Tui lại trở về nhúng mình vào dòng sông quê, nơi thượng nguồn Sông Tiền giữa con nước đổ tháng sáu. Thời gian này dòng sông bắt đầu trở mình lấy trớn chuẩn bị đón mùa nước lũ về.
Lòng tui lại thấy nao nao thương cái thẻo đất sình dưới chân mình, thấy thương dòng nước mới tháng trước còn trong xanh ngửa mặt nhìn bầu trời cao đầy kiêu hãnh mà giờ lại oằn mình ôm dòng phù sa đục ngầu, đỏ quạch cuộn chảy để mang mỡ màu về tưới tắm cho đồng ruộng quê hương không một lời thở than. Nhờ vậy mà cây lúa mới trổ bông cong oằn ân nợ. Nợ tình đất, tình người, tình giọt phù sa mùa nước nổi. Từ cái hồi còn nhỏ xíu tui cứ thắc mắc hoài:
Nước ở đâu mà tràn về đồng mình nhiều vậy má? Tự ên nó chảy về rồi lại tự rút đi. Hay ghê há má!
Tui nghe má tui nói nước ở tuốt Biển Hồ trên Miên gì đó chảy xuống lận. Có lẽ từ tiền kiếp nào nó đã hò hẹn với đồng ruộng quê mình nên cứ độ tháng bảy lại tìm về dang vòng tay trắng xóa ôm ấp, mơn man ruộng đồng cho thỏa lòng nhớ mong xa cách. Cánh đồng lúa mênh mông hôm nào bỗng chốc trở thành cánh đồng nước lênh láng.

Nước lũ cũng không quên mang về cho người thương bao nhiêu là tặng phẩm. Nào là các loại cá, cua, tôm, tép, ốc, rắn,… Và con cá linh non đầu mùa luôn có mặt trong chảo cá kho lạt hay nồi canh chua của bà, của má, của dì, của chị trong những ngày này. Những đứa con thân yêu của ruộng đồng hớn hở, reo mừng mỗi độ con nước về.
Cọng rau muống khô khát trên đồng bấy lâu tức thì bỏ ngọn mềm ụp rượt theo con nước. Súng đồng, súng ma thon dài trắng nõn xòe lá, xòe bông lả lướt theo từng đợt sóng. Nước dâng lên bao nhiêu thì chúng vọt lên theo bấy nhiêu, mà phải lú lên mặt nước đung đưa mới chịu à nghen. Cây điên điển thì chỉ đợi nước về là nở bông vàng ruộm, phe phẩy, điệu đà soi mình trên mặt nước.
Nhìn thấy mà mắc ghét gì đâu. Hổng có chịu nổi, phải nhổ, phải tuốt đem về cho má nấu canh chua, chấm cá kho, mắm kho mới đặng. Mà mắm cũng phải được mần từ con cá linh già vụ trước khi đem kho mới thơm nức mũi người ta. Chính vì lẽ đó mà nó đã trở thành món đặc sản, đi vào ca dao của quê hương Đồng Tháp:
“Muốn ăn bông súng mắm kho/ cá kho
Thì về Đồng Tháp ăn cho đã thèm”
Hồi đó xứ tui người ta toàn cất nhà sàn để sống chung với mùa nước nổi. Hầu hết nhà được làm bằng tre. Cột, kèo bằng tre, lợp lá cũng buộc vào vách nhà bằng tre, sàn cũng được lót từ tre. Có năm nước lớn ba tui phải nâng sàn lên theo con nước gần đụng nóc nhà luôn. Giữa đồng không mông quạnh, có vài cái nóc nhà mọc thoi loi trên mặt nước. Những hôm gió giông má tui ngồi trong nhà run lập cập, ban đêm ngủ sợ nước cuốn trôi lúc nào không hay. Nghĩ lại cũng ớn xương sống thiệt.
Người lớn thắc thỏm lo lũ lụt chớ con nít thì khoái nước lên lắm. Tụi tui háo hức mong nước lớn lớn đặng được dịp lặn hụp đã đời luôn. Một ngày tắm không biết mấy chặp, quần áo không kịp khô. Ngày nào cũng ngâm mình dưới nước tới nổi hai con mắt đỏ kè mới chịu lên. Vì vậy mà đứa nào cũng lội như nhái. Khoái nữa là nước lên để được câu cá.
Nhà ở trong đồng trong ruộng nên không phải lúc nào cũng có được cái cần câu thứ thiệt. Hầu như là xài lưỡi cần câu tự chế. Ba tui lấy cọng dây chì mài nhọn đầu rồi bẻ cong lại giống hình lưỡi câu, cột vô cọng dây gân nhuyễn, róc một nhánh tre nhỏ làm cần, buộc dây câu vào. Mấy chị em tui mỗi đứa được một cây. Nhưng tui xài chỉ được mấy bữa là nó hi sinh.
Lúc ba tui tra lưỡi câu tui để ý mần theo nên hễ lưỡi câu bị đứt là tui tự sản xuất ra cái khác liền. Câu cá trúng mánh nhứt là khoảng tháng chín, tháng mười nước giựt. Khi đó con nước đã dâng cao hết mức và bắt đầu chững lại chuẩn bị rút. Phù sa đã lắng xuống nước trong veo, nằm trên nhà có thế nhìn thấy cá lội dưới sàn. Sau mấy tháng lên đồng, chúng ăn sạch hết những gì có thể ăn.

Lúc này cá đã lớn và đói lắm nên chỉ cần móc lưỡi câu ngang hột cơm thả xuống là dính cá hà. Ngồi câu chán, tui chuyển sang nằm sấp trên vạt sàn nhà câu cá luôn. Bất cứ chỗ nào trên nhà, hễ sàn có kẽ hở là thọt dây câu xuống câu. Có khi câu dính con cá bự hơn kẽ sàn không lôi lên được, nó giẫy mạnh sứt ra rớt lại xuống nước cái tủm, làm cho đồng bọn nó hết hồn chạy tán loạn. Câu miết cũng chán, tui nghĩ ra trò cầm cần câu rê cục mồi trước mặt mấy con cá cho tụi nó thèm mà rượt theo một hồi mới cho tụi nó ăn. Cá câu được nhiều nhứt là cá lòng tong cỡ ngón tay út, cá thểu bụng trắng lấp lánh… đem kho tiêu ngon hết sẩy luôn.
Sau này vì lợi ích kính tế người ta đắp đê ngăn nước để tăng thêm vụ lúa. Từ đó cánh đồng Gò Gai xứ tui không còn được mấy lần đón mùa nước nổi nữa. Mỗi năm con nước nhớ đồng tìm về lé đé chân đê mà không sao chạm được vào nhau. Riết rồi cũng nản. Ngày xưa, mùa nước lên thường kéo dài cả hơn ba tháng nhưng càng về sau thì nước không còn về nhiều và ở lâu nữa. Ruộng đồng nhiều nơi phải sống đời góa bụa.
Hơn hai chục năm rồi tui chưa có dịp cầm lại cây dầm, chống lại cây sào từng một thời làm chai đỏ cả hai bàn tay mỗi khi mùa nước nổi về. Lắm lúc tui cứ thấy thèm được nằm gối đầu lên tay trên chiếc xuồng con bồng bềnh trên cánh đồng nước. Thèm được nghe tiếng má sai bơi xuồng đi nhổ mớ bông súng, tuốt mớ bông điên điển về để bữa cơm chiều hôi hổi ngọt lịm hương quê. Thế mới nói, có những điều dù đã lùi vào dĩ vãng nhưng nó vẫn mãi là sợi dây níu giữ cho cánh diều đời mình không chới với, mất phương.