Ai như đang trăng?

Trăng như đang lên, trăng như đang tỏa, trăng như đang mã hóa lòng người. Trăng cười, trăng khóc, trăng chiêm bao, trăng gầy, trăng béo, trăng non, trăng già, trăng đang thu mùa vào tầm mắt. Ai như đang trăng?

Trăng như đang lên, trăng như đang tỏa, trăng như đang mã hóa lòng người. Trăng cười, trăng khóc, trăng chiêm bao, trăng gầy, trăng béo, trăng non, trăng già, trăng đang thu mùa vào tầm mắt. Ai như đang trăng?

Chẳng còn bé thơ mà vòi vĩnh kéo quân. Chẳng còn non tơ mà thùng thình sân đình. Chẳng còn nữa cho mình năm cánh sao lung linh tỏa hội. Vậy nhưng, vào mỗi đêm bầu trời tỏ vội, viên mãn dung dăng, tôi thấy mùa rằm bật sáng, thấy ánh đèn của mẹ lấp loáng. Thấy mình ngoảnh mặt mà trăng.

Những mùa trăng ấy xa rồi, xa như tiếng trống ếch rộn ràng trung thu, xa như vang vác ăn sương cò vạc lả vào giấc ngủ, xa như quả đu đủ chín trộm vườn bà. Những mùa trăng ấy xanh ngời, xanh như trái bưởi trẩy vội sau nhà, xanh như lem nhem bọn trẻ con thò thòa lỗ mũi, xanh như bầy trâu hiền lành dúi dụi, xanh đồng lên cỏ chiêm bao.

Quê xưa nghèo, quê xưa đìu hiu, bởi vậy chiếc đèn ông sao mẹ làm làm cho vào mỗi dịp trung thu là một món quà vô giá. Nó như một kỷ vật vô hình vẫn lung linh hằng đêm trong tâm tưởng, soi rọi biết bao mùa thức thổn nhà quê. Tôi nghĩ chiếc đèn mẹ làm cho phải lớn bằng 5 chiếc đèn ngoài hiệu bán, các cánh sao được ghim lại bởi những nan tre mềm mại, sau đó được dán giấy xanh đỏ và phết hồ. Mỗi đêm trung thu tôi xách chiếc đèn của mình ra đường và kiêu hãnh trước đám bạn quanh nhà. Chẳng có ai cả, chỉ có tôi mới nổi một gia tài kếch xù như vậy. Lúc đó hồn tôi bạt gió bay theo xa lơ xa lắc kẻ Cuội, thân Hằng.

Thôi thì nay là ngày trăng đầy, Ừ thêm mai thì ngày trăng vây. Trăng đầy mấy chốn, trăng vây mấy vùng? Ở đâu trăng tròn, thời nào trăng náu? Tôi học đâu dăm ba điều láu táu, của một Cuội già. Mê mải mà trăng.

Đi giữa cuộc đời lớn khôn, bẻ đôi vài câu ca dao tục ngữ, trăng như một niềm yêu nhắc nhở con người ta ánh sáng luôn là bất tử. Thú thật, mỗi khi thu về, ấu thơ đợi chờ trên những con đường xanh đỏ tím vàng, lung linh mùa màng trảy hội, những đầu ông sư tồi tội, những mặt nạ thằng hề lấm lem chật chội, tôi lại ước mơ thênh thếch bé nhỏ ngày xưa. Muộn màng mà trăng?
Ở đâu nhỉ mà nay đã già, thương đâu nhỉ mà chiều đã tà? Cứ nhớ mỗi lần mẹ cặm cụi ngồi làm cho tôi chiếc đèn ông sao mà tôi cảm giác mùa thu đang tròng trành đẩy con thuyền ký ức vùn vụt thời gian. Mùa thu thì ngắn, ký ức thì dài. Con đường tôi vắng, một bài đồng dao. Cặm cụi mà trăng…
Có lẽ ở đời thương yêu nhất là những lần ngoảnh mặt. Trách móc nhất là những lần ngoảnh mặt. Lơ đãng nhất cũng là những lần ngoảnh mặt. Hận thù nhất cũng là những lần ngoảnh mặt. Quay lưng ồi ội vầng trăng?

Khi tôi than thở những dòng này, khi tôi trăn trở những ngày này, khi ai hăm hở những mùa này, nghĩa là yêu thương còn đang ở lại. Bụi bặm mà trăng?

Thôi thì khuya một vầng đã tà, thương thì thôi một ngày đã ngà, trung thu ấp ủ một vầng bé thơ. Trăng đang chờ, trăng đang náu, trăng vươn vai những hình hài. Nhỏ dại. Mùa thu êm ru phía ánh trăng chiều. Một ngày, trăng hồn nhiên như đứa em tôi, lưỡi liềm cong vút. Một tuần trăng mảnh mai như đứa em tôi thời gian vùn vụt. Một đời trăng cưu mang ánh sáng, thanh sạch thế gian.

Bé thơ nay khác rồi. Cưng nựng nay khác rồi. Mẹ ơi! Con ngồi con đợi, con vót tre nan, con lập làn trưa vắng. Để mà nhớ đắng, để mà quên bùi, để mà sập sùi tuổi nhỏ, thương yêu bỏ ngỏ, mùa màng gửi gắm một miền quê xưa.

Một miền quê xưa gốc đa Cuội ngồi, bóng trâu ăn lúa, ời ời gọi cha. Một miền yêu xưa gió ngủ thềm nhà, ước là bòng bưởi, la đà mùa trăng, ước là trẻ nhỏ, khóc òa vành trăng. Một đêm trăng sáng, bao đêm sáng trăng? Ơ kìa là Cuội, thồi thội mà trăng. Ơ kìa là Cuội, ngoảnh mặt mà Trăng?