Gửi người Bụi phấn hương tay

               Chuyển đến ở cùng cha tôi trong khu tập thể giáo viên trường cao đẳng sư phạm Thái Bình, một buổi khi “Nắng vào thu” tôi tìm được trong chồng sách của cha mình “Bụi phấn hương tay”.

    Tôi nhớ đó là một tập thơ khổ nhỏ, bìa màu sáng bạc, trên trang đầu có ghi dòng chữ : ” Thân yêu tặng anh chị và các cháu”. Đó là bút tích của người thơ Trọng Khánh “Người đánh trống trường” tôi.

    Thu ngẩn ngơ mùa nên thu chùng? Ai vẩn vơ chùng thêm tơ đàn? Vậy nên thời khắc mùa thu có khi mơ màng vài đoạn buồn vị kỷ. Có những những khi lại than thác thầm thĩ lên khơi. Lạ lắm thay những thứ nhẹ nhàng mênh mang chẳng thể gọi tên người ta cũng cho rằng đó là thứ buồn cố hữu. Đẹp hình hài, đẹp cội rễ, đẹp tạc khắc vào thời gian, ra đi và không bao giờ trở lại, đó chẳng phải là buồn sao?

                                                       Đêm ấy lần tìm về cánh cổng nhà mình qua những tấm hình hai mươi nhăm năm về trước, THPT chuyên Thái Bình ở số 194 Lý Thường Kiệt im lìm khép hờ như vẫn đang đợi những hồi trống gióng lên vồn vã, lim dim nheo mắt, bụi mờ trắng phấn hương tay. Người đã ở đâu và ở đâu…Đó là một tấm hình quá đỗi bình thường nhưng nó đã chạm đến vô vàn thương yêu trắc ẩn của các thế hệ thầy trò chúng tôi. Nhìn qua khe cổng tôi như một kẻ phi mình từ thinh không ngút ngát cho đến khi gần tiếp đất cũng chưa bật nổi chiếc dù bung ra để níu chặt những cảm xúc, để cứu sinh khoảnh khắc gieo mình.

    Tôi chuộc hồn xưa bóng cũ, tôi thấm tháp không gian và thời gian, tôi đăng đàn dọn dẹp thảo thơm lòng dạ mà mà nghe thi nhân khoan nhặt trở về.

    Tiếng trống vang lên
    Không gian nào cũng chật
    Và thời gian chìm đi trong khoảnh khắc
    Học trò các nơi
    Ùa vào lớp học
    Mặt trống rung lên
    Những dãy nhà
    Im phăng phắc
    Giọng thầy giáo già
    Tiếng khoan tiếng nhặt
    Câu dân ca
    Dào dạt lòng người
    Dùi trống gầy đi
    Qua tiếng tùng, tiếng cắc đổ hồi
    Cánh hoa phượng nở hồng đầu mùa Hạ
    Khi tang trống giục cây thay màu lá
    Một bài toán khó giải cho đời
    Người đánh trống trường tôi
    Gân săn sợi mây
    Đuôi mắt cười qua mỗi lần thay mặt trống
    Chiếc dăm tre căng phần da mỏng
    Để âm thanh cuộc sống chất đầy
    Mùa hanh tiếng đanh nhức tay
    Mùa nồm tiếng chìm mỏi bắp
    Ngày buồn tiếng tròn rõ nhịp
    Ngày vui tiếng nổ bung trời
    Người đánh trống trường tôi
    Tóc bạc, già rồi
    Tiếng trống vẫn giòn như thời trai trẻ
    Nhịp vẫn đều và âm thanh vẫn khoẻ
    Như tiếng cười
    Của lứa tuổi mười lăm.
    Người đánh trống trường tôi
    Cả cuộc đời
    Gửi vào âm vang
    Như trái tim
    Thình thình nhịp đập.
    Người đánh trống trường
    bài thơ giải nhất cuộc thi của báo Giáo dục & Thời đạị

    Cha tôi có nhiều bạn bè là văn nghệ sỹ, bởi vậy ngay từ nhỏ tôi đã có cơ duyên được lắng nghe những ngày nhạc đêm thơ và vùi hồn mình trong hương lúa bộn bề xứ sở. Khi ở trường tôi gọi người thơ là thầy, nhưng khi ở ngoài tôi gọi nhà giáo ưu tú là chú.

    Đôi khi phơi phới thầy thường nheo nheo con mắt đọc thơ cho tôi nghe và hay gọi tôi là Trọng Huy chứ không gọi là Hồ Huy như các cô chú và các bác trong hội văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Có lẽ thầy ưng chữ Trọng giống như một phần thương hiệu bút danh tài hoa của mình.Bọn học trò ở đâu mà không ma không quỷ, học sinh trường chuyên chúng tôi cũng chẳng phải thánh thần.

                Nhớ ngày đó thầy bị thoái hóa cột sống, việc cử động cái đầu một cách linh hoạt như người bình thường là quá đỗi khó khăn. Khi ai đó gọi từ phía sau thầy phải dừng lại quay nhẹ nhẹ chậm rãi cái đầu rồi vặn thêm một chút lưng mới có thể đối mặt khôi hài. Chính cái cảnh tượng đáng yêu bi hài ấy mà chúng tôi mượn thơ Nguyễn Đình Thi để định danh cho một phong cách: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại…”

    Trọng Khánh là một nhà thơ nhưng lại là người mẫn cán trên cánh đồng giáo dục. Thương hiệu “Khánh hóa” và danh hiệu nhà giáo ưu tú mặc nhiên trở thành cốt cách của một người thầy tài hoa. Thương hiệu thôi thì chưa đủ thầy còn có những tài sản vô giá là biết bao thế hệ học trò giỏi giang thành đạt.

    Đáng kể là huy chương bạc Olimpic hóa học quốc tế tại Đức mà Trần Ngọc Tân đã gặt lấy mang về. Đó không chỉ là niềm tự hào của Tân của thầy mà còn là sự hãnh diện của các thế hệ thầy trò trường chuyên Thái Bình chúng tôi. Ai bảo chúng không thể không kiêu hãnh. Thầy đã dạy cho chúng tôi phải biết kiêu hãnh như thế nào

    Với tôi “Người đánh trống trường” chính là hình tượng người thầy cả một đời chưa một ngày quên dùi bỏ nhịp, dẫu là trống “Tiếng khoan tiếng nhặt” thì đã “Như trái tim thình thịch nhịp đập, cả cuộc đời gửi vào âm vang…”

    Tiếng trống định kiến vô tri, thầy đã cho nó mượn một linh hồn mà nhắc nhở mà hối hả năm năm tháng tháng học trò. Người văn, kẻ sỹ bầu rượu túi trăng Trọng Khánh lãng đãng sớm gió chiều mây, bị cuộc đời xô đẩy vào thơ, ấy vậy mà vẫn chưa một ngày gàn dở buông bỏ trên vai cây thập tự Thầy…

    Có nhiều khi tôi chắc mẩm tài thơ “Khánh Hóa” như một thứ phụ gia ngọt ngào khiến những công thức lề luật khô cằn trổ bông đầy cánh đồng trường Chuyên tỉnh lẻ. Tôi vốn                                              không ưa thứ thơ ca phải vặn chữ này, phải vẹo chữ kia, làm thơ mà toát mồ hôi như kiểu ăn một cân chữ nhả vài hèo trăng.Thơ của thầy tôi cứ cà giật cà giật, mới đọc chưa vần mà lúc thấm thì uyển chuyển như những nguyên tố hóa học trong một bảng tuần hoàn định mệnh.

    Thầy tôi sớm ra đi trong cái vòng tuần hoàn nghiệt ngã ấy. Trường tôi đã trễ nải bao hồi trống giục trống dồn, học trò như đám diều đói gió no dây. Thi ca đã nghiêng mình đưa tài hoa về chốn ưu tú vĩnh hằng. Chốn ấy là Thầy.

    Một hôm khi nhớ về thầy Trọng Khánh tôi mỉm cười hạnh phúc. Người đang ở đâu trong thế giới nào, trần gian vẫn bâng khuâng bụi phấn, vẫn ý tứ bồi hồi hương tay. Và cuộc đời một người thầy bốn mùa gieo hạt, đã tự xanh non bản tình ca cần mẫn trên cánh đồng quê hương.

    Tôi có cảm giác thầy mới vừa đâu đây, như một thời khắc ngất ngư của người nghệ sỹ, dìu dặt bạn bè mà lạc trôi, lạc trôi. “Người đánh trống trường” tôi đã hóa thạch những thanh âm vào nhớ, vào thương, vào nếp xưa nề cũ, vào năm trước, vào năm sau, vào những mùa quả trĩu ngọt trong cả chiêm bao.

    Ôi… “Người ra đi đầu không ngoảnh lại” Tiếng trống cười, lời trống khóc, những không gian im bặt, những thời gian cay mắt. Gửi người “Bụi phấn hương tay”… 

    ( Nhớ thầy trước ngày hội trường 30 năm)