Những ngày cuối năm, trời rải thứ nắng vàng phai mà thấm lạnh, gió bồi hồi lật giở những niềm riêng, nghe tha thiết trào dâng trong lòng bao cảm xúc buồn vui lẫn lộn… Tháng Chạp bâng khuâng.

           Những buổi sáng vẫn chìm trong rét mướt, sương lạnh vẫn la đà bảng lảng những lúc chiều buông. Hoa chưa khai nhuỵ nhưng nõn búp đã náu sẵn trong thân cành đợi ngày bung cánh toả hương. Ai bảo tạo hoá vô tình, thiên địa vô tri? Đất trời cũng biết dùng dằng nửa đi nửa ở, năm mới sắp bắt đầu mà mùa đông vẫn còn vấn vương lưu luyến, thương nàng Bân cứ đan áo mãi không thôi… Khúc giao mùa Đông – Xuân bởi thế không mộng mơ thi vị mà cắt cứa nỗi niềm, âm thầm mà nhức buốt, như rét tháng ba muộn màng mà tê tái…
Bây giờ mới đầu tháng Chạp. Mặc kệ mùa đông cứ chùng chình mưa phùn gió bấc, lòng đã muốn đóng gói năm cũ gửi vào kho kí ức, đón một mùa xuân mới đang về. Nghi thức dọn dẹp thường bắt đầu bằng thói quen nhìn lại và tự hỏi, một năm qua mình đã làm được gì, đã bỏ lỡ điều gì, còn điều gì tiếc nuối hay ân hận? Không phải để khoe khoang hay tranh đua với đời mà đơn giản để biết mình có hơn chính mình hôm qua, để vui với niềm vui bình dị và có động lực phấn đấu cho những ngày mai.
                          Trong dòng chảy 365 ngày, có người nên duyên đôi lứa, có người đón đứa con thương yêu chào đời, người mua đất cất nhà, ngươi sắm sanh xe cộ, người tìm được công việc mới… Nhũng thành quả dù ít dù nhiều, dù lớn lao như dời non lấp bể hay đơn giản là niềm vui được sống thực với mình cũng khiến người ta ngộ ra và trân quý. Đời người chẳng phải là những năm dài tự đúc kết chiêm nghiệm, lấy năm trước làm nền tảng cho năm sau, lấy tin yêu và hi vọng làm phép màu đi qua chông gai, gian khổ đó sao?
Cũng có những được mất không hiện hữu thành hình để gọi tên, như ngày tháng đôi khi được đếm không phải bằng các con số một hai, năm, mười mà bằng những yêu thương hay khổ đau không thể nào quên lãng… Với nhiều người, năm 2021 là một năm đau thương, khủng hoảng bởi sự tấn công của đại dịch Covid 19. Hàng ngàn sinh mạng đã ra đi vĩnh viễn. Hàng ngàn đứa trẻ bỗng hoá trẻ mồ côi. Hàng ngàn công nhân, lao động phải rời bỏ Sài Gòn để về quê tìm đường sống. Hàng triệu cuộc đời chao đảo trước một tương lai bấp bênh vì mất việc làm, vì phá sản, vì không biết lấy gì đảm bảo sinh tồn…
                        Nhưng đại dịch cũng làm biến đổi sâu sắc nhận thức của chúng ta về hạnh phúc, thay đổi thói quen cố hữu của từng người trong cuộc sống thường ngày. “Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu” – mất đi niềm vui ồn ào bên ngoài, người ta đi tìm sự an yên trong cõi sâu tâm thức, chăm chút cho tâm hồn lâu nay bị cuộc sống kéo đi trong ngàn vạn những lo toan hối hả. Những người đàn ông không la cà nhậu nhẹt sau giờ làm.
          Những người đàn bà không tụ tập cà phê tán gẫu hay rủ nhau shopping những khi có thời gian rỗi. Những đứa trẻ không di chuyển như con thoi giữa các lớp học thêm hay các điểm luyện thi vào trường này trường nọ. Bố mẹ, vợ chồng, con cái nhìn thấy nhau, quan tâm nhau nhiều hơn mỗi ngày. “Sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn” không còn là châm ngôn siêu hình mà thành trạng thái sống thực tiễn của rất nhiều người thời covid.
                         Trong tâm dịch, giữa đỉnh dịch, những bếp ăn từ thiện đỏ lửa, những chuyến xe không đồng chạy suốt Bắc Nam đón đưa người, vận chuyển hàng, tiếp tế cho người khó khăn trong cơn hoạn nạn. Những chiến binh áo trắng, những chiến sĩ áo xanh miệt mài bám trụ các bệnh viện dã chiến, các trung tâm cách ly, bất chấp hiểm nguy gian khổ. Một năm nhiều sóng gió và mất mát nhưng cũng thật nhiều tấm lòng cao cả với những nghĩa cử cao đẹp.
Tôi nhớ có một truyền thuyết về con chim phượng hoàng được tái sinh từ ngọn lửa. Trải qua quá trình huỷ diệt thiêu đốt thân mình để thanh lọc trong đau đớn và tàn tro, một ngày kia phượng hoàng hồi sinh một chu kì sống mới, huy hoàng, rực rỡ, chói lọi hơn. Có quá không nếu tin rằng, đất nước ta rồi sẽ vượt qua bóng ma và ám ảnh của đại dịch như loài chim phượng, bằng sức chiến đấu ngoan cường và tinh thần đoàn kết, bằng lòng nhân ái nghĩa tình của cả dân tộc, để hồi sinh và tươi đẹp hơn?
           Những ngày cuối năm, khi trời rải thứ nắng vàng phai mà thấm lạnh, tôi cũng bồi hồi lật giở những niềm riêng, nghe buồn vui trào dâng trong lòng tha thiết… Niềm vui lớn nhất với tôi trong năm qua là sự bình yên. Bình yên của gia đình, của những người thân yêu và bình yên trong sâu thẳm tâm hồn.
Những được mất hơn thua và cả những biến cố bất ngờ ập đến không còn làm tôi phải bận lòng, đau khổ. Bởi khi ta nhận ra bản chất con người, quy luật của cuộc sống, nhận ra giá trị đích thực và quý báu của cuộc đời mình thì sẽ thấy lòng nhẹ nhõm thanh thản và an lạc. Biết chấp nhận sự thật, chấp nhận cả những điều thiếu khuyết ở mình ở người giúp tôi buông bỏ buồn phiền và những suy nghĩ tiêu cực, chỉ giữ lại những cảm xúc riêng tư đằm sâu lắng dịu, như cách giữ cho trái tim mình luôn khoẻ mạnh để yêu thương, để cho đi và tha thứ…
Những ngày cuối năm, chiều nghiêng nắng qua thềm, vàng phai hắt bóng, nghe ấm nồng lan trong không gian, gió mơn man một nụ hoa vừa hé nở. Có lẽ mùa xuân sẽ sớm trở về.
Hình ảnh do tác giả cung cấp