pham-dao

Tôi là Phạm Đào

Thành viên của Tản Văn Hay từ 24 tháng 10, 2019.

K hi những tia nắng vẫn còn khuất sau rặng núi. Khi những giọt sương mai còn đang ngủ yên trên những chiếc lá xanh. Khi những vũ điệu Apsara còn chưa tỉnh giấc, chúng tôi đã có mặt ở Thánh địa Mỹ Sơn.

Con đường nhỏ dài hun hút, hai bên đường một màu xanh ngút ngàn . Lối đi dường như cũng đã mòn theo thời gian dẫn chúng tôi vào một thung lũng nơi đây là thánh địa của một vương quốc hùng mạnh đã một thời vang bóng. Với một trầm tích được bao bọc bởi xung quanh là núi, là sương mù là mây trắng thì một chiếc lá vàng rơi cũng chẳng có gì là lạ vậy mà ta cứ nâng niu chiếc lá tựa hình trái tim trên tay mà tưởng tượng ra ngày xưa chắc hẳn nàng vũ nữ xinh đẹp cũng rất mơ mộng, nàng thích múa hát, tay nàng đẹp và dẻo, hẳn nhiên rồi nhưng chắc chắn nàng rất yêu hoa lá cỏ cây như thể đọc được sự ưu tư của từng ngọn cỏ, nỗi nhớ nhung của một bông hoa hoang dại mọc trên từng thớ gạch đã ngả màu nơi tháp cổ.

Ta ngỡ ngàng trước sự khéo léo của những nghệ nhân Chăm xa xưa, họ như thổi hồn vào những tượng đất nung, đá sa thạch làm cho chúng sống động, tràn sức sống và rất có hồn, cho đến hôm nay đã trở nên bất tử. Những tia nắng dịu dàng của mùa thu như trải lên không gian một màu nhạt vàng huyền bí, giữa mênh mông nắng gió, ta có cảm giác đất trời, cỏ cây và hồn người như đang giao hòa vào cùng giai điệu. Lạc vào những tháp cổ trầm mặc rêu phong, bốn bề rừng núi, ta như bị mê hoặc bởi vẻ đẹp kiến trúc cổ đại với những ngọn tháp ngả bóng lên nhau.

Chạm tay vào từng viên gạch màu nâu đỏ ta bắt gặp những họa tiết được chạm khắc vô cùng điêu luyện, bức tường gạch theo thời gian đã bị rêu phủ như tấm màn xanh màu cổ kính. Dưới sợi nắng thu mỏng manh, những bức tượng phù điêu với nhiều hình dáng khác nhau thể hiện đời sống sinh hoạt hàng ngày của người Chăm trong thời đại đó, vẳng đâu đây lời thì thầm từ ngàn xưa đang vọng lại trong mây trời non nước.

Và kìa tiếng nhạc đã vang lên, những vũ nữ Champa duyên dáng đang múa điệu Apsara làm nghiêng ngả đất trời, ru hồn những người có mặt trong nhà biểu diễn, tất cả đều lặng đi theo tiếng hát, “ngàn năm trong kiếp đá Apsara, bàn tay người vũ nữ nét thiên thần…” cùng với sự uyển chuyển nhịp nhàng duyên dáng trên đôi chân trần, với bàn tay búp măng khéo léo và tinh tế, người xem như lạc vào một thế giới huyền bí nhưng vô cùng quyến rũ.

Giữa bao la của đất trời ta ước gì mình biết vẽ, những bức tranh của ta về Mỹ Sơn sẽ thấp thoáng những ngôi tháp cổ có mây trời bàng bạc vấn vít xung quanh, có gió mỏng manh khẽ chạm vào chiếc lá, có hoa dại hoang hoải ưu tư trên sườn tháp cổ và xa xa một du khách đang ngắm nhìn những tòa tháp cổ mà hồi tưởng về một thế giới huyền bí với những vị thần, với những nàng vũ nữ Chăm xinh đẹp.

Có cái gì đã làm lên nỗi nhớ Mỹ Sơn trong ta, phải chăng là con đường của thời gian dài thăm thẳm, là một buổi sớm bình minh vì xa xôi nên chúng ta đến rất sớm đã đánh thức cả một không gian của thánh địa còn đang ngái ngủ. Là một chiều hoàng hôn nghiêng bóng, mây bay giăng tím khắp nẻo núi đồi. Là sự tinh tế trong vũ điệu Apsara khiến bao tâm hồn say đắm. Là một sự im lặng thay một lời tạm biệt của những ngọn tháp cổ, những pho tượng, từng chiếc lá và vô vàn những bông hoa dại chăng. Bỗng chốc trong miên man ta ngỡ mình đang đi lạc trong một bức tranh của một chàng họa sỹ.

Biết bao nhà văn nhà thơ nổi tiếng đã viết về Mỹ Sơn, ta chỉ là một hạt cát nhỏ xíu giữa biển bao la nhưng ta vẫn muốn viết một kỷ niệm nhỏ về mảnh đất huyền bí mà ta may mắn được đặt chân đến với biết bao dấu ấn của thời gian, với những điều nhỏ nhặt nhất như bảng lảng khói sương với những cỏ cây hoa lá hoang dại mọc tự nhiên trên Thánh địa, tất cả như muốn níu chân người khách ở lại với mây trời non nước Mỹ Sơn.