bac-dinh-vung-tau
Người lại người, ngày lại ngày, thiên hạ vẫn trở lại Bạch Dinh như trở về ngôi nhà của mình. Chẳng có điều lạ kỳ nào xảy ra khi bạn không coi thiên hạ là quê hương. Ở đâu có tình yêu ở đó sẽ là quê hương.Hồ Huy

Khi con cá sinh ra, quê hương của nó là nước, bất cứ nơi nào có nước. Khi bông hoa sinh ra, quê hương của nó là ánh sáng, bất kỳ nơi nào ánh sáng. Khi tôi sinh ra, quê hương là câu hát ru của mẹ, ở nơi nào mà không có có lời ru?

Trở lại Bạch Dinh con đường vẫn thế, mùa xuân vẫn vậy, mùa hạ vẫn vậy, chỉ có đôi bàn chân tôi không thế. Đôi bàn chân của con người ta, khi sức trẻ khỏe khoắn lại thường hay vấp ngã, khi thanh xuân bắt đầu vơi cạn thì lạ thay nó lại cứng cáp và chắc chắn hơn. Như nắng trên vai, như mưa trên đầu, chẳng bao giờ hiểu được những mạch ngầm âm thầm từ lòng đất.

Tôi vốn không sinh ra ở nơi bé nhỏ Bãi Trước, Bãi Sau, tôi cũng chẳng phải ở đời ở kiếp Tượng Chúa Kitô Vua hay một thảo dân ngoan lành đêm đêm chiêm ngưỡng hải đăng Vũng Tàu cổ kính để dõi theo những mắt biển canh dài. Tôi chỉ là một đứa vô danh, đi đôi giày fake quen thuộc, như từng nắm tay con ma rừng đi tìm Nụ cười Tây Nguyên.

Vũng Tàu lúc nào cũng ù ù gió, cũng hối hả mây, cũng vần sóng vũ nước thênh thang biển rộng sông dài. Yêu Vũng Tàu, yêu dải đất nghiêng mình trên bờ biển ở khúc quanh đang đổi hướng từ Nam sang Tây của phần dưới hình chữ S, để rộng lòng một thứ quê hương. Một thứ quê hương của đất và nước. Đất nước là những lời ru.

Gọi là mùa Xuân cho Xuân chứ Vũng Tàu đang là mùa khô, cảnh vật chẳng mấy thay đổi trên những vòm cây hanh héo đợi trút ưu tư, trút những hạt muối li ti ký sinh vào gió biển mà bay khắp nẻo phố phường. Theo lời hẹn với con gái, chúng tôi đến Bạch Dinh để tận mắt lũ sóc chành chọe, hoạt náo trên những cành thấp cành cao mà mùa trước khi tôi đến chúng đã vội vã trốn vào hoàng hôn.

Xưa kia, vua Minh Mạng từng cho xây dựng pháo đài Phước Thắng tại đây để kiểm soát vùng cửa biển Cần Giờ. Sau khi chiếm được quyền cai trị Đông Dương, chính quyền thực dân Pháp đã cho san phẳng pháo đài để xây dựng một dinh thự làm nơi nghỉ mát cho các Toàn quyền. Đề án được chính Toàn quyền Paul Doumer phê chuẩn và ông cũng là người đặt tên cho dinh thự này: Villa Blanche, (theo tên của cô con gái Blanche Richel Doumer). Công trình được khởi công vào năm 1898, nhưng mãi đến năm 1902 mới hoàn thành. Do màu sơn trắng phủ trọn bên ngoài nên người dân quen gọi là Bạch Dinh. Kể cũng lạ, hình như bất cứ một người cha nào, khi nghĩ đến một điều gì đó ở tương lai, họ thường nghĩ về con gái… Tương lai luôn được đánh dấu bằng những bông hoa?

Đáng tiếc thay cho Paul Doumer khi mà chưa kịp sử dụng Dinh thì phải về nước. Người kế nhiệm là Paul Beau, có lẽ cũng là người đầu tiên ở đây. Tuy nhiên, đến tháng 9 năm 1907, nơi này được dùng làm nơi giam lỏng cựu hoàng Thành Thái. Ông sống tại đây trong gần 10 năm, được dân địa phương kính trọng, nên còn gọi là Dinh Ông Thượng.

Năm 1916, cựu hoàng Thành Thái cùng con trai là cựu hoàng Duy Tân bị đi đày ra đảo. Dinh được sử dụng trở lại làm nơi nghỉ mát của các Toàn quyền Đông Dương. Đến năm 1934, Dinh được nhượng lại để làm nơi nghỉ mát cho Hoàng đế Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương. Lịch sử luôn luôn là vậy, những dấu ấn của thời đại thường xâu chuỗi những con người thời đại… và nếu như ta chỉ là một bông hoa dại ven đường, thì chỉ gió ghi nhớ nhớ tên ta…

Những năm sau đó, Bạch Dinh luôn được dùng làm nơi nghỉ mát của nguyên thủ hoặc các quan chức cao cấp của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Sau năm 1975, có thời gian dinh không được sử dụng vào mục đích cụ thể nào trước khi chính thức được chuyển thành một điểm du lịch, mở cửa cho khách tham quan. Từ năm 1992, nơi đây đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Thành thật mà nói, ngắm nhìn Bạch Dinh từ xa, dáng vẻ vừa uy nghi vừa thảnh thơi của nó làm cho tâm hồn con người ta cảm giác nơi đó là nhà. Và đương nhiên mọi sự thân thuộc của bất kỳ nơi nào đều phủ đắp lên nó bằng tình yêu của những đôi mắt. Cứ thế, cứ thế cho đến khi chúng có linh hồn.

Trở lại Bạch Dinh, trở lại ô cửa Bạch Dinh quen thuộc tôi đã đứng nơi đây ngắm biển Vũng Tàu. Mỗi lần là một cảm xúc khác nhau. Từ ô cửa Bạch Dinh, Vũng Tàu khoáng đạt thơm nồng mặn mòi biển cả. Lại nhớ khi tựa vai vào bậu cửa sổ Bạch Dinh lần đầu năm ấy, con gái tôi còn chưa chào đời.

Nếu như cảm xúc của tôi khi lần đầu đến Bạch Dinh là tự do, tự tại mặc hồn theo gió, mặc mắt giai nhân thì buổi chiều nay, chẳng giống như bao buổi chiều kia, tôi rong chơi ngày ngắn tháng dài. Vẫn là những buổi chiều xứ biển loanh quanh, vẫn là những buổi chiều với bước chân của một đứa vô danh, tôi lặng ngắm con gái như một bức tranh. Tình yêu gia đình, tình yêu con gái đã không còn là những buổi chiều hư danh.

Trở lại Bạch Dinh, mùa không vội vàng ẩm ướt như xuân thì Bắc Việt, nắng gieo vàng trong gió, mây ủ muối trùng xa, những tán cổ thụ ngất ngư trên những triền cao giấu vào thinh không tiếng kêu chinh chích của loài thú hoang sóc chuột.

Người lại người, ngày lại ngày, thiên hạ vẫn trở lại Bạch Dinh như trở về ngôi nhà của mình. Chẳng có điều lạ kỳ nào xảy ra khi bạn không coi thiên hạ là quê hương. Ở đâu có tình yêu ở đó sẽ là quê hương.

Hơn một trăm năm trôi qua, hơn một trăm năm từ độ cao hai mươi bảy mét, mặt hướng ra biển, lưng tựa vào núi, kiến trúc Bạch Dinh Vũng Tàu vẫn giữ nguyên vẻ sang trọng, hài hòa uy nghiêm. Và bấy lâu nay Bạch Dinh vẫn lẳng lặng như một chốn đi về, một điểm tham quan hấp dẫn và thuận tiện trong chuyến du hành người quen, kẻ lạ đến trấn Chân Bồ.

Trở lại Bach Dinh con đường vẫn thế, một đường uốn quanh dưới tán cây giá tỵ được tráng nhựa phẳng phiu, ô tô lên tới tận tiền sảnh. Một đường đi bộ qua một trăm bốn mươi sáu bậc tam cấp lót đá, len giữa hai hàng sứ cổ tựa cao niên. Tòa nhà có chiều cao mười chín mét, dài hai mươi nhăm mét, rộng tám mét, gồm ba tầng: tầng hầm dùng cho việc nấu nướng, tầng trệt dùng làm khánh tiết và tầng lầu thoáng đạt dành để nghỉ ngơi. Cuộc đời ngắn, kiếp đời dài, niềm vui eo hẹp, nỗi buồn dăm ba tấc đất. Chỉ cần chậm rãi bước lên bước xuống ở những bậc tam cấp lót đá kia, người ta có thể nghĩ được tất thảy, những quy ước của sự đời…

Trở lại Bạch Dinh tôi luôn mong mỏi được đứng trên tầng lầu thoáng mát, lại tựa vai vào bậu cửa quen thuộc, lại thả rông con mắt du hành về phía biển, về phía chân trời xa thật xa. Tôi lại mơ tưởng một ngày nào đó khi trở lại nơi này, đứng từ ô cửa này và nhìn về phía con gái tôi. Hẳn là như vậy, phía đó là quê hương…
Mai sau, cũng giống như tôi bây giờ, cũng đang ngồi tựa vào một giấc mơ đẹp nào đó, con gái tôi sẽ thầm nhủ, quê hương là nơi có ánh mắt của cha…