Q uê tôi đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa nên nơi đây có thể gọi là xứ sở của loài hoa gạo. Những cây gạo sần sùi, thân cao vút, thẳng tắp như vươn mãi lên trời xanh. Ngắm nhìn hoa gạo rừng rực cháy như bó đuốc khổng lồ vào những ngày tháng Ba, tôi lại nhớ đến cây gạo già nua, đứng sừng sững giữa làng.

Bóng cây sum suê ấy đã lưu lại cả tuổi thơ êm đềm của lũ trẻ chúng tôi ngày ấu thơ. Để rồi mỗi lần trở về, nhìn sắc hoa cháy đỏ, lòng chợt thấy bồi hồi xao xuyến, kỷ niệm xưa lại ùa về tươi rói như mới vừa hôm qua.
Cây gạo ấy mọc giữa một bãi cỏ bằng phẳng cạnh bến nước giữa làng. Không ai biết nó đứng đó từ bao giờ. Tôi chỉ nghe mẹ kể rằng: “Mấy chục năm trước, khi bà về vùng đất này công tác đã thấy cây gạo sừng sững đứng đó.” Gốc gạo to xù xì. Rễ vồng lên, chẻ ra thành năm nhánh lớn cắm xuống đất trông như một bàn tay khổng lồ ôm lấy mảnh đất quê hương. Lớp gai nhọn theo năm tháng đã mòn vẹt chỉ còn lại những chiếc u bằng vốc tay nổi lên trên mảng da sần sùi mốc meo. Từng đám rêu xanh mướt bám đầy gốc gạo già. Gốc gạo to đến nỗi năm, sáu đứa trẻ con chúng tôi nắm tay nhau mới có thể ôm kín gốc. Bến nước nơi cây gạo đứng là thiên đường tuổi thơ của đám trẻ chúng tôi.

Đầu xuân, từ cành cây khẳng khiu trụi lá bắt đầu nhú lên vài ba chiếc nụ đầu tiên. Nụ hoa như những chiếc đèn bé nhỏ ngày càng mọc dày chi chít. Trong mưa ẩm mùa xuân, nụ hoa cứ lớn dần lên. Rồi một ngày nắng vàng mênh mang những bông hoa gạo đồng loạt bung nở đỏ rực. Lúc này, cây gạo trông tựa như một bó đuốc khổng lồ rừng rực cháy giữa trời xanh.

Vào mùa hoa gạo nở, bãi cỏ dưới gốc cây như nhộn nhịp hẳn lên. Đám con gái nhặt hoa gạo chơi đồ hàng. Những sạp hàng bé tí xíu được ghép bằng thân cây sậy đầy ăm ắp, đỏ ối toàn hoa gạo. Bàn tay con gái thoăn thoắt trao đi những tờ tiền bằng lá cây màu xanh hái vội ven rừng và nhận lại những bông hoa gạo mập mạp. Trò chơi chỉ đơn giản thế thôi mà khuôn mặt đứa nào cũng tươi roi rói. Đám con trai thi nhau hứng những bông gạo đang rơi và tách cánh hoa đỏ sẫm đưa vào miệng nhấm nháp. Những cánh hoa gạo nhơn nhớt có vị chua chua xen chút ngòn ngọt mà sao lúc đó chúng tôi vẫn thấy ngon lành đến thế. Chơi chán, đám trẻ con lại nằm xoài xuống bãi cỏ xanh bên gốc cây, gối đầu lên cỏ biếc mà ngắm nhìn những cánh hoa đang rơi xoay tròn trong gió, ngắm nhìn đàn chim vừa nhảy nhót vừa nô đùa ríu rít trên cành.

Mùa xuân chín dần. Mặt trời bắt đầu rải những tia nắng vàng rực rỡ. Trên cây, hoa gạo thưa dần. Những chiếc lá ngày càng ken kín vào nhau xanh mơ màng. Lẫn trong vòm lá xanh chỉ còn thấp thoáng vài bông gạo đỏ như những chiếc đèn xinh xắn, đang cố sức thắp lên những ngọn lửa hồng cuối cùng giữa mênh mang màu xanh của lá. Rồi một ngày giữa màu xanh mát mắt ấy, nở bung ra từng chùm quả gạo. Những sợi bông gạo trắng muốt, nhẹ tênh chui ra khỏi chiếc vỏ cứng xù xì, cứ thế nương theo gió mà bay tít vào vòm trời thăm thẳm. Vậy là kết thúc một mùa hoa đỏ tưng bừng.

Tôi nhớ ngày còn nhỏ, mẹ tôi vẫn cần mẫn gom nhặt những quả gạo rồi tỉ mẩn nhặt sạch hạt gạo màu đen như hạt tiêu lẫn bên trong nhúm bông trắng để làm ruột gối cho anh em tôi. Tôi không biết do chiếc gối làm bằng bông gạo êm ái hay do tình yêu thương của mẹ mà giấc ngủ của anh em tôi luôn êm đềm dịu ngọt. Mấy chục năm đã trôi qua, mẹ tôi không còn nữa nhưng tôi vẫn giữ lại chiếc gối bằng bông gạo mẹ làm. Tôi mang theo nó về miền đất mới, nơi tôi công tác và lập nghiệp, đó là kỷ vật cuối cùng của người mẹ dịu hiền. Mỗi mùa hoa gạo về, nhìn những bông hoa cháy đỏ ven đường tôi lại nhớ đến những tháng năm êm đềm bên mẹ, bên gốc gạo già của xóm núi quê mình.

Gốc gạo già còn là nơi chứng kiến niềm vui giản dị, nhỏ bé của người dân xóm núi. Vào những ngày hè nóng nực, mỗi lần đi làm về, người dân quê tôi lại dừng chân nơi bến nước bên gốc gạo rửa mặt, rửa chân cho vơi bớt đi phần nào cái nóng hầm hập giữa trưa hè. Có người còn tranh thủ tựa lưng vào gốc gạo nghỉ ngơi một chút sau những giờ lao động vất vả. Những đêm trăng sáng, người trong xóm thường tụ tập dưới gốc cây ngắm trăng và nghe các anh chị thanh niên vừa đệm đàn ghi ta bập bùng vừa hát những bài ca vui nhộn. Còn đám trẻ con chúng tôi chiều nào cũng tụ tập đưới gốc gạo chơi đủ thứ trò chơi con trẻ, nhưng thích thú nhất có lẽ là trò chơi đánh cù quay và trốn tìm. Những chiếc cù bằng gỗ ổi xoay tít, hòa cùng tiếng gọi, tiếng cười đùa giòn tan của đám trẻ con rộn vang một vùng. Dường như không khí sôi động dưới gốc cây cũng làm rung rinh vòm lá của cây gạo già tít phía trên cao. Hôm nào vắng bóng chúng tôi, cây gạo già lại ngó nghiêng như chờ đợi, như ngóng trông.

Năm tháng trôi qua, chúng tôi lớn dần lên rồi rời xa quê nhà, rời xa gốc gạo với những mùa hoa rực cháy. Mỗi lần trở về, điều tôi kiếm tìm đầu tiên đó chính là cái bóng sừng sững của cây gạo nơi xóm nhỏ. Nó giống như hình bóng của người mẹ già, bao năm rồi vẫn lặng lẽ đứng đó, xanh mãi cùng tháng năm, chờ đón chúng tôi trở về. Rồi một ngày khoảng xanh sừng sững ấy không còn nữa. Người ta đốn hạ cây gạo già để làm con đường nhựa thẳng tắp, lắp đèn điện sáng trưng thay cho con đường nhỏ ngoằn ngoèo, um tùm cây lá mà tôi và các bạn mình vẫn đi suốt một thời tuổi thơ. Dù biết rằng đó là điều tất yếu nhưng lòng vẫn vương chút buồn man mác, bởi cây gạo là cả một miền ký ức thân thương bên bạn bè, bên cha mẹ khó có thể xóa nhòa trong tâm thức của tôi.

Thỉnh thoảng tôi vẫn trở về, vẫn đi trên con đường có hàng cây gạo đỏ năm nào. Mỗi lần qua gốc gạo già ngày xưa, tôi lại có cảm giác như vừa đánh mất một thứ gì đó thân thương lắm. Những cánh hoa bình thường, vẫn đỏ rực nơi bầu trời ký ức…