng bào dân tộc Thái. Loài hoa ban mỏng manh ấy lại mang trong mình huyền thoại về tình yêu, tình vợ chồng và còn là biểu tượng cho đạo hiếu của con cái với đấng sinh thành. Mùa ban nở theo gió rừng thầm thì bên tai lời yêu tiếng thương, những đôi trai gái tìm gặp nhau, cùng tỏ tình, cùng tính chuyện trăm năm. Mùa ban nở nơi núi rừng là mùa yêu, mùa ấm áp, mùa đoàn viên đến thắt đáy lòng người…

                  Theo những già làng nơi đây trải lòng, từ khi sinh ra và lớn lên, người dân trong bản đã gắn chặt cuộc đời mình với cội hoa ban. Hoa ban không chỉ là một loài hoa đẹp, đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, mà khi những cánh ban bung nở cũng là lúc người dân Tây Bắc chuẩn bị cho một vụ mùa gieo trồng trên nương. Người dân nơi đây biết bám vào thiên nhiên, quan sát những thay đổi các loài cây, đặc biệt là sự thay đổi của cây hoa ban để biết được, cũng như nắm bắt được khoảng thời gian gieo trồng của mùa. Đến Tây Bắc, tháng Ba mùa hoa ban, ta được ngắm sắc hoa trắng tinh khôi, được cùng tham gia những vòng Xòe, được thưởng thức hương vị thanh tao của những đóa hoa rừng … để rồi đâu đó bất chợt thấy một nét cười “lấp lánh cúc bạc” nơi lưng chừng núi, một dáng váy thướt tha “gùi ban trên núi.” Người ta được cảm nhận từng hơi thở về loài ban trong truyền thuyết, qua cuộc sống của người dân. Thấy được dòng chảy lịch sử văn hóa với những chiến công cùng sự đóng góp của người Tây Bắc “vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến” trong cuộc kháng chiến chống Pháp gắn với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm nào, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. … Tây Bắc nên thơ, Tây Bắc đã chuyển mình như thế trong sắc trắng của hoa ban…

                  Tháng Ba chập chùng thương chập chùng nhớ…Ta lại muốn nhờ gió và cánh ban dẫn đường, để được thấy mây đan mây trên vùng cao Tây Bắc. Để được nghe lời thì thầm của đất mẹ đại ngàn hùng vĩ, nghe tiếng suối chảy róc rách, lời thủ thỉ bên tai một thiên tình sử bất tử về hoa ban của dân tộc Thái. Câu chuyện bi thương của nàng Ban và chàng Khum năm nào, nhưng là nỗi buồn đẹp trong tình yêu thật thà. Hoa ban trắng tượng trưng tình cô gái Thái, bị ép duyên ngang trái bởi người cha. Khi cô chết hóa thành bông ban trắng. Tình yêu thủy chung có đất trời chứng giám, một tình yêu chẳng thể nói nên lời. Ban tinh khiết trắng trong như nhắn nhủ, trái tim này mãi thuộc về anh.

                  Ta muốn nhìn được thêm những cánh ban soi bóng mình bên thung lũng ăm ắp nước đầy, muốn nhìn thấy những người cha thanh thản giục trâu bừa thửa ruộng, những người mẹ lụi cụi gùi con, gùi mây dưới cành ban trắng bình yên.

                  Khi mùa hoa ban khép lại, cũng chính là lúc đất trời Tây Bắc dang tay chào đón những cơn mưa đầu mùa cho mùa nước đổ, cho những vụ mùa mới tiếp theo. Mùa nối mùa, yêu thương của hoa ban luôn ở lại, bởi hoa biết kể yêu thương, trao gửi yêu thương của mình trên những cánh ban, biết thổi hồn vào gió, gửi sắc vào không gian, gửi dịu ngọt, ấm nồng vào trời đất…

                  Món quà của biển

                    Khi mặt trời chưa nhô lên khỏi mặt nước của đại dương mênh mông mà chỉ hắc chút ánh sáng soi rõ bóng của những con tàu đánh cá trở về, trên bến đã lao xao tiếng nói cười. Nhìn khuôn mặt rạng ngời của các bà, các mẹ ngồi đợi chồng, đợi con của mình về từ trùng khơi, ai cũng biết ngư dân chuyến này trúng lớn. Tiếng máy nổ xành xạch, tiếng người gọi nhau chuyển hải sản lên bờ khi tàu cập vào âu thuyền làm không khí của miền biển quê vui như những ngày hội. Dọc theo ven bờ của cửa An Dũ nơi con sông Lại hòa mình vào biển cả trong những ngày đầu xuân này, cái mùi ngai ngái quen thuộc của thứ sản vật đang phơi làm giác quan của những người sành ăn phải lên tiếng. Ai cũng mong đợi mà thốt lên “trời ơi ruốc!”

                    Loài hải sản bé nhỏ này có mặt ở các vùng biển ven bờ từ bắc chí nam với tên gọi khác nhau như moi, khuyết, tép, ruốc… Thân hình bé nhỏ và có đến mười chân nhưng loài giáp xác của biển cả này không di chuyển nhanh được. Chúng bơi thành từng đoàn ven bờ và nhanh chóng lặn sâu khi có động. Chỉ đến lúc trời yên biển lặng trong những ngày sang xuân mới nổi lên trên mặt biển tận hưởng những phút giây tĩnh lặng hiếm hoi của đại dương. Từng đoàn, từng đoàn ngoi lên như để hít thở khí trời của những ngày xuân ấm áp làm mặt biển lao xao. Đoàn tàu đánh cá nằm gối đầu lên những con sóng lăn tăn ven bờ ngủ yên trong những ngày người ta còn du xuân đã giật mình tỉnh giấc chạy xuất hành đôi vòng để lấy hên trong những ngày nắng đẹp. Đây cũng là lúc ngư dân xem chừng đã đến mùa ruốc nổi hay chưa mà chuẩn bị đánh bắt.

                    Khi phát hiện loài giáp xác này trồi lên tận mình dâng hiến, mùa khai thác ruốc bắt đầu. Có nhiều cách đánh bắt nhưng những ngư dân của cửa An Dũ thích dùng phương pháp trũ mành. Bằng cách đánh bắt này, con ruốc với thân hình trong veo được vớt lên rất sạch mà không bị lẫn tạp chất khác như cách đánh bắt giã cào. Ở những vùng biển nông người ta còn đi nhủi ruốc bằng tay nữa nhưng cách này ruốc thường bị lẫn lộn với cát. Những con thuyền khai thác nhỏ ven bờ trúng luồng ruốc theo những tầng nước cứ vào ra rộn ràng để kịp mang vào bờ những khoang thuyền đầy ắp ruốc. những thúng ruốc tươi roi rói theo chân các bà, các chị kịp đến những phiên chợ sớm nhất. Có những lúc trúng lớn và gặp lúc nắng giòn đầu xuân, ruốc được đem phơi khô. Khắp những bãi bờ ven biển dậy lên một mùi ngai ngái của thứ hải sản này.

                    Ruốc tươi được chế biến thành nhiều món ăn dân dã nhưng cực kỳ ngon. Nếu ta đã từng thưởng thức một lần trong đời chắc chắn sẽ không bao giờ quên được. Ai cũng mong thời gian trôi qua nhanh để mau đến mùa ruốc mà thỏa mãn sự trông đợi của vị giác, khứu giác. Với người Bình Định, món salad ruốc được chế biến chẳng chút cầu kỳ mà ăn hoài không biết chán. Ruốc tươi xào cùng gia vị rồi trộn với các loại rau mơn mởn những ngày xuân mà chủ yếu là xà lách, dưa leo, cà chua xanh, khế tạo nên món ăn “dưới bảo trên không nghe”. Nhìn đĩa salad với màu hồng của ruốc, màu xanh của rau điểm xuyến những vòng xốt mayonnaise trắng muốt làm nước bọt ta tứa ra đầy khoang miệng. Ngoài ra còn có món ruốc xúc bánh tráng dân dã cả cách chế biến lẫn thưởng thức. Ruốc tươi đem xào vừa chín tới cho khô nước rồi thêm chút mắm nhỉ An Dũ cho vừa ăn. Lấy miếng bánh tráng nướng giòn cứ thế xúc nhai cà rộp, cà rộp mà không muốn dừng. Nồi canh rau thả mớ ruốc tươi vào ăn ngọt đến tận bao tử. Những năm tháng bao cấp đói khổ, món ruốc khô rang lên thả vào chén mắm ớt cũng dễ đưa chén cơm độn củ lắm.

                    Nói đến ruốc mà không kể đến thứ mắm được làm từ loài hải sản này là một thiếu sót lớn. Đặc sản mắm ruốc có ở khắp các vùng miền ven biển và mỗi nơi có những cách làm để cho ra sản phẩm với hương vị khác nhau. Thứ ruốc sạch tươi roi rói cho vào hủ sành với tỷ lệ muối phù hợp, ủ chượp lên men trong vòng sáu tháng sẽ cho ra thứ mắm ruốc đặc trưng mà không thể thiếu được trong mâm cơm người Việt. Thịt ba chỉ kho mắm ruốc, bánh tráng nướng mắm ruốc, cơm chiên mắm ruốc, bún bò mắm ruốc…chắc chắn là những món ăn mà bạn đã từng thưởng thức một lần trong đời. Người miền quê cửa biển An Dũ vẫn ưa thích món mắm ruốc muối xổi hơn cả vì độ ngọt ngon của nó. Bữa ăn với chén mắm ruốc còn nguyên con hồng hào sủi bọt trong mùi thơm của ớt, sả, chanh. Thêm đĩa thịt luộc và cà chua xanh xắt mỏng nữa thì nồi cơm nấu bằng than củi cháy sém vơi nhanh lúc nào không hay.

                    Ngoài kia cái nắng mùa xuân vẫn đang dát vàng lên mặt biển xanh phẳng lặng. Những con tàu vẫn đang nổ máy khép chặt vòng lưới cho ruốc nặng đầy khoang. Trên bờ những ánh mắt rạng ngời đang đợi chờ để hóa kiếp loài hải sản của trùng khơi thành những món ăn tuyệt diệu mà đã thử một lần ta nhớ mãi không quên.

                    Xin lỗi hoa xoan

                      N hững cây xoan thẳng chạy dài trồng đều tăm tắp ven đê đang mùa trổ hoa bên bờ đê ven sông mà lâu lắm rồi nay mới có dịp được gặp lại. Tôi đi thật chậm quan sát kĩ từng cây một, ngắm từng bông hoa xoan li ti rơi trên vành nón các bà các mẹ đi làm đồng về. Hàng xoan thân thương như dẫn dụ, nắm lấy tay tôi dắt trở về nhặt từng mảnh ký ức năm xưa nơi làng quê yên ả.

                      Ngày ấy, quê tôi cây xoan vẫn còn nhiều lắm. Xoan được trồng ở những khoảnh đất trống bên sông, bờ ao và cả trong những khu vườn nhà rộng. Ông nội tôi vẫn hay kể: Ngày xưa nếu sinh con trai các cụ lo xa nên thường trồng xoan ở cuối vườn, chúng mau lớn, cứ trồng vất đó chả cần phải tưới tắm chăm sóc gì. Khi các con có gia đình riêng thì có gỗ xẻ ra dựng nhà, làm giường, đóng bàn ghế tủ. Nội thất đóng bằng gỗ xoan đẹp, nhẹ, thớ thẳng, một màu vàng sáng, ít biến dạng mối mọt, nên xưa nay thường ví von “xoan già là bà gỗ lim”.

                      Tôi sinh ra thì đã thấy mấy cây xoan to bên con ngõ nhỏ trước nhà. Ăn Tết xong đến giêng hai, khi những hạt mưa xuân giăng giăng khắp nhân gian thì cũng là lúc từng chùm hoa xoan tim tím xuất hiện bên những lá non mươn mướt. Hoa xoan lấm tấm nhanh nở nhanh tàn. Chúng cũng không kiêu sa đài các, không sắc nước hương trời nhưng ngan ngát, mang một màu tím dịu hiền như cô gái thôn quê chân chất. Dưới gốc xoan những bông hoa nhỏ bé rụng rơi như trải thảm lối về miền cổ tích sau từng cơn gió nhẹ. Cùng với hoa chanh hoa bưởi thì độ này hoa xoan cũng đi cả vào trong thơ ca nhạc hoạ tô điểm cho đất trời xuân, làm nên nét đặc trưng của sắc hoa mùa nhớ. Ngày ấy bà tôi thường bảo: theo các cụ có kinh nghiệm truyền lại thì khi thấy mầm lá nảy ra ở đầu ngọn xoan “chân chó” thì dấu hiệu hết rét nàng Bân chuyển mùa nắng ấm. Sang đến mùa hạ thì tán xoan xanh mướt căng tràn nhựa sống như cái ô khổng lồ, che mát cho lũ trẻ chúng tôi khỏi cơn nắng cháy trưa hè, giống như thiên đường vậy. Ngày đó chúng tôi hay lấy quả xoan bắn súng ống phốc chơi trò trận giả, bày bán đồ hàng, lấy cành xoan khô đốt ra nghiền làm pháo sáng. Còn mẹ hay vặt lá xoan đun nước tắm cho tôi khỏi rôm sảy mụn nhọt, dấm ủ chuối xanh cho nhanh chín.

                      Rồi một ngày khi đất trời sang thu thì cây xoan lại khoác lên mình chiếc áo mới, chuyển dần sang màu vàng, trên cành lơ lửng từng chùm quả sai chi chít. Lũ trẻ lại có dịp í ới gọi nhau nghển cổ lên ngắm từng đôi chim kéo nhau về mà tổ. Đến mùa đông lạnh giá cây xoan trông khẳng khiu gầy guộc như không còn sức sống, cũng chính vì thế mà nhiều nơi người ta gọi cái tên khác là “sầu đông” nghe thương đến nao lòng.

                      Thời thơ ấu tôi cũng đã được nghe nhiều câu chuyện vui buồn về loài hoa dân dã ấy. Những câu chuyện tình yêu đôi lứa hẹn thề nên duyên chồng vợ vào mùa xoan nở. Hay những câu chuyện của các bà mẹ tiễn con đi tòng quân với những lời nhắn gửi hẹn ước ngày trở về. Nhưng mãi mãi những người con thân yêu đã hoá hình hài đất nước, để lại những người mẹ già chờ con mòn mỏi vào mỗi mùa hoa xoan nhung nhớ.

                      Đến tận bây giờ tôi cũng không hiểu, sao cây xoan gần gũi thế mà người đời lại hững hờ với nó. Có phải giữa cái tháng ba giáp hạt, cái đói đeo bám mà hoa cứ phơi phới trước mắt những con người mà lòng họ đang bộn bề lo toan. Tội cái là chúng đẹp đấy nhưng các bộ phận đều không thể ăn được: Lá và quả xoan có độc tính, hoa xoan thì chẳng ai hái về cắm lọ hay để trong nhà mà còn lại gắn với sự ghẻ lạnh, chúng gắn với mùa bọ chó, ngửi thì điếc mũi, mùa hoa rụng nhiều thì quét ngõ suốt ngày, rau cỏ trồng dưới gốc thì khi chế biến xào nấu có mùi xoan, gỗ xoan ngâm dưới ao làm nhà thì nước thối om, lợn mua vào mùa xoan thì khó nuôi…. Rồi người đời còn bảo nó :” Không có sức hút, đến các loài ong bướm chúng cũng không mặn mà với loài hoa này” chỉ có lũ kiến đen hôi là hay kéo nhau đến làm tổ trên cành. Xã hội phát triển, đất chật người đông, nhà xây tường gạch mọc lên, người ta chặt bỏ xoan không thương tiếc nên tìm được cây xoan cũng khó. Nhưng ấn tượng nhất với tôi nhất là câu nói “ hoa xoan hoá muỗi” nên ngày nhỏ chúng tôi ghét mùa hoa xoan lắm, có cây con nào trong vườn là nhổ cho bằng hết. Nhưng không phải, tôi đã nhầm. Bây giờ quê tôi chả còn cây xoan nào mà muỗi vẫn nhiều. Hoá ra do thời tiết mùa này ẩm nồm trùng hợp nên sinh sôi ra nhiều muỗi, sinh ra bệnh tật thuỷ đậu hay sốt huyết, bệnh cúm gia cầm theo mùa tự nhiên chứ đâu phải tại hoa xoan.

                      Hôm nay đi giữa trời mưa xuân lất phất, dưới “lớp lớp hoa xoan rụng rơi đầy” xung quanh lời thì thầm của gió đồng mà lòng chênh chao, con tim thổn thức như luyến tiếc một cái gì đó đã qua đi theo năm tháng. Tôi bỗng nhận ra. Nhân duyên khi thiên nhiên đã ban tặng cho nhân gian cái gì đều có cái đẹp và chức năng cung bậc riêng biệt của nó. Chúng ta phải biết trân trọng yêu thương vạn vật với lòng biết ơn chứ sao lại dũ sạch. Cả tuổi thơ tôi ngủ êm ấm trên chiếc giường xoan, gắn bó với ngôi nhà gỗ xoan che nắng che mưa của ông bà nội. Thế mà sao tôi nỡ trách nhầm xoan, tôi đã nợ xoan một ân tình sâu nặng. Xin lỗi hoa xoan!