Đào tẩu và cô hồn

    Khi tựa lưng vào Vu Lan mới thấy tháng bảy dật dờ trước mặt. Lúc khoác tay hình nhân chột dạ cô hồn vượt quỷ môn quan. Cuộc đào tẩu nguy hiểm nhất là khi bạn để đức tin và tình yêu thương thoát ra khỏi tâm hồn mình.

    Tôi mắc kẹt ở Trung Quốc trong một tháng 7 buồn rầu, đã lâu lắm rồi như một khoảng thời gian ma trận. Trong những ngày u uất vì trầm hương và tiếng mõ mõ kinh kinh dọc những con phố người Tàu xỉ xổ, tôi bị cuốn vào vòng xoáy của thác lễ ma quỷ lúc nào không hay. Cũng từ đó mà truyền thuyết cô hồn ám ảnh…

                Tôi bật cười vì nhớ đến một người bạn từng sống và làm việc chung thời gian dài ngoài Hà Nội. Gã tên là Thành Cô Hồn. Cái mặt phèn phẹt, hai cái pha đèn him híp, nước da bánh mật vần vật trên những nụ cười ngây ngây ngô ngô, chỉ nghĩ đến thôi đã làm tôi tức cười muốn chết thêm vài lần nữa. Tôi mà làm đạo diễn, chắc chắn Thành Cô Hồn sẽ trở thành tượng đồng điện ảnh.

    Một vài người Việt Nam bạn tôi sống lão làng ở Trung Quốc giải thích rằng họ thường gọi lễ Vu Lan bằng một cụm từ manh động: lễ ma quỷ. Ngày quỷ môn quan mở, trùng vào lễ Trung Nguyên, là ngày Địa Quan xá tội, trong Phật giáo gọi là lễ Vu Lan. Theo truyền thuyết thì lễ này được tính bắt đầu từ mồng một tháng bảy âm lịch trở đi, những ngày này các du hồn, dã quỷ được phóng thích, họ có thể rời khỏi âm phủ để trở về trần gian cũng như một khoảng thời gian ma trận, để tiếp nhận những vật phẩm của người thở khí trời, đến ba mươi tháng bảy âm lịch thì quỷ môn quan đóng trở lại và kì hạn của lễ ma quỷ kết thúc.

               Câu chuyện làm tôi liên tưởng tới hình ảnh của Mục Liên một trong mười đồ nhi của Phật tổ đã dùng phép “thiên nhãn thông” để xem cuộc sống dưới âm phủ của mẹ mình như thế nào… Mục Liên là câu chuyện cảm động của một người con hiếu thảo dành cho cha mẹ, tuy rằng buổi dương thế mẹ của Mục Liên đã làm nhiều điều trái ngang.

    Tôi lang thang những buổi chiều Giang Tô, trôi trên sông những chiếc thuyền chở đầy kinh Phật, ngỡ hồn mình cũng như ẩn dật, trong những đồng tiền giấy thiếc và ánh đèn lồng như con mắt Mục Liên. Những dòng sông tháng bảy bỗng trở nên biến thiên từ ánh sáng dương thế, liệu ánh sáng đó có rửa ráy cho sạch sẽ những nhớp nhơ linh hồn. Làm đời một con người mới đáng sợ, làm thân một con quỷ có gì mà đáng sợ đâu? Đời quỷ muôn ngày trốn chạy…

                Đến Phúc Kiến, dạt trôi trên dòng Mân Giang, nhìn những người phụ nữ đã lấy chồng lặn lội đường xa mang quà về tặng cho cha mẹ, chạnh lòng mà thương nhớ quê nhà. Những bông hoa dại chẳng hề bon chen vẫn dâng đầy trong buổi chiều thân phận. Không hiểu sao đôi mắt Mục Liên vẫn làm cho những buổi chiều tháng bảy nguôi giận, địa ngục nhân gian.

    Đi sâu vào những khe đá hẻm núi, tháng bảy ở xứ người cũng vươn vai hơi lạnh mà buông vào tôi lòng trắc ẩn Vu Lan. Thấp thoáng trong gió chiều, vật vờ trong sương núi, hình ảnh những ngôi nhà bé nhỏ chập choạng ánh đèn, những đứa con dìu mẹ già ngồi bên tràng kỷ, những người vợ bận rộn cơm chiều bên chái bếp luênh loang và đâu đây hay là bao đường ngang ngõ tắt dọc hẻm núi này, vàng hương bay, mắt ai cay…

                Lại nhớ một hôm nào đó ngồi cà phê ở những con hẻm Sài Gòn, ai đó giương mắt nhìn những bà lão ăn xin, ai đó thờ ơ dâng tặng một niềm tin. Tôi đã đọc ở một trang báo nào đó, câu chuyện về một  người con, khi thành danh, khi giàu có đã đuổi mẹ của mình ra khỏi nhà. Tháng bảy buồn bã day dứt, tháng bảy xa, tháng bảy gần, tháng bảy ngã vào những tội lỗi hư danh.

    Có những buổi sớm mai thức dậy, như một thói quen thường tình, tôi vào mạng xã hội Facebook, có những cô cậu nứt mắt lòng non dạ trẻ, ngôn ngữ buông tuồng, nào tháng cô hồn, nào đĩ nọ cha kia, chảnh chọe chửi thề, vung đao chém vía. Tôi thương tháng bảy vô chừng.

               Năm nay, năm sau, và nhiều năm sau nữa, quỷ môn quan năm nào cũng mở. Những cuộc đào tẩu của quỷ dữ, của cô hồn, của những người từng thu vén đời mình vào bóng tối lại vãng lai trần gian. Tôi lại nhớ Mục Liên, thân tu thần thông quảng đại, hàng ngày mang bát cơm cõi trần phủ phục nơi cõi quỷ để dâng lên mẹ mình. Tại sao chúng ta phải né tránh và sợ hãi. Cuộc đào tẩu nguy hiểm nhất là khi bạn để đức tin và tình yêu thương thoát ra khỏi tâm hồn mình.

    Những buổi chiều cuối năm, không giống như những buổi chiều tôi lang thang Giang Tô hay buồn rầu trong những khe núi hẻm đá lưu vực dòng Mân Giang. Nhìn người ta đi thăm viếng phần mộ của người thân đã quá cố và sửa sang, quét dọn, trầm hương trong lòng tôi lại vươn vai lên ngọn, những ngọn sóng, những ngọn gió, những ngọn đời bươn bả và cả những ngọn ngưỡng vọng tổ tông. Cuộc đời đáng sợ nhất là những cuộc đào tẩu, những cuộc đào tẩu từ chính tâm hồn mình.