26 C
Hanoi
Thứ Tư, Tháng Tư 17, 2024

Cây gạo làng

Cây gạo làng tôi đứng ở một...

Phù sa đời cha

C ha trầm lành như đất, tôi...
Trang chủ Blog Trang 2

Nhãn tự mùa Xuân

    Mùa xuân trở dạ, một tháng Giêng xanh non đã cất tiếng chào đời. Là tháng Giêng em mềm mại tinh khôi, là tháng Giêng anh mạnh mẽ ý chí trên đời hay mỗi sinh linh vạn vật sống giữa đất, giữa trời đều mang hình hài tháng Giêng đẹp đẽ ấy. Tôi đi giữa mùa này mà thấy lòng rộn ràng tươi mới. Chẳng phải bây giờ đã Tháng Giêng ư? Tháng Giêng mỉm cười, tháng Giêng rồi! Muôn nơi đấy!

    Mộc Nhiên

    Nếu ai đó ví mùa xuân là một bài thơ ngọt ngào tinh khôi thì tôi mãi chọn tháng Giêng là nhãn tự độc đắc lấp lánh và thông điệp tuyệt vời. Trăm hoa đua nở, vạn vật căng tràn nhựa sống, muôn loài sinh sôi, bao ước mơ hoài bão bung chồi cho những khởi đầu rộng mở phía trước. Tháng Giêng gõ cửa, làm trỗi dậy, làm thức tỉnh, làm tươi mới mọi ngóc nghách nhân gian. Tháng Giêng mỉm cười chứa chan…

    Bầu trời bao la dành trọn cái nhìn âu yếm xuống vạn vật còn mặt đất luôn giữ nhịp ấm áp hiền hoà. Ở đó có muôn loài hoa cùng trông ngóng tới tháng Giêng để rộn ràng vui hội. Người người tan chảy khi thấy hoa: Những chậu lan, vườn cúc, bụi hồng, khóm lay ơn, gốc thược dược…lộng lẫy muôn màu, đài các kiêu sa, bung biêng lụa là, chao nghiêng tình xuân, ý xuân, men xuân rạo rực. Tôi chầu tôi trực bên cây đào già, ngỡ mình là nụ, là hoa, là thiên thần từ tay mẹ tay cha ngày chăm bẵm. Những khuôn hoa đào nhỏ bé mỏng mềm mà tay tay nải nải đựng đầy thông điệp mùa xuân cho nhân gian. Hoa đào nở ra dường như mọi niềm tin yêu và hạnh phúc đều được thắp lên trong ánh mắt của con trẻ, người già. Khi bầy em thơ tíu tít khoe nhau lì xì, xúng xính áo quần còn đượm đà mùi Tết thì cánh hoa đào cũng náo nức vui đùa bay bay.

    Hoa đào rụng đẹp chẳng kém gì lúc hoa đào nở mê say. Cánh hoa không trút xuống ồ ạt mà nhẹ tênh vấn vít bên cành bên cây rồi đặt mình thật êm xuống gốc. Cánh hoa sà vào tóc mẹ, mẹ cười lẫn vào hoa đẹp dịu dàng đến thế… Cánh hoa thả mình vào chén trà, vị trà thêm ngọt thêm thơm, cha cười hiền mà nâng lên nhấp ngụm. Tháng Giêng ngọt hậu nụ cười. Ngọt hậu cha tôi, ngọt ngậu mẹ tôi. Những nếp nhăn xô lại trên gương mặt là khi được đánh dấu bởi sự xuất hiện của nụ cười. Hai nụ cười ấy vẫn bừng sáng như bông hoa đào dẫu khoả nắng, tắm sương, nhuộm trăng, vẫn bền bỉ rạng rỡ bên những cành cây trầm nâu xù xì thô ráp.

    Tháng Giêng nay, tôi cùng mẹ đi lễ chùa làng nhưng không còn nhút nhát sợ sệt những pho tượng đứng ngồi lặng thinh. Tôi thấy mình được chở che, thấy lòng vô cùng an yên thanh tịnh. Mấy cụ già ngồi trong chiếc chiếu hoa: Cụ gọt khúc vỏ, cụ têm miếng trầu vẫn không quên đặt vào tay tôi một nét cười cùng bao diêm, gói muối nhỏ. Tháng Giêng ấm mặn mà, tháng Giêng cười phúc hậu. Người dân vui chơi hội hè muôn nơi khắp chốn. Nào đá bóng, nào đánh đu, kéo co, đập niêu, cờ tướng, chọi gà. Lời ca điệu múa hoà theo tiếng nhạc thánh thót trên sân khấu làng quê, bên khán giả đang cổ vũ thoả thê hết mình bằng tấm chân tình yêu thương đoàn kết. Tháng Giêng nô nức thân thương.

    Bóng người cũng nhộn nhịp vào ra nơi Nhà văn hoá làng tôi cũng giống như bao làng khác chuẩn bị long trọng tươm tất buổi lễ mừng thọ chung cho những người cao tuổi trong làng. Bà nội tôi mặc chiếc áo gấm màu đỏ ngồi ở giữa, xung quanh là con cháu, ghé vào đôi vai từng gánh đời nhọc nhằn, nắm bàn tay sớm hôm tần tảo, gối cả đầu lên lòng bà, nơi tuổi thơ ai cũng ít nhiều được cuộn tròn nghe câu cổ tích để rồi chụp lại những khoảnh khắc gia đình quây quần bên nhau. Bà tôi phấn khởi, nét móm mém càng đẹp vẻ nhân từ. Tháng Giêng cười ấm lòng người như một lời chúc phúc.

    Và mùa xuân cũng vừa lúc chào đón, gọi giục những tân binh mới lên đường tòng quân, mang sức lực, trí tuệ và khát vọng cống hiến của tuổi trẻ thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Họ hàng, làng xóm, bạn bè cùng đến chung vui, động viên và dặn dò. Bên những tiếng nói cười rộn rã cũng có niềm xúc động rơm rớm chia xa nhưng tháng Giêng mà! Tháng Giêng là một món quà dành tặng những chồi xanh, những màu áo xanh sự trưởng thành hiên ngang trong trời đất. Tháng Giêng kiêu hùng như ngôi sao vàng năm cánh nổi bật giữa nền cờ tổ quốc đỏ thắm phần phật tung bay. Giang sơn gấm vóc đẹp thay, nụ cười tháng Giêng càng thêm hào khí. Để rồi ta nhắc nhau một chân ý, hoà bình thường bắt đầu bằng một nụ cười đẹp tươi.

    Nếu ai đó ví mùa Xuân là một bài thơ ngọt ngào tinh khôi thì tôi mãi chọn tháng Giêng là nhãn tự độc đắc lấp lánh và thông điệp tuyệt vời. Trăm hoa đua nở, vạn vật căng tràn nhựa sống, muôn loài sinh sôi, bao ước mơ hoài bão bung chồi cho những khởi đầu rộng mở phía trước. Tháng Giêng gõ cửa, làm trỗi dậy, làm thức tỉnh, làm tươi mới mọi ngóc nghách nhân gian. Tháng Giêng mỉm cười chứa chan…

    Thềm Xuân

      Đã qua rồi những ngày tết chộn rộn, tháng Giêng đằm thắm dịu dàng trong tiết mùa sang. Đối với tôi, thời tiết vào độ tháng Giêng là thi vị nhất, vừa nồng nàn ý nhị vừa chan chứa tình xuân. Trong thơ Xuân Diệu có câu: “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”, có lẽ ông cũng thầm ngụ ý rằng, tháng Giêng đẹp như một nàng thiếu nữ.

      Tôi yêu tháng Giêng qua những nhành lộc biếc, khi nắng ấm trở về óng ánh búp non tơ. Sau một mùa đông giá rét cây lá trụi trơ, những cành khẳng khiu giờ đã chi chít chồi, lá vàng về cội để đổi lại từng chiếc lá xanh mơn mởn. Sự thanh khiết của đất trời được cảm nhận trong từng hơi thở, ta chầm chậm dang tay ôm tất cả vào lòng, nghe mạch sống trào dâng trong làn gió mới.

      Ngày tháng Giêng cũng tươi màu nắng, từng chùm mây bay lững lờ như những đụn bông trắng muốt trên cao. Vườn sau vàng màu hoa cải trổ bông, bước ra hè nghe tiếng chim sâu kêu lích chích. Khu vườn, cánh đồng và tuổi thơ xưa chợt về trong hoài niệm. Làm sao quên được những tháng Giêng thả diều chạy nhảy dọc triền đê cỏ may bám đầy vạt áo. Nghe tiếng mẹ gọi về ăn cơm liền ba chân bốn cẳng chạy về nhà, chái bếp của mẹ khói lam chiều bay lên thong thả. Tháng Giêng bung biêng từng chùm khế tím trong vườn, vẳng câu hát quê hương trong tim mỗi người chỉ một.

      Đêm tháng Giêng mơ màng dưới ánh trăng non, rồi vành vạnh tròn đầy đẹp ngất ngây trên những tàng lá mới. Trăng soi hàng cau, trăng sáng vườn trầu, ngào ngạt hương quỳnh hòa lẫn tiếng côn trùng kêu rả rich. Ta lại nhớ những đêm trăng trải chiếu bên thềm, nghe tiếng trống múa lân xa xa đầu ngõ. Tháng Giêng cứ thế mà trăng, trăng cứ thế mà chảy tràn trong ký ức, làm cho những đứa con xa cứ thương nhớ quê nhà, nơi tháng Giêng nồng nàn hương bưởi.

      Nơi tháng Giêng có hương trầm thoang thoảng trong mưa xuân lất phất. Tháng Giêng cũng là mùa lễ chùa, cầu một năm mới may mắn, bình an. Cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, để gieo trồng những hạt mầm của chân – thiện – mỹ. Cuộc sống con người bắt đầu từ khi mới sinh ra cũng như một năm bắt đầu từ tháng Giêng, cầu phúc trong tháng Giêng chính là muốn mang lại những điều tốt đẹp cho một năm sắp tới. Tháng Giêng là mùa lễ hội xôn xao áo mới, mọi người tạm gác lại những lo âu mà hòa vào không khí rộn rã của non sông. Mọi oán ghét, giận hờn cũng được gạt bỏ đi, chỉ còn lại những yêu thương, quý trọng nhau, cùng nhau mà sống. Cùng nhau hòa mình vào truyền thống văn hóa của dân tộc, đùm bọc lẫn nhau, san sẻ, chan hòa.

      Tháng Giêng cứ thế đong đầy hơn ấm của tình thâm, nhà nhà sum vầy sau một năm bôn ba vất vả. Cha mẹ, con cái, anh chị em ngồi lại cùng nhau bên một bữa cơm đầu năm, rưng rưng những ngày chia xa, rưng rưng những điều chưa nói. Tháng Giêng cho ta biết luôn có một nơi mà từ đó nâng bước ta đi, nhưng cũng chính là nơi để trở về. Rồi từ đó ta lại được tiếp thêm hành trang cho những ngày rong ruổi. Trong một thoáng chốc nào đó ta thấy mình bé lại trong tháng Giêng, chỉ muốn ở nhà ăn cơm mẹ nấu. Nhưng rồi tháng Giêng lại nhắc nhở ta đây chỉ là khởi đầu, phía trước là con đường rộng mở. Thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên, thầm biết ơn tháng Giêng đã cho ta cơ hội để tưởng nhớ về nguồn cội.

      Trong những ngày tháng Giêng nhàn nhã, tôi hay ngồi bên tách trà ôn lại chuyện đã qua, trưởng thành hơn sau những điều được mất. Để rồi nhận ra những gì cần trân quý, những gì cần lãng quên. Để rồi nhận ra chưa bao giờ là quá trễ để bắt đầu, bởi vì tháng Giêng luôn nhẹ nhàng đưa con người đặt những bước chân đầy hy vọng vào một vòng tuần hoàn mới. Tháng Giêng với bao mơ ước đẹp tươi về một năm cho những cánh chim sải cánh trên bầu trời cao rộng. Về một năm trăm sông hòa cùng biển lớn, những cánh đồng vụ mới bội thu. Tháng Giêng thênh thang vẽ ra những con đường mà điểm đến là niềm tin và thật nhiều hy vọng. Dù thế nào, tháng Giêng cũng thật dịu dàng khi cơn gió nhẹ thoảng qua những cánh mai vàng, làm êm đềm một góc thềm xuân.

      Bình minh trên cánh đồng Xuân

        R a giêng. Đêm lung liêng giọt trăng non ủ lên tấm chăn mỏng hững hờ. Đêm chuếnh choáng trong men say mùa xuân chưa dứt. Đêm nằm im nghe nồm ẩm ướt phủ hơi nước dai dẳng, li ti …

        Sáng ra. Một vệt mây hồng nhạt bị che lấp bởi lớp mưa rây như dệt tơ bàng bạc. Hoa hồng nhung, hồng cổ bung lụa cười duyên, uống những giọt mưa lấp lánh. Từng cánh hoa mỏng manh như tờ giấy pơluya kiều diễm rung rinh, rơi lả tả xuống mặt đất ngào ngạt hương bay.

        Mưa giêng vội vã đuổi theo những bánh xe quay, chia xa Tết, cuốn theo dòng chảy của cuộc mưu sinh trong Nam ngoài Bắc. Một chút tiếc nuối, một chút bâng khuâng chợt dậy trong lòng khi hết những ngày Tết sum vầy, đầm ấm. Thương dáng cha già tất tả gói gém hành lý cho con lên đường. Vội dúi vào chiếc va li của con hộp bánh lộc ngày Tết. Vội đưa bàn tay nhăn nheo như vỏ cây xà cừ, quệt những giọt nước mắt dấu kín trên gò má già nua. Thương căn nhà vắng vẻ chỉ còn mỗi bóng cha đứng lặng lẽ bên ban thờ còn vương vương khói nhang ngày Tết. Con ngoái cổ hẹn cha một mùa xuân mới con sẽ lại về. Mảnh sân rộng thênh thang trở nên trống vắng tiếng nói cười con trẻ. Khoảng trống buồn tênh trong lòng mẹ cứ chơi vơi theo niềm nhớ. Dẫu biết rằng những chuyến xe hối hả lăn bánh là để nối những đợi chờ và hy vọng. Nối những tất bật và thảnh thơi của cuộc đời trong dòng chảy luân hồi của thời gian. Dẫu biết rằng ngày xuân còn bịn rịn, lưu luyến bên đời không đành hết. Vậy mà ai đó vẫn phải nén một tiếng thở dài tiếc nuối, thèm nhớ mùa xuân. Như thèm, như nhớ tuổi trẻ đã trôi qua miền ký ức.

        Dư âm của Tết vẫn còn vấn vít trên cành đào đã phôi pha màu thắm. Những cánh hoa hồng nhạt rụng như mưa xuống nền gạch. Những cái chồi non mơn mởn hẵng còn chơi ú tim trong nhánh cây mảnh khảnh rêu phong. Giờ đây khát thèm nắng ấm, khát thèm mưa rây hé mắt e dè nhìn vạn vật. Điểm xuyến lấp ló mấy quả non phơn phớt lông tơ.

        Bỗng nghe tiếng cựa mình, tiếng rạo rực ăm ắp nhựa sống của chồi non, lộc biếc. Nghe tiếng gió rì rào khe khẽ, loáng thoáng ánh vàng của những đóa mai. Giữa khu vườn, cây mai vẫy vẫy những bàn tay xanh như mời gọi ta bước ra ngắm nghía . Chao ôi, yêu làm sao món quà của cậu em trai gửi từ phương Nam. Năm ngoái em về quê ăn Tết, đã mang theo cây mai bé xíu tặng chị. Cảm ơn mai đã chịu được nắng gió, chịu được mưa bão của dải đất miền Trung để chờ ngày xuân nở muộn. Lác đác vài bông hoa vàng ươm màu nắng , thư thái khoe vẻ đẹp dịu dàng mà đầy kiêu hãnh. Chợt nhớ những câu thơ tuyệt bút của Mãn Giác Thiền Sư: Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai (Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai).

        Tôi nhận ra sau khoảnh khắc xuân tàn là cả một trời xuân bừng sáng. Tôi nhận ra, cuối ngày xuân thì những thân cây rêu phong vẫn âm thầm ươm nụ, lặng lẽ tái sinh. Bất chấp sự nghiệt ngã của dòng chảy thời gian để vươn mình ra ánh sáng. Ươm lộc, đâm chồi, đơm hoa kết trái.

        Cữ giêng hai đẹp và kỳ lạ xiết bao! Giêng hai xoa dịu hồn ta bằng vẻ đẹp, bằng hương thơm và sắc màu của cây cỏ mùa xuân. Bởi thế, trái tim ta đâu có chỗ cho ưu phiền, hay ngậm ngùi tiếc nuối. Bởi thế, chỉ cần ngắm một cành mai vàng trong khoảnh khắc muộn màng của mùa xuân.Ta lại khát khao yêu thương, lại khát khao hy vọng, lại thấy tuổi thanh xuân chợt ùa về như mới hôm qua.

        Trời đã hết nồm. Vị khách không mời với dáng hình ẩm ướt khó chịu tự dưng biến đi đâu mất. Mùa xuân ơi, hãy đánh thức bình minh tỉnh giấc. Để ta ngỡ ngàng khi thấy đằng đông, mặt trời hiện ra đỏ ối như gấc chín, kiêu hãnh vén bức màn mây màu cam nhìn xuống thế gian bằng ánh mắt ấm áp, mê say. Bình minh hắt muôn vàn tia sáng rực rỡ tinh khôi xuống đồng lúa đang dập dờn bén rễ. Bình minh chứa chan!

        Thoáng một chút gió lành lạnh, ta như lạc vào chốn sương mù Đà Lạt, chỉ cần khoác thêm chiếc áo mỏng đã cảm nhận hơi ấm lan tỏa cả ban mai lao xao màu nắng. Nắng xuân hong khô trần gian bằng thứ hương man mác diệu kỳ, thứ hương nồng nàn như bùa ngải đã vương vào hồn ai thì khó mà quên lãng. Nắng không e dè như cái nắng bất chợt của những ngày giữa chạp mà bừng lên nồng ấm, vàng thắm như màu hoa cải cuối vụ. Nắng tung tẩy nhảy nhót trên cổng thôn, ngõ xóm, trên những tầng cao. Trên cây xoan, cây bưởi đang ươm nụ căng đẫy hương đời…
        Từ phía cánh đồng, bình minh rộn rã cất tiếng cười. Rộn rã gom nắng, rộn rã gom gió. Lộc biếc chồi non he hé mắt cười xua tan phiền muộn ưu tư. Trên bầu trời cao xanh tít tắp, đàn chim rủ nhau tránh rét đã trở về, nối nhau chao liệng như một nét vẽ màu đen ảo diệu. Để lại giữa khoảng không bao la những thanh âm thánh thót tựa tiếng dương cầm ru nhẹ khúc xuân.
        Mùa xuân ơi ! Thì ra xuân đang còn thắm, xuân đang vấn vít trong từng giọt nắng, giọt mưa. Xuân đang vấn vít trên cánh đồng lúa xanh mơn man đến tận chân trời. Xuân đâu nỡ tàn phai. Xuân đang rủ rê, đang thức dậy sự sống của thế gian, chan hòa, trong trẻo tinh khôi đến ngỡ ngàng. Giây phút này, tôi đứng lặng nghe lòng mình xốn xang, chộn rộn. Nghe tiếng bình minh xôn xao giữa cánh đồng quê, nghe mầm cây cựa quậy bật mình tách vỏ…

        Mùa xuân ơi! Có lẽ từ bây giờ, mỗi lúc thoáng chút ngậm ngùi tiếc nuối khi mùa xuân đã cạn ngày. Tôi sẽ nghĩ đến nhành mai nở muộn. Tôi sẽ lại ngắm một thoáng bình minh tỏa ánh hào quang từ phía cánh đồng. Để hy vọng và đón chờ những mùa xuân phía trước…

        Hoa gọi tên mùa

          Tháng ba. Mưa bụi, nắng non với hoa xoan. Một loài hoa cứ lặng lẽ hương trong sự không mong chờ. Bởi cái rét ngọt cứ day dứt rồi dùng dằng chưa chịu hết, màu trời thì đùng đục, lây phây mưa bụi. Ánh nắng non tơ mà hời hợt chưa đủ làm khô những vũng nước nơi sinh sôi loài muỗi đáng ghét.

          Hoa xoan còn bị gán oan là tác nhân gây bệnh cho gia súc, gia cầm nên ngày xưa mua lợn giống người ta mách nhau phải tránh mùa hoa xoan. Trẻ con mùa này cũng hay bị bệnh sởi, mụn sởi mọc tím trên màu da xanh xao giống như màu hoa xoan. Khi ấy thóc trong bồ đã vơi cạn gần xuống đáy, lúa xuân chưa qua thì con gái… những ngày gáp hạt thiếu ăn đang ở phía trước với bề bộn nỗi lo toan của người lớn . Có ai mà hoài hơi ngẩng cổ nhìn hoa xoan tím ngát với mùi thơm nồng nồng hăng hắc. Hoa xoan âm thầm nở rồi tàn khơi gợi niềm trắc ẩn mông lung

          “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
          Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”.
          Tháng ba . Ở cái thời cơm có thịt là xa xỉ. Hoa xoan đến ngày thì nở rộ mặc người, có là chờ mong hay hờ hững. Ngoài sân đình cờ phướn bay bay, trống hội thúc giục. Đám rước kiệu sơn son thếp vàng đi trên con đường làng hoa xoan tím bỗng thấy nao nao trong lòng. Cánh hoa mong manh nhỏ bé cứ hồn nhiên tím, thơm nhẹ trong những vòm xanh. Hương hoa xoan nhẹ nhàng thoang thoảng chứ không rực rỡ kiêu sa nhưng cũng đủ làm lòng ta xao xuyến. Hình như gió xuân lay động cho làn hương khẽ chạm vào lòng người một cảm xúc dịu êm
          “mỏng manh pha tím
          vơi đầy hoa xoan
          vẻ đẹp hoang dại
          bâng khuâng mùa hương”.
          Hương hoa xoan trộn vào hương hoa chanh , hoa bưởi lan tỏa khắp vườn, loang ra đường làng ngõ xóm. Ừ nhỉ, đây một loài hoa nó có như là để đánh dấu, gọi tên tháng, tên mùa. Ngoài đồng, trong ao, ếch nhái chão chuộc tranh nhau gọi bạn uôm uôm, lúa xuân tươi non mơn mởn mướt mắt.
          “hương trong gió nồm
          thơm trong mưa bụi
          hoa rơi rải thảm
          diu dàng mùa sang”.
          Cuộc sống cứ việc vội còn hoa xoan cứ hồn nhiên mà tim tím. Cây xoan trồng để lấy gỗ làm vật liệu xây dựng. Làng ngày xưa trồng nhiều cây xoan lắm. Xoan trồng trên đường đi lối xóm, cạnh hay ở góc vườn , bờ ao…

          Cây xoan trồng bằng quả, đầu tiên người ta chọn hạt để ươm giống, khi có cây con giống thì bứng ra trồng ở những vị trí định sẵn. Trồng cây xoan sao cho khi cây lớn lên không ảnh hưởng đến sự quang hợp của các loài cây khác và nếu bão giông có bị đổ cũng không phá hỏng các công trình xây dựng. Gặp đất màu cây xoan lên nhanh lắm, cành vươn cao tự nhiên, vỏ thân cành màu tím sậm. Làm chỗ đậu cho những con chim chào mào mặc áo thầy tu sáng sớm bảnh mắt đã rao giảng. Đám trẻ trâu rất thích cây xoan, leo trèo chọn lấy cành có chạc hình chữ Y để làm súng cao su.

          Những ngày mưa rả rích tháng bảy trẻ con không đi chơi được, ngồi ở hiên nhà, dùng quả xoan làm đạn nhằm bắn thân cây cau đang đứng chịu mưa “ bách phát bách trúng”. Còn nhớ khi tôi đến tuổi mười năm, ông nội trồng một rặng xoan ở bờ ao với dụng ý sau này cho cháu đích tôn làm nhà khi có gia đình riêng. Thật là cảm động, người lớn luôn nhìn xa và lo xa thế đấy. Ngày ấy, thanh niên trước ngày nhập ngũ thường trồng một cây xoan sau vườn nhà như một hình tượng của sự vươn lên dẻo dai bền vững cho cha mẹ nhìn cây đỡ nhớ con đang ngoài mặt trận. Cây xoan ấy được mọi người chăm bón lên xanh, tươi tốt. Lòng người ở nhà cũng vì thế mà an vui với công việc ruộng đồng…

          Về mùa Đông cây trút lá trơ cành khẳng khiu. Thầy giáo dạy văn người miền Nam, nói trong quê thầy gọi cây xoan là cây sầu đông; có lẽ vì cây xoan mùa Đông nhìn xơ xác, trơ trụi những cành gày guộc như ốm đói. Ấy vậy mà sang Xuân cây xoan bung lá, trổ hoa, lại tràn đầy sức sống như con gái dậy thì .

          Gỗ xoan rất tốt, dẻo dai và bền chắc. Gỗ xoan có vị đắng nên khả năng chống mối mọt cao. Gỗ xoan có độ bền hàng trăm năm nên nó được mệnh danh là “ lim đồng bằng”. Những vật dụng trong nhà được làm bằng gỗ xoan sau khi đã được ngâm đủ ngày trong nước . Bàn, ghế, gường…đều làm bằng gỗ xoan đã xẻ thành từng tấm ván vừa nhẹ vừa bền chắc. Gỗ cây xoan thường dùng làm cột, kèo quá giang có trạm trổ hoa văn mềm mại. Ngày bố mẹ tôi làm nhà đúng vào cái thời gian khó (1968) để mua cặp cây gỗ xoan đều và thẳng làm cặp xà quá giang, phải mất mấy ngày đi xa mãi cuối xã mới chọn được cây ưng ý. Dỗ cho ba đứa con thơ ngủ ngon rồi khép cửa cùng vợ chồng người em họ đi chặt hạ và kéo gỗ về. Hồi ấy phương tiện giao thông hiếm lắm, đến xe cải tiến cũng không có mà thuê nên bố mẹ tôi chọn sông Cái làm đường vận chuyển. Và suốt đêm, bốn người rét mướt kéo gỗ dọc bờ sông hun hút gió Bắc thổi. Đến hai giờ đêm đói quá, mẹ tôi là người chúa sợ ma, cũng phải một mình lần mò trong đêm khuya khoắt về nhà nấu cơm để mang ra tiếp sức đưa gỗ về ngâm trong ao. Sáng hôm sau bố tôi vẫn đi dạy học và mẹ vẫn đi làm bảo đảm đủ ngày công Hợp Tác Xã.

          Những ngôi nhà hình hộp như khối bê tông vuông vức hiện nay không cần phải xà quá giang trạm trổ nữa. Đường làng ngõ xóm đổ bê tông phẳng lỳ, vườn ao được bơm cát vào lấp đầy lấy chỗ làm nhà nên cây xoan không có đất “ dụng võ”. Ngày nay, cây xoan thưa vắng lắm, mùa hoa xoan không có mùi thơm nồng nồng hăng hắc thấy nhơ nhớ. Thương một loài hoa nở tím nhắc đúng tên tháng, tên mùa. Tháng ba. Mưa bụi, nắng non và Hoa xoan. Tôi vẫn mong chờ hoa xoan như một người bạn tri âm, tri kỷ với bao nhiêu kỉ niệm thao thiết đầu đời.

          Mùa hoa gạo đỏ

            Q uê tôi đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa nên nơi đây có thể gọi là xứ sở của loài hoa gạo. Những cây gạo sần sùi, thân cao vút, thẳng tắp như vươn mãi lên trời xanh. Ngắm nhìn hoa gạo rừng rực cháy như bó đuốc khổng lồ vào những ngày tháng Ba, tôi lại nhớ đến cây gạo già nua, đứng sừng sững giữa làng.

            Bóng cây sum suê ấy đã lưu lại cả tuổi thơ êm đềm của lũ trẻ chúng tôi ngày ấu thơ. Để rồi mỗi lần trở về, nhìn sắc hoa cháy đỏ, lòng chợt thấy bồi hồi xao xuyến, kỷ niệm xưa lại ùa về tươi rói như mới vừa hôm qua.
            Cây gạo ấy mọc giữa một bãi cỏ bằng phẳng cạnh bến nước giữa làng. Không ai biết nó đứng đó từ bao giờ. Tôi chỉ nghe mẹ kể rằng: “Mấy chục năm trước, khi bà về vùng đất này công tác đã thấy cây gạo sừng sững đứng đó.” Gốc gạo to xù xì. Rễ vồng lên, chẻ ra thành năm nhánh lớn cắm xuống đất trông như một bàn tay khổng lồ ôm lấy mảnh đất quê hương. Lớp gai nhọn theo năm tháng đã mòn vẹt chỉ còn lại những chiếc u bằng vốc tay nổi lên trên mảng da sần sùi mốc meo. Từng đám rêu xanh mướt bám đầy gốc gạo già. Gốc gạo to đến nỗi năm, sáu đứa trẻ con chúng tôi nắm tay nhau mới có thể ôm kín gốc. Bến nước nơi cây gạo đứng là thiên đường tuổi thơ của đám trẻ chúng tôi.

            Đầu xuân, từ cành cây khẳng khiu trụi lá bắt đầu nhú lên vài ba chiếc nụ đầu tiên. Nụ hoa như những chiếc đèn bé nhỏ ngày càng mọc dày chi chít. Trong mưa ẩm mùa xuân, nụ hoa cứ lớn dần lên. Rồi một ngày nắng vàng mênh mang những bông hoa gạo đồng loạt bung nở đỏ rực. Lúc này, cây gạo trông tựa như một bó đuốc khổng lồ rừng rực cháy giữa trời xanh.

            Vào mùa hoa gạo nở, bãi cỏ dưới gốc cây như nhộn nhịp hẳn lên. Đám con gái nhặt hoa gạo chơi đồ hàng. Những sạp hàng bé tí xíu được ghép bằng thân cây sậy đầy ăm ắp, đỏ ối toàn hoa gạo. Bàn tay con gái thoăn thoắt trao đi những tờ tiền bằng lá cây màu xanh hái vội ven rừng và nhận lại những bông hoa gạo mập mạp. Trò chơi chỉ đơn giản thế thôi mà khuôn mặt đứa nào cũng tươi roi rói. Đám con trai thi nhau hứng những bông gạo đang rơi và tách cánh hoa đỏ sẫm đưa vào miệng nhấm nháp. Những cánh hoa gạo nhơn nhớt có vị chua chua xen chút ngòn ngọt mà sao lúc đó chúng tôi vẫn thấy ngon lành đến thế. Chơi chán, đám trẻ con lại nằm xoài xuống bãi cỏ xanh bên gốc cây, gối đầu lên cỏ biếc mà ngắm nhìn những cánh hoa đang rơi xoay tròn trong gió, ngắm nhìn đàn chim vừa nhảy nhót vừa nô đùa ríu rít trên cành.

            Mùa xuân chín dần. Mặt trời bắt đầu rải những tia nắng vàng rực rỡ. Trên cây, hoa gạo thưa dần. Những chiếc lá ngày càng ken kín vào nhau xanh mơ màng. Lẫn trong vòm lá xanh chỉ còn thấp thoáng vài bông gạo đỏ như những chiếc đèn xinh xắn, đang cố sức thắp lên những ngọn lửa hồng cuối cùng giữa mênh mang màu xanh của lá. Rồi một ngày giữa màu xanh mát mắt ấy, nở bung ra từng chùm quả gạo. Những sợi bông gạo trắng muốt, nhẹ tênh chui ra khỏi chiếc vỏ cứng xù xì, cứ thế nương theo gió mà bay tít vào vòm trời thăm thẳm. Vậy là kết thúc một mùa hoa đỏ tưng bừng.

            Tôi nhớ ngày còn nhỏ, mẹ tôi vẫn cần mẫn gom nhặt những quả gạo rồi tỉ mẩn nhặt sạch hạt gạo màu đen như hạt tiêu lẫn bên trong nhúm bông trắng để làm ruột gối cho anh em tôi. Tôi không biết do chiếc gối làm bằng bông gạo êm ái hay do tình yêu thương của mẹ mà giấc ngủ của anh em tôi luôn êm đềm dịu ngọt. Mấy chục năm đã trôi qua, mẹ tôi không còn nữa nhưng tôi vẫn giữ lại chiếc gối bằng bông gạo mẹ làm. Tôi mang theo nó về miền đất mới, nơi tôi công tác và lập nghiệp, đó là kỷ vật cuối cùng của người mẹ dịu hiền. Mỗi mùa hoa gạo về, nhìn những bông hoa cháy đỏ ven đường tôi lại nhớ đến những tháng năm êm đềm bên mẹ, bên gốc gạo già của xóm núi quê mình.

            Gốc gạo già còn là nơi chứng kiến niềm vui giản dị, nhỏ bé của người dân xóm núi. Vào những ngày hè nóng nực, mỗi lần đi làm về, người dân quê tôi lại dừng chân nơi bến nước bên gốc gạo rửa mặt, rửa chân cho vơi bớt đi phần nào cái nóng hầm hập giữa trưa hè. Có người còn tranh thủ tựa lưng vào gốc gạo nghỉ ngơi một chút sau những giờ lao động vất vả. Những đêm trăng sáng, người trong xóm thường tụ tập dưới gốc cây ngắm trăng và nghe các anh chị thanh niên vừa đệm đàn ghi ta bập bùng vừa hát những bài ca vui nhộn. Còn đám trẻ con chúng tôi chiều nào cũng tụ tập đưới gốc gạo chơi đủ thứ trò chơi con trẻ, nhưng thích thú nhất có lẽ là trò chơi đánh cù quay và trốn tìm. Những chiếc cù bằng gỗ ổi xoay tít, hòa cùng tiếng gọi, tiếng cười đùa giòn tan của đám trẻ con rộn vang một vùng. Dường như không khí sôi động dưới gốc cây cũng làm rung rinh vòm lá của cây gạo già tít phía trên cao. Hôm nào vắng bóng chúng tôi, cây gạo già lại ngó nghiêng như chờ đợi, như ngóng trông.

            Năm tháng trôi qua, chúng tôi lớn dần lên rồi rời xa quê nhà, rời xa gốc gạo với những mùa hoa rực cháy. Mỗi lần trở về, điều tôi kiếm tìm đầu tiên đó chính là cái bóng sừng sững của cây gạo nơi xóm nhỏ. Nó giống như hình bóng của người mẹ già, bao năm rồi vẫn lặng lẽ đứng đó, xanh mãi cùng tháng năm, chờ đón chúng tôi trở về. Rồi một ngày khoảng xanh sừng sững ấy không còn nữa. Người ta đốn hạ cây gạo già để làm con đường nhựa thẳng tắp, lắp đèn điện sáng trưng thay cho con đường nhỏ ngoằn ngoèo, um tùm cây lá mà tôi và các bạn mình vẫn đi suốt một thời tuổi thơ. Dù biết rằng đó là điều tất yếu nhưng lòng vẫn vương chút buồn man mác, bởi cây gạo là cả một miền ký ức thân thương bên bạn bè, bên cha mẹ khó có thể xóa nhòa trong tâm thức của tôi.

            Thỉnh thoảng tôi vẫn trở về, vẫn đi trên con đường có hàng cây gạo đỏ năm nào. Mỗi lần qua gốc gạo già ngày xưa, tôi lại có cảm giác như vừa đánh mất một thứ gì đó thân thương lắm. Những cánh hoa bình thường, vẫn đỏ rực nơi bầu trời ký ức…

            Người đàn bà khóc

              T rỗi lên trong một buổi chiều những điều ám ảnh, như mưa về, như gió về, như nắng tắt, như trăng lặn, như người xa bằn bặt, như người đâu ngoảnh mặt, như những trái tím khóa chặt, nín thở thinh lặng. Buổi chiều hôn mê.

              Tiếng khóc của một người đàn bà trong một đám tang xa lạ mà tôi ngang qua ở vùng Thanh Xuân, Hà Nội đã làm cõi lòng cậu học trò xa nhà nức nở. Éo le thay hơn một năm sau tôi mới biết đó là tiếng của một người đàn bà khóc thuê do tình cờ đọc một mẩu tin trên tờ Rao vặt.

              Buổi chiều hôn mê ấy, thứ buổi chiều sập xoài gió mưa tháng Bảy đã găm vào trái tim tôi những hoài nghi về con người, vể thế giới này, về nước mắt và cảm xúc. Về đàn bà. Những người đàn bà khóc.

              Phàm là đàn ông chắc chẳng ai dễ chịu trước tiếng khóc , nước mắt đàn bà. Nhưng cũng chỉ có nước mắt đàn bà mới đủ mặn để xem trái tim người đàn ông nhạt nhẽo đến đâu. Những giọt nước chảy ra từ nỗi niềm, từ cô đơn, từ yêu thương, từ thù hận, từ cay đắng, từ ngọt ngào, lại có một thứ uy quyền đến lạ lùng.

              Một buổi chiều ở vùng nước Cẩm Phả, sau vai ai mùa Thu đã cài tóc nắng. Cậu em tôi chia tay cô người yêu để chuẩn bị lên tàu thực hiện 1 chuyến hải trình. Cô bé người yêu mà sau này là em dâu tôi ấy níu lấy tay bạn trai và những giọt mắt cứ như muốn vươn dài về phía biển. Mới thấy thế mà cậu em đã cuống quýt: Anh biết rồi, anh sai rồi, anh xin lỗi em, được không?

              Nhiều năm rồi, giờ cứ mỗi khi nhớ về cậu em cùng câu chuyện buổi chiều mùa thu năm ấy, lòng tôi lại trào dâng những hoài thương sắc màu của tuổi trẻ. Câu em tôi đoản mệnh, nó vừa đi năm ngoái, sau khi tôi viết “Những người thiên cổ”.

              Nước mắt của đàn bà nhiều khi như chốn công đường, có một thứ quyền năng ẩn chứa để người đối diện cũng sẵn sàng thành khẩn, sẵn sàng sẻ chia, sẵn sàng nhận trách nhiệm về mình. Hay có phải nước mắt là bao dung?

              General Santos một bình minh có mưa và gió thổi nhẹ, những bông hoa dại ven bờ biển trắng đến xanh xao, tôi tản bộ dọc chân sóng, ven làng chài, ven tháng Mười ở xứ sở nhiệt đới. Từ nơi này đến trung tâm thành phố phía xa xa kia ước chừng cũng chỉ 15 phút đi bộ, vậy mà tiêu điều, vậy mà xác sơ, sự phân hóa giai cấp, sự tách biệt giữa người giàu và kẻ nghèo thể hiện một cách trần trụi.

              Tôi dừng lại khi trước mắt mình là một người đàn bà đang quỳ trên cát, bên cạnh một đứa trẻ cũng xác xơ như làng chài. Người đàn bà nhìn về phía biển, chắp tay lầm rầm khấn nguyện. Người đàn bà khóc, người đàn bà hoang vu như một dấu hỏi, người đàn bà trầm kha. Những giọt nước mắt nhòe vào cùng những bọt sóng bắn lên, chắc là mặn lắm, chắc là xót lắm, chắc là… Có thể người thân của người đàn bà đó vẫn chưa trở về sau 1 chuyến biển dài.

              Nhớ lại chuyện cũ, phải mất 1 năm sau tôi mới biết âm thanh ở đám tang vùng Thanh Xuân mà tôi ngang qua là của một người đàn bà khóc thuê, nhưng phải chờ đến lúc này, trên bờ biển vùng General Santos Philippines này, tức là hơn 10 năm sau, tôi mới cắt nghĩa được tại sao đàn bà khóc thuê mà cũng khóc giỏi thế? Không đâu, trước tiên họ khóc cho thân phận, sau đó mới là một trái tim luôn thường trực những yêu thương. Đàn bà buồn!

              Đàn bà buồn bởi nước mắt? Không đúng! Đàn bà buồn bởi những cay nghiệt của cuộc đời, những vị kỷ của xã hội, những dung túng của số phận, những thứ tha hẹp hòi của đàn ông, những thứ mà chúa trời cho đó là bổn phận…

              Hôm chia tay người đàn bà còn trẻ ranh ở vùng Thâm Quyến – Shenzhen Port, người đàn bà tên Lụa bị bán đi từ Việt Nam khi mới tròn 14 tuổi. Người đàn bà ấy nhìn theo tôi và khóc. Những giọt nước mắt chảy tràn trên khóe môi, những giọt nước mắt giãy đành đạch trong gió rét vùng phương Bắc. Những giọt nước mắt căm căm. Đàn bà khóc vì đôi khi không biết phải gọi tên cuộc đời là gì… Đàn bà cô đơn.

              Làm một người đàn ông, đã từng dấn thân vào dâu bể cuộc đời, tôi đã quen với nước mắt đàn bà. Tôi những tưởng đôi khi mình trở thành đá sỏi. Thế nhưng có một người đàn bà luôn làm tôi lo sợ mỗi khi người ấy khóc. Mẹ tôi.

              Tôi đã lấy đi quá nhiều nước mắt của mẹ. Có những khi, mẹ nhấn đêm vào ánh đèn vàng, ánh đèn vàng khóc lời dịu dàng: Huy ạ, mẹ ăn đói mặc rách cũng được, đời này kiếp này mẹ chỉ mong con trở về là đứa con của mẹ như ngày xưa… Tôi luôn quay mặt đi chỗ khác… và khóc… Đàn bà yêu thương!

              Nhưng cũng phải chờ đến bây giờ, tức là 15 năm sau, tôi mới cắt nghĩa được tại sao nước mắt đàn bà, nước mắt của mẹ có thể đưa những đứa con của mình trở về sau những hư hỏng, sau những lầm lỡ cuộc đời. Nước mắt không chỉ là sự thất vọng. Nước mắt là niềm tin!

              Có một câu nói rất hay, tôi nhớ ở đâu đó: “Nếu giấc mơ của bạn rơi và vỡ thành hàng ngàn mảnh, đừng ngại nhặt một trong những mảnh đó lên và bắt đầu lại…” Mà chỉ có mẹ là người hiểu rõ nhất những giấc mơ ấy, những mảnh vỡ ấy. Mẹ cũng đã từng khóc khi nhặt một vài mảnh giấc mơ con. Có lẽ ở đời phải đối diện với những mảnh vỡ của chính mình là một điều tồi tệ. Nhưng có cảm giác tôi thấy những giọt nước mắt của mẹ đã vô hình hàn gắn lại những giấc mơ đã từng tan vỡ trong tôi. Người đàn bà khóc trở nên hiền từ hơn bao giờ hết. Phải chăng nước mắt ấy cũng như một thứ bổn phận trong thế giới này?

              Làm một người đàn ông thất bại lớn nhất trong đời không phải là kém cỏi công danh sự nghiệp. Thất bại lớn nhất là thiếu vắng hình ảnh người mẹ trong trái mỗi trái tim con?

              Nhiều đêm, đêm đêm, ban mai, tôi thấy những giọt nước mắt của mẹ ấm nóng chảy vào trái tim mình. Và những người đàn bà khóc đã kể cho tôi, cho chúng ta câu chuyện về tương lai…

              Hoa khai dưới nguyệt

                T

                a về nhà một đêm
                Dưới hiên trăng huyễn hồ
                Em vừa tung cánh mỏng
                Thả giấc mộng đời hoa

                Trăng xưa về mang theo nét buồn thiên cổ, hồn hoa xưa lãng đãng cốt cách phù dung. Trong sâu lắng âm thầm, ta tưởng như hồn em đang quyện vào hồn ta, cùng cong êm theo sóng lượn thời gian, mang theo giai điệu thăm thẳm nhiệm mầu…

                Hương em thoáng ngập ngừng, thoang thoảng mùi diểm ảo, rồi thung dung dưới nguyệt một dáng đẹp kiêu sa. Cho lòng ta càng thêm xao xuyến, bồi hồi. Nhất là khi vừa thoáng nghe giữa khoảng không vắng lặng có tiếng chim vang lên. Em có nghe chăng? Tiếng chim hót thật dịu êm và miên man ngân tiếng buồn dài, chẳng khác chi một khúc tình ca mong nhớ mong.

                Hương em lay động theo tiếng chim? Hay tiếng hót của chim làm thức giấc hồn em? Thức giấc cả cõi miền tịch liêu! Và, gợi nhớ trong ta…một đêm xưa… Ta nghe trong mơ hồ có tiếng ai vọng vang, và ta thoáng thấy như có dáng ai qua thềm? Khiến lòng ta mênh mang theo tiếng chim ngậm ngùi…rơi! Chạnh lòng! ta đưa mắt kiếm tìm…

                Trong ánh sáng lồng lộng ngút ngàn, ta chẳng thấy bóng chim đâu. Nhưng rồi ta chợt thấy, lượn bay dập dờn nơi xa kia có đôi cánh trắng, đôi cánh trắng ấy chập chờn nhẹ lướt trong sương trăng, trông như một u linh, rồi càng lúc càng gần hơn, khi đã đến bên em, ngập ngừng thoáng giây, đôi cánh mỏng đập khẽ khàng, rồi nhẹ nhàng đáp xuống trên dáng em điệu đà. Ta nhận ra…đó là một chú bướm xinh!

                Ta có cảm tưởng như..cả hai sắc trắng ấy – em và bướm, đang như hòa lẫn trong nhau , đang như tay trong tay, dắt dìu nhau lắt lay theo từng cơn gió đùa..Một hình ảnh, đôi chuyện tình diễm lệ thấp thoáng rong chơi giữa chốn trăng ngàn.
                Trong khi, nơi xa kia, tiếng chim vẫn thổn thức trong sương mờ, đưa hồn ta trôi theo tiếng gió bồi hồi, nghe như tiếng ai thì thầm, từ một kiếp nào xa xôi…thấp thoáng, mơ hồ, chơi vơi, chơi vơi giữa lòng huyền bí êm mơ, khiến ta bâng khuâng, đồng thời cũng dâng lên trong lòng mình một nỗi buồn rưng rưng!
                Nếu nói, đây là giai điệu của dạ khúc, thì dạ khúc của đêm nay, trong thời khắc này, nhưng sao hồn ta lại mênh mênh mang mang vào một thời điểm đã vắng xa. Một thưở nào, nơi nao…gió đưa lời vi vu giữa lòng nguyệt mơ huyền…
                Rồi khi, trăng trôi theo nhịp phiêu bồng. Chim bay về xứ xa mờ hắt hiu. Quỳnh hoa nương cành thiên thu, để con bướm lượn giữa cõi mờ hơi sương…

                Giấc đào phai

                  Đ ó là nụ cười của mùa xuân. Mà cũng không hẳn là nụ cười, có thể là nguồn cảm hứng mới cho những khuôn mặt người. Cũng không phải ngôi sao năm cánh. Ngôi sao chỉ thật sự im lặng khi mênh mênh, mang mang trời đêm. Từng giấc hoa chạy dài theo miền nhớ. Mở ra đôi cánh. Mở ra năm cánh. Khép lại một cánh…

                  Không thể khép lại bởi đã gửi hương cho gió. Trời đất thấu cảm. Nhân sinh hàm ơn. Mùa trôi qua tay. Mùa trôi qua nhau. Những giấc người qua mau. Nhưng, như thể chỉ gặp lại trong khoảnh khắc ấy. Kết tinh và ngưng tụ hoặc giả đơn thuần là trống rỗng, thanh sạch, ngọt êm. Giấc đào phai trôi vào khóe mắt, môi mềm. Cảm xúc bắt nguồn từ đám mây se sẽ trôi ngang bầu trời, từ cánh hoa tả tơi nát dưới chân người. Ai nhặt được ánh mắt. Ai nhặt được trầm tư. Ai nhặt được thực thực, hư hư giữa trầm luân số phận.
                  Những giấc hoa từ trên núi xuống đồng bằng. Về nơi đông đúc, không có lời reo vui của gió, không có giọng ấm trầm của cỏ, không có buốt má, trầm sâu của sương sa. Và mây chẳng ngang qua, mưa không giăng mành mà đọng lại li ti hạt ngọc. Sắc không thắm nữa, lời không bậu cửa, đào đứng nép mình trong xanh đỏ tím vàng, lung linh ngợp sắc xuân tràn nhà phố, cao ốc, chung cư. Chiếc áo cộc từ đó mong manh lắm, cánh tay gầy cố bung từng nốt nhạc của triền núi mờ sương. Sức sống nào mãnh liệt, chẳng thể thui chột trong từng vết thương sắc lẹm. Vết cắt ấy cũng không cần lành lặn mà bổi hổi, bồi hồi ngồi xuýt xoa, ru mình tĩnh lặng.

                  Xa xót đấy, ầng ậc đấy. Đâu ai thấy cội rễ rỉ nhựa, tự làm mờ, xoa dịu vết thương mình, để từ đó mầm nhú lên, vươn lên, lắng dịu, hồi sinh. Khi theo người, đào sớm biết phải luôn nở nụ cười. Kiêu hãnh mà chẳng phải cao ngạo, vừa đủ mực thước, vừa đủ tinh khôi. Và đủ cả lẽ đời trong lời xuân gọi. Xuân gọi lúc ánh bình minh chiếu rọi, sương còn quấn quện chưa tan loãng, lời đêm ngọt lịm, ướt đầm. Khúc ru đêm êm ái, tĩnh tại. Chỉ có bao la là cỏ, là hoa. Lúc đó, đào bừng tỉnh, thôi thúc mình căng tràn nhựa sống.

                  Đào chỉ nở một thời điểm duy nhất trong năm. Ấy là khi giữa giá buốt còn sót lại cuối mùa đông, cùng với mưa phùn rắc rây xuân sớm. Gió táp vào cây, mưa dội làm đầy. Hòa ấm áp vào giá lạnh, đất trời âm âm, u u. Sau bao ngày ngủ lịm đi vì kiệt sức. Không biết đã chịu bao nắng lửa, mưa sa, rét cắt thịt cắt da. Từ tận cùng của khổ ải, can qua. Mặc chim muông cứ hót, mặc các loài hoa trái đậm hương, đào cứ ngủ li bì như thế cho đến khi những cánh tay không thể sần sùi, khẳng khiu hơn được nữa. Rêu mốc thếch bám chặt lấy, để mà cũ kĩ, để mà khô sượng. Thì, bằng sinh lực đã dồn nén bấy lâu, bằng giấc hồi sinh kì diệu, đào bung tỏa sáng bừng khuôn núi, thức thao mờ núi. Thay cho lời muốn nói, khi nắng hửng lên, xuân đã gọi tên, đào dần thắm đỏ. Cho ta hiểu thế nào về vết thương và sự hồi sinh. Cứ thế, mỗi mùa xuân đào lan tỏa yêu thương, sắc đẹp vốn có của tự nhiên mà gần gũi người đời. Dẫu những cánh tay ấy đi muôn nơi thì vẫn là vẻ đẹp của núi rừng, tuy không bừng tỉnh nhất, sức sống mãnh liệt nhất nhưng đủ khơi gợi, đủ tô điểm, làm mềm những chai sạn bấy nay.
                  Ta vẫn trầm trồ trước vẻ đẹp của núi, của bản làng mùa xuân. Một vài mái nhà chênh vênh, những bóng cây tần ngần, những con đường ngoằn ngoèo cô quạnh, tưởng như heo hút mà vô cùng thức, vô cùng dội vào đáy mắt. Lặng ngắm trong mờ sương, ngỡ đâu tiên cảnh. Hãy cứ một lần ướt đầm, ngấm sương sa, giá lạnh mà cảm nhận sức sống căng tràn của cỏ cây, hoa lá ấy. Trỗi dậy mạnh mẽ nhất, sức sống mãnh liệt nhất, giấc đào phai rất thật trên vai áo núi đồi.

                  Đó là cái giá của sự tự do. Sự tự do không hẳn được bao bọc bởi tình yêu thương. Sự tự do đến từ khát vọng. Khát vọng mà tạo hóa ban tặng dễ làm thổn thức trái tim, run rẩy mà ngỡ ngàng, lắng dịu đến miên man. Trong khung cảnh nguyên sơ mà ngỡ ngàng ấy, đào tỏa sáng cả không gian vốn dĩ thuộc về tự nhiên. Và như thế sự tự do, kiêu hãnh, khát vọng sống giữa bao la núi đồi, bao la đất trời vạn vật ngỡ như làm lay động những con mắt lưu lạc nhân gian tìm tới.

                  Người có thể thưởng thức bằng trái tim, bằng mọi giác quan. Hãy mở ra cửa sổ tâm hồn mình mà đón nhận. Lúc người cảm được thì có lẽ giấc đào phai đã tận hiến hết mình, dẫu hồi sinh, dẫu gai góc trên da thịt núi đồi. Có những ngày, heo hút gió, heo hút mưa. Mưa dầm dề tưởng như u uất mà đầy tĩnh lặng. Khi đó, xác hoa đã ngập lối đi, phủ lên nhau, quyện lấy nhau tựa hồ một bản ru trầm nhựa sống. Ta bắt gặp “giấc mộng lầu hồng” đâu đó, thiếu nữ ủy mị khóc hoa, chôn hoa, mong manh liễu yếu đào tơ chốn hồng trần. Khi đó, giấc đào phai trong ngần mà đẹp đẽ, se sẽ, kiêu sa. An nhiên mà man mác ru lòng, xúc động mà thấu nhớ, thổn thức trong cõi mộng mờ ảo khói sương.

                  Đi qua núi đồi, đi qua lòng người, nhân sinh những nụ cười, nhân sinh chén trà đời, giấc đào phai cứ thế chậm rãi, hạnh ngộ tương giao. Ta bắt gặp từng giấc người như bóng mây qua thềm. Nhẹ như mây, hờ hững như mây, ngưng tụ như mây. Rồi lắng đọng hóa nước. Nước trong ngần nước. Tụ đọng gì, chắt lọc gì giữa chốn ta bà, để rồi luân hồi đâu đó giấc hoa. Có chăng giấc hoa là ý niệm của trời đất. Gửi vào đó lời nhắn gửi thiết tha yêu thương, thấu cảm, cạn gan ruột cho khúc ca tự do tự tại. Sống một lần đáng sống dẫu chỉ là khoảnh khắc thôi, đủ lưu giữ hương đời, thanh tao mà đẹp đẽ. Cốt cách đào phai, cốt cách niềm ai. Xuân sớm mờ sương, mưa giăng mành kết nụ, ta chưa tỉnh giấc hay còn mơ màng trong thăm thẳm ảo diệu, thăm thẳm phiêu diêu…

                  Dưới bóng cây nêu

                    T

                    hịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
                    Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh.

                    Tết là sự hiện diện của bánh chưng xanh thơm lừng mùi lá dong quyện trong hạt nếp dẻo; là đĩa thịt mỡ thơm ngậy ăn kèm với củ dưa hành thanh thanh; là rộn ràng âm thanh của tiếng pháo nổ đón chào năm mới. Và chắc chắn không thể thiếu những cây nêu dựng trước cổng nhà.

                    Trên vườn nhà tôi có thật nhiều cây tre. Tầm khoảng ngoài 20 tháng chạp, bố xách dao lên vườn đi hết bụi tre này đến bụi tre khác ngắm nghía rồi chọn lấy một cây ưng ý nhất. Cây tre lọt vào đôi mắt xanh của bố là thẳng, suôn, cao khoảng 5-6 mét. Hạ cây xuống, bố dùng dao tỉa hết cành nhánh, chỉ chừa lại phần ngọn.Trong bếp, mẹ đang chuẩn bị đủ thứ cần thiết để lo bánh trái, nếp xôi thì ngoài này, bố lo phần trang trang hoàng cho không gian thêm đẹp. Cứ thế mà năm nào tết nhà tôi cũng thật rộn ràng, tất bật. Đám cháu nhỏ thấy ông làm thì líu ríu theo sau, tò mò hỏi han đủ thứ.

                    Ông vừa làm vừa nhiệt tình giải thích cặn kẽ từng lời thắc mắc của cháu mà không biết mệt. Rằng vì sao ngày Tết có cây nêu, vì sao trên ngọn nêu ông treo củ tỏi và nhánh xương rồng, rồi lại có thêm cái đèn lồng xanh đỏ…Cháu đã thôi chạy lăng xăng mà ngồi ngẩn tò te bởi tâm hồn ngây thơ bị cuốn theo lời ông nói. Cho đến khi cây nêu được dựng lên, những ánh đèn đỏ vàng xanh tím quấn quanh thân cây nhấp nháy lung linh trước cổng thì đàn cháu vỡ òa mà reo vui thích thú.

                    Lặng ngắm khung cảnh ấy mà tôi nhớ Tết xưa, thuở tôi còn thơ bé. Cũng là cảnh dựng nêu ngày Tết nhưng người đảm nhiệm công việc ấy lại là ông tôi. Hồi đó, bố là bộ đội ở đơn vị xa, có Tết về có Tết không, và nếu có thì cũng là những ngày cận Tết tôi mới được đón bố. Chính ông tôi cũng là người tự tay chọn cây tre ưng ý, tỉa hết cành nhỏ, tự tay buộc cả một bó tỏi củ, thêm cái mảnh khánh đất…Rồi cây nêu được dựng lên, ngọn nêu phấp phới la đà trên cao, chỉ có điều thuở đó không có những dây bóng nháy đủ màu như ngày nay. Tôi cứ đứng dưới gốc nêu mà ngắm rồi tưởng tượng ra cái câu chuyện Sự tích cây nêu ngày Tết từng được ông kể cho nghe. Chỉ là trong tưởng tượng mà tôi thấy ghét lũ quỉ tham lam độc ác giành hết ruộng đất, xảo quyệt cướp hết lúa của con người. Nhưng rồi lại thấy hả hê khi con người nhờ được Bụt giúp mà những vụ sau ung dung đem khoai và ngô và nhà. Thấy cảm ơn ông Bụt độ lượng, giàu lòng yêu thương khi đã bày kế cho con người dựng nêu để trừ ma quỉ vào dịp Tết đến. Để từ đó, nhân dân ta có tục dựng nêu vào dịp trọng đại thiêng này để mong cầu bình an.

                    Vẫn nhớ lời ông bảo, sau ngày 23 tháng Chạp, các vị thần thổ công, thổ địa, ông táo vắng mặt do bận về chầu trời nên ma quỉ sẽ nhân cơ hội đó vào phá phách. Vốn đầu óc hay tưởng tượng nên tôi khá sợ hãi nhưng chợt nghĩ đến cái bóng áo cà sa của ông Bụt, nhìn lên củ tỏi, và chiếc đèn lồng trên ngọn tre, bỗng chốc nỗi sợ tan biến mà hóa thành sự bình an trong tâm hồn. Bởi tôi vẫn tin củ tỏi, mảnh khánh kia sẽ xua đuổi quỉ ma, còn chiếc đèn lồng ấm áp đang soi đường rước ông bà tổ tiên về đoàn tụ cùng con cháu…Mùi hương trầm tỏa lan trong giá rét khiến cho lòng trẻ thơ ấm lạ ấm lùng.

                    Nhà tôi ở lưng chừng đồi, đứng từ trên sân có thể nhìn ra bao quát mênh mông xóm làng. Tết đến, quanh xóm, nhà nào cũng có cây nêu nhưng có vẻ nhờ địa hình nên cây nêu nhà tôi vươn cao nhất. Những ngày dựng nêu xóm làng thêm nhộn nhịp rôm rả. Mọi người thường ra ngõ để xem việc dựng nêu, rồi còn phụ nhau dựng cho nhanh, cho chắc. Dưới bóng cây nêu, hàng xóm đứng chuyện trò thăm hỏi: nhà bà ngày mấy gói bánh chưng, nhà tui mới bóc dưa hành và ngâm đỗ, sáng nay ở chợ nhiều đào tươi…Đám trẻ con thì thích thú đi hết nhà này đến nhà khác để xem cây nêu của mỗi nhà khác nhau thế nào. Bố bảo mỗi lần về đến đầu xóm, nhìn ngọn nêu cao nhất là biết ngay nhà mình nơi ấy, biết ngay ở nhà ông nội đã chuẩn bị chu toàn.
                    Vẫn nhớ năm tôi lên sáu, bố viết thư về bảo Tết này có khả năng lớn là không về được. Đối với ông bà và mẹ, đó là việc bình thường bởi đây đâu phải là Tết đầu tiên bố bận việc đơn vị. Người nhà bộ đội thường được lên sẵn tâm lí vững vàng như vậy. Nhưng với tôi, dù đã được mẹ động viên song lòng tôi vẫn buồn và trông ngóng. Nhớ lời của bố từng nói, từ đầu xóm thấy cây nêu cao nhất là nhà mình nơi ấy, tôi thường ra đứng dưới gốc nêu ngóng chờ, hi vọng, mong ông Bụt ban cho phép màu. Và vào buổi chiều ba mươi giá rét của năm ấy, khi đang tha thẩn dưới gốc nêu, một bóng dáng cao gầy đã xuất hiện, tay còn cầm một nhánh đào thắm tươi. Tôi reo vui òa tới ôm chầm lấy bố. Được bố bế trên tay, đứa trẻ ngây thơ thỏ thẻ bên tai bố rằng: ngày nào con cũng đứng ở đây, để bố về đầu xóm nhìn thấy cây nêu là thấy con luôn.

                    Ngày nay, nơi quê tôi, ngày Tết, nhà nhà dựng nêu. Nhưng cây nêu thời hiện đại được trang trí bởi muôn ánh đèn màu nhấp nháy. Bố tôi bảo nhà mình nhiều tre, mỗi năm có một dịp nên bố vẫn thích tự tay mình dựng cây nêu truyền thống. Trên ngọn nêu ấy, bố trang trí thêm lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay. Nhưng có nơi, đặc biệt là dọc những con đường lớn người dân làm cây nêu bằng ống thép và cố định nơi cổng nhà, hễ dịp Tết là được trang hoàng lộng lẫy. Đêm xuống, nhìn từng hàng nêu thẳng tắp rực rỡ lung linh. Trên ngọn nêu ấy, không còn ngọn tre phất phơ cùng những củ tỏi, cây xương rồng, mảnh khánh… nữa mà thay vào đó là những cái khung bằng chất liệu thép hàn thành hình lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng rực sáng trên cao. Càng ngẫm càng thấy đúng, chỉ cần dưới lá cờ của Đảng, của Tổ quốc vinh quang thì ắt sẽ có bình an, ấm no và thịnh vượng.

                    Mùa này xuống phố

                      R ét về muộn hơn mọi năm khiến cho những trái tim không vơi nhớ mà tìm quê, tìm phố. Quê ở trong những bức tranh đời mà đôi khi chỉ là đi qua cánh đồng thấy rạ rơm đã cạn, se sắt theo gió heo may, nghi ngút khói tạt qua con đường vắng.

                      Khói đồng đấy! Thứ khói dễ làm sực nhớ, miên man nhớ, da diết nhớ. Nhớ đến tận cùng bởi ngày tháng cũng gần đến tận cùng của một năm. Phố ở trong con mắt người tha hương đang nếm trải mùi vị của cuộc đời. Phố nhắc về quê bằng khoai nướng, ngô bung thơm lừng, hương quện mỗi lần người ngang qua. Muốn dừng lại, muốn ngồi xuống hít hà cho trọn cái mùi vị ấy. Mùi vị tuổi thơ, mùi vị tháng năm. Phố cho người vơi đi nỗi nhớ quê mà tạm trú nhọc nhằn, ẩn mình trong hoài niệm. Mùa này, đôi lúc muốn ào ra phố, thâu trọn phố trong lòng tay. Cầm nắm, bung tỏa hương vị quê nhà. Phố chẳng phải xa lạ bởi phố gợi nhắc, gợi nhớ nỗi niềm quê.

                      Hương vị của phố có khác đôi chút nhưng dường như trong những khoảnh khắc nhỏ phố thực sự là quê, gốc rễ là quê. Phố là nơi những người quê ở khắp nơi mang đầy bản sắc, phong vị của mình tới đó. Từ cái giọng khê pha trộn vùng miền đến cách đi đứng, ăn mặc, và cả đôi mắt còn ngác ngơ, ngó trước, nhìn sau. Nghe tiếng điếu cày lọc cọc, tiếng quẹt diêm, ngọn lửa nhỏ vừa lóe lên đã đỏ đầy mà rít một hơi thật sâu nhả khói. Chén trà uống vội, chép miệng nỗi nhớ ruộng đồng.

                      Mùa này xuống phố có cái thú riêng, rất riêng mà những mùa khác không có được. Càng rét đậm, rét sâu người ta ngại ra đường hơn. Những hàng cây trụi lá, cúm rúm co mình lại bên góc đường. Đường rộng hơn, dài hơn, thênh thang hơn. Tôi luôn thích cảm giác được thông thênh, được mênh mênh, mang mang. Giống như những ngày vui chơi, lao động, làm việc giữa cánh đồng quê tôi. Ngồi bờ cỏ nhìn những luống khoai bò rải lún phún, hàng lá ngô non vấn vít, cọ vào nhau xạc xào trong gió bấc. Khi đó tưởng như thấy được hết hương vị và cả gan ruột cánh đồng. Mùi đất, mùi cỏ đậm sâu, mùi hanh hao xộc vào mũi, chóp mũi đỏ ửng, đôi má ram ráp dính quyện. Ngỡ như không gian bao la rộng lớn ấy thuộc về mình, là của mình. Thu vào tầm mắt, thu vào cả tâm hồn để khi xa rồi khắc khoải, nhớ nhớ, không thể nào quên. Thì phố hôm nay cũng thế. Sải đường rộng cho chiếc xe lăn bánh chầm chậm, đủ để trầm tư, đủ để miên man. Chỉ còn chút đông đúc, ồn ào, đua chen không đủ làm những nghĩ suy gợn sóng. Cây bàng lá đỏ đứng soi bóng bên chiếc đèn cao áp. Giữa ánh sáng chiếu rọi đó, như thấy cả làn sương mỏng mảnh như khói, hòa vào bóng cây gợi nhớ đơn côi, vừa như một bức tranh đẹp, vừa cho tôi một thoáng khắc khoải, giật mình. Giật mình khi đêm xuống, giữa cái lạnh cắt da cắt thịt, sẽ có những bóng người lầm lũi đi về phía cuối đường hun hút, phía chỉ có im lặng, tĩnh mịch, mịt mờ. Vả chăng, từ những ô cửa chớp trông ra, nếu lại có mưa phùn rắc rây nữa thì phố không chỉ là phố, phố là bóng đời nhỏ bé, đơn côi. Phố chơi vơi trong lời giá lạnh.

                      Mùa này xuống phố, muốn hít một hơi thật sâu vào trong lồng ngực. Để ngực phập phồng, để tim bềnh bồng, để đời hư không. Rét ư! Chẳng có gì đáng ngại như những ngày mưa phùn gió bấc căm căm sắn quần lội ruộng. Tấp chiếc xe vào lề một quán nhỏ hút khách bên đường Cầu Đất, ăn bát sủi dìn nóng hổi thơm nức quyện vị cay gừng, ngồi chiếc ghế thấp chụm gối, bưng bát lên để thấy cảm giác chiếc bát nóng ấm trong lòng tay lại nhớ những ngày hơ đều tay trên bếp lửa mà xuýt xoa, mà hít hà. Lại nữa, cách đó không xa, ngay cạnh nhà hát lớn thành phố, ngồi vỉa hè thưởng thức trà cúc, hạt dẻ vừa rang nóng bừng thơm phức, nhâm nhi mà ngắm người qua lại, thấy phố trôi thật chậm trong mắt người ưu tư, hoài niệm. Vậy là, yêu hơn một nhịp sống như cảm giác rằng mình đã chiều chuộng nội tâm mình, dẫu là khoảnh khắc nhỏ nhoi, thấy lòng bình yên ngay cả chỗ đông người. Có ai như mình chứ, chỉ thích những thứ nhẹ nhàng, đơn giản. Chỉ cần được cảm nhận, khẽ nếm trải một chút hương vị đời giữa bao la phố là như thấy gọi mời cảm xúc. Thứ cảm xúc không dễ trộn lẫn, không dễ đua chen. Lắng lại một chút cho tim rộn lên mà thao thiết rằng: phố cũng đơn sơ, mộc mạc như quê thôi, chỉ là trong lời phố, người quê đừng lạc mất mình, đừng đánh mất mình.

                      Mùa này xuống phố, thấy đông cũng đang cạn dần qua tàng cây. Trong những ngày không có nắng, tiết trời âm u, hiu hắt, cây được ngủ nhiều hơn. Gió bấc tưởng như lạnh buốt nhưng thực ra là đang vỗ về, ru cây vào giấc ngủ sâu để sắp tới đây tróc lớp vỏ, cởi bỏ manh áo đã sờn, đã cũ, cây bừng tỉnh mà bật mầm tinh khôi. Trong vũ điệu luân hồi, có ai thấu chăng, phải là những kiệt cùng, tận cùng của giãi nắng dầm sương mới thôi thúc, mới kiến tạo nên sức sống mới. Trong ngàn âm sắc cỏ cây, hoa lá, đất trời vạn vật chuyển mình vốn là để con người nhìn thấu vũ trụ, nhìn thấu nhân sinh. Và vì thế, xuống phố chịu chút buốt giá, hứng lấy màn sương mà cảm ngộ, mà bâng khuâng và hơn cả là yêu đời, thương người hơn nữa. Cũng trong những khoảnh khắc như thế, chợt nhẩn nha, ngóng đợi, bỏ qua những bận bịu cuối năm để thấy xuân cũng đang phảng phất đâu đây. Lúc mùa đông cạn nhất trong buốt giá, gợi nhắc cũng là lúc xuân thấp thoáng đào phai mấy độ. Trước thềm xuân, thấy mình ưu tư hơn, đắm chìm hơn với cảm ngộ dông dài. Mùa này xuống phố. Rong ruổi. Một mai….