một ngôi làng nơi đồng bằng đông đúc hay một ngôi làng miền sơn cước xa xôi, ở bất cứ một ngõ vắng nào, một ven đường nào mà ta vô tình đi qua, ta thường gặp một loài cây bình dị thân thương nở hoa vào tháng ba – những chùm hoa tím biếc màu nhung nhớ. Ấy là cây xoan.

           Cây xoan là một loại cây gỗ nhỏ, có thể cao bằng nóc nhà hai, ba tầng. Lá xoan là lá kép lông chim, hai đến ba lần lẻ, bìa lá chét, có răng cưa, lá non màu xanh nhạt. Mùa hè lá xoan xanh tốt, tỏa tán xum xuê làm bóng mát cho dân làng chòm xóm. Mùa thu lá xoan chuyển dần sang màu vàng. Và mùa đông thì cây xoan thân cành trơ trụi lá, chỉ còn những chùm quả héo khô nhưng vẫn treo lủng lẳng trên cành.

Không biết cây xoan có ở đất này từ thời nào. Chỉ biết rằng cây xoan làm bạn với người dân quê từ bao nhiêu đời nay. Từ thuở xa xưa, những ông phó mộc trong làng đã dùng gỗ xoan để đóng giường, đóng tủ, đóng bàn ghế. Những chiếc giường bình khung bằng gỗ xoan đào đã là chứng nhân hạnh phúc cho hàng nghìn, hàng vạn lứa đôi của anh canh điền và cô thợ cấy ở làng quê. Cột, kèo, xà dọc, xà ngang từ bao đời nay đã dựng nên hàng nghìn, hàng vạn những mái ấm gia đình.

                               Thế rồi những chiếc bảng đen, những bộ bàn ghế bằng gỗ xoan đã làm bạn với nhiều thế hệ học trò từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến thời bao cấp, cho đến ngày nay. Những chiếc tủ đứng, tủ nằm, những bộ bàn trà được thửa bằng gỗ xoan cũng đã từng mang nụ cười đến cho chủ nhân của nhiều thế hệ gia đình nơi thôn dã.

          Không phải là một loại thực phẩm, nhưng lá xoan cũng gần gũi với người dân quê. Bà con ở làng quê thường dùng lá xoan để rấm chuối. Người ta trải lá xoan vào bồ, vào sọt rồi đặt những nải chuối tây đã già (hay chuối ngự, chuối lùn, chuối tiêu, chuối tiến…) vào đó. Cứ một lần lá xoan, một lần chuối… Khi đầy bồ, đầy sọt thì dùng lá chuối khô hoặc ni-lông bít kín lại. Vài ngày lại kiểm tra. Cứ như thế, dăm ba ngày hoặc một tuần là chuối chín vàng. Các bà, các mẹ có thể mang những nải chuối chín vàng ấy đi chợ Trung, chợ Bi, chợ Mễ, chợ Chùa, chợ La, chợ Giai, chợ Bồng, chợ Thông, chợ Lạng, chợ Mét, chợ Giành, chợ Búng, chợ Hàng, chợ Cầu Cau, chợ Gốc Mít… để bán lấy tiền đong gạo, mua muối, dầu, thịt, cá, mua tấm áo, manh quần, hay sách vở cho cháu, cho con… Lá xoan còn dùng làm thuốc chữa bệnh nữa.

Quả xoan khi còn xanh là thứ đồ chơi hấp dẫn của bọn trẻ. Những chàng trai đã từng sinh ra ở làng hẳn không ai là không hơn một lần trèo cây lấy quả xoan tặng cho các cô bé gái làm đồ chơi bán hàng hoặc xâu lại giả làm vòng vàng trang sức. Những cuộc đánh trận giả với vũ khí là nỏ cao su bắn bằng đạn quả xoan nhiều phen làm náo động xóm làng còn in đậm trong ký ức của nhiều chàng trai nay đã răng long đầu bạc.

                       Những loài quả khác khi đã già – nếu không được hái lẩy kịp thời – thì rụng xuống gốc. Riêng quả xoan thì không. Mùa đông lạnh giá, lá xoan rụng hết để lại cây xoan với thân cành trơ trọi thì những chùm quả xoan (dù khô héo) vẫn còn đeo bám lấy thân cành khẳng khiu trơ trọi ấy.

Mùa xuân. Mùa xuân với màn mưa giăng giăng khắp trời đất – đã làm hồi sinh sinh lực của vạn vật trong đó có những cây xoan. Chỉ sau ít ngày mưa nồng rơi thì từ những mắt cây, những lộc non nhu nhú đâm chồi. Muôn vạn chồi non ấy lớn nhanh thành cành lá xanh một màu xanh non biêng biếc.

           Thế rồi vào một ngày tháng ba, hoa xoan bất ngờ bung nở tím biếc cả một khoảng trời chiều. Có anh bạn bảo rằng những cánh hoa xoan trắng tím mỏng manh, bé tí xíu, cong cong như hàng mi thiếu nữ. Có cô bạn lại bảo rằng hoa xoan trông giống như chiếc loa kèn nhỏ được xếp từ vô số cánh hoa màu tím man mát đang xòe ra hết mình…

Còn tôi. Tôi thấy hoa xoan đẹp lạ lùng. Hoa xoan có mùi thơm hăng hăng ngai ngái nhưng nồng nàn kỳ lạ. Sắc tím hoa xoan làm tôi nhớ đến nao lòng những người bạn gái, bạn trai thuở thiếu thời vẫn ngày ngày đá bóng, đánh khăng, đánh đáo, đánh luyến, đánh chắt, đánh chuyền bên ngõ nhỏ rụng đầy sắc tím hoa xoan…

                        Những con Mỹ, con Duyên, con Thơm, con Ngát… Những thằng Trịnh, thằng Hứa, thằng Nhu, thằng Thùy, thằng Thụ, thằng Số, thằng Long, thằng Bích, thằng Tơn, thắng Tiến, thằng Triệu… Có đứa đã thành giáo sư tiến sĩ. Có đứa đã thành thợ cấy, thợ cày lão luyện. Có đứa đã thành gió núi trăng ngàn nơi rừng thẳm Trường Sơn…

Dù chẳng nói ra nhưng chắc hẳn chẳng đứa nào quên được cái ngõ nhỏ quê hương có hoa xoan tím biếc trời chiều… Tháng ba này, hình như hoa xoan tím hơn những mùa hoa xoan trước. Tôi với tay lên lẩy một chùm hoa xoan. Trời chiều, mưa bụi bay và sắc tím hoa xoan làm cho lòng tôi rưng rưng nhớ về các bạn.

          Dù đất nước mình có tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến đâu nhưng xin đừng ai xóa bỏ loài cây đã gắn bó bao đời với mảnh đất thân thương này. Xin đừng làm mất đi những mùa hoa xoan thương nhớ. Những mùa hoa xoan tím biếc trời chiều còn mãi trong tôi.