nguyen-hong-2

Tác giả Nguyễn Hồng

T ôi lớn lên, cây mơ trước nhà đã thành một cái cây cổ thụ cao 5 thước, tán xòe rộng và cái gốc cứ xù xì, mốc thếch ra. Gần Tết trời ấm áp, từng chùm hoa mỏng manh tinh khiết bung nở dịu dàng, e ấp như cô thiếu nữ đang “ độ chín”.

Đứng trên cao nhìn về, ở ngay chính khoảng sân rộng kia có một “ụ rơm” tinh khôi, trắng muốt đang được nắng vàng sưởi ấm, chực chờ cơn gió nhẹ thổi qua, những cánh li ti phấp phới xoay tròn trong gió. Cánh rụng, từng quả non khẽ khàng vươn ra, tắm no nê trăng thanh gió mát cùng tinh túy trời đất, quả nào quả nấy lớn nhanh như thổi, to tròn, căng mọng.

Cành mơ nhìn khô nhưng mà dẻo, cha dùng cái móc kéo cong vút xuống để hái quả cho dễ nhưng cành tuyệt nhiên không hề gãy. Tôi thích nhất mỗi mùa trẩy quả, từng rổ mơ vàng ươm bóng bẩy chen chúc nhau, mơ thu được nhiều quá cha toàn đem chia cho mấy nhà hàng xóm, chỗ còn lại cha mua đường phèn ngâm cho tôi một hũ thật to đủ để uống đến mùa mơ sau mới hết. Tôi bị nghiện món mơ đá của cha nên mùa nắng ngày nào đi học về, trên bàn cha cũng pha sẵn cốc mơ ngâm trong lành, ngọt mát.

Cây mơ lớn hơn cả tuổi tôi bởi từ khi tôi biết nhớ đã thấy trước nhà âm thầm có cái cây cành khô đét, khẳng khiu gầy guộc. Thuở ấy cha đem cho không đắt bởi quả mơ ăn sống vừa chua vừa đắng. Về sau cha mang hết đi ngâm với đường, và chừa một ít ngâm cùng mật ong, mỗi khi trái gió trở trời tôi khục khặc ho, chỉ cần vài thìa siro mơ mật ong của cha thì hôm sau đã khỏi hẳn. Lúc mơ ngâm vừa tới, hàng xóm sang chơi cha đều mang nước mơ ra đãi, ai cũng khen ngon rồi mấy chú mấy bác mang rơm trộn với bùn sang xin cha cho chiết cành về làm giống. Sau này trong xóm gần như nhà nào cũng có một cây, nhưng chỉ có cây của nhà tôi là đẹp và có hồn nhất, cái gốc uốn lợn tạo thế cong cong, càng lên cao tán càng xòe rộng ra phủ rợp bóng mát cả một góc sân nhà, nâng tròn giấc ngủ trưa trên chiếc võng tre kĩu kịt cha giăng dưới gốc.

Sau này tôi lấy chồng, đi xa, vài đêm trống canh nơi xứ người cô quạnh âm thầm bó gối. Nhớ nhà, nhớ cây mơ có hai thân chạc xòe ra vững chãi mà ngày bé tôi hay đánh đu đến mòn nhẵn. Mùa sâu ăn lá, con nào con nấy trùi trũi gặm cắn ngày đêm. Cha buông đèn đêm đêm mò mẫm, chẳng để làm gì cả, sâu non cũng được vài cữ thôi rồi hóa bướm. Cha tìm bắt những con sâu to đang tìm cách đục khoét thân cây và cũng tránh cho tôi bị bọ nẹt đốt bởi hôm nào đi học về tôi cũng chỉ kịp thả cặp sách ngay đầu hồi nhà, vội vã trút bộ đồng phục ra rồi lại ống thấp ống cao trèo lên cây, không quên mang theo đùm bánh ít hay gói lạc luộc cha mua ở phiên chợ sáng.

Tôi lớn lên trong vòng tay của cha và ông nội. Mẹ mất năm tôi vừa lên 3, cha vừa làm cha, vừa đảm nhiệm chức vụ của một người mẹ. Sự bảo bọc của cha, tình yêu của ông nội khiến cuộc sống của tôi trôi qua nhẹ nhàng cho đến năm tôi vừa tròn 18. Sau một cuộc gặp gỡ định mệnh tôi quyết định chấm dứt việc học khi mới tốt nghiệp cấp 3 để lên xe hoa theo chồng đi xa nhà 300 cây số. Bỏ ngoài tai mọi khuyên can của nội, khước từ cả ánh mắt thẫn thờ tuyệt vọng của cha. Nhưng rồi hạnh phúc giữa tuần trăng chưa kịp ngấm, tôi bẽ bàng nhận ra những nỗi chua xót của đời mình nhưng quay lại không được nữa. Hai đứa con lần lượt ra đời, gia giáo khắt khe khiến đường về nhà của tôi xa hun hút. Ngày tôi sinh đứa thứ hai, cha xách balo đi chăm tôi trong bệnh viện. Có rất đông người ở đây, nhưng họ đều xúm lại hân hoan bên đứa cháu đích tôn vừa chào đời. Chỉ có cha lặng lẽ ngồi bên, giúp tôi xoay trở thân người rệu rã vì đau đớn và tê liệt nhưng không bằng khi cha cất tiếng “ Có đau lắm không con” nước mắt tôi trào ra như đê vỡ.

Bà thông gia dùng ánh mắt nguýt dài sắc lạnh khi bàn tay cha vụng về làm rơi rớt sữa. Lúc vắng người, tôi khẽ khàng bảo cha ra về, ánh mắt cha dại đi, trống rỗng, “ Khi nào con xuất viện thì cha về”. Tôi len lén quay mặt đi, một hai giọt nước mắt tí tách rơi trên gối, đã quá trễ cho những nỗi hối hận muộn màng, cho mọi sự xốc nổi bồng bột của tuổi trẻ đánh đổi bằng nước mắt và những tủi hổ không bao giờ đáng có của cha tôi, người cha già suốt một đời tận tụy.

Nội tôi cưỡi hạc về trời sau một thời gian ngắn chống chọi bệnh tật. Một mình cha ở trong căn nhà thênh thang hun hút gió. Lắm hôm, tim tôi buốt nhói khi nhìn qua cam, cha lặng lẽ bê mâm cơm nguội ngắt, thẫn thờ để đó rồi lại bưng đi. Nhưng cứ hễ khi tôi gọi điện về trách móc, cha lại “ Ôi dào, con về đây mà xem, cha gần sáu chục cân rồi chứ đâu có ít”.

Và rồi tôi cũng về với cha thật khi đã đi qua đổ vỡ, vực dậy chuyện học hành khi đã ngấp nghé tuổi 30. Những chuyến xa nhà biền biệt, thương cha, nhớ con quặn thắt gan ruột. Nếu không nhờ tình yêu thương bao la của cha tôi biết chắc không bao giờ mình có thể vượt qua được. Người ta vẫn thường nói chuyện về nhà và những chuyến đi xa, nhưng mỗi chuyến trở về và rời đi của tôi chưa bao giờ bị vơi bớt đi dù phần nào cảm xúc. Hạnh phúc rưng rưng khi được về, xót lòng khi mỗi tiếng tút dài trong điện thoại vang lên chưa đến hồi thứ 3 cha đã vội vàng bốc máy “ Đến đâu rồi con, cha ra đón nhé”. Rồi lại thẫn thờ nhìn bóng cha cô đơn trong chiều mưa gió rét, thân ảnh nhỏ thó, gầy gò trong chiếc áo mưa cũ sờn bạc thếch, nước mưa hắt ướt hết khuôn mặt đầy rẫy chân chim và những vệt tóc mai đã phôi phai màu sương gió.
Thêm 4 năm dài đằng đẵng cha chăm cháu, nuôi con ăn học. Sau khi tốt nghiệp tôi may mắn xin được một công việc gần nhà. Tự nhủ rằng từ giờ về sau cố gắng để cha không vất vả nữa. Nhưng thời gian cha ở nhà lại ít hơn số lần ra vào trong bệnh viện bởi tuổi già cộng với kham khổ thời trẻ trai khiến trái tim cha không được bình thường nữa. Ngày nhận kết quả, tôi suy sụp khóc không thành tiếng. Ngay cả khi tôi và người kia rẽ hai đường ngược hướng, từ thân thuộc dần trở nên xa lạ tôi cũng chưa khi nào cảm thấy mình đau đớn và khổ sở đến như thế. Nửa đêm, tôi bất lực với những cơn đau đang hoành hành nơi ngực trái, với số lần cha khó thở hụt hơi cứ vội vã tăng lên, những vết bầm đen trên mười đầu ngón tay cha càng lan nhanh và rộng, lan cả vào tim tôi những nỗi đau đớn cắn rứt mãi mãi không lành.

Cây mơ bị gió quật ngã cành lớn sau một trận bão trái mùa khủng khiếp. Người già bảo cây bị “ chậm lại” để chữa lành thương tổn. Năm đó mùa đông đến sớm mà dài, sương trắng rét cắt da cắt thịt phả ra trắng núi. Những đọt lá mơ non chưa kịp nhú ra đã bị sương lạnh làm chột lại không nảy nở được nữa. Không có chồi non lộc biếc, cũng chẳng thể tạo những cánh hoa, tôi hốt hoảng nhận ra cái cây cổ thụ năm nào cũng sai hoa trĩu trịt quả, vững chãi như tường thành mà mình ngỡ không có phong ba nào đánh gục được giờ đây cũng bị cái khắc nghiệt của tạo hóa khiến cho tả tơi xơ xác thế. Đông hết, trời ấm dần nhưng cây vẫn khô quắt lại, cảm nhận sự sống mãnh liệt trên thân cây đang dần theo vết gãy trôi tuột ra ngoài.

Và điều kì diệu chỉ đến khi mùa xuân năm sau, từ thân khô xám quắt nảy ra một rồi hai, rồi vô vàn chiếc lá, từ kẽ lá lại nở bừng ra những chùm hoa ly ti vàng trắng. Vết gãy kia tạo cho thân cây tàn tích u buồn trầm lặng nhưng đẹp một cách ngỡ ngàng . Nửa gốc bị gió quật ngã nhú ra những cành non mơn mởn, nửa còn lại gánh vác thất thảy nhiệm vụ nuôi dưỡng cây đơm hoa kết trái, săn sóc mầm non vừa nhô ra. Càng già, nửa thân cây càng cong rạp xuống. Ở giữa khúc cong ấy, tôi hay mường tượng ra cảnh cha cõng đứa bé con từ lên 3 cho đến lúc trưởng thành.

Bài trướcMùa Thu rất ân cần
Bài tiếp theoHoa dại ven đường
Nguyễn Hồng
Nửa gốc bị gió quật ngã nhú ra những cành non mơn mởn, nửa còn lại gánh vác thất thảy nhiệm vụ nuôi dưỡng cây đơm hoa kết trái, săn sóc mầm non vừa nhô ra. Càng già, nửa thân cây càng cong rạp xuống. Ở giữa khúc cong ấy, tôi hay mường tượng ra cảnh cha cõng đứa bé con từ lên 3 cho đến lúc trưởng thành.