Một tản văn của Nguyễn Hà

Lâu lâu không về thăm quê, chiều nay tôi ru mình trong dòng kí ức miên man về Bến Nghè yêu thương. Bất chợt trong tôi dậy lên bao nỗi khát thèm! Thèm được đi trên cây cầu phao bập bềnh vắt ngang dòng sông Lại, được nhúng chân xuống làn nước trong xanh để cảm giác mát lịm thấm tận vào từng thớ thịt, thèm được nhìn ngắm những bờ tre lúc mướt xanh, lúc ngả vàng bình yên soi bóng bên sông.

Ngày bé bằng cái kẹo, bắt đầu biết mặt chữ, mỗi lần đi học về, tôi đều dừng lại, chăm chú đánh vần những chữ cái in hoa trên tấm cái cổng chào bằng sắt, sừng sững uy nghi: Nông trường quốc doanh Bến Nghè. Lớn hơn một chút, trên cái nhãn vở tự cắt bằng giấy trắng, tôi nghiêng mình nắn nót dòng chữ đầu tiên: trường tiểu học Bến Nghè.

Khi chúng tôi biết nhớ, hai tiếng Bến Nghè đã trở nên thân thuộc lắm. Sau bao vật đổi sao dời, xã quê tôi bây giờ được gọi bằng một cái tên khác: Tân Thắng- cái tên đẹp gói trọn bao ước mơ về sự đổi thay, sức vươn mình mạnh mẽ của vùng đất mới. Thế nhưng, mỗi lần được hỏi về quê hương nguồn cội, tôi vẫn trả lời với tất cả niềm yêu mến, tự hào: tôi là người Bến Nghè.

Cách đây hơn 60 năm, một phân hiệu của nông trường Trịnh Môn được thành lập trên vùng đất phía tây huyện Quỳnh Lưu, sau được tách thành một nông trường độc lập, lấy tên gọi Bến Nghè. Tôi hồn nhiên đón nhận tên Bến Nghè như rất nhiều cái tên khác gắn với quê hương yêu dấu: Đá Bạc, Ồ Ồ, Đồi Cao, khe Lá Lốt, động Hòn Mang, đập Vực Mấu,… mà không bao giờ tự đặt cho mình câu hỏi: Bến Nghè nghĩa là gì? Vì sao người ta lại gọi là Bến Nghè mà ko phải là một tên gọi khác?

Mãi gần đây, khi tình cờ được đọc cuốn sách về lịch sử Đảng bộ xã Quỳnh Thắng, tôi mới biết rằng trước khi đập Vực Mấu được đắp lên bằng đôi tay cần mẫn và quyết tâm “thay trời đổi đất, sắp xếp lại giang sơn” của người dân Quỳnh Lưu, khi dòng sông Lại vẫn còn là một con khe nước lên xuống theo mùa, đã có một cái bến nước có tên gọi là Nghè. Hóa ra, cái tên Bến Nghè gói trong lớp vỏ ngữ âm quen thuộc một đoạn đời còn ít nhiều bí ẩn của dòng sông cũng như của cả mảnh đất này. Không chỉ là một địa danh, hai tiếng Bến Nghè mà còn là niềm thương nỗi nhớ, gợi nhắc những năm tháng không thể nào quên của người dân quê tôi, lắng kết trong đó bao mồ hôi, nước mắt, và trĩu nặng ân tình.
Thật khó để hình dung dưới làn nước xanh thăm thẳm của dòng Lại hôm nay, ở một quãng nào đó bên bờ đất nông trường lại từng là nơi in dấu chân của những người đầu tiên lên khai phá mảnh đất này. Những con đò từ dưới xuôi, Quỳnh Phương, Quỳnh Bảng, thậm chí cả Diễn Châu, Nghi Lộc đã ngược dòng Mai giang lên tận thượng nguồn, nơi có người Thái sinh sống rải rác trong những bản làng náu mình bên chân núi và những người công nhân nông trường hăm hở khai phá rừng hoang. Nơi bến nước hoang sơ ấy, đã có người mẹ gánh cả một cái cửa hàng tạp hóa thu nhỏ trên vai, từ con thuyền chòng chành bước xuống, từng ngón chân bấm sâu vào nền đất trơn láng những bùn. Một tay giữ chặt đòn gánh, tay kia níu lấy cành lá bên bờ, loạng choạng bước lên.

Những đôi chân trần vốn quen với cát sỏi mặn mòi xứ biển đã ngược xuôi khắp những nẻo đường quê tôi ngày ấy, mang theo từ cây kim, sợi chỉ, miếng cá khô, hạt muối mặn để sự sống con người được lặng thầm tiếp nối ở vùng đất vẫn được gọi là chốn rừng thiêng nước độc. Gỗ, khoai sắn, dứa, mía, lợn, gà, chè xanh… được chăm bẵm, chắt chiu từ bàn tay tần tảo của người Bến Nghè cũng lên thuyền tỏa về xuôi. Dần dà, trong câu chuyện bên ấm chè xanh, người miền xuôi lại nhắc nhau về chè Bến Nghè chát ngọt, về những chai mật màu cánh gián sánh mịn được ép từ mía Bến Nghè, về củ sắn bùi thơm, bở xóe của nông trường, về miếng dứa gai ăn từ trưa mà còn lưu lại mùi hương dịu ngọt trên bàn tay, khóe miệng đến tận cuối chiều… Bến Nghè, sông Lại đã thầm lặng hiến dâng trọn đời mình cho mảnh đất này như thế.
Có một thời, chính người dân quê tôi đã đọc chệch hai tiếng Bến Nghè thành Bến Nghèo trong nỗi tự trào chua xót. Những ngày mưa, cả nhà quây quần, mẹ tôi vẫn thường kể lại về những tháng ngày đắng cay tủi cực ấy. Công việc nặng nhọc, lương tháng bọt bèo. Có tháng cha mẹ nhận lương bằng dứa, phải tự mình đi bán hay đổi những thứ thiết yếu khác cho cuộc sống gia đình. Trong túp lều lợp tranh, tường đắp bằng rơm trộn bùn, sau một ngày làm việc cật lực, miếng cơm độn hạt bo bo cứ nghẹn bứ trong cổ họng người mẹ đang hoài thai đứa con đầu lòng. Cha phải đi đào khoai mài, sắn dại về luộc ăn. Mẹ cũng tranh thủ đi cất te bắt tép, kiếm thêm chút chất tanh.

Cha mẹ hiểu rằng không có ruộng thì không thể bám trụ được ở mảnh đất này. Về lại quê cũ thì đất chật người đông, biết làm gì mà sống! Thế là, sáng sớm, chiều muộn và những đêm trăng, dọc các lòng khe, người công nhân nông trường Bến Nghè lại tranh thủ cuốc, xới, ban, đắp ruộng, có ô chỉ rộng bằng manh chiếu. Những mảnh ruộng cứ rộng dần rộng dần theo số miệng ăn. Bốn anh em tôi đã lớn lên từ hạt cơm chan đầy mồ hôi từ thửa ruộng giữa lòng khe ấy. Từ trên cao nhìn xuống, Bến Nghè là những ngọn đồi bát úp nối tiếp nhau, xen giữa chúng là những dải ruộng ngoằn nghoèo uốn mình theo các con khe con suối. Chỉ một vệt xanh nho nhỏ mịn màng trên tấm ảnh chụp từ fly cam, nhưng là bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của người đi trước.
Mỗi nhát cuốc là một niềm hi vọng, mỗi dấu xẻng là một quyết tâm gắn bó với nông trường. Dẫu có năm lúa đỏ đuôi, chưa kịp gặt thì mưa ập xuống, nhìn cả dọc ruộng dài rạp đi dưới dòng nước cuồn cuộn chảy mà nước mưa mặn chát nơi đầu lưỡi mẹ; có năm khô hạn, ruộng nứt nẻ, nhìn lớp đất mịn trên mặt ruộng bong ra, cong lên như miếng bánh khô nướng mà có tiếng sôi bùng bùng trong ruột gan cha … thì người Bến Nghè vẫn bền gan bám trụ, ra sức dựng xây. Bàn tay con người đã khiến sỏi đá Bến Nghè nở hoa thành bát cơm trắng thơm lành, thành manh áo mới tưng bừng rộn rã ngày tới lớp, thành tiếng gà cục tác xao động cả nắng trưa, thành bước chân trâu đan dày trước ngõ mỗi buổi chiều về…

Đa phần người dân Bến Nghè là dân góp, đến từ nhiều miền quê khác nhau trong huyện, trong tỉnh, có người là cán bộ tăng cường từ tỉnh khác về. Trong khi thế hệ đầu tiên vẫn giữ chất giọng gốc của quê hương, giọng Diễn Châu, Thanh Chương, Nghi Lộc, Nam Đàn, giọng Quỳnh Thạch, Quỳnh Phương,… thì thế hệ thứ hai, thứ ba lại nói chung một giọng. Một thứ giọng riêng, không phải những thanh âm mượt mà, bổng trầm, êm ái mà là tiếng nói vang vang như tiếng nước dội vào vách đá Tràn Một, rổn rảng tươi vui. Tôi cũng nghe thấy cả cái phóng khoáng, hào sảng của người Bến Nghè trong giọng nói ấy.
Làm giáo viên, nhiều lần tôi nhận ra học trò là đồng hương nhờ giọng nói- giọng Bến Nghè. Bạn bè tôi, thế hệ 8X, nhiều người mưu sinh đất khách, mỗi lần gặp gỡ nhau vẫn vẹn nguyên giọng quê, không hề pha tiếng. Có đứa bảo, khi nói chuyện với người nơi khác, mình chỉ có thể thay mấy tiếng địa phương bằng tiếng phổ thông, còn thì chịu, không thể cải giọng được. Phải chăng những tháng ngày gian nan vật lộn với như đồi núi hiểm trở, với nắng gió trung du, thấm thía ân tình của người nông trường buổi đầu xa quê lên với rừng xanh núi đỏ đã lắng vào thế hệ con cháu, tạo nên một giọng nói riêng như thế?

Lâu lâu không về thăm quê, chiều nay tôi ru mình trong dòng kí ức miên man về Bến Nghè yêu thương. Bất chợt trong tôi dậy lên bao nỗi khát thèm! Thèm được đi trên cây cầu phao bập bềnh vắt ngang dòng sông Lại, được nhúng chân xuống làn nước trong xanh để cảm giác mát lịm thấm tận vào từng thớ thịt, thèm được nhìn ngắm những bờ tre lúc mướt xanh, lúc ngả vàng bình yên soi bóng bên sông.
Thèm được vi vu đạp xe trên con đường quê thân thuộc; chỗ này có một gốc phượng già, mỗi độ hè về lại miệt mài thắp lửa; đoạn kia có cây gạo lặng lẽ thả xuống đường những bông hoa màu đỏ cam như nhẹ nhàng nhắc nhở mọi người về bước chân của thời gian, tháng ba rồi đấy! Hàng săng lẻ quãng ấy đã cao hơn, thân cây trắng muốt, kiêu hãnh vươn mình trong nắng. Có về Bến Nghè những ngày gió Lào bẳn gắt mới thêm quý thêm yêu vòm hoa trắng ngà dịu nhẹ của hàng săng lẻ trên con đường quê thân thuộc… Chao ôi là thèm quê!
Hai tiếng Bến Nghè cũng gọi dậy trong tôi cả một miền thương nhớ! Thương đôi vai mẹ gầy trĩu hai sọt dứa bước đi từ lúc tinh sương trong tiếng gà gáy sáng. Thương dáng bà liêu xiêu dò dẫm từng bước trên chiếc cầu phao, thương đứa bạn còi còng lưng đạp xe trên con đường cuộn đầy bụi đỏ giữa cái nắng chói chang, thương bàn tay anh chi chít vết cứa của cây lách bò, lách ngựa mỗi dịp lo cỏ tết cho trâu bò, thương con đường về bản quanh co qua hết tràn này sang khe khác, thương bao người dân Bến Nghè dẫu lăn lộn mưu sinh nơi đất khách nhưng trong lòng vẫn khắc khoải hình bóng quê hương…

Tôi chợt nhận ra, trong dòng chảy thời gian, mỗi vùng đất lại có một tên gọi mới. Nhưng sẽ thật buồn nếu cái tên cũ hoàn toàn bị xóa khỏi kí ức con người. Bao chàng trai cô gái nông trường Bến Nghè ngày ấy đã sống những tháng ngày thanh xuân đẹp nhất đời mình, đã đổ giọt mồ hôi, sôi dòng nước mắt để sỏi đá rừng hoang thành bờ xôi ruộng mật, để cây trái tốt tươi và cuộc sống sinh sôi nảy nở trên mảnh đất này. Bao nỗi buồn vui, bao niềm hi vọng, bao nghĩa tình đằm thắm đã lắng lại trong núi, trong sông, trong từng tên làng tên bản quê hương.