Cây gạo làng tôi đứng ở một góc sân chùa. Từ dưới bến sông nhìn lên qua một con đê nhỏ chỉ thấy vòm cây nhô ra. Mỗi mùa xuân sang, cây gạo nở rộ, đồng loạt bung những cánh mịn như nhung rồi rủ nhau cùng buông mình rụng xuống. Đêm khuya, gió từ sông Cầu thong dong ghé lại khe khẽ lay cành, tiếng bông gạo thỉnh thoảng rụng lụp bụp làm sư thầy tỉnh giấc. Những bông gạo nằm nghiêng giữa nền gạch sân chùa, nghiêng trên đám cỏ,giắt vào mái ngói rêu phong rồi đầucánh xạmdần, đen lại. Chú tiểu mỗi sớm quét chùa lại vun hoa gạo thành từng đống như đống lửa, thỉnh thoảng chú tinh nghịch tung một bông hoa còn tươi lên cao để hoa xoay xoay rồi lại bắt lấy, bỏ vào túi áo nâu.

Hoa của cây gạo làng tôi có màu đỏ thẫm, màu của son môi các cô gái làng hay thoa đằm đằm quyến rũ, chứ không đỏ tươi hay đỏ cam như nhiều cây gạo khác trong vùng. Người làng tôi bao đời truyền lại, từ khi có một ông lão ăn mày phiêu bạt đến xứ này thì cây gạo cũng bắt đầu mọc lên ở sân chùa. Ông lão hiền lành, mái tóc bạc phơ không nhớ tên tuổi quê quán của mình, được người làng cưu mang bữa rau bữa cháo, cho đến khi ông mất dân làng cũng đặt ông nằm lại ngoài cánh đồng mênh mông trước cổng chùa. Còn cây gạo lớn ù ù như thổi. Năm nào cây nở bung hoa, năm ấy dân làng tôi được mùa có thóc ăn thóc để. Đứng từ gốc cây gạo nhìn ra, mộ lão ăn mày chon von giữa cánh đồng.

Ông nội tôi kể rằng có lần nước sông dâng cao lên qua mặt đê tràn cả vào sân chùa. Cây gạo lầm lũi ngâm mình trong nước lụt cả tháng trời. Đến khi nước rút, lá cây võ vàng rụng như trút hết xuống gốc, chỉ còn trơ cành. Ai cũng tưởng cây gạo chết. Năm ấy làng tôi mất mùa, đói to. Ấy vậy mà đến mùa xuân, cây gạo lại nảy lá non, những cây tầm gửi leo trên thân gạo cũng xanh trở lại. Từ đó, cây gạo thành hồn làng gắn với chuyện vui buồn của người dân.

Tôi nhớ ngày bé theo ông nội lên chùa nhặt hoa. Ông tôi cẩn thận chọnnhững bông hoa gạo vừa rụng xuống còn nguyên vẹn, không giập nát đem về tỉ mẩn tách từng cánh phơi khô dùng làm thuốc. Chú Tứ người làng tôi hay rượu, da vàng vọt xanh xao, ông bảo tôi leo lên cây hái tầm gửi để ông làm thuốc chữa gan cho chú, áo tôi bị gai cào rách cả một mảng. Thế mà kiên trì uống thuốc và kiêng rượu da chú Tứ hồng hào trở lại, ngày nào chú cũng ra ngồi gốc cây gạo ngước lên nhìn tán lá mà cười.

Thần cây đa. Ma cây gạo. Cú cáo cây đề… Dân làng tôi ai cũng biết, ấy thế mà cây gạo làng tôi gần gũi thân thiết như một biểu tượng của làng. Người ở xa về, đứng trên bến đò Gầm nhìn lên, thấy dáng cây gạo là như thấy người thân đang chờ mình trên dốc đê làng.
Có cô con gái lấy chồng bên kia sông, khi cây gạo quê mẹ thắp lửa, chiều nào cô cũng cứ đứng bờ sông mà ngóng vọng sang. Có chàng trai đi làm ăn xa mối tình còn vương vấn để cô gái làng chờ đợi, mỗi tháng ba cô đứng dưới gốc gạo hoa nở thắm như màu của mảnh vải đỏ người vợ chung tình trong câu chuyện xưa buộc cổ tay nhắc người đi xa trở lại. Bọn trẻ con chúng tôi mỗi năm đềuháo hức chờ đến mùa hoa gạo. Khi nắng hưng hửng mấy đứa rủ nhau lên chùa, ra gốc gạo nhặt hoa xâu thành vòng đội đầu. Chúng tôi ngồi quây quần dưới gốc cây nghe các liền anh liền chị trong làng tập hát đối đáp bài Quan họ cổ cho ngày hội làng sắp mở, có đứa còn lẩm nhẩm hát theo:

Trèo lên cây gạo cao cao
Khăn thâm vắt dưới, khăn đào vắt trên
Tay cầm nắm trấu tung lên
Trấu rơi xuống đất bạn hiền nao nao…
Trèo lên cây gạo chon von
Trông xuống dưới đất thấy con người bò
Con người ấp trấu ấp gio
Em đi múc nước tắm cho con người…

Lớn lên, có những đứa trẻ ngày ấy đi xa, nhưng trong nỗi nhớ da diết về làng luôn có bóng hình cây gạo, vạt áo tứ thân mớ ba mớ bảy của mẹ của chị cùng những câu dân ca tình tứ đã khắc sâu vào tâm khảm.

Một sớm từ thành phố về làng thăm cây gạo sân chùa, tôi đứng lặng nhìn chú tiểu đang ngồi khoanh chân giữa một vòng tròn được xếp bằng những bông hoa gạo mới rụng cánh còn tươi. Hai tay chú tiểu chắp hình búp sen để trước ngực, mắt nhắm hờ hàng mi dài cong vút, trên cổ chú tiểu cũng choàng một vòng hoa gạo được xâu lại cẩn thận. Vẻ đẹp thánh thiện hồn nhiên giữa một buổi sáng trong trẻo của mùa xuân làm hồn tôi ngơ ngẩn, bao nhiêu ưu phiền của cuộc sống bộn bề ngoài kia bỗng tan biến hết. Tôi cúi xuống khẽ khàng nhặt một bông gạo còn lóng lánh hạt sương mai, cố gắng nhẹ nhàng nhất để không làm chú tiểu giật mình…