31.2 C
Hanoi
Thứ Tư, Tháng 7 16, 2025

Đời nến

K ý ức con người là một thứ...

Những ánh trăng quê

N hìn ánh trăng chảy tràn trrên...

Chỗ dựa mang tên ba

Ba tôi có một thói quen lạ....
Trang chủ Blog Trang 2

Những thanh âm vô biên

C ó đôi lúc tôi tự hỏi, nếu trên đời này không có thanh âm con người sẽ sống ra sao, những sinh vật khác cũng vậy. Gọi nhau, giao tiếp, chia sẻ với nhau bằng cách nào, biểu cảm thế nào, nếu chỉ đôi mắt, đôi tay thì e không đủ. Tiếng gió thổi, tiếng chim hót, tiếng lá xào xạc, tiếng mẹ nựng con…Và tôi tin cuộc sống là nguồn thanh âm vô biên, vĩ đại.

Trong vũ trụ bao la có biết bao nhiêu thanh âm đan quyện nhau, có thanh âm phát ra từ bên ngoài, có thanh âm vọng lại từ bên trong. Có những thanh âm ấm trầm, bay bổng, có âm thanh say sưa, réo rắt. Những thanh âm thánh thót từ thiên nhiên đất trời, những âm thanh pha màu các sắc thái. Có thanh âm mang ý nghĩa riêng biệt trong mỗi người. Tất cả mọi điều trong cuộc sống đều có thể trở thành thanh âm.

Thanh âm đầu tiên là tiếng khóc của con, tiếng bi bô câu nói chưa tròn nhưng vẫn ấm lòng mẹ. Con nghe lời ru, tiếng hát của mẹ dỗ dành giấc ngủ, dìu con vào giấc mơ xinh. Những điều đó đều là thanh âm yêu thương của Mẹ cha như hồn ca dao phảng phất ru con khôn lớn nên người. Dẫu đã trưởng thành rồi vẫn muốn thêm một lần nghe tiếng cha mắng mẹ la.

     Nhớ lúc tôi còn nhỏ khoảng 6 tuổi, hôm đấy là chiều ba mươi tết, cả gia đình quây quần ăn cơm tất niên. Cô ruột em bố gắp một miếng thịt trâu cho tôi, đứa trẻ háu ăn như tôi nhai chưa kỹ đã vội nuốt. Bị mắc nghẹn ở cổ, tôi bắt đầu cảm thấy khó thở. Miệng ú ớ không nói được nữa. Tôi thấy mắt mình mờ đi, muốn gọi bố mà không gọi được. Tai tôi bắt đầu lùng bùng, không còn nghe rõ âm thanh xung quanh, tôi rất sợ. Tôi mang máng thấy cô lay người gọi tôi trong hoảng loạn. Minh ơi… Minh ơi..! Dậy đi cháu, đừng như thế cháu ơi…

Thân tôi mềm nhũn, mất hết ý thức. Tôi không biết thêm điều gì nữa. Sau này nghe bố kể lại. Ông và bố vừa gọi tôi dậy, vừa gắng tìm cách lấy miếng thịt trâu ở trong cổ ra cho tôi cơ hội được sống. Mỗi lần mệt mỏi hay buồn phiền trong cuộc sống, nhớ lại tiếng gọi của bố, thứ âm thanh yêu thương ấy luôn khiến tôi có thêm nghị lực để vượt qua, giống như điểm tựa trong tâm hồn vậy.Thanh âm còn là sự sẻ chia yêu thương, sự đồng cảm khi ta nghe thấy tiếng khóc của con trẻ, tiếng cầu cứu, tiếc nấc cùng với giọt nước mắt của ai đấy thương tiếc người thân.

     Có lần tôi tặng bà cụ ăn xin suất cơm trưa của mình mà mẹ đã nấu chuẩn bị trước cho ba anh em tôi từ lúc sáng sớm. Lúc đó tôi 11 tuổi. Đến tối mẹ đi làm về, hai đứa em kể lại. Mẹ không nói gì, chỉ nhìn tôi, vừa ôm tôi vừa khóc. Hai đứa em tôi thấy mẹ khóc cũng khóc theo. Nhìn bà cụ rất gầy nhỏ, đi chân đất, quần áo lấm lem rách nát, run rẩy trong gió mùa đông cất tiếng thều thào xin ăn, tôi chỉ biết đưa suất ăn của mình cho cụ mà không nghĩ gì khác, tôi cảm thấy lòng nhẹ nhàng hơn.

     Cuộc sống thật diệu kỳ, có những thanh âm đánh thức giác quan tâm hồn khởi lên từ trong tâm tưởng khiến ta có thể nhớ lại hồi ức một cách tuyệt vời nhất. Những thanh âm quen thuộc gần gũi nằm sâu trong ký ức để ta muốn được nương náu, muốn sưởi ấm tâm hồn. Có những thanh âm réo rắt, nỉ non, có những thanh âm mãnh liệt, ồn ào, có những thanh âm rất dịu êm.

     Có những thanh âm tinh tế hơn được đặt ở bên ngoài và bên trong vọng lên từ những cuộc đời, những con người, lúc đấy ta nghe được bằng cả con tim. Dẫu âm thanh ấy có tốt, xấu thì khi con người ta mở lòng đón nhận chính là lúc đi vào yêu thương. Đôi khi thanh âm lại đánh thức cả một kiếp sống ồn ã. Tiếng bi bô gương mặt cau có của cô bé xinh phụng phịu với mẹ. Tiếng rao mua của cô bán hàng rong, tiếng leng keng của bác xích lô bắt khách, tiếng xe cộ inh ỏi, dòng người đông tất bật. Mỗi âm thanh cứ mang nhiều ý vị như thế bỗng nhiên là nhịp đập của con tim để tâm hồn ta cũng có lúc trở thành giai điệu.

     Thanh âm cũng chính là thứ tạo ra âm nhạc mang đến sự thăng hoa lan toả cảm xúc trong lòng con người, thanh âm ấy được xem là ngôn ngữ của trái tim, bởi đó là thứ kết hợp tuyệt vời giữa nghệ thuật và cảm xúc. Chính vì thế đã cho ra đời biết bao nhiêu bản nhạc hay, bao nhiêu bài ca đẹp để ta thêm yêu cuộc sống này.

     Cảm ơn cuộc đời này, cảm ơn những thanh âm này để ta được nghe giọng nói, nụ cười âu yếm mẹ cha, tiếng Thầy cô thân thương trìu mến…Nếu cuộc sống này không có thanh âm thì cuộc đời chẳng còn rộng mở, tiếng nói của trái tim cũng không bao giờ ta nghe được.

Đê làng và mẹ

B ao lâu rồi, tôi chưa đặt chân lên con đê làng thân thuộc ấy? Bao lâu rồi, tôi không còn nhìn thấy bóng dáng của mẹ tôi? Khi chiều nay, một chiều mưa muộn trở về, tôi chạm phải bóng dáng hao gầy của mẹ trên triền đê sẫm tím? Ngoài kia sông Hồng cuộn đỏ, đâu biết lòng tôi sóng cũng cuộn trào…

     Tôi sao có thể quên lần đầu tiên mẹ dắt đến trường. Con đê làng đất đỏ, hai bên cơ man nào là găng tím mộng mơ. Chỉ có tôi ngốc nghếch, dại khờ muốn giật bàn tay mẹ quay về vì sợ sệt. Và bàn tay ấy dịu dàng siết lấy tay tôi. Tôi không còn sợ hãi, thấy con đê làng thân thương hiền hậu hiện ra trong vắt sớm mai…

     Tôi đến trường con đê làng nâng bước. Đứa trẻ nhút nhát ngày nào cứ thế hồn nhiên lớn lên. Kia là bãi ngô, bãi dâu xanh như miền cổ tích, kia là bãi mía vàng ươm, ngơ ngẩn, như vạt nắng thu mải chơi quên mất lối về. Kia là con thuyền của bác chài nhọc nhằn đánh cá. Dáng bác lòa nhòa, ẩn hiện trong màn mây lãng đãng. Bác lặng lẽ kéo lưới lên, kéo luôn cả mặt trời ửng đỏ, mà đâu biết, xa xa, trên đê có cô nhóc ngừng lại, sững sờ, thấy như mình đang bồng bềnh lạc giữa chiêm bao. Kia là cánh buồm no gió, vươn mình giữa thinh không, gồng mình đưa thuyền vượt sóng. Buồm ơi, nhớ chở giùm ta những ước mơ, đến một miền nào đó xanh xa mà ta chưa biết!

Ngày mưa. Những cơn mưa như trút phũ phàng. Con nhỏ tôi sợ sệt ngóng mắt lên đê làng tìm mẹ. Kia rồi, mẹ đã hiện ra trong trắng xóa đất trời, bên không biết bao nhiêu người mẹ khác. Chỉ một loáng sau, tôi đã nằm trên lưng mẹ, mơ màng cảm nhận hơi ấm tỏa ra từ tấm lưng êm dịu, kệ mưa cứ đập liên hồi xuống đầu, xuống hai vai. Nhưng rồi, lúc hì hục bặm chân trèo lên dốc đê trơn trượt, mẹ dúi dụi mấy lần khiến tôi bừng tỉnh. Tôi chỉ biết thương thầm: “Mẹ ơi, hãy cố lên!”. Con đê lầy lội những ổ gà, quánh đỏ bùn đất trong chiều mưa vần vũ ấy đã giúp tôi mơ hồ nhận ra những nhọc nhằn hi sinh của mẹ. Kệ bùn quánh đặc và biết bao đá sỏi chực chờ, đôi chân trần của mẹ cứ kiên cường, bền bỉ cõng tôi đi…

     Những ngày cuối vụ, rạ rơm chẳng có, mẹ lam lũ triền đê quét lá tre, lá xà cừ về thổi cơm, nấu cám. Tấm lưng mẹ còng như dấu hỏi, mê mải nhặt nhạnh những thanh nứa, thanh tre như sợ hoàng hôn ập xuống. Tôi lũi cũi theo sau, cầm theo bao tải cho mẹ chất đầy. Khuôn mặt mẹ rựng đỏ, mồ hôi lấm chấm dù trời vẫn rét căm

     Tôi nhớ nhất là lần đi chặt đay cùng mẹ trong ngày hè nắng gắt. Những bó đay dài suồn suột, trĩu nặng trên vai, mẹ vác từ cuối bãi lên bờ. Khuôn mặt mẹ đầm đìa mồ hôi, tấm lưng sũng ướt. Mẹ cứ băng đi giữa hai hàng chông gốc đay nhọn hoắt. Có lúc mệt nhoài ngã quỵ, mẹ chao đảo giữa luống đay vừa chặt, lại đứng lên, xốc vác đay nặng trĩu trên vai bước tiếp. Vì mải đùa chơi, tôi chẳng biết gót chân mẹ tứa máu tự lúc nào. Chỉ đến khi mẹ tập tễnh đùn xe đay trở về trên con đê vắng, tôi mới nhói lòng nhận ra vệt máu đỏ loang thấm quện vào với đất. Mẹ vẫn bước đi.

     Năm chín sáu, bão về. Con đê làng tôi oằn mình trong mưa lũ. Lũ xói thân đê lở loét những vết thương tứa máu. Đê quằn quại, gồng mình lên chống chọi. Bao người dân thức trắng đêm, bộ đội về làng cứu lấy con đê đang trong cơn hấp hối. Tôi sợ hãi cùng cả nhà đi sơ tán. Mẹ tất tả kéo chiếc xe cải tiến chở đàn gà, đàn lợn. Sợi dây thừng siết xoắn lằn vai. Mẹ còng lưng, băng băng kéo như sợ thời gian không chờ đợi. Cách đó chỉ mấy bước chân, lũ ngấp nghé mặt đê cuồn cuộn thét gào. Tôi thắt tim, thất thểu chạy sau, cầu nguyện. Rồi đê làng bình an qua cơn lũ, tôi lại được nghe tiếng thở đều đều của mẹ trong mỗi đêm khuya lắc khuya lơ.

     Tôi lên tỉnh học. Chiều cuối tuần lặng lẽ đạp xe đi. Đi trên đê làng chênh chao, lồng lộng gió, qua thửa ruộng mẹ làm, mẹ đứng lên giơ tay vẫy vẫy. Tôi không ngoái lại đằng sau, vẫn thấy nụ cười lấm lem mồ hôi của mẹ bừng lên như nắng mới. Tôi gò lưng, đạp mạnh chiếc xe cũ rích, mặc gió bấc vùn vụt thổi qua tấm vai gầy.
Ngày tôi lên thuyền hoa làm dâu xứ lạ, mẹ đứng trên đê tiễn tôi đi. Mưa giăng mờ bến, mênh mang khói sóng. Cái bóng của mẹ mỏng manh, mỏng manh, chìm đi qua màng nước mắt mà tôi đang cố nén kìm…

     Bao lần cuối tuần về quê thăm mẹ, con đê làng sừng sững hiện ra. Con đê nhân hậu, bình yên, vỗ về, khẽ nở nụ cười hiền, như dang rộng vòng tay đón lấy tôi. Ôi con đê đất đỏ bao đời vẫn đôn hậu, dịu dàng và thân thương đến thế. Bất giác, tôi thấy mình như đứa trẻ, muốn nhào tới, sà vào lòng mẹ, cuộn tròn lại trong lòng để mẹ ôm ấp, chở che.

Ngày mẹ đổ bệnh, mỗi lần quay gót trở về, tôi sợ hãi dùng dằng, nắm tay mẹ chặt hơn. Tôi rời đi trong hoang hoải cõi lòng. Mỗi lần ấy, ngước mắt nhìn lên, gặp những cây sầu đâu quắt rạc khắp triền đê, những chùm quả khô khốc, lắc lẻo cứa vào tim tôi buốt nhói. Tôi nghĩ đến ngày kiệt cùng mẹ bỏ tôi đi…

     Ngày tiễn mẹ về với đất, con đê làng trầm mặc trong mênh mang tang trắng xuyến chi. Chưa bao giờ, phải, chưa bao giờ, tôi thấy có một con đường nào hoang hoải thế. Tôi cầm nắm hạt vừng trên tay rắc dọc triền đê, thầm thĩ: “Mẹ ơi, đây là con đê làng, con đê một đời gánh gồng cùng mẹ. Con biết mẹ sẽ chẳng thể nào quên lối ấy, nơi thấm nước mắt, mồ hôi, thấm máu và từng hơi thở một đời của mẹ. Nhưng, con vẫn rắc những hạt vừng này để một ngày nó mọc xanh lên, đón bước chân mẹ trở về bên chúng con, mẹ nhé!”.

     Bao năm mẹ đi xa, tôi vẫn cứ sợ hãi mỗi khi trở về trên triền đê hoang lạnh ấy. Đê nằm im, lặng lẽ như muốn nói điều gì mà không thể. Đê khép mình như nỗi nhớ, bền bỉ ru mình giữa bát ngát xanh tre. Đê ru tôi vào vòm xanh vô định bãi bờ…

     Và đã lâu lắm rồi, hôm nay tôi trở lại, giữa con đường xanh như một bài thơ, bất giác, hiện lên bóng hình của mẹ. Kìa là thanh huyền mềm như dáng mẹ mỗi tinh sương. Kia là thanh ngã lúc mẹ chùn chân khuỵu xuống. Là thanh sắc mẹ vùng lên mạnh mẽ, kiên cường. Cuối cùng, mẹ vẫn bước đi, nhẹ như mây bay, ảo huyền như khói tỏa, mẹ mỉm cười ngoảnh lại, nhìn tôi, giơ bàn tay tạm biệt -nhẹ nhàng như thanh không lơ lửng, bay vút giữa lưng trời…

     Tôi cứ thế mê mải đuổi theo, con đê làng mênh mang, dịu dàng ru vỗ. Phải rồi, chưa bao giờ, chưa bao giờ, tôi thấy có một con đường nào đẹp thế. Tôi đang đi giữa một niềm mơ.Và từ bấy, tôi nghe lòng bình yên, bẫng nhẹ tựa mây trời…

Rưng rưng tháng Chạp

K hông có khoảng thời gian nào của năm được tính từng ngày, từng giờ như tháng Chạp. Bận rộn, tất bật và thảng thốt: “Mới thôi mà đã một ngày!”. Tuy vậy, tháng Chạp cũng gợi nhiều hoài niệm nhất.

Bài hát “Một mùa xuân nho nhỏ” đưa tôi trôi về miền thơ ấu. Hồi ấy, ở làng tôi, chiếc radio là cả mênh mông thế giới. Chương trình của các đài Tiếng nói Việt Nam, đài phát thanh Quảng Nam Đà Nẵng, anh em nhà tôi đều thuộc làu, nghe hết, nghe đến cả bản tin đọc chậm của chương trình Quân đội nhân dân.

Dịp gần Tết này, chỉ cần nghe tiếng rọt rẹt của volume bị chạm, tiếng rò rò của chương trình sắp phát sóng, là đã xôn xao. Và mỗi sớm mai, giai điệu “mọc giữa dòng sông xanh, một bông hoa tím biếc…” của NSƯT Thúy Lan vang lên sau câu intro quen thuộc là nghe mùa xuân đang tới, thật gần.

Cảm thức mùa xuân cứ dạt dào theo từng câu hát, từng nốt nhạc: “mùa xuân, mùa xuân, một mùa xuân nho nhỏ…”. Như một thói quen, ba tôi thường đánh thức con dậy đi học bằng cách đáng yêu như thế, khiến tôi dù muốn ngủ nướng cũng phải… tỉnh người trong cái rét căm căm. Ca từ ấy, giai điệu ấy nó mãi ngân nga cùng năm tháng. Tôi chưa từng nghe ai hát hay hơn ca sĩ Thúy Lan. Có lẽ vì đó là giọng ca của ấn tượng ban đầu gợi nhiều cảm xúc. Mà bạn phải nghe radio, để rung cảm cùng những bài hát được phát một cách ngẫu nhiên, trong nỗi mong chờ, háo hức, thú vị và cả tiếc nuối vì những nốt nhạc cuối cùng nhỏ dần, nhường thời lượng cho chương trình kế tiếp. Mà có lẽ, những bài hát về mùa xuân chỉ hay nhất vào những ngày giáp tết mà thôi. Ôi, đã bao mùa xuân trong veo và rộn rã trôi qua đời người rồi ấy nhỉ?

     Tháng Chạp là tháng của những mong chờ. Niềm trông mong đều đặn nhất của gia đình tôi là chú Sáu. Chừng hai lăm tết, nghe tiếng huýt sáo vang lên từ đám cây Dâu, là cả nhà tôi ùa ra đón chú. Chú ở tận Tây nguyên, miền đại ngàn ấy chỉ là tưởng tượng với tôi trên vết dấu của đôi giày vương màu bụi đỏ của chú. Nhà nội tôi chỉ còn ba với chú, nên tình yêu của gia đình tôi với chú cũng rất đặc biệt. Chú về, chúng tôi có nhiều quà tết và sản vật vùng đất đỏ bazan. Nhớ nhất là cái tết chú đem về cái tivi 14inches đen trắng cùng chiếc bình acquy 12vol, một cây ăng ten như cái cuốc chỉa khổng lồ. Chỉ có 1 đài truyền hình Đà Nẵng, phát sóng với thời lượng thật ít ỏi, mà chúng tôi như đã thấy cả… hệ mặt trời. Cả xóm tôi thay phiên nhau khiêng bình acquy đi sạc, để mỗi tối, nhà tôi thành…rạp chiếu phim miễn phí. Khó có thể diễn tả hết nỗi hoan hỉ và niềm kiêu hãnh thầm kín của mấy đứa con trong nhà có tivi! Niềm khao khát tivi khiến cho những khán giả nhà quê háo hức xem từ “hạt mè-ca rô đến carô-hạt mè”, là cách nói vui với ai xem từ khi sắp có mãi đến khi hết hẳn các chương trình. Ngày xưa rất nghèo, tâm hồn anh em nhà tôi được khai sáng nhờ người chiếc tivi đầy kỷ niệm ấy.

Mà mấy ngày tết, thời gian co lại vì khí trời rét lạnh thì phải? Chú về, niềm vui chưa trọn, đã phải chia xa. Nhìn theo bóng chú khuất sau rặng tre đầu xóm, lòng non nớt của tôi đã bao lần rưng rưng… Giờ đây, tôi thèm biết bao cái cảm giác nôn nao mong chờ, cảm giác rộn ràng vui hội ngộ, và cả những hụt hẫng nhớ thương ấy. Chú tôi, giờ không thể về quê mỗi mùa chim én bay…
Tháng Chạp, nhớ gian hàng rau của thím Tám Sơn.

     Thím làm nghề may. Nhưng tháng Chạp là thím kiêm thêm chủ hàng rau củ. Mặt hàng này thím về quê Điện Bàn chở vào bán. Rau Điện Bàn vừa ngon vừa rẻ, nhờ phù sa màu mỡ bạt ngàn của sông Thu Bồn, sông Vĩnh Điện… Nhớ đống rau sống cao ngất với đủ loại xanh mướt và thơm làm sao. Xà lách là chủ yếu, trộn lẫn cùng hành ngò, húng quế, bạc hà… Chỉ cần thấy bàn tay thím Tám thoăn thoắt gói rau trong miếng lá chuối to, ai cũng ước thêm một chén nước cá hoặc thịt kho để cuốn với bánh tráng, hoặc ăn với cơm cũng tuyệt hảo. Thích nhất là mỗi lần mua rau, được thím thêm bó hành lá, cột bằng sợi lá chuối tước nhỏ. Bên cạnh hàng rau là ớt, su hào, sắn dây, bắp su, bầu bí. Tất cả được sắp rất gọn ghẽ, thích nhìn. Một góc đường đầu làng tôi bỗng xôn xao, tấp nập hẳn lên.

     Những ngày sắp Tết, dù nghèo, nhưng ai ai cũng dành tiền để mua thật nhiều rau củ về sắm cúng ông bà, và dự trữ trong mấy ngày nghỉ chợ. Đến bây giờ, tôi vẫn không thể quên mùi hành lá hòa quyện cũng các loại rau thơm nồng mùi Tết của thím Tám Sơn, dù hình đó chỉ còn là một đốm lửa nhỏ của ký ức được thắp lên trong muôn vàn sắc màu kỷ niệm. Hương xuân nồng nàn cứ thế mà len về khắp ngõ.Giọt sương long lanh trên cánh mai vừa khe khẽ nở. Tháng Chạp rưng rưng nhớ. Tháng Chạp xôn xao…

Vừa thoáng tiếng còi tàu…


Từ thơ bé, khi được đi tàu cùng bố mẹ, tôi đã nhận ra cảm giác bâng khuâng lúc tàu sắp rời sân ga, nghe tiếng còi da diết vọng trên sân như giục giã, như nhắn nhủ, tôi đã ngạc nhiên vì đứa trẻ trong tôi ngày ấy không hiểu sao đã cạn vơi rất nhiều háo hức bởi nỗi da diết dẫu chỉ mơ hồ từ âm thanh tiếng còi tàu.

Rất may, đoàn tàu sầm sập lao đi trên ray, đưa tôi qua bao cảnh làng quê, đồng ruộng, được ngắm nhìn bao nhiêu cỏ cây, mây nắng, những cánh đồng cỏ xanh bát ngát, những đàn bò thong dong, những đứa trẻ áo nâu ngả mình trên cỏ, hai tay thu dưới gáy, gác chân chữ ngũ, ngắm mây trời…, những cảnh sắc, con người luôn thật lạ lẫm, mới mẻ với tôi, một cô bé sinh ra và lớn lên nơi phố thị. Tôi chỉ có chút đượm buồn trong những chuyến tàu chiều bởi nỗi băn khoăn: trời sắp tối rồi, những người đang lúi húi làm việc dưới đồng kia tới bao giờ được trở về nhà – vì khi ấy, với quỹ đạo chật hẹp trong cuộc sống hàng ngày của tôi, “nhà” không thể ở giữa chốn hoang vu, vắng vẻ, nơi hình như chỉ có những cánh đồng xanh và bóng cò bóng vạc, “nhà” nhất thiết phải ở nơi phố phường đông đúc, lung linh ánh điện, mà nếu vậy, họ sẽ phải đi bao lâu mới về tới nhà khi gần tối vẫn cặm cụi trên đồng? Tôi vẫn nhớ chính vì cảm giác buồn thương lo lắng ấy mà tôi rời mắt khỏi khung cửa sổ tàu đang nhòa dần trong màn sương tối lạnh, quay vào ngồi sát hơn bên bố mẹ, cảm nhận sự ấm áp thật êm đềm – chúng tôi sắp về nhà!

Cho tới bây giờ, nếu đi trên đường khi tối muộn, tôi vẫn thấy buồn bã khi nhìn những nóc nhà cô đơn trên triền núi, ánh đèn dầu le lói từ một ô cửa sổ…, và vẫn băn khoăn: những người sống trong đó, họ có bao giờ buồn không nhỉ, họ thường nghĩ gì khi đêm xuống và chờ đợi gì trong mỗi sớm mai? Lý trí trong tôi tin chắc chắn – những người ấy, họ sống thanh thản, an nhiên, thậm chí hạnh phúc hơn rất nhiều những kẻ giời đày, luôn vẩn vơ với những bận tâm vô nghĩa lí, dẫu vậy, nỗi buồn hộ thương vay ngớ ngẩn vẫn ám ảnh tôi mỗi lúc đi tàu, khi chiều buông và nhìn xuống những bóng người chưa được về nhà… Mà nhà họ chắc là xa lắm!

Tới khi đi học xa nhà, nơi tôi trọ lại là một ngôi làng gần sát đường tàu, và nỗi nhớ nhà lại thường thao thức trong lòng tôi mỗi khi nghe tiếng còi tàu vang ngân trong đêm…Có những buổi chiều, buồn nhớ vô cùng ngôi nhà nhỏ vừa ấm áp, vừa trầm buồn với đúng những cảnh “Ngày xưa, cha ngồi uống rượu, mẹ ngồi đan áo. Ngoài kia mùa đông cây bàng lá đổ…”, nhớ về người cha thông minh, tài hoa chỉ biết gửi nỗi bất đắc chí vào chén rượu buồn bên những người bạn văn còn buồn hơn cha; nhớ người mẹ tháo vát, tảo tần, vất vả lo mưu sinh bên ngoài bảng đen phấn trắng; nhớ hai đứa em luôn đau đáu chờ chị về nhà, tôi lại ra đầu mương ngồi đợi một tiếng còi tàu với cảm giác: con tàu ấy sắp về tới thành phố của tôi, biết đâu bố mẹ cũng mơ hồ nghe thấy tiếng còi tàu xa xăm mà nhớ mong con gái… Và tôi luôn hình dung tâm trạng những người khách đi tàu, trên con tàu chiều muộn, họ có từng như tôi, cũng nhìn xuống những xóm nghèo heo hút, những cánh đồng xanh mờ sương thấp thoáng bóng cò trắng cô đơn, có cảm thương khi nhìn thấy bóng người lặng lẽ chưa trở về nhà…?

     Mỗi khi có dịp đi tàu, tôi thường thích được ngồi sát bên cửa sổ, ở vị trí ấy, tôi như bước vào một hành trình đi xuyên qua cả thời gian và không gian… Tôi có thể ngắm nhìn những cánh đồng sau vụ gặt chỉ còn trụi trơ gốc rạ; có thể “bắt” được những khoảnh khắc lộng lẫy của hoàng hôn hoặc ngậm ngùi nhìn những ngôi mộ lẻ loi lặng lẽ nằm giữa đồng xanh mênh mang; có thể trìu mến ngắm đôi bạn líu ríu đèo nhau trên chiếc xe máy tàng, nhìn họ cười và nói chuyện với nhau với niềm vui chan chứa như đang sở hữu cả cuộc đời; cũng không hiếm lần nhìn thấy cảnh cả gia đình bồng bế dắt díu nhau về quê ăn tết, đồ đạc lỉnh kỉnh trước sau trên một chiếc xe máy, nhớ lại những chuyến đi của chính gia đình tôi nhiều chục năm trước, những chuyến về nhà cuối năm, trong mưa phùn gió bấc mùa đông, mặt đóng băng trong gió, tóc ướt rối trong gió, hai tay ôm con lớn, bế con bé tê dại…, thấy phận người sao cứ nối nhau buồn, như thân rạ mùa đông…!

     Cảm giác của sự ngắm nhìn ấy rất kì lạ vì tôi gần như chắc chắn đó là những cảnh, những người tôi sẽ chỉ nhìn thấy lướt qua ô cửa sổ trên đoàn tàu đang lao nhanh vun vút, cả đời tôi sẽ không bao giờ đặt chân xuống những nơi ấy, cũng không bao giờ gặp lại những người ấy… Họ và tôi, thảy đều chỉ là những khách qua đường. Đó là điều mà dù nghĩ sao, tôi vẫn băn khoăn: theo kết quả của nhiều nguồn nghiên cứu thì xác suất ra đời của mỗi sinh linh trên trái đất này là 1 trên 400 triệu tỷ tới 1 trên 700 triệu tỷ, nghĩa là gần như bằng không; sự hiện hữu của chúng ta giữa cuộc đời này là sự “khác không” hi hữu, là món quà quý giá của tạo hóa, vậy mà có khi cả đời mình, tôi sẽ không bao giờ được ngồi trên một thảm cỏ xanh ngát giữa đàn bò thong dong gặm cỏ tôi đã từng nhìn thấy qua cửa sổ tàu, thậm chí sẽ không bao giờ gặp những người chỉ sống cách tôi vài con phố…!

      Có một lần, tôi cùng những người bạn đứng trên sân ga Đà Lạt, một nhà ga cổ kính xây từ thời Pháp, nay chỉ còn là điểm đến của những người thích hoài niệm, trèo lên toa xe đứng im lìm trên sân ga, tôi nhìn thấy những cảnh đón đưa nồng nàn hoặc lưu luyến, những lứa đôi miễn cưỡng rời tay nhau bên cửa sổ toa tàu; nhìn thấy những bóng người cô đơn lặng lẽ lên và xuống tàu; nhìn thấy một thiếu phụ có gương mặt buồn u ẩn, lên tàu và tìm đến một chỗ ngồi bên cửa sổ, ánh mắt thờ ơ dần tối theo hoàng hôn… Và kì lạ là tôi nhìn thấy cả hình ảnh của họ bây giờ, sau bao năm tháng, người lơ ngơ cười trên xe lăn, người lặng lẽ nhìn ra ngoài ô cửa sổ viện dưỡng lão chờ một bóng quen, người im lìm dưới cỏ xanh, bên một mương nước nhỏ, gần đường tàu cùng những tiếng còi qua…

Tôi nhìn thấy tôi, ngày ấy, bây giờ, và một ngày nào đó…! Và câu thơ Xuân Quỳnh lại da diết trong tôi… một tiếng còi tàu…!

Bâng khuâng chiều thị xã

Tôi trở về thị xã một chiều mưa, cơn mưa không ồn ào mà rơi êm vào kí ức, đánh thức một miền nhớ xa xôi, thuở thị xã còn là một thị trấn nhỏ bình lặng nằm ven Quốc lộ 19.

     Dịp đó là mùa hè năm 1992, lần đầu tôi đến Gia Lai, không phải một cuộc thăm chơi mà là theo gia đình vào Pleiku định cư. Hành trình nào ở tuổi niên thiếu mà chẳng khiến ta háo hức, chờ mong xen lẫn lo âu, hồi hộp? Nhất là khi người ta không còn quá nhỏ để ngây thơ, hồn nhiên nhưng cũng chưa đủ lớn để ung dung, trầm tĩnh trước những đổi thay có tính bước ngoặt của cuộc đời. Tuổi ấy, người ta chưa trưởng thành nhưng đã biết dùng dằng giữa hai cảm giác: muốn đổi thay và muốn yên ổn. Khát vọng khám phá chân trời mới giục giã hãy đi xa nhưng nỗi e ngại khi phải chuyển đến sinh sống ở một vùng đất khác không phải quê mình lại níu người ta ở lại. Trong niềm háo hức – lo âu – vui – buồn lẫn lộn ấy, tôi đã bước vào cuộc hành trình đến với miền đất hứa. Đó cũng là chuyến đi xa đầu tiên trong đời của con bé mười lăm tuổi nên có những dấu ấn đọng lại khó phai nhòa. Trong rất nhiều kỉ niệm của cuộc xê dịch lịch sử ấy, có hình ảnh những làng mạc, thành phố, thị xã, thị trấn vừa thân thương vừa lạ lẫm dọc chiều dài đất nước đã in dấu trong kí ức của tôi, như thị trấn An Khê, vùng đất cửa ngõ phía Đông của tỉnh Gia Lai này.

     Hôm ấy, khi xe vừa lên khỏi con đèo quanh co chìm trong mưa giăng mây phủ, hành khách có ai đó hỏi: Đến An Khê chưa? Cho tôi xuống thị trấn nhé! Trái với hình dung tưởng tượng của tôi, An Khê trong cơn mưa chiều năm ấy khá quạnh hiu, hay do lòng người xa xứ chưa quen với đất lạ người dưng nên cảm giác trống trải, buồn vắng đến não lòng. Quốc lộ 19 chạy xuyên qua thị trấnnhưng chỉ lác đác những căn nhà phố liền kề, đôi ba cửa hàng tạp hóa nho nhỏ. Dẫu không có đường sắt và những chuyến tàu lao nhanh trong đêm tối, thị trấn nhỏ này vẫn khiến người ta liên tưởng đến phố huyện trong truyện ngắn của nhà văn Thạch Lam thuở nào. Dấu ấn đô thị còn khá mờ nhạt, không gian mênh mông quá mà gió mưa cứ vây kín đường dài, nẻo về thì xa hun hút khiến lòng lữ khách càng thêm cô đơn, buồn bã.

     Bẵng đi bao năm tôi không trở lại An Khê. Vùng đất đó trở nên diệu vợi như ở nơi nào xa lắm, dù thỉnh thoảng tôi vẫn nghe nhắc tên và hiện lên qua một số hình ảnh được phát trong các bản tin Thời sự của Đài PT-TH Gia Lai. Kí ức về An Khê chỉ sống dậy trong lòng khi cơ duyên đưa tôi về với phố biển, trở thành sinh viên Văn khoa của trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Mỗi năm dăm ba bận tôi về thăm nhà, ngang qua thị trấn. An Khê trở thành cột mốc để tôi đong đếm thời gian, quãng đường trong mỗi lần đi về giữa phố biển và phố núi. Mỗi khi từ nhà đi, tôi lại mong cho chóng đến thị trấn An Khê bởi đi đến đó là xem như đã đi được hai phần ba quãng đường. Mỗi lần từ phố biển về nhà, tôi cũng lại mong cho chóng về tới An Khê vì như vậy nghĩa là đã đến đất Gia Lai, đất nhà mình, nghĩa là gần về đến nhà. Chỉ cần vượt đèo An Khê, nhìn thấy tấm biển ghi dòng chữ Địa phận tỉnh Gia Lai là lòng tôi lại rộn ràng náo nức. Cứ vậy, suốt bốn năm học Đại học, tôi qua lại thị trấn không biết bao lần, riết thành quen, đến mức thuộc lòng từng khúc quanh, từng ngã tư đợi đèn đỏ, những quãng đường gồ ghề hay khu công viên.

     Khi đã bước vào nghề giáo, nhiều lần được cử đi làm nhiệm vụ coi thi tốt nghiệp THPT ở An Khê, tôi lại có dịp phát hiện thêm những điều mới mẻ, lí thú về mảnh đất này. Thì ra phố huyện có một lịch sử hào hùng gắn với những chiến công hiển hách của nhân dân ta trong các cuộc chiến chống ngoại xâm, nhất là chiến thắng của anh em nhà Tây Sơn đánh tan quân Xiêm La phía Nam và bè lũ quân Mãn Thanh phương Bắc. Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Tây Sơn Thượng đạo còn đó như minh chứng cho những trận thắng oanh liệt vẻ vang của cha ông, ghi danh những người đã góp công làm nên cơ đồ và lịch sử đáng tự hào cho vùng đất cửa ngõ phía Đông của tỉnh.

     Lần gần nhất về làm nhiệm vụ thi tốt nghiệp ở An Khê là tháng 6 vừa rồi, chúng tôi được bạn bè đưa đi thăm Khu di tích khảo cổ Rộc Tưng – Gò Đá ở xã Xuân An, lại thêm ngỡ ngàng về mảnh đất đã lưu dấu những vết tích của người nguyên thủy thời sơ kì Đá cũ với niên đại 7-8 trăm ngàn năm trước. Thị trấn nhỏ buồn vắng năm nào trong kí ức của tôi giờ đã thành thị xã, phố phường đông vui, đường chạy dọc ngang như bàn cờ. Thị xã hôm nay đang vươn mình phát triển.

Thêm một lần tôi trở lại An Khê trong cơn mưa chiều nhưng không còn cảnh phố buồn vắng lạnh trong mưa giăng mờ đường dài hun hút, lòng bất chợt bâng khuâng nhớ thuở xa xôi, khi thị xã còn là một thị trấn nhỏ bình lặng nằm ven Quốc lộ 19.

Căn bếp mùa Đông

tran-thuy

Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc ào ạt tìm về, bập bùng trên mái tôn, hun hút luồn vào khe cửa. Những chiếc lá cuối thu lặng lẽ buông mình. Đất trời hanh hao đón một mùa đông mới.

     Chị em tôi chui ra khỏi chăn chờ mẹ tìm quần áo ấm. Đứa nào đứa nấy hai hàm răng đánh vào nhau lập cập. Gió vô tư len lỏi khắp gian nhà. Rét quá, rét quyện lên mái tóc khô xác, rét như có ai cứa vào da thịt. Bố đã dậy từ sớm đang lúi húi dưới bếp. Ánh lửa bập bùng tỏa ra như thúc giục chúng tôi nhanh chân chạy xuống. Tiếng củi khô bén lửa tí tách nổ lép bép. Từng lưỡi lửa liếm cao ôm lấy siêu nước bốc khói sập sùi. Chị em tôi ngồi sát vào nhau vây quanh bố cho đỡ lạnh. Những đôi tay hơ hơ trên lửa để xua đi cái giá. Những gương mặt đỏ bừng vì nẻ khanh khách cười giòn.

Ấm áp quá! Đó là cảm giác mà tôi luôn nhớ về căn bếp cũ của gia đình tôi khi mỗi độ đông về. Căn bếp nhỏ xíu ám đầy khói muội, lúc nào cũng sáng bừng ánh lửa yêu thương. Có một chỗ chất đầy củi khô, cùng mấy bao tải đựng mùn cưa chồng lên nhau sát góc. Một chiếc chạn gỗ màu nâu sẫm, được kê cao trên bốn chiếc bát đựng nước để tránh kiến bò. Chiếc trạn có từ lâu lắm rồi, hồi tôi chưa ra đời. Nó gồm ba tầng. Tầng dưới thoáng đãng xếp các loại xoong nồi, bịch muối và mấy chai nước mắm, xì dầu, dấm bỗng… Tầng thứ hai được bao bằng những thanh gỗ dọc, úp các loại bát đĩa, bên ngoài lủng lẳng thêm cái giỏ mây đựng đũa. Tầng cuối cùng khép kín, chuyên đặt liễn mỡ vàng ươm, lọ đường hoa mai, gia vị khô và thức ăn để dành.

     Tôi thích nhất vào mỗi sớm mai, sau khi đánh răng rửa mặt xong xuôi bằng nước ấm. Mấy chị em xúm lại ngồi rang cơm cùng bố. Mẻ cơm nguội hôm trước sẽ được bố vẩy thêm chút nước cho mềm. Mấy củ hành khô mẹ để trong chiếc làn treo ở gác bếp được lấy ra. Thìa mỡ lợn đông đặc, trắng phau. Tiếng mỡ lợn bắt lửa chảy xèo xèo, mùi hành phi thơm phức, vài ba miếng tóp còn sót lại vàng ruộm. Những hạt cơm lách rách lăn đều trên chảo theo tay bố đảo. Nho nhỏ lửa thôi để cơm từ từ săn bóng và xém vàng. Mùi cơm, mùi lửa, mùi mỡ như quấn lấy nhau thơm thảo chín giòn, khiến đứa nào đứa nấy thèm thuồng ra mặt. Bố xúc cơm chia đều cho chị em tôi ba bát đầy đặn, còn bát của bố mẹ non non. Bưng bát cơm con, nhẩn nha thưởng thức mà chưa bao giờ chúng tôi thấy đủ. Nhưng đó là những bữa sáng mùa đông vừa ngon vừa chắc dạ. Để chúng tôi không hề thấy đói suốt năm tiết học kéo dài.

     Tan trường, tôi chỉ muốn chạy thật nhanh về nhà. Xa xa, từng ngọn khói luyênh loang bay lên từ căn bếp nhỏ. Mẹ đang nấu bữa cơm trưa thanh bạc. Mùi thức ăn tỏa ra thơm phức như vẫy gọi những đứa con bước vội hơn. Bàn tay mẹ gom lửa thật khéo, đôi ba con cá khô rán ròn, lạc rang muối lấm tấm trắng, hoặc đơn giản chỉ là nước sốt cà chua sóng sánh, đỏ au… Những món ăn đơn sơ mà mẹ chăm chút gửi gắm vào đó bao nhiêu yêu thương, chờ đợi chồng con trở về.
Khi bố và các em đã vào giấc ngủ trưa, mẹ rủ tôi tranh thủ làm mẻ kẹo gừng. Tôi vui lắm, tỉ mẩn ngồi sắt những sợi gừng già bên bếp lửa hồng để xem mẹ thắng đường. Những hạt đường từ từ tan chảy rồi keo lại thành nha. Cả căn bếp như được ướp hương ngào ngạt. Mẹ kéo dài tảng nha thật dẻo, thật trắng, rồi cắt thành những viên kẹo xinh xinh. Lúc bố và các em thức dậy, mẻ kẹo đã hoàn thành. Cả nhà được thưởng thức những viên kẹo cay cay tan dần trong miệng. Đó là món quà ấm áp chống ho, mẹ dành cho bố con tôi đi qua mùa giá lạnh.

     Thời gian bố về nghỉ hưu, bố tôi học thêm nghề nấu rượu gạo. Vậy là suốt mùa đông, căn bếp nhà tôi lúc nào cũng đượm lửa, thơm nồng. Chị em tôi rất thích mang sách vở xuống bếp, vừa canh lửa vừa học bài. Từng giọt rượu tinh túy được chắt lọc từ những hạt ngọc trời, theo ống dây dẫn bằng đồng nhỏ xuống chiếc bình da lươn tí tách. Mùi thơm của men, của rượu quấn quýt nồng nàn. Mùi của những củ khoai lang vùi tro nóng đã đến hồi chín bở. Cả nhà quây quần cùng nhau chia sẻ chút ngọt bùi. Bố tự hào kể chuyện chiến trường xưa. Bố và đồng đội dầm mình trong giá rét dưới mưa bom bão đạn. Nhưng tuyệt nhiên không ai than vãn nửa lời. Tất cả luôn quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, cùng nghĩ đến ngày vinh quang chiến thắng. Thời gian rỗi, mẹ lại dạy chị em tôi tập móc khăn len các kiểu, hình quả trám vặn thừng, hình ô vuông hoa thị… Những đôi tay nhỏ bé nhoay nhoáy cầm kim móc theo cách mẹ chỉ, những cục len đầy màu sắc lấp lánh dưới ánh lửa hồng. Chiếc khăn màu xanh, chiếc khăn màu vàng…Những ấm áp yêu thương được đưa đến tay người nhận, và tiền bán khăn sẽ thành quần áo mới, là món quà cuối năm mẹ thưởng cho đàn con rất mực ngoan ngoãn của mẹ.

     Nhưng thích nhất vẫn là những ngày Chạp khe khẽ tìm về, căn bếp sực lên những rộn ràng, ấm áp. Cả nhà ai cũng bận mà vui. Bố luôn tay đảo mẻ giò thủ thơm nức mùi hạt tiêu. Mẹ khéo léo sên mẻ kẹo lạc, kẹo vừng, mẻ mứt gừng, mứt khế. Bọn trẻ con chúng tôi tíu tít chạy ra chạy vào xiết đỗ, bóc lạc, lau lá…giúp bố mẹ. Nhón thử miếng mứt gừng ngòn ngọt, cay cay, miếng kẹo lạc giòn tan, thơm phức. Những đôi mắt trẻ thơ nào mong gì hơn, đầy mãn nguyện, no tròn và ngập tràn hạnh phúc.

     Mặc cho ngoài kia trời đất âm u, mặc mưa phùn thấu lạnh, cũng không thể chạm đến căn bếp nhà tôi. Nơi đó, luôn rổn rang tiếng nói tiếng cười, và những niềm vui chẳng gì so sánh được.
Thời gian trôi đi xuôi vào niềm nhớ, cha tôi đã về miền mây trắng và căn bếp xưa giờ cũng chẳng còn. Mùa đông thả những ưu tư rì rầm trong gió lạnh. Nơi xứ người, tôi bồi hồi ngồi đếm kỷ niệm xưa. Những thơm thảo ngọt bùi yêu thương, bên căn bếp mùa đông ấm áp…

Ba tôi

Tôi đi trên cát, cảm thấy dưới chân mình bỏng rát. Chút nóng giòn hầm hập kéo tôi về miền ký ức tuổi thơ, nhớ vùng quê Vĩnh Linh nắng hầm gió rát, nhất là mỗi mùa hạn đất khô nẻ chân chim.

Vùng quê ấy có “đặc sản” là đạn bom, đất mặn gió chát, gió nam rát như cái quạt lửa, cỏ cây xao xác trong cái nắng rừng rực, rát bỏng mỗi độ gió nam trưa hè. Đưa tay quệt mồ hôi trên trán, lòng bỗng nhớ quay quắt đôi bàn tay thô ráp, chai sạn của ba. Nhớ bóng lưng ba còm cõi, nhỏ nhoi phơi dưới nắng chiều khi chở đất đắp nền, dựng ngôi nhà nhỏ dưới lưng đồi bạch đàn bao quanh hồ cá.

Lưng áo ba đẫm mồ hôi, lâu ngày in thành những vệt phai được hong khô từ những giọt mồ hôi muối mặn suốt một đời ba vất vả gian nan.

Hồi năm tuổi, mỗi khi chiều về, khi hoàng hôn hun đỏ ngọn cau, đám ếch nhái bắt đầu kêu ran cùng khắp, dưới chái bếp mẹ nhen lửa nấu cơm, bóng lửa nhảy múa trên bóng vách, tôi lại tha thẩn trước sân nhà nhìn về phía bến đò dưới đồng xa.

Đó là con đường giữa đồng mà ba tôi sẽ quay về nhà với mẹ con tôi sau một tuần vào Đông Hà làm việc. Căn nhà nhỏ có mái rơm khô lợp mỏng, vách nhà bằng phên trát bùn trộn phân trâu, cánh cửa nhỏ bằng lếp tre ba tỉ mẩn làm ra, và nền nhà bằng đất đen mát rượi mà ba mẹ đã cùng nhau chở đất đắp nền bằng chiếc xe rùa đã rơ hết cả.

     Mỗi khi về thăm nhà, ba không bao giờ quên móc trong túi áo ra một nắm địu thật nhiều, thật đẹp đủ màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng… Nắm địu ấy tôi tết thành những sợi dây để bọn con gái chơi nhảy dây và nói thật ra chúng rất thèm thuồng nắm địu ấy của tôi. Ba sẽ bế tôi trên vai hoặc làm ngựa cho chị em tôi cưỡi trên lưng, bóng ba cõng tôi in trên vách phên dưới bóng đèn dầu cùng tiếng cười rộn rã vang lừng căn nhà nhỏ. Chiều chiều, ba sẽ chở tôi đi chơi ra nhà mụ Nga trên chiếc xe giàng, ba hát khe khẽ, tôi ngồi trên giàng xe, trong vòm ngực ba rộng lớn, trả lời ngây ngô những câu hỏi của ba. Tôi sẽ tự thiết kế những chiếc đồng hồ xinh xinh bằng lá dứa, hay những chiếc cườm đeo tay đeo cổ từ thân lá sắn. Ba tôi luôn khen ngợi những sáng tạo ấy của tôi dù đôi khi ý nghĩa mà tôi bịa ra thật là khiên cưỡng. Ngõ quê quanh co, đường quê dịu mát, cánh đồng êm ả mát lành, và khi gặp những con mằn hăn bay loạn xạ dưới mỗi gốc tre già, ba đều sẽ bảo tôi hãy nhắm mắt lại để khỏi bị đau mắt.

Tôi nhớ nhất những đêm khuya, khi ánh trăng đồng nội chếch sáng vào song thưa khung cửa sổ nhỏ, tôi ngồi trên sập gỗ và nhìn mãi vào bóng sáng huyền ảo ấy. Phía ngoài khung của sổ, là bóng ba tôi đang chở đất đắp nền, bóng mẹ tôi đang lui hui đào đất ruộng, múc vào chiếc xe rùa đơn thành từng ụ đất hồng rực dưới trăng thanh. Ba đẩy xe về đổ đầy sân nhà. Giọt mồ hôi trên vai ba, lấp loáng như những viên ngọc trắng tinh, lấp lánh như mặt sông trưa hè loang nước. Tôi thường ngồi nghịch đất, lấy đất nấu cơm bằng bộ đồ đoàn tôi tự chế từ mấy lá khoai lang làm chén, vỏ dừa làm soong và sẽ mời ba ăn cơm để no bụng mà chở đất. Ba cười vang giòn giã, mẹ âu yếm cầm chiếc nón quạt khô tấm lưng áo ướt đẫm. Đêm trăng, gió đồng mát, không đủ đo đếm hàng triệu giọt mồ hôi rơi của ba mẹ tôi trên những năm tháng cuộc đời.

     Từ khi gia đình tôi chuyển vào Đông Hà, tôi không còn đứng trên sân đất mát rượi nhìn về phía bến đò trông ba mỗi chiều thứ bảy. Mà chị em tôi thường thay nhau nhìn từng khắc đồng hồ trên bức tường bằng bê tông trong căn nhà tập thể để ngóng ba đi làm về. Khi chiều tối sậm, đen hết những khúc quanh trên cung đường, ba tôi sẽ đạp chiếc xe giàng cọc cạch đi về, tiếng chó bắt đầu sủa ran con hẻm nhỏ. Chị em tôi có thể lắng nghe và nhận rõ tiếng chiếc xe đạp giàng cao ấy của ba dù nó mới về tới đầu hẻm, trên chiếc xe giàng ấy cột những chiếc búa tạ, chiếc cuốc chim, cột những chiếc cuốc mà ba tôi làm đá trên đường ray xe lửa, nơi khô khốc nhất mà ngay cả Xuyến Chi cũng khó lòng mọc nổi.

Những hàng thông lặng im

Chiếc xe giàng ấy cùng ba tôi mưa nắng đi về, gánh trên vai tất thảy những năm tháng trưởng thành của chị em tôi, gánh niềm vui thơ dại và cả tương lai ngời sáng luôn đón đợi các con gái của ba trong nỗi hi vọng hoa nắng sẽ nở giữa bùn nâu. Chiếc xe giàng chở tôi đi học trên những con đường thị xã ban đầu còn xa lạ đối với đứa trẻ đến từ thôn quê như tôi, từ sau yên xe, tôi ngước mắt nhìn bầu trời đầy nắng, và nhìn bóng lưng ba cao lớn hết cả vùng trời thơ ấu. Bóng lưng ấy có bao giờ khô hết những giọt mồ hôi đâu.

     Chúng tôi lớn lên và đi học, đôi vai ba tôi càng nặng thêm những khoản tiền chi phí. Ba đi làm từ sáng sớm tinh sương đến tận tối mịt, có trưa nắng về, ba mệt nhoài nằm ngủ ngay tại hiên nhà. Bóng nắng xen qua kẽ lá, họa hình trên vầng trán đen mặn của ba những bông hoa nắng, và bộ áo quần công nhân bê bết mồ hôi và luynh dầu, chiếc mũ cối nằm ngả ngủ say sưa dưới một trưa hè nắng quá oi ả. Đôi dép rọ bằng nhựa nằm yên dưới chân ba không dám động đậy, sợ đánh thức giấc ngủ trưa vội vã của một người cha đang gánh cả gia đình trên đôi vai gầy guộc ấy của mình. Hiên nhà im tiếng, vài hơi gió nhẹ thổi không đủ làm rung rinh mái tóc ướt đầm đề mồ hôi mặn của ba cả một sáng ngày vùi dưới chiếc mũ cối. Mẹ đi làm về, nền đất nóng ran làm mòn đôi dép nhựa, làm cho những bước đi của mẹ thêm nặng nề bởi những tiếng loẹt xoẹt khô khốc. Ba bừng tỉnh dậy, ba cười hiền từ nhìn mẹ nói hôm nay nắng quá mẹ mi hè, rồi phụ mẹ dắt chiếc xe chở đầy nhôm nhép nhựa mẹ mới đi mua về. Ba quên hết cái mệt của mình, lại chỉ mình thấy cái mệt của mẹ, và của đứa con gái đã bắt đầu biết tập tành nấu ăn.

     Chúng tôi lớn dần lên, mái nhà bớt rộn tiếng trẻ thơ, chị em tôi dần ít nói chuyện với ba hơn. Chúng tôi chia sẻ với mẹ nhiều hơn. Nhưng tôi vẫn âm trầm nhìn theo bóng lưng ba, bóng lưng ấy già nua dần theo thời gian, còng mình hơn giữa dòng đời ngược xuôi tất bật. Ba vẫn thế, chân đã yếu, lưng đã đau, nhưng vẫn giành làm những việc nặng với vợ chồng tôi, trong mắt ba, chúng tôi vẫn mãi là những đứa trẻ chưa chịu lớn. Để mỗi khi về nhà, tôi vẫn thấy ba tôi mỉm cười nhìn chúng tôi, vai ba cao vợi, lưng ba to lớn, vẫn đủ rộng để ôm chúng tôi vào lòng sau những tất bật mưu sinh giữa cuộc đời.

     Trưa hè hôm nay, nắng lại cháy đỏ cả chùm phượng, mây trời dường như cũng ngưng lặng, chẳng buồn trôi mình giữa thênh thang. Tôi về nhà, lại tưởng mình bé lại như là thơ ấu, khẽ nằm dài đưa tay bắt tìm hoa nắng trên hiên nhà, lại thấy ba miệt mài chăm chút bên khóm mai cúc và khóm xương rồng. Nắng đón nắng, mưa đón mưa, đôi mắt ba vẫn bình thản qua bao nhiêu năm tháng, bền bỉ neo đậu che chắn cho chúng tôi những bão giông phía bên ngoài cánh cửa, ba luôn là bến bờ bình yên đầy những niềm tin và hi vọng, ba sẽ mãi cho ta cả khoảng trời nhớ thương đầy yêu dấu.

Phút cuối êm đềm

Không biết sao tôi rất hay nghĩ về thế giới, về vũ trụ trước khi mình chào đời và sau khi mình chào lần nữa…

Trong vũ trụ ấy đã có bao nhiêu sự đổi thay, biến động giữa cái xao động rì rào của thời gian miên viễn; trong thế giới ấy, bao con người đã nối tiếp nhau sinh ra, lớn lên, già, rồi chết… Và bên cạnh hầu hết sự sinh diệt âm thầm trong vô danh, tôi vẫn còn biết tới những cái tên thông qua CÁI HỌ ĐỂ LẠI, dẫu chỉ một chùm nho của Aesop; câu chuyện về cuộc chiến thành Troy của Homer; mặt đất đẫm ánh trăng và lạnh hơi sương của Lí Bạch; làn khói sóng phút chiều hôm cùng niềm quê da diết của Thôi Hiệu; nàng Tiểu Thanh tài hoa bạc mệnh của Nguyễn Du; rồi công thức mang tên Pytagoras, học một lần mà đi theo tới cuối cuộc đời về mối liên hệ giữa ba cạnh tam giác vuông; Marie Curie với Poloni – nguyên tố hóa học đầu tiên bà phát hiện ra, mang tên đất nước Ba Lan thân yêu của bà…

Không chỉ trong những di tích phi vật thể, tôi đã được nhìn thấy khu lăng mộ cất giữ giấc ngủ êm đềm của các vua chúa thời Nguyễn (theo cách nói của một nhà văn xứ Huế). Sau khi đi qua khu lăng mộ khá “sặc sỡ” của vua Khải Định, khu lăng mộ hoa lá thơ mộng, lãng mạn của vua Tự Đức, tôi dừng lại rất lâu trước khuôn viên mênh mông của khu lăng mộ vua Minh Mạng, bị hấp dẫn kì lạ bởi sự thâm nghiêm, trang nhã tỏa ra từ kiến trúc, ao hồ, cỏ cây nơi đó, ngắm nhìn một dạng thái khác của sự sống đang trường tồn, hiện hữu trước mắt…

Hoặc gần đây, khi về thăm lại một ngôi chùa làng nhỏ bé, bình yên vô cùng trong kí ức tuổi thơ ở thị xã Sơn Tây, tôi bùi ngùi đi trên con đường lát gạch đỏ vuông vức, lấp loáng ánh sáng từ mặt đường phố Cầu Trì khá đông đúc dẫn vào tới sân chùa, tỏa ra các lối nhỏ…, mà kì lạ là tôi chỉ nhìn thấy hai sư cụ trụ trì cách đây hơn nửa thế kỉ, cụ già tóc đen, hiền hậu, thấp nhỏ, cụ trẻ tóc bạc trắng, cao lớn, hơi nghiêm hơn…, các cụ đã từng là những người thân yêu vô cùng của mấy bà cháu tôi, giờ cả hai cụ và bà tôi đều đã về cõi khác.

“Cõi khác”, hay “miền mây trắng”, hay “cõi hư vô”…, đó là những cách gọi khác nhau để chỉ một nơi mà thực tình tôi không hình dung nổi, và mấy ai trên đời này có thể hình dung nơi ấy ra sao, sáng hay tối, lặng lẽ, tịch mịch hay náo loạn, ồn ào, yên ả êm đềm hay lạnh lẽo đáng sợ…! Tôi chỉ hình dung phần nào thế giới thực sau khi một con người chào nó lần cuối – và không hết nỗi băn khoăn vì cái nghịch lí giản dị dành cho tất cả mọi sinh linh trên đời, không ngoại trừ ai, dẫu anh hùng hay kẻ đớn hèn, là vĩ nhân hay một kiếp vô danh…, họ sinh ra, lớn lên, học hành, yêu đương, làm lụng, vui buồn… rồi già đi, rồi tan biến, sự tan biến của hầu hết những kiếp người thường nhỏ bé tới mức không mảy may làm xao động mặt ao Đời phẳng lặng trong cái ồn ào, náo động, chảy trôi…, mặt trời vẫn mọc mỗi bình minh, những cuộc chiến phi lí, phi nhân vẫn diễn ra nơi này nơi khác trên bề mặt địa cầu bầm dập vết thương, những đứa trẻ vẫn mím môi tô tròn nét chữ, những lứa đôi vẫn khi yêu đương khi thù hận, khi nhạt tênh cả thù hận lẫn yêu đương… Trong lúc ấy, có những sinh linh từng sống, từng rất ồn ào hoặc lặng lẽ, từng rất tử tế hoặc tồi tệ…, đã vĩnh viễn thuộc về thế giới mà tôi luôn nghĩ là lạnh dầy bóng tối.

Cách đây mấy năm được share đoạn văn ngắn của Oscar Wilde: “Death must be so beautiful. To lie in the soft brow earth, with the grasses waving above one’s head, and listen to silence. To have no yesterday, and no tomorrow. To forget time, to forgive life, to be at peace”. Ngày ấy tôi đã thử dịch thành văn vần:

Phút cuối đẹp làm sao
trong đất mẹ êm đềm
cỏ rì rào êm ả
lặng yên nghe hư vô
Lòng không còn quá khứ
cũng chẳng có tương lai
thời gian như dừng lại
lãng quên và yên bình

Tôi đã nghĩ mãi về từ “death” xem nên dịch là “cái chết” hay “sự kết thúc”, hay “cái kết”, sau tôi chọn “phút cuối” – dù đọc lại cả câu nói của Oscar Wilde, không thấy có “phút cuối”, chỉ là một trạng thái êm đềm yên ả vô cùng khi con người hòa nhập với thinh không, được bao bọc trong đất mềm dịu dàng, được lắng nghe sóng cỏ rì rào, dạt dào đâu đó, nghe sự tịch mịch của cõi bất sinh bất diệt, vĩnh cửu vĩnh hằng. Trong sự hòa nhập ấy, con người thực sự trôi cùng dòng thời gian vô thủy vô chung, không có bắt đầu hay kết thúc, không còn kí ức hay mơ tưởng, không phân biệt khoảnh khắc hay vĩnh hằng, nhẹ lòng “cho hận thù vào lãng quên”, bao dung với đời, tha thứ cho mình, buông lơi trong bình yên vĩnh cửu ngọt ngào. Không thể phủ nhận câu văn của Oscar Wilde đã loang thấm vào góc khuất khá tăm tối trong tôi mỗi khi nghĩ về “phút cuối”, đem lại chút gì đó như sự an lành.

Nhưng tôi hiểu cái kết êm ả ấy chỉ dành cho những tấm lòng lương thiện, nhất là dành cho những ngọn lửa đã đốt cháy trọn vẹn tâm huyết, sức lực của mình trong dâng hiến, không muốn lay lắt, leo lét trong lụi tàn thảm hại, chủ động tắt lửa trong êm đềm! Như trường hợp của nữ sĩ Quỳnh Dao, tác giả của những cuốn sách thực ra tôi chưa hề đọc vì ngày ấy khi xem phim Hoàn Châu cách cách, tôi hiểu đó không thuộc tạng tôi yêu thích; tuy nhiên, mấy nay khi đọc về sự lựa chọn cách “tắt lửa” của bà, tôi thực sự xúc động!

Tôi bỗng nhớ tới câu chuyện về loài hoa anh đào của xứ sở Phù Tang, loài hoa rực rỡ thắm tươi tới phút cuối cùng, không cam tâm để người đời nhìn thấy sắc tàn héo vô dụng; không bám víu lắt lay, khi nhận thấy sự dâng hiến đã gần tới tột cùng thì thanh thản nương theo ngọn gió mà rời cành, lượn bay trong không gian, dâng tặng những kẻ hữu tình một vẻ đẹp cao thượng tuyệt diệu lúc lìa đời!

Màu hoa thương nhớ

Từ khi khánh thành đoạn đường tránh lũ từ thị trấn Tiên Kỳ vòng lên bãi đá Lò Thung về làng Lộc Yên (thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam), tôi không phải chạy xe theo đường quốc lộ 616 đông đúc mỗi bận đi về nhà ba mẹ. Tôi thích con đường mới, thưa vắng người và hiển nhiên, nó thơ mộng hơn nhiều.

     Con đường này ôm chân những quả đồi thấp thoai thoải xanh, uốn lượn men bờ sông mà ven đường là lũ bìm bìm trùng trùng giăng phủ. Con đường ghi dấu bao nhiêu là kỷ niệm của lũ trẻ nhà quê buổi đi học, buổi chăn bò, hái rau, vơ củi, bắt ốc… và cả những trận xô xát tranh giành “chiến lợi phẩm”, mà phần thắng thường được quyết định bằng trò “oẳn tù tì” và tiếng cười giòn tan.

     Vậy đó, có nhiều duyên cớ để người ta yêu một con đường. Nhưng giao điểm dễ gây xúc cảm nhất, đó chính là ảnh hình gợi nhắc tuổi thơ. Tôi thêm yêu con đường về quê, đơn giản chỉ vì nó chạy ngang qua một đồi sim. Cuối xuân đầu hạ, hoa tím biêng biếc rồi nhạt dần, nhạt dần thành màu hồng phơn phớt mong manh. Hạ gọi nắng về cho hoa thêm rực rỡ, dù sim thường mọc ở vùng đất cằn khô. Nên hoa sim thường được xem là khúc dạo đầu của mùa hạ, gợi cả một miền thơ…

     Mùa xuân, trên từng nhánh lá, nụ hoa cứng cỏi mọc dày. Từ độ nhỏ li ti như đầu ngón tay em bé, nụ búp màu xanh xám lớn dần lên, nở ra cánh tròn và trái sim khi chín cũng tròn lựng, tím rịm. Loài hoa tím cả tuổi thơ ấy mọc nhiều ở vùng trung du đất đai khô cằn. Nhưng cũng thật lạ, trời càng nắng, hoa càng đẹp. Bình dị, mong manh nhưng cũng thật kiên cường trước điều kiện sống khắc nghiệt.

     Thuở nhỏ, từ xóm nhà tôi, đám trẻ dắt bò ra được đến đồng ruộng Hựu, ruộng Thị là phải leo qua hai quả đồi. Mà đường vừa dốc, vừa đá. Trâu bò rất sợ bước trên đá vì móng trơn không giống móng loài dê, nên chúng đi rất chậm trong nỗi sợ sệt. Như đoạn ra gốc cốc Dương Chùa, lũ mục đồng đứa cầm dây thừng lôi phía trước, đứa quất tới tấp phía sau, mà bầy bò trâu vẫn lọc cọc từng bước một. Giờ nghĩ lại thấy thương cả tuổi thơ, thương quá đỗi những con vật ngoan hiền cần mẫn. Nhưng hành trình nhọc nhằn ấy lại được đền đáp bởi bao nhiêu là cỏ ngon. Trong khi lũ trâu bò tha hồ thưởng thức bữa tiệc cỏ thơm tho với tiếng gặm rào rào sắc ngọt, thì những chủ nhân tí hon của chúng cũng được đắm mình với niềm vui bất tận.

     Mùa sim nở, mấy đứa con gái thích quá, hái mấy chùm giắt trên bó củi đội về. Mùa sim chín, vẫn còn một ít hoa nở muộn. Nhưng trái oằn cây, từng chùm sim tím thẫm no tròn căng mọng, vỏ mịn nhung. Thế là tha hồ hái, tha hồ ăn và chất đầy những chiếc nón cời hoặc mũ lác đem về. Tôi nhớ mỗi mùa sim chín, mẹ thường dặn: Bọn con đi hái sim phải cẩn thận, coi chừng “ông ba mươi” đó! “Ông ba mươi” là cách nói tránh về con hổ. Kinh nghiệm dân gian truyền rằng, mùa này, hổ thường hay xuống núi, rình bắt trâu bò. Tuổi ngây thơ vô lo vô nghĩ, may chúng tôi chưa gặp “ông ba mươi” nào mà chỉ thấy bóng dáng mình trong câu thơ:

“Em yêu mùa hè
Có hoa sim tím
Mọc trên đồi quê
Rung rinh bướm lượn
Thong thả dắt trâu
Trong chiều nắng xế …”.

     Lại nhớ hè năm lớp 6, tôi và Giang băng bộ hơn năm cây số qua đến tận xã Tiên An, quê ngoại của Giang để hái sim. Vì đồi Eo Bò, đồi Hang Dơi thuở ấy, sim nhiều không kể xiết. Hai đứa tha hồ vít vít từng bụi sim cao, hái được cả bao bố, lặc lè mang về.

     Tôi cũng không hiểu vì sao, còn nhỏ xíu mà bạn tôi đứa nào cũng thuộc ca khúc “Những đồi hoa sim” của nhạc sĩ Dũng Chinh. Có lẽ do bài hát này quá nổi tiếng. Những đồi hoa sim của mối tình tím biếc cả cõi lòng đã thấm một cách vô thức trong tôi tự lúc nào. Sau này, học lên cấp ba, tôi mới được biết đến bài thơ “Màu tím hoa sim” của thi sĩ Hữu Loan và mối tình người trai khói lửa với người em gái nhỏ hậu phương – bà Lê Đỗ Thị Ninh, thời chống Pháp. “Màu tím hoa sim” còn gợi cảm hứng cho rất nhiều nhạc sĩ khác như Phạm Duy, Anh Bằng. Sự cộng hưởng của thơ ca và âm nhạc đã khiến cho mối tình buồn trở thành bất tử. Hoa sim, từ đây, đã thành biểu tượng của tình yêu  và nỗi nhớ…

     Và tôi cũng biết, có chàng trai xứ Quảng đã tựa vào đồi sim trái chín mà khóc tuổi thơ bay – đó là cố nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển với ca khúc “Thu hát cho người”: Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt. Mùa thu nào đưa người về thăm bến xưa. Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ. Về đồi sim ta nhớ người vô bờ…”. Hoa không phải của mùa cũ, người tình rồi cũng chia xa. Nỗi hoang hoải nhập nhòa giữa cõi mơ và thực, mà hoa sim thì vẫn dịu dàng một màu tím thủy chung, đẹp như tình yêu, mong manh như tình yêu. Bài hát đã chạm đến nỗi lòng của bất kỳ ai từng thảng thốt và bồi hồi tiếc nuối vì bất chợt bắt gặp một đóa đẫm tương tư bừng lên giữa mùa hè đầy nắng và gió?

      Đồi sim quê tôi nay chỉ còn lại một “trích đoạn” nhỏ. Con đường từ Tiên Kỳ bọc sông Đá Giăng xuyên núi Dương Chức về làng đã làm thay đổi cảnh quan đáng kể. Nhưng hoa sim chỉ cần hiện diện thấp thoáng giữa ngàn xanh cũng đủ làm người rưng rưng niềm thương nhớ.

Tản mạn Hà Nội

Minh họa: Hoàng Phong

Tôi thường tới Hà Nội vào thời gian buổi đêm hoặc rạng sáng. Đó là một Hà Nội khác nhiều so với ban ngày. Không inh ỏi còi xe, không mịt mù khói bụi, đường rộng lối không tắc, phố dịu êm không giật thót những ồn ào. Hà Nội thời điểm này trầm lắng cùng với muôn ánh đèn, dịu dàng ôm lấy con phố, hàng cây.

     Tôi thường tới Hà Nội khi phố còn ngủ say, bốn bề đều an tĩnh. Đâu đó thoảng đưa tiếng chổi cô lao công gom rác, đâu đó chiếc xe ba gác nho nhỏ cũ mèm hòa mình vào khung trời lúc ba giờ sáng, dáng người cùng với dáng xe đổ bóng kéo dài thật dài. Hà Nội rộng lớn, ôm ấp muôn cuộc đời, tứ cố xô lại mưu sinh.

     Tôi thường tới Hà Nội một mình, nhiều năm nay vẫn vậy. Giống như bao người trong lòng có bệnh khác, vội vàng đạp sương đêm đến, vội vã cõng ánh ban mai trở về. Những chờ đợi dài lê thê nơi phòng chờ kết quả, những tiếng khóc không phát ra từ môi, tiếng thở dài không rên lên từ miệng, những khuôn mặt sầu lo mệt mỏi, buồn thương và hi vọng, đều vẽ tạc lại nơi đây. Hà Nội có nhiều nơi chứa đựng những khuôn mặt sầu lo mệt mỏi của cuộc đời. Và thi thoảng được chứng kiến đôi cuộc chia ly giữa hai lằn ranh vô hình của sinh tử. Có lẽ trong vài khoảnh khắc trùng lòng như thế, Hà Nội cô đơn nhiều lắm, thấy mình lạc lối giữa nỗi đau.

     Tôi tới khi Hà Nội đâm chồi xanh biếc lộc thắm màu. Tôi tới khi tiếng Ve không ngủ suốt đêm, buồn buồn ánh ỏi. Tới khi sương rơi ướt lẹm mùi hoa sữa, thèm một chút dịu dàng. Tới khi cây trên phố hoài rơi lá rụng, lặng mình đón một mùa sang. Tôi từng sống ở Hà Nội năm năm khi còn rất trẻ trung. Khi ấy thủ đô xa lạ, con người xa lạ, nạn móc túi hoành hành trên từng tuyến xe buýt, còn chúng tôi nghèo tới nỗi không dám dành một ngày cuối tuần vào nội thành uống một cốc nước me. Năm năm bươn chải nơi rìa phố khiến đôi mắt đỏ hoe, lại không bằng năm năm sau này có hẹn đều đặn với thủ đô phồn hội.

     Tôi từng không thích Hà Nội, bởi vì tôi không thích phố xá oằn mình. Đứa trẻ sinh ra ở quê luôn đau đáu sự trở về nhà, an ổn bên mẹ cha và an ổn một đời giản dị sống. Cho tới khi không ngừng phải ngược dòng trở lại, mới bắt đầu quan sát, cảm nhận và lắng nghe. Đó là một Hà Nội trong tôi rất khác.

Minh họa: Hoàng Phong

     Bát chè hạt đác mát lịm giữa đêm hè, chú grab mắt mũi đỏ hoe trong đêm đông kiếm thêm khách. Bát cháo đỗ xanh gạo nếp bốc hơi nghi ngút trong bến xe. Phố thơ mộng, đèn rực rỡ, hoa dịu dàng, đường lãng mạn… là Hà Nội trong những tấm ảnh được chụp lên bởi nghệ thuật. Mưa ngập lụt, đường tắc tịt, ngõ hẹp sâu… là Hà Nội của lòng dạ kẻ thập phương. Trầm lặng, bao dung ôm đời chảy, mang theo dấu vết của thời gian, mang theo sự sống cùng những nặng mang, chứa đựng tất cả niềm vui, nỗi buồn, bi thương hay hi vọng… Là Hà Nội của riêng tôi. Cũng có thể là Hà Nội của nhiều người giống như tôi nữa.

     Thi thoảng tôi sẽ hẹn hò. Những cuộc hẹn dịu dàng mà ngắn ngủi. Khi thì với người thân, khi với bạn bè, khi với những người chuyên viết lách. Món ăn ngon, cốc trà ấm, kể nhau nghe vài câu chuyện vừa gặp, cảm xúc thăng trầm nông sâu. Sau đó sẽ nói Hà Nội mùa này…

     Hà Nội mùa này thu đang đậm sắc, đông thập thò ngoài cửa muốn vào chơi. Tôi mang chút thu Hà Nội trở về quê khi phố đã lên đèn, lần nào cũng mang thật nhiều nên không lưu luyến. Nhân viên nhà xe cười thật xinh khen: ôi hoa đẹp quá, chị đang ôm cả mùa thu Hà Nội trong lòng. Tôi ngồi ở phòng chờ, uống cốc sữa nóng, chỉnh sửa vài bức ảnh chụp cùng em tôi và Hà Nội chiều nay, nghe bên cạnh khách chờ xe nhỏ to về những con đường dẫn tới thênh thang Hà Nội. Họ cũng giống như tôi, tranh thủ lội sương đêm tới khám bệnh, phủi ánh đèn trở về, xách theo một chút nồng nàn của Hà Nội khiến người xứ khác phải trầm mê.