Tác giả Thứ Trịnh

T ôi là cô gái thuộc về những cánh rừng, đó là tuổi thơ, là nơi giữ vía cho tôi từ khi cất tiếng khóc đầu tiên. Người Tày quê tôi có tục lệ những đứa trẻ khi sinh ra sẽ cắt cuống rốn cho vào ống nứa, mang treo lên ngọn những cây to bên bờ suối với mong muốn được rừng che chở và lớn lên khí phách sẽ hiên ngang như cây trước gió, tấm lòng sẽ trong mát như suối bản. Tôi và bao nhiêu đứa trẻ ở làng đều gửi vía mình vào rừng, gắn bó với rừng và lớn lên trong sự bao dung của cánh rừng.

Hồi nhỏ, tôi hay ngồi trước hiên nhà sàn và mơ, một ngày nào đó có thể ngồi trên đỉnh núi trước nhà và dùng cây sào là có thể chạm tới mây. Khi lớn lên, tôi leo đến nơi cao nhất, hóa ra không cần đến sào mà tôi vẫn có thể chạm tới mây, ngồi giữa mây và thong dong chơi đùa cùng mây.

Mùa hè đến, những vạt sương luồn qua từng tán lá bồng bềnh nhẹ trôi như có bàn tay vị thần đang vẽ khu vườn cổ tích với ríu rít tiếng chim, róc rách tiếng suối, tiếng gió xôn xao vấn vít vào cỏ, vào cây, vào những cánh hoa mùa hạ nở rộ sắc màu.

Ở đỉnh núi thường cây sẽ mọc khẳng khiu và thưa hơn ở chân núi, nhưng những loài cây ăn quả mà mọc trên đỉnh núi bao giờ cũng thơm và ngọt hơn, có lẽ là vì trên đỉnh núi được đón nhiều nắng hơn. Tuổi thơ của chúng tôi là buổi sáng đến trường, buổi chiều làm bạn với cây cỏ, núi rừng. Ngày xưa chẳng có đồng hồ đeo tay hay điện thoại di động để xem giờ nhưng chúng tôi chưa bao giờ lỡ hẹn nhau, đồng hồ của chúng tôi dựa vào thời gian di chuyển của nắng.

Vì làng tôi là một thung lũng được bao bọc bởi trùng điệp núi đá vôi, buổi sáng nắng sẽ chỉ hửng ở dưới chân núi, đến chiều khi mặt trời chuyển dần về phía Tây thì trên đỉnh núi sẽ ngập tràn nắng, nhìn những cánh rừng ngửa bụng lá no căng lấp lánh vàng đó là lúc chúng tôi í ới nhau đi vào rừng. Rừng là bạn, là khu vui chơi không mất vé, là nguồn sống vô tận của chúng tôi. Ở rừng mùa nào thức nấy, đặc biệt nguồn thực phẩm từ rừng vô cùng sạch và giàu dinh dưỡng. Có lẽ đó cũng là một trong những lí do gái Tày quê tôi rất xinh và trắng trẻo, người già quê tôi có câu ví “Mận Hồng Thái, gái Thượng Lâm”. Đó là vẻ đẹp của những bông hoa mùa xuân phới phới, tinh khôi.

Tôi thích ngồi trên đỉnh núi mỗi khi đi rừng. Trên đỉnh núi là một thảo nguyên xanh mướt cỏ, thi thoảng điểm vào những khóm hoa màu xanh dương, màu tím nhạt, màu vàng lớt phớt. Ngày nhỏ chúng tôi đi tìm trâu, lấy củi, xúc cá, tìm măng thường dừng chân ở đây để buộc lại vợt, đóng cán thuổng, bôi thuốc vắt. Ở rừng không khí trong lành nhưng cũng rất nhiều muỗi và vắt, muỗi và vắt mà ngửi thấy hơi người là nó không trừ một ai. Thuốc bôi vắt của người Tày quê tôi cũng rất đặc biệt, đó là bài thuốc dân gian từ lâu đời mà các cụ truyền lại. Nướng quả “phác cóng” lên rồi cho một ít muối, thuốc lào, vôi trộn đều và giã nát hỗn hợp. Lấy hỗn hợp cho vào một mảnh vải rồi buộc lại thế là có thuốc để đi rừng. Quả “phác cóng” là cây cùng họ bồ kết nướng lên để giã lấy bọt gội đầu và rửa bát rất sạch nhưng người Tày chúng tôi không biết tên phổ thông. Vì bôi thuốc vắt để đi rừng nhiều nên bàn chân của chúng tôi lúc nào cũng khô ráp, đen nhẻm vì những vết nứt bám đầy nhựa cây rừng.

Nhiều muỗi, nhiều vắt là thế nhưng chúng tôi chỉ thích vào rừng. Thích nhất là mùa măng Vầu đắng và mùa măng Nứa. Mùa măng Vầu là mùa xuân, sau mưa xuân những mầm măng còn chưa nhú khỏi mặt đất chúng tôi đã vác cuốc, vác thuổng, gói cơm nguội, mang bật lửa vào rừng. Rừng măng đang rậm rạp được chúng tôi xới tơi lên như ruộng bậc thang, có khi đi cả buổi chỉ được vài củ nhưng sẽ giành củ to về nhà còn củ bé mỗi người góp nhau mấy củ để lên đỉnh núi ngồi nướng măng ăn với cơm nguội xong mới về.

Còn mùa măng Nứa thường bắt đầu vào mùa hè, đó là lúc chúng tôi không phải đến lớp, thoả sức mà khám phá. Măng nứa thường mọc thành từng khóm ở các vùng đất thấp, bên cạnh các con suối. Măng nứa non và nhiều lá, chúng tôi thường đi bóc măng để mang ra chợ bán cho người miền xuôi. Tôi còn nhớ mãi năm tôi lên lớp 3, mẹ tôi vào rừng bóc măng bán để chuẩn bị tiền cho hai chị em tôi đi học. Hôm đó trời tối mịt mà mẹ chưa trở về nhà, hai chị em tôi ngồi ngoài sàn phơi thóc sợ không dám vào nhà. Bác tôi chăn trâu đi qua thấy hai chị em khóc khản cả giọng bác mới lên nhà nhóm bếp cho hai chị em. Trăng nhô khỏi núi, ngọn đuốc sáng từ cuối làng đang đi dần về hướng nhà tôi, lúc đó hai chị em mới thôi không khóc vì biết mẹ đã về. Đó là mùa măng đã găm sâu vào kí ức của tôi, là năm học đầu tiên tôi có cặp sách mới hình nhân vật hoàn châu cách cách thay cho chiếc túi vải chàm.

Cứ độ rộ măng nứa cũng là mùa quả chín, lúc nào đi bóc măng về trong túi vải chàm của mẹ cũng thơm nức quả bứa, quả dâu gia, cũng có khi là nấm tai mèo và trám rụng cuối mùa. Vị ngọt của rừng ngấm vào từng tế bào, từng mảng kí ức tươi đẹp của trẻ con miền núi để khi xa quê luôn đau đáu nhớ vị của rừng, nhớ khói nhà sàn bên bếp chiều của mẹ.

Tôi đã trưởng thành còn vía tôi thì nhỏ dại, hàng ngày rừng vẫn hát ru vía tôi, dẫn lối tôi trở về quê núi. Chiều nay khói bếp toả hương, nồi măng nhồi thịt trên bếp lửa xình xịch thơm nồng vị quê, tôi ngồi bên mẹ ôn lại ngày thơ và rúc vào mẹ như một đứa trẻ khát sữa.