18 C
Hanoi
Thứ Ba, Tháng Ba 19, 2024

Kèn hồng hóa Sài Gòn thành nàng thơ

Cái nắng tháng ba giữa mùa khô...

Những mùa hoa xuyến chi

Những buổi chiều mùa xuân, tôi hay...

Nhãn tự mùa Xuân

Mùa xuân trở dạ, một tháng Giêng...

Mẹ tôi nuôi tằm

Thương Nhớ Ngày XưaMẹ tôi nuôi tằm

Quê tôi thuộc lưu vực sông Hồng, vốn là khởi nguồn của sông Nhuệ. Vì vậy, đất quê tôi là đất phù sa, vừa mát mẻ, vừa màu mỡ, thích hợp với việc trồng dâu. Nhất là ở mạn xóm bãi, chỉ cần cắm cành dâu xuống là ngoảnh đi ngoảnh lại, lá dâu đã xanh tốt bời bời. Lá dâu to bản, dầy dặn, xanh mướt, lũ tằm cắn ngập chân răng.

          Quê tôi thuộc đất Hà Đông cũ, là quê lụa, là cái nôi của các nghề truyền thống như canh cửi, thêu thùa, ươm tơ dệt lụa, sau này là làm ren… Gắn với nghề ươm tơ dệt lụa là nghề trồng dâu nuôi tằm. Nuôi tằm nếu thành công sẽ có lợi ích cao. Người nông dân xưa từng tổng kết: “Chăn lợn ba năm không bằng nuôi tằm một lứa”, hoặc “Chăn tằm ba lứa còn hơn làm ruộng ba mùa”.

                         Không biết vì những lý do gì, chỉ biết rằng những lúc nông nhàn, mẹ tôi cũng nuôi tằm. Do mẹ tôi cẩn thận, cần mẫn, lại có ít nhiều kinh nghiệm nên các lứa tằm mẹ tôi nuôi đều thành công. Dân xóm bảo mẹ tôi rất mát tay.

Mẹ tôi dành hẳn gian nhà đầu hồi hướng đông nam mát mẻ, thông thoáng làm buồng nuôi tằm. Các cửa sổ đều phải chắn bằng vải thưa để vừa có không khí, ánh sáng, lại vừa ngăn bọn ruồi vàng xâm nhập vào buồng tằm. Vì ruồi vàng đã đốt con tằm nào là con ấy bị thui đi, không chín được. Trong buồng tằm, mẹ tôi kê nhiều giá đỡ đóng bằng tre. Giá chia thành nhiều tầng để đặt nong tằm lên.

                         Thoạt đầu, mẹ tôi mua trứng tằm đã chín về đặt vào cái mẹt con. Chỉ vài hôm, trứng nở rộ. Tằm con mới nở có màu xám đen, nhỏ li ti như đầu sợi tóc. Mẹ tôi thái lá dâu rất nhỏ rải nhẹ vào mẹt tằm. Hình như lũ tằm con chỉ hút nhựa lá dâu. Chỉ biết rằng chúng lớn nhanh như thổi. Từ chỗ bằng đầu sợi tóc, rồi bằng đầu tăm, bằng đầu đũa… Từ cái mẹt con, mẹ tôi phải chuyển lũ tằm sang cái nia, và cuối cùng là những cái nong to đại. Trong buồng tằm, mẹ tôi một ngày phải cho tằm ăn và thay phân tằm mấy lần.

Mỗi lần cho ăn hoặc thay phân, chỉ cần đặt nhẹ cành lá dâu xuống nong tằm. Một lát, lũ tằm bò trắng xoá lên những lá dâu xanh. Mẹ tôi nhấc từng cành lá dâu chuyển lũ tằm sang một cái nong khác sạch sẽ. Nếu không kịp cho ăn và thay phân, tằm sẽ đói và nhất là sẽ ốm. Vì phân tằm vừa nóng, vừa bốc mùi. Đến thời kỳ ăn rỗi, lũ tằm ăn rào rào nghe rất vui tai. Lá dâu to dày, tằm ăn vẹt dần rồi một loáng sau, lá dâu chỉ còn trơ gân xương và cuống lá.

           Đến giai đoạn tằm sắp chín, mẹ tôi phải chuẩn bị sẵn hàng chục cái né. Né tằm là tấm phên nứa đan thưa, có các khe vuông để nhét búi rơm vào cho tằm làm tổ, làm kén. Né được dựng hơi nghiêng để dễ thả tằm chín vào. Lúc tằm chín, cứ nhìn trên nong, con tằm nào thân ửng đỏ là phải bắt vội thả vào né. Nếu không làm nhanh, tằm chín có thể quây kén ở ngay cái nong đầy cuộng lá dâu. Ở các búi rơm trên né, tằm chín bò đi bò lại, một lát sau, đã thấy cuộn thành cái kén vàng ươm.

                        Chừng độ nửa tiếng, cái kén đã rất dày dặn, chắc chắn. Tằm nằm yên vị trong kén, sau khi đã rút ruột nhả tơ, đã hoàn thành phận sự. Một hai ngày sau, mẹ tôi bóc từng cái kén trên né ném vào một chiếc rổ cái. Kén tằm được đem bán cho các xưởng quay tơ hoặc mẹ tôi tự quay lấy. Khi quay tơ, mẹ tôi thả từng mẻ kén vào nồi nước nóng, móc sợi tơ mỏng mảnh vào guồng quay. Chẳng mấy chốc, mẹ tôi đã thu những cuộn tơ vàng óng mới quay đặt vào một cái rổ sạch sẽ. Trong nồi nước còn bốc hơi nghi ngút, lõi kén chứa con tằm đã thành nhộng nổi lều bều.

Thật thú vị, nếu trên né còn để sót cái kén nào thì chỉ một thời gian sau, con tằm nằm trong kén đã biến thành “con ngài” (một dạng bướm, có thể bay được). Con ngài cắn vỏ kén chui ra, rồi đẻ trứng. Trứng lại nở thành tằm con nhỏ li ti, bắt đầu một chu kỳ sinh trưởng mới.

           Nuôi tằm bận bịu, luôn chân luôn tay, nhưng rất vui. Dân gian từng nói: “Làm ruộng ăn cơm nằm, chăn tằm ăn cơm đứng” – nghĩa là người nuôi tằm bận bịu đến mức không có thì giờ để ngồi thong thả ăn cơm. Nói cách khác, công việc chăn tằm rất vất vả, khó nhọc.
Mẹ tôi đã quen với sự vất vả, khó nhọc. Vì vậy, những lứa tằm nào mà thành công là mẹ tôi ham lắm, lại gột tiếp, làm tiếp những lứa sau. Vất vả nối tiếp vất vả, nhưng niềm vui cũng nối tiếp niềm vui…

Check out our other content

Most Popular Articles