Tôi là Mai Thị Hồng Quế.

Thành viên của Tản Văn Hay từ 1 tháng 9, 2019.

C hiều cuối năm, lang thang dọc đường cố đô, nhìn hoa lau nở, bỗng nhiên thấy nhớ vô cùng những năm tháng xa xưa. Và…lau trắng đã nở đầy chân núi.

Ở xứ sở xinh đẹp này, suốt bốn mùa, đi đến nơi nào cũng bạt ngàn hoa tươi cỏ lạ. Hoa nở rực rỡ trong những khu vườn, kiêu hãnh trên những ban công, tự do trên những cánh đồng, và cheo leo trên những vách núi…

Mỗi màu hoa đều có thể gợi lên một miền thương nhớ trong ta: hoa mận hoa đào Tây Bắc; hoa dã quỳ vàng rực những cung đường cao nguyên khơi lên ước muốn chinh phục những hành trình xa ngái; hoa bằng lăng, hoa phượng vĩ nôn nao nhớ một thủa học trò. Còn hoa lau, có gì không, ngoài một huyền thoại gắn với tuổi thơ của vị hoàng đế đất Hoa Lư?

Đương nhiên, không chỉ có thế. Thủa còn chưa biết đến câu chuyện cờ lau tập trận, những đứa trẻ con ở làng tôi vẫn thường bẻ những bông lau ngoài bờ giếng đất để chơi đủ trò ngốc nghếch.

Trong hình dung của tôi, đó không phải là một loài hoa mà chỉ là những chùm bông tơ óng mượt nhưng có nguy cơ làm “thối tai” những đứa trẻ con nghịch ngợm, như lời bà nói. Về sau, đi nhiều nơi mới thấy cây lau thực sự có lãnh địa của riêng mình, trở thành một loài hoa không đẹp mà gợi nên bao nỗi niềm của khách tha hương.

Cây lau thường mọc trên sườn núi, sườn đồi; khác với cây sậy, là “lãnh chúa” của vùng bờ bãi. Đi trên đường, nếu bắt gặp thẳng tắp những thân lau, lá buông dài như lá mía là có thể biết được rằng mình đang đi vào vùng núi đồi sơn dã. Chiều buông xuống, thêm một vài tiếng bìm bịp kêu là đã có cảm giác như mình bị lạc vào xứ sở nào xa xôi vạn dặm.

Hoa lau nở rộ vào độ cuối thu. Sắc màu trắng pha tím nhạt chẳng lấy gì làm ấn tượng mà sao vẫn khiến người ta phải lặng lẽ ngước nhìn. Bảng lảng như màu sương khói, cảm giác như gió mạnh một chút là sẽ bay đi hết, nhưng kì lạ, cả sắc hoa, cả dáng vóc mảnh dẻ, yếu ớt của thân lau sậy kia vẫn chẳng hề hấn gì trước những cơn gió từ hướng đông bắc dội về.

Tôi đã nhìn thấy sắc hoa lau từ thủa ấu thơ; ngắm chán chê dọc những cung đường Tây Bắc, bâng khuâng nhớ một màu tóc đã muối tiêu, một ánh mắt không còn trong vắt thanh xuân. Trở lại quê nhà, chợt nhận ra không ở đâu, những bông lau lại khiến tôi mừng vui đến thế. Một cảm giác thân quen khi nhận ra trên khắp các nẻo đường, Thung Lau, Thung Lá đã ngập tràn một màu mênh mang như mây trắng, như sương thu.

Hoa Lư – Hoa Lau, loài hoa hoang dã đã thống trị nơi này suốt những năm tháng xa xôi. Ở nơi nào đó, trong thung, đám trẻ trâu bẻ bông lau làm cờ tập trận. Ở đâu đó, trong hang núi, bí mật giữa lau lách hoang vu có những tráng sĩ tinh nhuệ ngày đêm tập rèn sẵn sàng giao chiến. Và trong thời loạn, giữa lau trắng, có ẩn sĩ chờ thời… Lau trắng biết nhiều bí mật nhưng vẫn cứ lặng lẽ nở hoa và xạc xào báo hiệu một vùng đất hoang vu.
Chiều cuối năm, lang thang dọc đường cố đô, nhìn hoa lau nở, bỗng nhiên thấy nhớ vô cùng những năm tháng xa xưa. Và…lau trắng đã nở đầy chân núi.