27 C
Hanoi
Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Trở lại Ayun Pa

C on người ta thật kì lạ,...

Tháng Tư hương dẻ

M ột sớm mai thức giấc, bỗng...

Cây gạo làng

Cây gạo làng tôi đứng ở một...

Hanh heo mật trèo lên ngọn

Thương Nhớ Ngày XưaHanh heo mật trèo lên ngọn

Mỗi khi thấy gió heo may thổi về, tôi lại nhớ câu nói của bà “Hanh heo mật trèo lên ngọn”. Những ruộng mía trên đồng lá đã ngả sang màu vàng cánh gián, thi thoảng đây đó đã có những cây mía trổ hoa, hoa mía như những bông lau to, trắng xóa phất phơ trong làn gió. Làng tôi cũng đã vào mùa kéo che lấy mật.

           Che kéo mật được dựng ở khu đất tương đối rộng ở phía cuối làng. Che thường được làm bằng thân cây gỗ trường mật hoặc những cây nhãn già to. Ở phần phía trên thân che có những cái vú tạo thành những cái bánh răng cưa móc bám vào nhau để khi trâu bò kéo thì cùng nhau xoay xung quanh một cái trục cố định.
Cuối tháng mười một âm lịch cả làng cùng chung nhau dựng che, làng tôi nhỏ nên thường chỉ dựng có hai cỗ che rồi cùng thay phiên nhau kéo mật. Cánh đồng trồng mía không rộng, từng ruộng đơn lẻ đan xen với ruộng trồng khoai trồng đậu và cả trồng dâu nuôi tằm nữa.
                         Đến mùa thu hoạch mía thật náo nhiệt, người bóc vỏ, người chặt gốc, người vận chuyển, con đường làng vốn nhỏ hôm nay bỗng chật cứng lại. Ngày đó chưa có phương tiện chuyên chở hiện đại như bây giờ, mía dài quá người ta bó mía thành hình chữ “A” để gánh. Khi về chất đống ở ngoài sân rồi phải chặt cho ngắn lại, lau sạch rễ bó lại từng bó nhỏ mới đem đi kéo che. Cứ vào độ ba bốn giờ sáng, bọn trẻ con chúng tôi đang ngon giấc trong những cái ổ rơm ấm áp thì người lớn đã dậy chuẩn bị đi kéo che. Khi đến phiên mình kéo mật thì mía, củi đun phải chuyển lên từ trước chất sẵn sàng ở đó. Nồi nấu, xô chậu đồ nghề thì nhà này dùng của nhà kia như là của chung vậy. Chuẩn bị xong xuôi mọi thứ mãi đến gần sáng mới mắc trâu vào bắt đầu việc kéo che.

“Cha ngồi vắt mía qua che
Vòng quanh trâu bước bốn bề gió reo”

Con trâu được quàng vào một cái cần dài gắn liền với cái ống che mẹ, kéo đi vòng quanh, theo ngược chiều kim đồng hồ, che mẹ móc những cái vú vào che con và cứ thế quay tròn. Người cầm mía luồn qua cái khe hở đã cự sẵn giữa ống che mẹ và ống che con, hai ống che quay kẹp cho mía bể ra, những dòng nước mật theo cái máng chạy xuống cái xô hứng sẵn dưới cái hố bên dưới. Người ngồi phía đối diện gom bã mía lại, chuyển qua bên này để vắt lại lần nữa. Là che bằng gỗ nên mía phải kéo đi kéo lại từ ba đến bốn lần mời hết mật.

           Tiếng che kêu èo èo, ẹt ẹt đều đều vọng về làng tạo nên một âm thanh đặc trưng cho mỗi làng quê khi vào vụ mía. Nằm trong ổ rơm nghe tiếng che kêu như thôi thúc, như mời gọi, tôi cứ thấp thỏm nghễn cổ ra ngóng ngoài trời coi đã sáng chưa để chạy ra chỗ kéo che. Xung quanh che ong từng đàn từ đâu bay đến lấy mật mía, chúng say mật chết lều bều trong xô đựng nước mật. Cha tôi nói mùa này “hao ong” lắm bởi chúng chết ở các lò che rất nhiều. Không những loài ong bị cuốn hút vào các lò che mà bọn trẻ con chúng tôi cũng bị lôi cuốn bởi tiếng kêu hấp dẫn của những cái che.

Sáng tờ mờ là bọn chúng tôi đã tập trung ở chỗ lò che trước khi đi học, cả bọn thi nhau gặm mía, sưởi bếp và dõi theo những bước đi của những con trâu đang cần mẫn vòng quanh cái che, say sưa nghe tiếng kêu đều đều của cái che đang mãi miết quay tròn. Trời sáng rõ thì bắt đầu nổi lửa để nấu mật, những cái “bung” bằng đồng được bắc lên trên những tảng đất hình chữ nhật được đào ở ngoài bờ ruộng về để làm lò nấu mật.

                        Những “bung” mật được đun nóng lên từ từ, nổi lên trên bề mặt lớp bọt bẩn dày, đen gọi là “cứt tru”. Khi lớp “cứt tru”đã đủ độ già người ta dùng cái vợt đan bằng tre như cái vĩ đập ruồi nhưng to hơn, vớt ra. Cứ thế vớt lớp này xong rồi đến lớp khác, sau ba bốn lần vớt như vậy thì coi như nồi mật đã tương đối sạch. Lúc này tôi được cha múc nước mật gọi là “mật chè” để uống. Mật chè uống ngọt nhưng không khay như mật thành phẩm, thơm lắm có thể uống no mà không bị say.

Đi học về, ngang vô lò che uống mật chè xong là lại vịn vào cái cần cùng hỗ trợ với trâu gọi là lùa trâu, xung quanh khói bốc nghi ngút thật thú vị vô cùng. Khi vớt lớp bọt đã sạch mẹ lấy những củ sắn, củ khoai dong bó lại,cũng có khi là những xâu gừng rồi thả vào trong nồi mật, sau khi mật chín vớt ra ăn, đó là những món ăn có hương vị đặc biệt, ai đã từng ăn thì suốt đời không thể nào quên.

           Cứ thế, nhà này kéo được dăm “bung” thì lại nhường cho nhà khác kéo. Tiếng che ngày đêm kêu đều đều không hề ngơi nghỉ, những gánh mật gánh về làng, những gánh mía lại gánh ngược lên che, con đường làng khi nào cũng nhộn nhịp, đây cũng là dịp vui vẻ trong năm sau kỳ thu hoạch lúa.

“Tháng chạp sang mau tết đến gần
Che kêu trưa sớm giục xuân mau về”

Người ta tranh thủ kéo che, tranh thủ cày bừa chuẩn bị cho vụ cấy lúa xuân, tranh thủ đi chợ bán mật mua sắm hàng tết mọi việc thật vô cùng khẩn trương tấp nập. Bọn trẻ chúng tôi chỉ biết chơi đùa vui vẻ, chơi chán ở lò che lại trở về làng hái táo. Mùa này những cây táo đã chín, táo trên cành xâu từng chuỗi dài như sải tay người lớn. Bọn trẻ chỉ cần một hòn đá ném lên trúng cành táo, táo chín rơi xuống trắng xóa, tha hồ ăn. Trong làng hình như chẳng có ai có bờ rào bờ dậu cả, nếu có thì chỉ có rặng cúc tần thưa hoặc là những bụi duối mà thôi. Người lớn bận công việc kéo che, đồng áng chợ búa nên bọn trẻ chúng tôi được những khoảng thời gian vô cùng thoải mái.

                          Gió heo may đưa mùi thơm hương mật về làng, mùi thơm của mật như quánh lại bám chặt vào trong từng lá cây ngọn cỏ của làng. Hương thơm bám theo gió bám theo ngọn khói lò che bám theo người lớn, trẻ em về làng, đi đâu cũng ngửi thấy mùi thơm sực nức. Mùi thơm của mật bám vào tóc tai, quần áo theo vào trong ổ rơm len vào trong giấc ngủ. Mỗi đêm nằm xuống ta mơ màng nghe tiếng che kêu đều đều hoà lẫn trong mùi thơm của mật ru ta say trong giấc ngủ.

“Mồ hôi mẹ trộn gió lào
Pha mưa tháng tám góp vào nuôi cây”

Những ruộng mía trên đồng cũng thưa dần, trong nhà chum, vại cũng đã đầy ắp những mật. Bao nhiêu vất vả lo toan chăm sóc cây mía giờ đã được đền đáp những chum mật đặc sánh ngọt lừ.

“Mật vàng sóng sánh nắng chiều
Trong vất vả vẫn thương yêu nụ cười”

Trong các phiên chợ các bà các chị lại gánh mạt đi bán từ sáng sớm. Tiếng cười nói vui vẻ quên đi những tháng ngày vất vả, người mua mật được khuyến mãi những nụ cười tươi rói.

” Hiến dâng vị ngọt cho đời
Bã còn để lại một trời hương thơm”

Bên góc sân mỗi nhà từng đống bã mía khô được xếp đặt cẩn thận để làm củi đun. Bã mía khô có chất mật nên dễ bắt cháy khi cháy tỏa mùi thơm ngào ngạt như ta đốt mật vậy. Những ngày giáp tết trong làng dậy lên một mùi thơm tổng hợp, thơm bã mía, thơm mùi mật và thơm nồng nàn vị tết.

           Ngày nay việc kéo che đã được hiện đại hóa bằng máy. Người làng tôi cũng ít trồng mía hơn nhưng cứ đến độ gió heo may về cả làng vẫn dậy lên một mùi thơm lừng mật mía. Thoảng trong làn gió heo may, lẫn trong mùi thơm ngạt ngào của mật mía tôi vẫn nghe tiếng che kêu đều đều vọng về từ quá khứ. Nhiều đêm chợt tỉnh giấc tung chăn ngồi dậy chạy vội ra mở cửa rồi bỗng bần thần trở lại thao thức cho đến sáng hôm sau.

Thế giới hôm nay, cuộc sống ngoài kia bao nhiêu là âm thanh mới lạ, hấp dẫn, nhưng tiếng che vẫn chợt vọng về trong những giấc mơ tôi. Và lại nhớ câu nói của bà năm nao: “Hanh heo mật trèo lên ngọn”.

Check out our other content

Most Popular Articles