Ngô Văn Cư sinh năm Ngô Văn Cư sinh năm 1954 sống tại Hoài Ân, Bình Định. Ông là giáo viên văn hiện đã nghỉ hưu. Ngô Văn cư đã cho ra 14 đầu sách, tác phẩm gồm thơ, truyện ngắn, tản văn, 2 lần đạt giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu và nhiều giải thưởng khác khác…

A i cũng nói khi đi xa mới thấy nhớ quê hương, bởi nơi đó có cả một quãng đời ấu thơ tươi đẹp, cả tuổi thanh xuân ngọt ngào và chính quê hương là nơi ta trở về khi chân chồn gối mỏi. Riêng tôi, tuổi trẻ đã để lại nơi đất khách vì chiến tranh.

Tôi theo cha mẹ đi tản cư khi còn nhỏ và những trò chơi tuổi thơ không được vui đùa trên đường làng quê nhà. Đến khi trưởng thành mới trở lại mảnh đất chôn nhau. Ký ức về quê cha đất tổ mờ nhạt như khói sương. Nhưng ngay cả khi sống gần cả đời trên đất quê vẫn nao lòng quay quắt nhớ về miền cố xứ.

Ký ức về quê nhà đâu chỉ những trò vui thời thơ ấu. Mà đôi khi chỉ là những phút giây sống chậm lại; nằm trên chiếc võng đong đưa bên hàng hiên vào mùa hè năm ngoái đã trở thành kỷ niệm thân thương của năm nay. Ngõ quê có dáng cha với đôi chân lấm lem bùn đất; có dáng mẹ với đôi quang gánh nặng trĩu trên vai, tảo tần nuôi cháu con khôn lớn cứ chập chờn trong từng giấc ngủ cũng là ký ức khó phai.

Làm sao giấc ngủ không chập chờn khi mỗi lần bước ra ngõ là gặp những người hàng xóm chân chất giàu lòng nhân hậu, nghĩa tình; gặp hàng dừa, bờ tre, ruộng đồng, bờ bãi cùng bao con vật thân quen nơi thôn dã; gặp những rơm rạ ngày mùa vàng ươm ngút ngát.

Làm sao tôi có thể quên những ngôi nhà liền kề chỉ cách nhau hàng rào chè tàu cắt tỉa thẳng tắp chưa bao giờ có cổng để khóa; nhà bên này bên kia có thể vói tay để chia sẻ thức ăn hoặc trao đổi tin tức, kinh nghiệm cho nhau như ở cùng chung nhà.

Tôi thích thú với cái cổng nhỏ mà bọn trẻ con tự tạo bằng cách vạch hàng rào chui qua lại giữa hai nhà liền kề. Có cả ban mai tinh khôi theo nắng tìm về đã trở thành nỗi nhớ của buổi chiều có mưa giông ì ầm sấm chớp. Có cả trên lối nhỏ đi về cũng làm lòng mình thương nhớ ngõ quê. Thì ra những hình ảnh hiện lên trong hoài niệm, dù vừa mới xảy ra, đều có chung một lý do là nhớ.

Những lần rời quê ít ngày vì công việc, quê nhà hiện lên trong tôi thật gần gũi. Đó là nỗi nhớ quay quắt vẻ nồng nàn của nắng gắt; nắng làm cho làn da mỗi người nhà quê ngăm đen; nắng cháy tóc đen thành màu râu bắp; nắng làm cho mọi ánh nhìn như muốn đốt cháy trái tim người đối diện; nắng bỏng rát, gay gắt khó quên. Đó là nỗi nhớ da diết sự dai dẳng của mưa đầm; mưa làm con đường quê thêm lầy lội; mưa làm bùn quện vào chân khiến không giày dép nào sử dụng được; mưa kéo mọi người trong nhà xúm xít gần hơn bên bếp lửa; mưa làm dịu mát những giận hờn vô cớ.

Đó là nỗi nhớ bâng khuâng về những ngày yên bình và hạnh phúc; những lần lê la quán cúp tóc mà tán chuyện đông tây kim cổ; những khi uống trà, đánh cờ mà sự thắng thua xem như một trò đùa; những ngày chở cháu sau xe dạo quanh làng để tận hưởng cảm giác yên bình, đầm ấm. Có khi lại nhớ đến khoảnh sân rộng đầy bóng mát tụ tập những người hàng xóm thân quen thưởng thức món ăn dân dã, quê mùa mà chuyện trò rôm rả. Trái bắp nướng, rổ đậu phộng luộc, trái mít đầu mùa… thường là món quà quê thơm thảo được đem ra đãi xóm làng.

Nhớ biết bao nhiêu những ngôi nhà có hàng rào dâm bụt hay chè tàu mà không có cổng như mời gọi khách, như tấm lòng rộng mở của chủ nhân. Cứ mỗi lần nhớ về hình ảnh quê nhà, dù là hình ảnh vụn vặt, là tôi biết mình đang thao thiết nhớ về quê hương. Thì ra những hình ảnh hiện lên trong quá khứ khi ta vừa mới rời xa, đều có chung một lý do là nhớ.

Quê tôi cũng giống như bao làng quê khác trên mảnh đất miền trung nghèo khổ này. Người dân phải một nắng hai sương mới có miếng ăn đủ đầy và nơi ở ấm áp. Khổ cực là thế nên rất nhiều trai tráng đem sức lực của mình đổi lấy áo cơm ở nhiều miền quê khác. Nhưng có mấy ai đi biệt xứ không quay trở về nhà, đoạn tuyệt với nơi chôn nhau cắt rốn? Chẳng phải trong tự sâu thẳm của mỗi chúng ta bước chân ra đi là để có chỗ để trở về. Biết bao điều nhỏ nhặt của cha mẹ, người thân, bạn bè đã từng chia sẻ khi vui khi buồn; lúc thảnh thơi lúc mệt mỏi cứ đọng mãi trong không gian riêng tư của chính mình. Để bây giờ, khi nỗi buồn vây bủa; công việc căng thẳng, mệt mỏi; cuộc sống chợt chững lại; thì chắc chắn điều duy nhất hiện lên trong đầu là hình ảnh quê nhà.

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều tỉnh thành trên đất nước, hàng ngàn, hàng vạn người từ các thành phố lớn vội vã đùm túm về lại quê nghèo mới thấy quê hương là nơi bình yên nhất, nơi có thể ta yên tâm gởi gắm cuộc đời. Có người vượt hơn ngàn cây số bằng phương tiện cá nhân cọc cạch chỉ nhằm sao cho được về tới mái nhà thân quen mà mình từng dứt áo ra đi. Khi ra đi, cứ ngỡ rằng sẽ lập nghiệp được ở đất khách. Khi trở về mới hiểu rằng quê nhà là nơi ta có thể yên tâm gởi cả cuộc đời.

Rồi mọi người sẽ bỏ lại phía sau những con đường phồn hoa, rộn ràng xe cộ để được về ngôi nhà nhỏ thuở ấu thơ; ngôi nhà có hàng rào cây xanh cắt tỉa cẩn thận, có mẹ ngồi chia quà sau mỗi buổi chợ quê, có cha ngồi uống trà trước hiên và dĩ nhiên, bọn nhóc chạy khắp sân với trò chơi dân gian muôn thuở… Vòng tay quê hương dẫu nghèo, khẳng khiu nhưng đủ ôm ấp cưu mang mọi kiếp người. Trong cái họa của dịch bệnh ấy biết đâu lại là cái mầm của hạnh phúc. Mai đây, dịch bệnh sẽ qua đi và tình người ở lại; hết tiếng than van lại rộn rã tiếng cười. Những lần ra đi và trở về đều để lại trong lòng mỗi người một nỗi nhớ khó quên.

ĐẤT HÓA TÂM HỒN

Ảnh: Tô Mạnh

Tôi may mắn hơn nhiều người khác; chưa phải bôn ba xứ người nên sự cồn cào nhớ nhà, nhớ quê chưa thật rõ nét. Nhưng mỗi đêm về, tôi vẫn thấy nỗi nhớ da diết thiên nhiên, con người, sự việc trôi ngang qua đời mình từng ngày. Phải chăng đó cũng là nỗi nhớ quê hương? Nếu thật vậy thì: quê hương, không đi xa vẫn nhớ.