nguyen-hien

Tôi là Nguyễn Hiên.

Thành viên của Tản Văn Hay từ 29 tháng 7, 2021.

Một buổi sáng mùa hè, tôi dẫn hai con về thăm mẹ. Từ ngoài cổng đã nhìn thấy mẹ đang lúi húi múc nước ở cái giếng bên hông nhà. Có lẽ mẹ đang lấy nước để đun cho cha ấm chè xanh mà bao năm qua chưa một ngày nào thiếu. Lại gần hơn chút nữa, tôi thấy tay mẹ hình như gầy hơn dạo trước. Làn da nhăn nheo, sạm đen vì bao công việc trong nhà đều qua tay mẹ vun vén.

Biết tôi và hai cháu về, ánh mắt của mẹ dù đã mờ đục vẫn lấp lánh niềm vui, miệng không ngừng hỏi han hết đứa này đến đứa khác. Vườn chuối trước nhà cứ rì rào rì rào kể cho tôi nghe những chuyện của phận người dày mỏng.

Chẳng hiểu sao nghĩ và nhớ về mẹ, kí ức của tôi luôn gắn liền với cái bếp lửa nóng sực vào những ngày trời nắng và ấm nồng vào những hôm trời trở lạnh. Tôi chưa một lần thấy bếp lửa ấy nguội lạnh một ngày nào. Có lẽ người ta thường sống theo thói quen hơn là vì những điều mới mẻ. Với mẹ tôi, thói quen lặp lại nhiều nhất của bà chính là cứ sáng sáng chiều chiều tối tối đỏ lửa để nấu nước, thổi cơm.

Nhìn vệt khói quẩn trên mái của căn bếp, thấy được những vệt nắng len lỏi qua vách ván, xiên ngang căn bếp có màu bàng bạc là biết mẹ tôi đang ở đó, giữ lửa cho gia đình. Bóng mẹ in hằn trên bức vách, hằn sâu vào kí ức của tôi một dáng người tĩnh lặng bên bếp lửa bập bùng, bên những cành củi khô đang quặn mình cháy sáng cả một góc nhà đơn sơ. Dù bây giờ nhà có bếp gas thì mẹ vẫn đun nước bằng bếp củi, mẹ nói như vậy nước chè sẽ ngon hơn, thơm hơn, vị đậm đà hơn. Cha tôi thì không thể thiếu nước chè xanh như ông không thể thiếu mẹ trong cuộc đời của mình. Và cũng chỉ có mẹ mới có thể kiên nhẫn ở bên cha suốt cả cuộc đời như thế.

Tôi nhớ ngày mình còn nhỏ, vào những tháng cuối năm trời rất lạnh. Nhà ván, lại ở giữa cánh đồng nên gió cứ vô tư lùa vào, nằm co ro trong chăn tới khoảng ba, bốn giờ sáng là đã không thể nào ngủ nổi, chỉ chờ đến lúc bếp lửa đã được mẹ nhen lên là bật dậy, đi nhanh đến, mấy chị em tranh nhau ngồi gần bếp để hơ tay chân, sưởi ấm. Mẹ lặng lẽ ngồi bên cạnh, vừa canh lửa vừa ngồi nghe đàn con chí chóe với nhau cùng một nụ cười hiền. Để rời được căn bếp và đi học trong những buổi sáng buốt lạnh ấy là cả một quyết định cực kì khó khăn.
Hồi ấy, cả mấy mẹ con đã phải đi một quãng đường thật xa, lên lô cà phê nhặt nhạnh từng cành củi để về đun. Mẹ nhỏ bé, bầy con của mẹ cũng nhỏ bé nốt nhưng vẫn cố đội những bó củi thật to để đi về nhà. Hành trình ấy nhiều khi dài nhiều cây số. Nhờ những bó củi, lửa trong bếp chưa bao giờ tắt và cả nhà tôi luôn được ăn những bữa ăn dù đạm bạc nhưng không kém phần nóng sốt, ngon lành.
Mẹ theo cha vào Tây Nguyên, mấy chục năm chỉ có thể nhìn phía chân trời để nhớ quê mà chẳng thể trở về. Mấy chục năm ấy có lẽ nỗi nhớ đã dâng đầy, quyện đặc trong lòng của mẹ trở thành tiếng thở dài đầy ám ảnh, thành những lúc mẹ ngồi yên lặng hàng giờ với màu mắt đùng đục dãi dầu mưa nắng. Vì con cái chưa đủ lớn, cuộc hồi hương mẹ cứ để dành, gói ghém lại chờ một ngày nào đó. Thật may, cuối cùng chuyến đi cũng đến. Mẹ về quê trong sự vui mừng, hồ hởi. Người phụ nữ nhỏ bé chân cứng đá mềm ở vùng đất xa xôi quay trở về nơi chôn rau cắt rốn trong nỗi rưng rưng, thao thiết của một đời nhọc nhằn, nặng gánh. Sau cuộc trở về, tôi thấy mẹ hình như đã bớt đi những tiếng thở dài.

Mẹ gầy, sự gầy gò của người phụ nữ chưa một ngày được thảnh thơi. Với mẹ, sống cho bản thân mình là một điều quá ư xa xỉ. Mẹ cứ lầm lũi đi qua những con đường mấp mô, gánh trên vai tình yêu thương, những nỗi lo, trách nhiệm. Nhiều khi tôi tự hỏi, không biết mẹ lấy sức lực ấy ở đâu ra mà có thể lo toan được nhiều như thế? Nhìn mẹ, tôi chợt nhận ra vì sao người Việt mình hay ví người phụ nữ là thân cò, thân cò lặn lội, cánh cò mỏng manh cõng mưa, cõng nắng, cõng cả bầu trời. Những người con cứ vô tư nương náu dưới những cánh cò ấy mà lớn lên, trưởng thành, đi tìm cho mình những phương trời khác. Đã có ai từng vô tình quên đi cánh cò che chở cho mình trong những năm tháng xa xưa để rồi một ngày nhớ lại, quay trở về chỉ bắt gặp hư không? Đã có ai thường bị niềm vui cuốn đi, chỉ có những lúc buồn đau, khốn khó mới nhớ ra vẫn có một cánh cò đang ngóng đợi mình nơi ngôi nhà quen thuộc? Có những nuối tiếc, niềm ân hận là một thời nhưng cũng có những nuối tiếc, ân hận là một đời. Nước mắt thường chảy xuôi chứ ít khi chảy ngược. Chỉ một tiếng mẹ thôi mà trong ấy là cả một đời hi sinh, lo lắng, nặng gánh nỗi niềm. Tôi vẫn thường vô tâm như thế, khi tỉnh ngộ ra thì mẹ đã già mất rồi, mắt mờ, chân chậm, bàn tay run run, mái tóc đã đậm màu sương gió. Mỗi lần tôi trở về, đón tôi là niềm vui dâng đầy trong đáy mắt, khi tôi đi là ánh nhìn dõi theo cho tới khi bóng tôi khuất dạng cuối con đường đồng quạnh hiu.
Mẹ là đóa hoa nở ra từ khốn khó, lam lũ đời thường, đóa hoa ấy lặng lẽ tỏa hương, an nhiên trong bể trầm luân sương gió để nuôi nấng, nâng đỡ chúng tôi nên người bằng những lời ru ngọt ngào sâu lắng. Mẹ cứ à ơi ru chúng tôi từ ngày chị em tôi còn đỏ hỏn cho tới ngày chúng tôi trưởng thành, bước chân trên những nẻo đường riêng. Lời ru của mẹ chính là kí ức trong trẻo nhất, trọn vẹn nhất để rồi lòng tôi mãi neo lại lời thơ day dứt của thi sĩ Nguyễn Duy:

Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru.

Chỉ mấy lời ru thôi nhưng là trời, là biển, là yêu thương, là ánh sáng trong đời, mẹ ơi!