Cây gạo ở ngã ba làng không biết có tự bao giờ. Bà nội tôi kể khi bà về làng làm dâu thì đã thấy cây gạo to lớn như thế này rồi. Cây gạo cao to sừng sững cành lá sum xuê tỏa ra một khoảng đất rất rộng. Những cái gai to già nua đã rụng dần để lại một lớp da sần sùi loang lổ.

Gốc gạo đã trở thành một cái địa danh, một chỗ tụ họp và một địa điểm để hò hẹn và chờ đợi nhau. Chúng tôi đi học thường hẹn chờ nhau ở gốc cây gạo. Các chị đi chơi hay đi tập văn nghệ cũng hẹn chờ nhau ở gốc cây gạo. Những người đi làm ăn xa cũng lấy cây gạo làm cọc tiêu để định hướng đường về.

Mỗi buổi trước khi đi làm đồng các ông các bà cũng thường tập trung dưới gốc gạo và như đã thành thói quen từ đây những thông tin trong ngày được trao và nhận như một cuộc giao lưu nho nhỏ vậy. Câu chào, câu hỏi tình làng nghĩa xóm cũng từ đây mà gắn kết với nhau hơn. Không biết bao nhiêu là khúc mắc được tháo gỡ bắt đầu từ những lần tập trung như vậy.

Trên ngọn cây cao tít những đàn cò có thể phóng tầm mắt ra xa để tìm những cánh đồng hay những ao đầm đầy tôm cá. Có những tổ quạ, tổ chim Chiêng Liêng to như cái thúng, cứ đến mùa làm tổ chúng bay từ đâu về cãi nhau chí choé náo động cả một khoảng trời. Vào độ tháng mười âm lịch lá cây gạo chuyển từ màu xanh đậm sang màu vàng xuộm rồi bắt đầu rụng.

Những cơn gió heo may thổi về làm những đám lá quay tròn quay tròn trên không trung rồi rơi lả tả xuống một lớp thật dày xung quanh gốc. Trên cành trơ ra những nhánh cây xương xẩu đem xạm giơ lên trời, nhìn qua nhiều khi tưởng như cây đã bị chết. Nhưng không từ những nhánh cây xương xẩu ấy những búp hoa tròn xanh chui ra từ lớp vỏ đen cứ lớn dần lớn dần từng ngày một. Sau tết những cơn gió bấc lạnh lẽo không ngăn cản được sự lớn lên của những búp hoa xinh xắn ấy.

Cuối tháng giêng cây gạo đỏ rực lên một màu hoa rực rỡ. Trên tất cả mọi cành không một chiếc lá từng đoá hoa như hình những cái cầu lông to đang đỏ rực giữa bầu trời còn hơi se lạnh. Trông cây gạo như một bó đuốc khổng lồ đang đốt cháy rực rỡ cả một góc trời. Mặc cho mùa giáp hạt, bao nỗi lo toan hằn lên trên nét mặt các bà mẹ, hoa gạo vẫn cứ vô tư đỏ rực cả một khoảng trời. Từ màu đỏ rực rỡ chúng chuyển sang màu đỏ sậm rồi rụng xuống để lại trên cành những quả non lẫn vào đám lá vừa nhú ra màu xanh nhạt.

Ngày còn bé, đến mùa hoa rụng tôi cùng bạn bè có thú chơi đi nhặt hoa gạo xâu chuỗi đeo vào cổ bắt chước chuỗi hạt của Sa Tăng trong bộ phim Tây du Ký. Bọn con gái thì nhặt kết thành vương miện chơi trò hoa hậu.

Mọi chuyện qua đi theo thời gian, ai ai cũng bận rộn theo công việc của mình. Rồi một ngày dưới cái nắng mùa hè gay gắt, trên bầu trời xuất hiện những sợi bông trắng muốt. Hóa ra quả gạo đã chín. Quả rụng xuống, quả chưa kịp rụng đã nứt vỏ bung ra cả một trời bông trắng xóa. Những sợi bông theo gió bay đi trong nắng trông như những sợi mây đang lơ lững giữa không trung vậy. Có những đám bông theo gió bay đi mãi đi mãi qua cánh đồng sang mãi đến tận làng bên kia.

Chúng tôi rủ nhau đi nhặt bông gạo bỏ vào túi về phơi khô để cha và bà nội xe thành sợi làm bấc đèn dầu và bấc bật lửa dùng dần. Ngày đó chưa có điện, mọi nhà đều thắp đèn bằng dầu hỏa. Máy bật lửa dùng bằng dầu hỏa chỉ có thứ bông gạo trắng, mịn màng xe thành sợi làm bấc thì mới nhanh bắt lửa được. Năm nào nhặt được nhiều bông thì mẹ phơi khô rồi nhồi làm gối cho anh em chúng tôi kê đầu, những cái gối làm bằng bông gạo mới êm mát làm sao.

Bông gạo chín cũng là lúc cây gạo đã đầy đủ lá và tỏa bóng râm mát nhất. Bỏ ngoài tai câu nói quỷ gốc đa, ma gốc gạo bọn trẻ chúng tôi những buổi trưa hay những đêm trăng sáng đều tập trung chơi đùa đủ mọi trò chơi dưới gốc cây. Chơi chán cả bọn rủ nhau nằm nghe tiếng chim hót và tiếng lá rì rào như đang kể chuyện về một miền hoang sơ xa thẳm.

Có một điều kì lạ hình như đã thành thông lệ, trong làng có người từ giã cuộc đời đi về với ông bà tiên tổ khi đi lên nghĩa trang đều được nghỉ dưới gốc cây gạo của làng. Tiếng kèn, tiếng trống tiễn đưa người quá cố đã thấm sâu vào trong những thớ thịt của cây gạo kể từ bao đời nay. Và khi hoa gạo chuẩn bị rụng xuống đất phải chăng vì thế mà chuyển sang màu đỏ bầm như những giọt nước mắt tiễn đưa đã ngấm sâu vào thân, lá hoa và rễ cây vậy .

Ngày còn bé có lần anh tôi đá bóng ngoài sân đình làng bị ngã sái tay. Tôi thấy mẹ cầm dao ra chỗ gốc gạo vạc lấy một nắm vỏ đem về nhà giã nhỏ trong cái cối đá. Mẹ lấy cái nồi bằng đất bỏ vỏ gạo vào rồi bắt tôi tè vào đó. Mẹ đem đun lên cho nóng rồi dịt vào chỗ anh bị đau và bó lại. sau mấy ngày vết thương lành hẳn. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao làng mình lại yêu thương gắn bó với cây gạo như thế. Chắc những người trong làng ai cũng đã từng một lần nhờ cây gạo chữa trị vết thương.

Chúng tôi lớn lên rồi đi xa, có đứa không trở về làng có đứa định cư ở nơi khác. Cũng có thể ở nơi khác cũng có cây gạo như ở làng tôi, mùa xuân ra hoa kết trái rồi trái chín cũng bung ra một trời bông trắng muốt nhưng trong lòng mọi người không thể quên được cây gạo của làng mình.

Trong thâm tâm mọi người cây gạo và ngã ba làng đã thành hồn cốt của làng, đã trở thành những kỷ niệm ăn sâu vào tâm khảm của họ.
Trải qua những năm tháng mưu sinh vất vả, hôm nay tôi về đứng dưới gốc gạo tôi cảm thấy mình như được trở về thời thơ ấu và trở nên nhỏ bé vô cùng.

Cây gạo vẫn sừng sững trên cành đơm đầy những bông hoa đỏ rực. Chỉ có làng quê là thay đổi, bao nhiêu thế hệ đã đi qua đây, bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn đã đi qua đây. Những người thân thương cũng đã thưa vắng dần.
Tôi cúi xuống nhặt bông hoa gạo đã rụng từ đêm qua, bồi hồi nhớ lại những quãng ngày xa xưa đã từng gắn bó thân thuộc ở nơi này. Bất chợt sống mũi cay cay, những giọt nước mắt lăn xuống gặp bông hoa gạo rụng đỏ bầm lên như màu máu.

Cảm ơn đời, cảm ơn quê hương đã tạo cho ta một lối đi về trên nẻo đường đời muôn vàn lối rẽ. Cảm ơn những gốc cây những ngọn cỏ tưởng chừng như vô tri nhưng có muôn vàn lời vô cùng thân thương ẩn chứa mang nặng ân nghĩa ân tình.