TVH Nhà tôi ở trong phố nên đất rất chật, mặt trước và mặt sau của ngôi nhà dài như ống tay áo, mẹ tôi cho người ta thuê để bán hàng. Ngõ dẫn vào giữa ngôi nhà là căn bếp để lên tầng nhỏ như sợi chỉ khâu ở viền ống tay áo.

           Trước cái ngõ ấy có một vuông đất, vốn trồng một cây bàng nhưng cây bàng lại mọc nhoài ra đường, cong queo và khẳng khiu nên công nhân của công ty môi trường đã chặt đi trong sự luyến tiếc, ngậm ngùi của gia đình tôi, bởi cây bàng là một thành viên đã gắn bó với chúng tôi bao nhiêu năm tháng.

                       Bố tôi trồng thay vào chỗ gốc bàng một cây sưa trắng, nhưng từ ngày bố tôi thành người thiên cổ thì cây sưa không bao giờ lớn nữa, cây sưa thương nhớ người trồng mà vàng võ, héo hon. Một buổi sáng, mẹ tôi bảo tôi và thằng Hưng, em con cô tôi “Hai đứa đào cây sưa đi, để trồng một cây ngọc lan nhé”. Cây sưa đào lên, để lại cái hố sâu thăm thẳm như hốc mắt, phơi nắng vài ba hôm cho đất ải ra tơi xốp và cũng để diệt trừ sâu bệnh. Trong khi đó, tôi lái xe máy chở thằng Hưng đi khắp thành phố để tìm mua một cây ngọc lan. Một cây ngọc lan cao ngang vai, lá xanh mỡ màng, và nhiều hoa trắng chi chít.

​Cây ngọc lan trồng vào chiều oi bức nên khi trồng xong mẹ tôi phải lấy cái ô to để che cho nó, hôm sau lại là một ngày nắng gắt, mặc dầu đã che ô nhưng cây ngọc lan bị cháy mất vài chiếc lá. Mẹ tôi ngắt mấy chiếc lá cháy thở dài xót xa “Chẳng biết cây ngọc lan có sống được không nữa”. Đến hôm sau, và hôm sau nữa, sấm dang tay trống gọi những cơn mưa rào nô nức về trảy hội cầu an tưới mát cho cây ngọc lan khô khát.

          Những chiếc lá như hàng trăm đôi mắt ngọc bích mở to ngước nhìn muôn nghìn hạt châu, hạt cườm trong vắt. Một buổi sáng, mấy nụ hoa nõn nà như những ngón tay Quan Âm Bồ Tát đã xòe ra trong ánh nắng hào quang bảy sắc cầu vồng lấp lánh. Có chú chim sẻ lạc đàn từ bờ sông Hồng bay vào đậu trên cây ngọc lan, lẩn trong mắt lá, trốn giữa ngón hoa. Đôi chân tăm tre tí xíu của chú chim sẻ non chuyền cành làm những cánh hoa lỡ thì giật mình rơi xao xác trên nền gạch đỏ chót môi son.

Gió đưa hương ngọc lan vào căn gác qua khung cửa sổ. Gió ngan ngát hương ngọc lan. Gió thoang thoảng hương ngọc lan. Hương ngọc lan và gió chơi trốn tìm trong căn gác vắng lặng. Hương ngọc lan trốn sau cánh cửa để cho gió mải mê đi tìm. Nếp áo mẹ tôi, mái tóc em gái tôi ủ đầy hương ngọc lan.​

                         Sáng nào mẹ tôi cũng xách nước từ trong nhà qua ngõ ra tưới cho cây ngọc lan, dù cho rễ đã bén đất để hút nước. Xong mẹ tôi khẽ khàng hái từng nụ ngọc lan – trắng muốt như nụ cười hàm tiếu của thiếu nữ mười sáu trăng tròn, rửa sạch rồi xếp vào cái đĩa sứ ngà men lam đặt lên ban thờ bố tôi. Bố tôi nhìn mẹ tôi thật âu yếm tình chồng, nghĩa vợ qua làn khói nhang bài và mùi hương ngọc lan, cho dù âm dương cách trở một đời người. Làn khói huyền ảo và mùi hương vô hình đã nối những nhớ thương gần gụi. Bố tôi đã đi xa nhưng sẽ còn sống mãi trong lòng người ở lại, như làn khói nhang bài, như mùi hương ngọc lan, không thể nắm bắt nhưng cũng chẳng bao giờ mất đi.

           ​Một buổi chiều, cô Nga – hàng xóm nhà tôi đi bộ thể dục ngang qua thấy mẹ tôi đang lúi húi vun gốc và tưới nước cho cây ngọc lan thì ngạc nhiên hỏi giọng kẻ cả “Ôi, sao chị lại trồng cây ngọc lan trước cửa vậy? Người ta kiêng đấy. Cây này chỉ trồng trước đền, chùa cho thần phật, ma quỷ về ngự thôi”. Mẹ tôi ngẩng lên dịu dàng đáp “Tôi trồng cây ngọc lan để cho ông Du về đậu nên có gì mà phải sợ hả cô”. Cô Nga “hứ” một cái thật dài, mắt liếc sắc như dao cứa vào thân cây ngọc lan rồi ngoay ngoảy ngoáy mông bỏ đi. Mẹ tôi cười, lắc đầu không nói gì nhìn theo dáng cô Nga vừa đi khuất sau dãy nhà lô xô cuối phố.

                        ​Cứ mỗi khi đi học về, Bo – con trai tôi tháo cặp trên vai ngây thơ hỏi bà nội “Bà ơi, có mùi thịt gì thơm thế, hình như mùi gà rán hay là mùi sườn xào chua ngọt”. Mẹ tôi ngừng tay nấu bếp xoa đầu Bo hiền từ nói “Thằng bé này tinh quá, đúng là không qua… mũi nó được cái gì. Hay ăn, chóng lớn, con nhé”. Thế mà từ hôm cây ngọc lan trổ hoa, Bo không hỏi về mùi thức ăn nữa mà hỏi về mùi hoa “Bà ơi, mùi hoa gì thơm thế?”.

Tôi vừa đi làm về nghe thấy thế hỏi lại con “Con thử tìm xem mùi hoa gì, nếu đoán đúng bố sẽ khao một chầu sữa chua trân châu bờ kè sông Hồng”. Bo lần theo mùi thơm ra ngõ và tìm ra cây ngọc lan đang âm thầm tỏa hương rồi reo toáng lên “A… hoa ngọc lan, con tìm ra rồi, bố ơi. Để con hái mùi thơm đem vào cho bố nhé”. Tâm hồn tôi đang dâng lên niềm vui dạt dào như sóng biển.

​           Những đêm rằm mùa hạ, trăng sáng vằng vặc, gió mát rười rượi, hương ngọc lan trôi trong làn gió, bay giữa ánh trăng, mẹ tôi ngồi trên võng ngoài lan can căn gác để hong khô mái tóc vừa gội bồ kết. Ngày xưa mái tóc mẹ tôi dày và đen lắm, mỗi lần gội xong mẹ tôi thường cầm mớ tóc quay tít khiến cho từng hạt nước li ti bắn ra tung tóe như vãi sao, nhưng bây giờ tóc mẹ thưa và rụng nhiều, chải bằng lược đã khô. Lâu lắm rồi, tôi không thấy mẹ tôi quay tóc, lòng chợt nao nao quá. Nhớ thật là nhớ những sợi tóc đen nhánh của mẹ đã rụng vào quá khứ, như cánh ngọc lan trắng muốt rụng xuống vỉa hè tan tác mỗi sớm mai…

                        ​Cũng có khi ngồi trên võng ngoài lan can căn gác mẹ tôi kể cho Bo nghe về bố tôi, về ông nội Bo đã trồng cây bàng, cây sưa vào một năm nào đó đã lâu lắm ở đúng chỗ của cây ngọc lan bây giờ và những cái cây ấy đã đi theo bố tôi về cõi khác. Mẹ tôi nhìn ra xa xôi phía bóng cây ngọc lan tối sẫm một vùng rồi nhìn Bo trìu mến bảo “Cây cối cũng có tình nghĩa như con người, cháu ạ”.

​Cây ngọc lan trồng ở một vuông đất trên vỉa hè nhưng với tôi đó là cả một khu vườn. Khu vườn kí ức chỉ có một cái cây kỉ niệm nhưng được tưới bằng niềm hi vọng của yêu thương. Để tôi, em gái tôi, con trai tôi cũng như cây ngọc lan, cứ âm thầm lớn lên và tỏa hương trong khu vườn xanh tươi của mẹ…