Phở chợ phiên

              Mỗi tháng gió mùa đông bắc hiu hiu thổi, lòng tôi chộn rộn nhớ những buổi chợ phiên quê mình. Ăm ắp đầy kỷ niệm sau cái bậc cửa gỗ cao trong ngôi nhà trình tường dựa lưng vào núi. Tuổi thơ tôi không nhớ nổi mình đã bao lần bước chân qua bậc cửa ấy để đòi mế đi theo mỗi cuối tuần.

    Chợ phiên San Thàng xúng xính áo hoa, mùi chàm quấn quýt trong làn gió. Mế gùi rau cải đắng, susu, bắp chuối bằng lu cở, bố dắt ngựa thồ củi, tôi ôm con gà mái mơ lăng xăng chạy theo sau. Dòng người ngày càng đông đúc, nhộn nhịp, màu thổ cẩm cứ lan dần, lan dần trên con đường đến chợ.
                                          Người ta nói chợ phiên vui như ngày hội thật chẳng sai. Bố mế và tôi lẫn vào hội mua bán ấy, cho đến khi cùng bán xong những thứ mang theo. Mế đứng ở hàng tạp hóa, tần ngần đếm những đồng tiền lẻ nhàu nát và nở một nụ cười vui mừng vì tiền bán được vẫn dư ra một chút để bỏ vào cạp váy xòe. Sau đó mế mua dầu thắp, muối bỏ vào lu cở. Khi mế ra, thằng con trai mế là tôi cười ngoác miệng, nỗi mừng vui không giấu diếm trên nét mặt vì biết mế sắp đãi tôi và bố một trận ra trò.
                                        Chúng tôi bước vào hàng phở, gọi là hàng cho oai chứ quán phở chỉ là vài chiếc ghế xô lệch và chiếc bàn gỗ tạm bợ, xoàng xĩnh liền kề hàng thắng cố. Thắng cố đối với dân tộc Mông chỉ là món ăn thường ngày, không còn lạ miệng và ham thích nữa. Bát phở quán bà Mây dân tộc Nhắng luôn là món quà chợ mà đứa trẻ nào đi theo bố mế cũng đòi. Bát phở đã được đặt sẵn bánh phở đầy ú hụ, bỏ thêm vài lát thịt ba chỉ, hành lá, chan nước béo ngậy là bữa trưa ngon lành của chúng tôi sau mỗi buổi chợ phiên.
    Mế lục lu cở tìm gói mèn mén đã mang theo từ nhà bỏ thêm vào bát nước dùng đã vơi quá nửa của tôi và bố. Ăn xong, tôi quệt gấu tay áo lau miệng, bố đã say lúy túy vì uống mấy chén trong quán rượu, mế phải vắt bố lên lưng ngựa để dắt, sau đó tôi và mế thong thả qua suối trở về bản. Đó là tập hồi ức hình ảnh tôi còn nhớ mãi đến bây giờ.
                                      Trưởng thành, tôi xa quê và đến nhiều vùng, miền khác. Tôi được ăn nhiều món ăn nổi tiếng: phở bò Nam Định, phở gà Hà Nội, bún bò giò heo Huế, bún chả Đà Nẵng… song mỗi khi bưng bát phở nghi ngút khói, lòng tôi lại rộn lên cảm giác về bát phở chợ phiên xưa. Phở quê tôi không có vẻ sang trọng, lịch thiệp như ở những vùng quê khác, bát phở chỉ bình dị, dân dã như chính tấm tình của người dân miền núi.
                 Tôi trở lại quê mình cũng vào dịp gió mùa đông bắc thổi. Gió năm nay se sắt và lạnh hơn dù tôi đã mặc comple ấm áp. Tôi ghé vào chợ phiên cuối tuần. Phiên chợ vẫn đông vui như thủa ấy nhưng bố mế tôi đã xa khuất chân mây. Tôi tìm hình bóng tiếng cười của bố, dáng dịu dàng của mế, song chỉ còn cái lạnh hun hút xoáy vào lòng người con xa quê. Tôi bước vào quán phở của bà Mây, quán nay đã đổi chủ song bát phở thì vẫn như trong hoài niệm của thằng bé lên mười ngày nào.
                                  Vẫn một hàng những bát phở đầy ú hụ được xếp cạnh một đĩa các lát thịt nhiều mỡ ít nạc bên màu xanh ngon mắt của hành lá. Một người đàn ông vận áo chàm đang húp sùm sụp nước phở và khề khà chén rượu ngô ủ men lá. Ông tâm sự với người bán hàng: “Hôm nay bán được bó củi mười bốn nghìn, hai bố con ăn phở hết mười nghìn, còn bốn nghìn mang về cho vợ thôi, cô Dính à!”
    Tôi bâng khuâng nhìn ông và nhìn ánh mắt xoe tròn của bé gái bên cạnh. Cô bé đã ăn xong, khẽ nở nụ cười tươi trên miệng rồi kéo kéo tay người đàn ông: “Bố à, về thôi! Sắp tan chợ rồi, mế chờ bố ở quán hàng tạp hóa đấy!”.
    Tôi cúi xuống hớp ngụm nước phở ngọt ngào, nhấm nháp từng sợi phở chợ phiên lẫn với mèn mén mà bé gái vừa bỏ vào bát của tôi, cảm giác về những lần ăn phở ngày bé bỗng ùa về, ào ạt lăn thành dòng trên gò má răn reo…