17 C
Hanoi
Thứ Ba, Tháng Ba 19, 2024

Mùa cải về bên núi

Cuối chiều, những sợi nắng vắt ngang...

Kèn hồng hóa Sài Gòn thành nàng thơ

Cái nắng tháng ba giữa mùa khô...

Những mùa hoa xuyến chi

Những buổi chiều mùa xuân, tôi hay...

Ngày lễ Vu lan nghĩ về Cha Mẹ

Khi Con Tim Lý SựNgày lễ Vu lan nghĩ về Cha Mẹ

Đức Phật đã nói về sự trân quý của kiếp người qua so sánh:“Một con rùa mù chìm dưới đáy biển, ngàn năm nổi lên một lần. Trong biển mênh mông có cây gỗ bị gió thổi trôi lênh đênh. Được sinh ra trong thân người cũng khó như việc con rùa mù nổi lên chui đầu trúng vào bọng cây khô”.

           Một nhà khoa học nhìn vào lượng nước trong đại dương so với kích cỡ của cành cây khô, ông kết luận: xác suất để con rùa trồi lên mặt nước ngay trong lòng cây khô là 1 trên 700 triệu tỷ, nghĩa là gần như bằng 0. Nhờ có bố mẹ, số 0 của con đã # 0, con đã được tới với thế giới này, được hiện hữu trong một cái tôi – dù nhỏ bé, vô danh, nhưng vẫn là hiện hữu.

Từ lâu con đã hiểu: trong tất cả các mối quan hệ, sự kính trọng hay tình yêu thương của bất kỳ ai đối với mình hoàn toàn phụ thuộc vào nhân cách, trí tuệ, văn hóa ứng xử… của chúng ta, trên đời chỉ có bố mẹ là những người trao cho chúng ta tình yêu thương vô điều kiện, bất luận ta có thể xấu xí, kém cỏi, bất hạnh, nghèo đói, thậm chí bạc bẽo, tồi tệ! Bố mẹ mất, cũng có nghĩa chúng ta tuyệt đối trơ trọi giữa một thế giới vận hành theo đúng luật: “Không có bữa ăn trưa nào miễn phí” (There is no such thing as a free lunch)!

                         Bố thực sự là điểm tựa tinh thần cho suốt 32 năm đầu của cuộc đời con, khoảng thời gian quan trọng nhất với thiên hướng, tính cách, tâm hồn, khí chất mỗi con người. Hầu hết các tác phẩm kinh điển của Việt Nam và thế giới còn nhớ tới bây giờ đều do được nghe bố kể hàng đêm từ khi chưa biết chữ; tới khi biết đọc biết viết, cũng chính khoảng trời mênh mông mở ra từ tủ sách của bố lại giúp con gái nhỏ nhận ra có một thế giới hoặc đẹp đẽ hơn, hoặc đau khổ hơn so với cuộc sống hàng ngày tẻ nhạt của nó!

Một trong những niềm vui của tôi ngày thơ ấu chính là những buổi tối được theo chân bố tới các câu lạc bộ văn học, nghe bố nói về Nguyễn Du và Truyện Kiều, về Xuân Diệu với những bài thơ đắm đuối si mê, về Nguyễn Bính với những vần thơ chân quê tình tứ cùng các giai thoại bếp núc cực kì thú vị, những giai thoại mà rất lâu sau này, bố mới tập hợp lại trong cuốn “Giai thoại Nguyễn Bính” in tại Nhà xuất bản Lao động – tôi vẫn nhớ cảm giác tự hào vô cùng khi ngồi chon von ở hàng ghế trên cùng trong không gian thênh thang, trang trọng của Nhà hát nhân dân thành phố Nam định, mỗi khi cử tọa vỗ tay, hai bàn tay bé nhỏ của tôi sung sướng vỗ tới nóng rát; và niềm vui nhất lại không liên quan tới văn chương, đó là khi kết thúc buổi nói chuyện, bố đưa tôi số tiền thù lao vừa nhận từ Ban tổ chức để tôi được “cướp công” đưa về tận tay cho mẹ.

          Một việc làm thêm nữa của bố cũng khiến tôi yêu thích vô cùng khi được đi xem phim không mất vé trong những buổi tối bố thuyết minh tại hai rạp chiếu lớn nhất trong thành phố. Tôi không quên được cảm giác hẫng hụt khi hết phim, đèn bật sáng, các dãy ghế kéo lên, khán giả với những gương mặt bình dị, cười nói và chen chúc…, ánh đèn đã hất tôi trở về thực tại, làm biến mất thế giới thần tiên lí tưởng, để rồi đêm ấy, và có khi nhiều đêm sau nữa, cô bé chưa đến tuổi quàng khăn đỏ phải thao thức với những trải nghiệm và thất vọng bởi độ chênh của cái đẹp và cái thực, thao thức với bao cảnh đời hoặc lấp lánh lung linh, hoặc đau khổ bất hạnh từ những bộ phim hay tới phát khóc, qua giọng thuyết minh truyền cảm của bố!

                        Nhưng bố không chỉ dạy văn, viết sách, bình thơ, không chỉ mê đắm với Văn Cao hay Hoàng Cầm mà còn ngày đêm lăn lóc với mưu sinh, từ đi mắc điện, chữa điện; làm bánh quy gai xốp cho tới chụp ảnh, dậy thêm…, cân bằng giữa đạo và đời để cuộc sống vợ con đỡ cực trong thời bao cấp.

Bao nhiêu lần con nằm viện là bấy nhiêu lần bố ở trong viện trông nom, nâng giấc; con bị nhổ cái răng số 7, bố khóc, nói với mẹ: mất răng này, hàm nhai của con bé sẽ yếu cả đời! Con lãng mạn dở hơi không muốn nối nghiệp bố mẹ vì sợ nghề giáo nhàm chán, bố đã giúp con trở về mặt đất, tìm đúng nơi duy nhất trên trái đất dành cho con.

           Khi bản thảo tập “Giai thoại Nguyễn Bính” của bố được Nxb Lao động duyệt vào danh sách chờ in, bố hạnh phúc vô cùng, bố viết thư chia sẻ với đứa con gái đang bận tâm về mưu sinh hơn cả văn chương… Nhưng đợi lâu quá, tới khi sách được in, bố đã mệt nhiều, con gái về thăm báo tin, bố thờ ơ: “Thế à”, khi ấy, con ngạc nhiên mà không hiểu: dù còn nằm đó, nhưng có lẽ bố đã bắt đầu chạm chân trên con đường lạnh lẽo và đơn độc, lãng quên ngay chính niềm say mê từng làm nên con người tràn đầy nhiệt huyết, lãng mạn mà mạnh mẽ, kiên cường trước đó! Nghe em kể lại khi về quá muộn: những ngày cuối, bố cứ ngước nhìn ra cổng, tới khi bố đi rồi, cả nhà mới đoán chắc bố cố chờ hai con gái từ HN về, mà không kịp!

…Nhiều khi vẫn tự an ủi: trong 51 năm có mẹ trên đời, con chưa một lần dám bực bội hay lạnh lùng trước mẹ – mọi buồn khổ riêng tư con đều để lại ngoài cửa trước khi bước vào nhà mẹ! Nhưng nghĩ lại từng chuyện, thật kỹ, vẫn thấy thương mẹ và giận mình nhiều quá. Chỉ một chuyện vặt vãnh – mẹ ghét tất cả những gì liên quan tới Tàu, thấy con hay xem các phim Trung Quốc hiện đại, mẹ giễu: “xem phim “thai rồng”! – ý mẹ nhắc tới dạng phim Trung Quốc cổ trang hay có các âm mưu xung quanh cái ngai vàng của quân vương…!

                        Thấy con gái không dám cãi nhưng một hai giải thích: “Đây là hai dòng phim khác nhau, con xem phim Trung Quốc hiện đại”, mẹ cười:“Ừ tại với mẹ thì đều là Tàu cả”! Giờ, cứ nhớ tới vẻ cười cười như xoa dịu của mẹ lại tự giận mình tới đau đớn: Khôn ngoan để làm gì, không biết, sao cứ phải bày đặt rạch ròi để ăn thua với mẹ một cái khái niệm ngớ ngẩn đâu đâu?

           Rồi hàng ngày, đi dậy chính, dậy thêm, vất vả mệt nhọc, vài ngày mới vào thăm mẹ, vừa bước chân lên cầu thang, đã thấy tiếng mẹ như reo vui khi giục cháu: “Bi ra mở cửa đi, bác Tuyết đấy”. Vào, mẹ khi hớn hở nói vòng cho cháu: “Cứ hôm nào nhà bác Tuyết vào là Bi vui như hội” (cháu vui đâu chưa biết, chỉ thấy mẹ đang vui, nhìn mẹ cười tươi mà lòng con khóc); khi đôi hồi: “Ngày nào mẹ cũng pha chè tươi phần con, đi làm về uống cho mát ruột, nhưng mấy hôm đều bỏ thừa”, thấy con gái nói lời lễ phép mà không giấu sự mệt mỏi: “Thì con bận liên miên…”, mẹ lại xót con mà cười cười:“Ừ là mẹ nói thế”, rồi mẹ đứng lên rót cho con cốc chè tươi xanh óng, khoả lấp đi cái bực bội con cố giấu, để sau này, khi mẹ đi xa rồi, nghĩ lại, day dứt ân hận vì hiểu cái tủi buồn mẹ còn giấu kín hơn – khi cả ngày dài, làm món nọ món kia, món nào cũng nấu theo sở thích của con, cuối ngày lại đau đáu chờ tiếng bước chân con lên cầu thang, quá 9 giờ không thấy con về, chắc mới thất vọng ra khóa cửa; vậy mà nếu con có về qua, lại mệt mỏi, lại miễn cưỡng khi mẹ đưa bát nước xương hầm hay cốc chè tươi! Mong ngóng đợi con vào, nhưng nhìn con phờ phạc cuối ngày, mẹ giục ăn, giục uống, rồi lại xót xa giục: Thôi con về sớm còn tắm giặt, nghỉ ngơi…!

                        Mấy năm cuối, mẹ ốm nặng, và cứ yếu dần, mỗi lần vào, con lại lo sợ, đau đớn khi thấy mẹ hao vơi, gầy guộc, vậy mà ánh mắt mẹ vẫn tươi,vẫn ấm lại khi thấy con, mẹ vẫn khó nhọc đi lấy bát thức ăn làm sẵn cho con; những ngày sinh nhật con, cháu…, mẹ vẫn lo chợ búa, nấu nướng, để tới bữa lại kiệt sức không thể ăn được… Tết cuối cùng, chỉ còn một tháng trước khi ra đi, đã hứa để con cháu đặt đồ, mẹ vẫn cố làm những món quen thuộc cho ngày tết, cái giò xào mẹ gói bị lỏng tay, cái bánh chưng mẹ gói không còn vuông thành sắc cạnh… Con cùng cả nhà lo lắng thuốc thang, nhưng con vẫn phải đi làm, vẫn dậy chính, dậy thêm, vẫn chỉ về được với mẹ ít phút cuối ngày…

Sau ngày mẹ đi, con nhận được lá thư của một học trò chuyên văn lớp bên cạnh, chỉ học thêm nhưng rất yêu quý con gái mẹ, cứ thỉnh thoảng lại tranh thủ thời gian rỗi, biết chắc chắn lúc đó cô giáo đi dậy, tới ngồi chuyện trò với mẹ, đọc thư trò, nghe bé kể: bà thương cô lắm, chỉ lo cô mệt, cô ốm, cô buồn, nói cô vất vả lắm, rồi bà kể chuyện ngày cô còn bé, chuyện cô đi học…, con khóc đau đớn vì thương mẹ, vì giận mình, vì biết ơn và xấu hổ với trò, cô bé ấy đã hiểu và chia sẻ phần nào nỗi cô đơn của mẹ, lắng nghe những câu chuyện mẹ kể để vơi nỗi trống trải cuối đời – điều con đã không thể làm! Con không hình dung nổi những ngày dài của mẹ khi các con đi làm vắng, mẹ một mình cô đơn, buồn nhớ, yêu thương, nước mắt cứ chảy xuôi, không cần biết cuộc đời đảo điên xuôi ngược…

           Con hay bị coi là lạnh lùng, các khóa học trò con chủ nhiệm, phải tới khi ra trường mới hiểu hóa ra cô giáo chúng không giống như vẻ ngoài; nhưng còn mẹ, khi đã rời xa con, có lẽ mẹ cũng không biết con yêu mẹ, cần mẹ tới mức nào, khi ba ngày cuối, con ôm mẹ mà nói bao lần câu “con yêu mẹ” nhưng mẹ đã chẳng thể nghe được nữa. Lời yêu với bất kì ai cũng có thể trở thành nhàm chán, hoặc áp lực…, chỉ trừ với mẹ, giá như con nói yêu mẹ khi còn có thể, để không bao giờ phải nuối tiếc “giá như…”. Vậy mà con đã bao lần nói với học trò lời bất tử trong Love story: “Yêu là không bao giờ để mình phải nói lời nuối tiếc” (Love means never having to say you’re sorry)!

                          Con dạy học trò về tình yêu, nói tình yêu không có quy luật, không cần lý lẽ, không có đúng sai… Nhưng con quên chưa dạy cho trò của con một điều: tình yêu lứa đôi có thể không theo quy luật đời thường để dừng lại ở một gương mặt đẹp, một tài sản lớn…, nhưng vẫn tuân theo quy luật riêng của tình yêu, vẫn luôn tựa trên một nguyên cớ dù nhiều khi phi lý, kỳ lạ của trực cảm với cái óng ánh của tâm hồn, cái sâu thẳm của trí tuệ, hay một chút ngờ nghệch của thiện lương… Vậy là thực ra, tình yêu lứa đôi vẫn cần lý do, dẫu là lý do đặc biệt, dường như phi lý, và vì vậy, tình yêu vẫn không ngoại lệ với sự nhàm chán, lụi tàn – khái niệm “tình yêu vĩnh hằng” chỉ có trong niềm tin ngây thơ của các chàng trai cô gái mới lớn, trong những câu chuyện cổ tích hoặc trong lời thề nguyền vốn chỉ có giá trị trong đúng khoảnh khắc thề nguyền của tình yêu!

Còn tình yêu của cha mẹ dành cho con, không cần thề nguyền, không đợi lý do, không bao giờ vơi cạn…, nhất là khi già yếu, cha mẹ vừa cần tình yêu của con, vừa bị mặc cảm làm phiền con, nên, cứ níu giữ mong một chút ấm áp, lại vội buông ra cho con khỏi bận lòng…!

           Ngày lễ Vu lan, nhớ về cha mẹ, hai người cho con sự sống và luôn yêu con vô hạn, vô điều kiện, người luôn sẵn sàng nhượng bộ mọi lý sự vô nghĩa, khờ dại của con…, biết mọi ân hận trên đời thực ra cũng vô nghĩa như sự vô tâm, chỉ nghĩ một điều muộn màng: Trước khi là một “con người”, chúng ta đều là một “người con” của cha mẹ, có thể kiêu hãnh chiến thắng cả thế giới, trừ với cha mẹ, khi để cha mẹ phải cười xoa dịu, nhượng bộ, người con ấy đã thua thảm hại!

Tất cả những mỹ từ gắn với phẩm chất thường khiến con người tự hào, hãy để lại bên ngoài cánh cửa ngôi nhà của cha mẹ, dù là trí tuệ, bản lĩnh hay lòng tự trọng…, chỉ ở bên cha mẹ với trọn vẹn tấm lòng hiếu thảo, vì dù chúng ta như thế nào, cha mẹ vẫn yêu thương, và cha mẹ sẽ luôn vì yêu thương mà nhượng bộ, dẫu biết ta vô tâm, bướng bỉnh, dại khờ…!

Check out our other content

Most Popular Articles