A i lên thăm Tây Bắc được nghe tiếng khèn H’Mông thì đều để lòng vấn vương thương nhớ. Bởi âm thanh cây khèn truyền bảo của người H’Mông có thể làm đắm say đến cả những du khách khó tính nhất.
Trong đời sống tinh thần của người H’Mông, tiếng khèn là sợi dây tâm linh nối giữa người sống và người đã khuất, là “cây cầu” thay cho lời tâm tình đôi lứa, là các câu chuyện cổ xưa được kể lại bằng âm thanh.
Đến buổi chợ phiên cây khèn trên vai song hành cùng người H’Mông xuống chợ. Để rồi khi hương rượu ngô thơm nồng mùi men lá thấm mềm môi, khèn cùng người bắt đầu tấu lên những giai điệu hoang sơ, chơi vơi của rừng núi.
Khèn H’Mông được chế tác gồm thân khèn bằng gỗ và 6 ống trúc lớn nhỏ, dài ngắn khác nhau. 6 ống trúc đó tượng trưng cho tình anh em tụ hợp. Chúng được xếp khéo song song trên thân khèn. Nhìn kỹ và chịu khó tưởng tượng thêm một chút sẽ thấy chúng như dòng nước đang trôi. Dòng nước ấy chở thứ âm thanh huyền diệu trôi chảy mãi từ mạch nguồn lịch sử cho đến tận bến bờ hiện tại.
Được sinh ra và lớn lên giữa chốn núi rừng nên cây khèn của người Mông đối với tôi không lạ. Ấy vậy mà mỗi khi nghe những âm thanh dìu dặt của khèn tôi đều mụ mị, thả mặc tâm hồn mình lang thang dạt trôi theo nó. Mười lần như một, đeo đẳng trong tôi cảm giác tiếng khèn như sợi tơ lóng lánh dưới ánh mặt trời.
Tôi đã từng được ngồi nghe cụ già người H’Mông kể lại: Ngày xưa tổ tiên người H’Mông thổi khèn giỏi lắm. Rất nhiều người vừa biết thổi khèn vừa múa trên những chiếc cọc dựng sát gần nhau. Có khi ở phía dưới còn đốt những đống lửa, ai không khéo không giỏi rơi xuống sẽ bị bỏng. Những người múa khèn giỏi nhất luôn là mơ ước cho các cô gái lựa chọn. Những nghệ nhân dân gian thời đó không khác gì các võ sư đã đạt đến tuyệt đỉnh chiêu thức.
Cũng đã có lần tôi thử thổi khèn nhưng chỉ bật được ra những âm thanh yếu ớt. Thế mới biết để thổi được khèn thì phải có một làn hơi thật khoẻ. Vậy mà đàn ông người H’Mông đều có thể thổi khèn một cách nhẹ nhàng thanh thoát. Phải chăng nhờ bởi khí núi đã hun đúc, tạo nên hai lá phổi khoẻ khoắn dành tặng cho người Mông?
Xưa kia, dân tộc H’Mông vốn sống du canh du cư. Lịch sử trên nẻo đường thiên lý di dân của họ đã lưu lại không ít máu và nước mắt. Cây khèn chính là người bạn làm vui bên kiếp đời phiêu bạt. Và từng có thời kỳ, số phận người H’Mông trầm luân giữa bến bờ mê lú của loài hoa anh túc. Vậy mà tiếng khèn vẫn không tắt. Nó âm ỉ trường tồn để trở thành báu vật truyền lại cho các thế hệ sau.
Khèn đã trở thành một phần văn hoá không thể thiếu của người H’Mông. Đối với họ, tiếng khèn thấm sâu vào máu thịt đời người, thân quen như miếng “mèn mén” mẹ mớm từ lúc mới biết ăn dặm. Con trai 13 tuổi đã thích có cây khèn trên vai mỗi khi lên nương, xuống chợ.
Âm thanh của khèn mạnh mẽ như chính lối sống của người H’Mông vậy. Nếu không kiên cường mạnh mẽ thì người H’Mông xưa kia chắc khó lòng đương đầu nổi với sự khắc nghiệt nơi núi cao, đá dựng. Cuộc sống của người H’Mông, bước chân ra khỏi cửa là chạm núi và mây. Mặt đất chỗ nào cũng nghiêng nghiêng sẵn sàng thử thách. Người và trâu cày nương mà như làm xiếc, chân duỗi chân quỳ men theo sườn dốc, cùng điều khiển cho lưỡi cày len lỏi giữa đá moi lên từng chút ít đất một. Cây ngô lớn lên từ đất đá đã được tưới bởi mồ hôi nên cây nào cũng cứng cáp.
Người H’Mông gắn định mệnh mình với rừng. Đôi chân quấn xà-cạp của họ tung hoành tạo lối mòn đến tận cả những đỉnh núi cao hoang vu nhất. Người H’Mông bảo: “Không có một ngọn núi nào cao bằng đầu gối người H’Mông”. Tự tin và kiêu hãnh đến thế là cùng!
Tôi may mắn có lần bắt gặp những nghệ nhân người H’Mông múa khèn giữa đỉnh núi mênh mang lộng gió. Bàn chân họ bước tưng bừng trên bãi cỏ. Gió thổi tóc họ bạt ngược về phía sau. Hình ảnh đẹp đó được khắc hoạ lên nền trời xanh hệt như một tuyệt tác của thiên nhiên. Núi vút ngàn cao, rừng bao la rộng cũng chẳng thể nào làm chìm khuất đi tiếng khèn đầy khát khao và dào dạt sức sống. Khoảnh khắc đẹp xuất thần ấy trong đời không phải lúc nào cũng may mắn gặp.
Vẻ đẹp của màu sắc được cảm nhận bằng mắt. Vẻ đẹp của âm thanh được cảm nhận bằng tai. U u tiếng gió. Rào rào tiếng mưa. Trầm hùng tiếng thác đổ. Lời của khèn ngân rung cõi lòng, dẫn dắt người nghe ngược thời gian trở về với thuở hồng hoang kỳ vĩ. Dòng chảy văn hoá của người H’Mông vẫn ngàn năm mãnh liệt. Dù được cất lên lãng đãng trong bình minh sớm, hay thảnh thơi phiêu du dưới ánh chiều tà thì tiếng khèn đều làm con tim người nghe rung cảm.
Trong phút chốc họ bỗng muốn hoá thành thi sĩ. Và họ cứ muốn nghe mãi, để được bâng khuâng mơ màng hư hư thực thực trong cõi âm thanh. Ôi chao, chỉ có vẻ đẹp yên bình, bao la bát ngát của thiên nhiên đất trời mới giúp cho tiếng khèn có được một mãnh lực vang vọng và nồng nàn đến vậy.
“Khắc đi, khắc đến”, câu cửa miệng của người H’Mông giống như một lời mời khám phá. Đó là âm thanh của núi. Nghe tiếng khèn một ngày để nhớ tiếng khèn một đời.