Trong cánh thư, Thị hẹn anh rằng những đêm trăng sáng anh hãy ngửa mặt ngắm vầng trăng nhé! Anh sẽ chạm ánh mắt em ở đó vì ở thành phố quê nhà, em cũng ngắm chung vầng trăng sáng với anh.

Bố chồng Thị là tổ trưởng dân phố. Từ cả tháng trước ông đã đôn đáo đi khắp khu phố “xin” tiền tài trợ tổ chức trung thu cho các cháu. Qua nhà anh Thắng có cô con gái lớn mới lấy chồng, ông gióng giả: “Lên chức ông ngoại tương lai rồi, ủng hộ các cháu tý nhỉ!” Anh Thắng vui vẻ: nhất trí ngay! Ông cho con góp 1 triệu nha”

Bữa cơm tối nay, ông yêu cầu dọn sớm hơn mọi ngày 15 phút. Ông dặn thằng cháu đích tôn nhớ 7h đi cùng ông sang chuẩn bị trung thu khu phố. Thằng bé 14 tuổi cao mét 65, đang vỡ giọng ồ ồ, mép lún phún lông tơ có ý thoái thác:” tối nay cháu nhiều bài lắm!” (Thực ra nó nhớ những trận game online với đám bạn quen thuộc mỗi tối).

Ông bà năn nỉ: “cả năm có một Tết trung thu, con qua 1 lát rồi về học có sao đâu!Năm nay ông xin tiền tài trợ thuê hẳn đội múa lân về biểu diễn cơ đấy”

Rồi ông tư lự: “ngày xưa thời ông bà trung thu đến háo hức xếp hàng dài để chờ được phát mỗi đứa khẩu mía và múi bòng thôi, chả biết mùi bánh nướng bánh dẻo đâu mà vui thế!”
Trung thu mỗi năm một lần đến rồi đi. Bọn trẻ ơ thờ, đám nam thanh nữ tú thì phấn khởi có cớ để hẹn hò, lượn phố…

Chỉ ngậm ngùi thương các ông bà cố níu giữ chút truyền thống xưa cũ giành cho cháu chắt. Và những người đàn bà cũ u 50 như Thị rưng rưng nhớ về một miền ký ức. Ước gì quay ngược trở lại 30-35 năm trước, mùa trung thu lũ trẻ như Thị háo hức tổ chức bày cỗ trông trăng. Những tấm vải dù, những vỏ chăn căng ra làm lều trại trên khoảnh sân thượng nhà hàng xóm; trái bưởi chua, tấm bánh còi; chiếc đèn lồng, đèn ông sao xanh vàng đỏ tím; dăm miếng bỏng gạo, bỏng ngô hay chiếc gậy Tôn Ngộ Không bằng bột gạo… thành cỗ tưng bừng.

Thằng em trai thò lò mũi xanh ngộ nghĩnh đeo chiếc mặt nạ, tay cầm con tò he bằng bột nặn Tôn ngộ không cả ngày không rời. Đấy là đám trẻ nhà nghèo. Lo cỗ ở nhà nhưng vẫn không quên lượn lờ lảng vảng qua mấy nhà khá giả trong xóm, kiễng chân nhìn qua bức tường bao, há mồm thèm thuồng ngắm chiếc đèn kéo quân của nhà giàu sáng đèn quay quay rất huyền diệu; hoặc khom lưng nhìn ké đám trẻ nhà giàu đùa giỡn với chiếc tàu bằng sắt có cờ tam giác đỏ vàng chạy phà phà bằng dầu máy trong chậu nước. Mà thèm, mà ao ước…

Mùa trung thu năm 15 tuổi, Thị lớn phổng phao, ý thức được mình đã tuổi trăng rằm, không háo hức hớn hở như trẻ trâu nữa mà mơ màng bay bổng. Những đêm trăng rằm, Thị thích trốn lên sân thượng cùng cô bạn thân. Hai đứa cứ ngồi lặng lẽ. Thị ngửa mặt lên Trời để mặc cho ánh trăng tràn trề trên gương mặt bầu bĩnh, trên những căng tròn và óng ả. Thị ngắm vầng trăng vằng vặc sáng và thả hồn lên 9 tầng mây ấy. Thị nghĩ về một người trai chưa từng biết mặt – người mà Thị kết bạn qua cánh thư.

Anh ấy đang đóng quân ở đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa, chỉ biết là xa lắm! Trong lá thư gian khó từ đảo gửi về cho Thị anh ép nguyên nhành san hô mỏng như chiếc lá măng, anh nói đó là san hô trúc. Thị gửi cho anh 1 bức ảnh chân dung thiếu nữ 15 có ánh mắt mơ màng, anh bảo cả đảo khen em xinh làm Thị đỏ bừng mặt vì sung sướng!

Trong cánh thư, Thị hẹn anh rằng những đêm trăng sáng anh hãy ngửa mặt ngắm vầng trăng nhé! Anh sẽ chạm ánh mắt em ở đó vì ở thành phố quê nhà, em cũng ngắm chung vầng trăng sáng với anh.

Lãng mạn thế thôi nhưng khi lá thư cuối cùng anh chính thức ngỏ lời yêu thì Thị hoảng hốt, bối rối và sợ hãi. Thị quyết định im lặng và kết thúc một tình bạn lãng mạn bởi Thị nghĩ “ tương lai của mình là phải học chứ ko phải yêu đương”

30 năm sau, Thị đã đạt được ước mơ đặt chân đến Trường Sa và đêm Trường Sa lại ngắm trăng nhớ về ánh trăng thành phố năm nào…
Trung thu đấy! Đi nửa đời người chắc ký ức trung thu mãi mãi chỉ bấy nhiêu thôi, nhưng mà thấy vui, thấy ấm áp và hạnh phúc tuyệt vời!