Tết Việt hồn quê

    Có một điều lạ lùng không mấy ai nhắc đến những cái tết thành phố, nghĩ đến tết người ta nhớ nhiều về tết Việt hồn quê, cái không gian veo vắt mặc định cho những tâm hồn ưa hoài niệm.

               Cuộc đời lớn lên rồi đi. Tôi lưu lạc nhiều tỉnh thành trên dải đất hình chữ S, cả những năm tết muộn tết màng phải ở lại xứ người mà ngóng bánh chưng xanh mà buồn câu đối đỏ, mà cay cay vại mắt dưa hành. Thú thực ở đời buồn một chút cũng được, khổ một chút cũng chẳng sao, nhục một tẹo cũng chẳng thế nào nhưng tết thì phải về quê. Tết không quê hương là cái tết tha hương.

    Giống như một mái đình tha hương tết chỉ chầu chực ngày cuối năm mà vãn bóng, mà khăn gói quả mướp, mà tứ xứ đổ dồn bến đông phà tây. Về quê như một nỗi vui ngày hội. Chẳng ai bảo ai khấp khởi  phai đào một dải xuân khai.

                       Càng lớn con người ta càng hay huyễn hoặc bản thân mình với những ngọc nhằn này, những toan lo kia, với những nặng nợ muôn đời sinh kế, cũng bởi vậy mà tết Việt hồn quê cứ xa dần. Mỗi năm ngại thêm một tuổi, mỗi tuổi ngại thêm một lần, quê hương xa ngái như mùi lá dong, yêu thương ở lại trên những tò he, trong tiếng gáy của con gà đất nung thánh thần…

    Ảnh: Phước Nguyễn
    Những người ở vùng quê Bắc Bộ đã đi qua thời bao cấp, hẳn không thể nào quên những cái tết nghèo nhưng đầy kỷ niệm. Tục ngữ Việt Nam “Đói giỗ cha, no ba ngày tết”, ý nói việc thờ cúng mang hình thức tâm linh, tưởng nhớ là chính, còn 3 ngày tết sẽ “ăn uống no say, linh đình”. Cũng vì thế, cho dù nhà có nghèo thế nào thì đến tết, nhà nhà vẫn phải sắm sanh đủ đầy, ít nhất là những cái cơ bản của tết như: bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, giò chả…
                          Tôi sống trong buổi giao thời, vì vậy vẫn còn chứng kiến và nhớ như in những tờ tem phiếu ngày xửa ngày xưa. Nhớ những buổi chiều cuối năm, căm căm rét, căm căm gió, lại thêm mưa phùn căm căm, cha tôi từ cơ quan mang về mấy cân thịt, cái bếp nhỏ xíu của mẹ tôi tha hồ củi lửa, chúng tôi chưa kịp ăn gì, chỉ nhìn khói bếp tím ngơ tím ngắt vươn lên trời cao đã đủ thấy lòng no nê hạnh phúc…
    Trong ký ức của tôi, thì pháo chính là thứ điển hình nhất của một cái tết Việt hồn quê. Tôi không mấy để tâm hoa quả, chả cần bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành… tôi chỉ thích pháo, với tôi, pháo là tết và tết chính là pháo. Những quả pháo đùng, những bánh pháo tép Bình Đà nhuộm đỏ được gói bằng ni lông dán cái nhãn hình chữ nhật vẽ bánh pháo đang nổ đã in hằn sâu trong ký ức của đứa trẻ quê mùa như tôi ngày ấy. Mùi thuốc pháo thơm, không có vị ngậy như thịt mỡ, chẳng có vị đồng quê bùi bùi bánh chưng nhưng nó lại có cái vị mới mẻ tràn đầy năng lượng. Đố ai gọi ra đúng cái mùi vị của thuốc pháo tôi xin ngả mũ bái sư…
    Đến năm nhà nước cấm đốt pháo, những đứa trẻ như chúng tôi làm sao mà hiểu cấm vì lẽ gì, chỉ thấy tết đến xuân về với bao hồi tưởng và những nỗi buồn dai dẳng thui chột mấy mùa hoa đào cháy xém mấy dạ hoa mai…Tết bởi vậy cũng kém đi vẻ linh thiêng giao thừa…
                              Thường, các phiên chợ Tết ở làng quê sẽ họp vào ngày 27, 28, 29 giáp Tết. Cũng trong những ngày này, nhà nhà bắt đầu đụng lợn mổ heo. Cứ sáng sáng sớm sớm tinh tơ lơ mơ, cả làng quê vang vang eng éc. Nhà giàu thì mổ cả con, những  nhà khấm khá một chút thì chung nhau hai nhà, còn đa số vẫn là 4 nhà, mỗi nhà “một chân” chia nhau từ lòng lưỡi đến thịt xương.
    Trẻ con thì no cái bụng đói con mắt, ăn xằng uống xịt mau mau chong chóng còn đi chơi đầu làng cuối thôn, pháo nổ đì đùng, thậm chí còn nghịch dại đem cả pháo cối cắm giữa bãi cứt trâu. Pháo nổ cái đùng cứt trâu bắn cái đoàng vào những thiếu nữ thanh tân, những chàng trai khoe mã mới, chỉ có bọn trẻ chúng tôi ôm tai bỏ chạy, cười lăn cười chiêng, cười suốt thủa thiếu thời chơi vụng chơi dại, cười đến cả bây giờ, cười cho ra nhẽ tết Việt hồn quê…

                   Năm nay hoa đào hoa mai lại ăn cơm trước kẻng thì phải. Lạnh lẽo cuối đông len lỏi vào xa vắng để nhường cho khí tiết ấm áp của mùa xuân đang lạc lối tìm về, tìm vào tận từng hang cùng ngõ hẻm của làng quê Việt. Những nụ hoa đào bung sớm chẳng còn e ấp dường như mách bảo vẻ ngượng ngùng, vì đã vội vàng khoe sắc khi xuân vẫn còn chưa kịp đến. Hoa đào như một thứ nhanh nhảu đoảng mà mẹ chồng thường mắng con dâu. Trên các bản tin nhanh đâu đâu cũng thấy đường sắt quá tải, các hãng hàng không tăng chuyến, đủ các loại vé rẻ online, chỉ đọc vậy thôi mà tay chân khua khoắng muốn mua ngay để tết kịp về.

    Tết xưa tết nay, tết nào mà không trầm mặc, xa thì nhớ cố hương, gần thì nhớ tổ tiên ông bà. Trong tôi tết vẫn căm căm gió, tết vẫn căm căm mưa, tết vẫn căm căm tem phiếu một thời, cha tôi lặn lội từ cơ quan cách nhà 35km mang về mấy cân thịt căm căm, cái bếp bé nhỏ của mẹ tôi lại tha hồ củi lửa, những làn khói tím ngơ tím ngắt, tím sum tím vầy, cư thế bay lên, cứ thế bay lên, nhớ tết quê hồn Việt lại ngóng tết Việt hồn quê…

    Yêu thương ở lại