Tôi không biết thổi khèn như Lò A Sùng, tôi không giỏi bắn tên như Giàng A Chính, nhưng thời gian của tôi cứ vùn vụt trôi đi như mũi tên, cứ âm ba điệp điệp như điệu khèn bè bạn. Ai đó khóc, ai đó cười, ai đó say còn tôi cứ ngân nga mãi thương nhớ vùng cao.

Cứ mỗi độ thu về hơi may ẩn dật trên các triền núi, ven lối đi, trong bản nhỏ, khứu giác của tôi lại trầm kha mùi nếp nương, điệu khèn đổ lửa, màn giăng sạp rượu nồng và ngất ngây những đêm Mường tịch mịch.

Là lúa đó, nó chín từ chân đèo, nó ngả từ xanh lá mạ tới vàng ruộm trăng non, là nếp đó nó vắt từ lưng chừng nương đến bộn bề thôn bản. Đâu đâu cũng thấy một màu vàng nhớ thương day dứt. Tây Bắc ư mùa thu gấm vóc những nẻo đường.

Ừ nhỉ tháng chín xếp nắng lên gác bếp, tháng chín gùi gió vào nhà kho, tháng chín đổ vàng ra nương rẫy, nhìn mấy đường dao đi, ngước mấy đường trâu về đâu đâu cũng ngờm ngợp no tròn màu lúa. Vậy ư? Ai bảo thương nhớ vùng cao.

Mùa lúa chín ở Tây Bắc diễn ra vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 10, chẳng gọi mời thì đã làm bồn chồn những đôi chân ham đi gửi mộng mà chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vùng cao Tây Bắc.
Ai trầm trồ khi bước chân vào thung lũng hùng vỹ ở Mù Cang Chải  với những thửa ruộng bậc thang vàng ươm trải dài trên những sườn núi cheo leo. Ai chết lặng Lao Chải, những áng mây bồng bềnh trôi trên ruộng bậc thang như mênh mang gợn sóng. Ai bảo thương nhớ vùng cao?

Có một hôm nào đó chẳng như bao hôm nào ở bản Phùng thuộc huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang bạn thức dậy trong một buổi sớm mai. Ô kìa bình minh nhen nhóm giữa những lớp lúa vàng đang độ thu hoạch, lúa ngả vào gió, lúa nắng vào mây, lúa bồng bềnh xếp vàng xếp bạc.

Đừng vội giật mình mà ngã vào mùa màng bản nhỏ. Ai bảo thương nhớ vùng cao. Đừng có ngạc nhiên khi ai đó ném bạn vào một buổi chiều Tú Lệ, sau những hạt mưa cuối mùa mỏng mảnh, dưới thung sâu những hạt nắng cuối ngày vỡ òa lặn vàng vào lúa, se khô vào gió mà mơ hồ lên khơi mườn mượt những thang trời. Chết lặng ư? Ai bảo thương nhớ vùng cao.

Tôi đã từng ngã vào nụ cười của một cô gái Mông, đã ngẩn ngơ trong một vài lưỡi hái, tôi ước mình là lúa mà vàng rực những tháng ngày, tôi ước mình là gió mà thơm nếp những mùa nương.
Ngày trôi đi, giờ trôi đi, tháng năm biền biệt những mảnh vàng Tây Bắc. Đời người ai biết được những niềm vui nhỏ bé vùng cao. Đừng ước nữa tôi chỉ muốn làm một điệu khèn thôi để nhảy nhót những tháng năm này, giữa vùng trời này. Ai bảo, thương nhớ Vùng Cao.

Có những đêm phải ngủ lại Pù Luông, có những khi offroad xuyên rừng, có đôi lần lạc như thú hoang trekking men theo sườn núi tôi cũng chẳng hơn gì Lưu Nguyễn ngày xưa lạc bước tới Đào Nguyên.

Vùng cao là vậy khắc khoải như bìm bịp than chiều, dớ dẩn mà ngồ ngộ như đôi dép tông Lào gã choai choai trong bản. Vùng cao là vậy, vụng về như lưỡi hái thôn nữ trăng tròn mà thoăn thoắt chuyển mùa ươm hạt. Chết chửa, ai bảo thương nhớ Vùng Cao.

Là bùa đấy, là ngải đấy, mùa thu là thứ bùa ngải ám ảnh con người. Đừng sợ, tôi đã nhiều lần muốn được chết chìm trong thứ bùa ngải ấy để mà vĩnh hằng. Tháng chín ư, tháng chín mà làm gì, đừng nói lại thương nhớ Vùng Cao?

Cánh đây chừng mười năm, lâu như bước con trâu đẩy dốc, tôi và vài người bạn đã chia ba con đường Y Tý. Một đường bắt đầu từ dưới chân đèo Ô Quy Hồ dốc ngược lên như đỉnh trời. Một đường được đi xuyên từ Bát Xát – Bản Vược qua Mường Hum mà vào và đường thứ ba là từ tận A Mú Sung, điểm gần sát với Lũng Pô – nơi con sông Hồng buông mình vào cõi Việt.

Mấy anh em chúng tôi chẳng ai bảo ai dang hai tay mà ôm trọn tháng chín vào lòng, lúa rục rịch tay áo, lúa vàng rực khom lưng, lúa ngả vào lòng thơm thảo. Tôi mon men chạm đến mây trời.
Mấy hôm trước Vũ Mạnh Cường gọi: Hồ ơi về Trạm Tấu nhớ ghé Homestay mình nhé…Dông dài nữa nhưng tôi chẳng thể nào nhớ hết đã nói những gì, đã nghe những gì, trong lòng chỉ trào dâng một ham muốn, một ham muốn tột bậc…xách ba lô lên và đi…và đi…

Cường kể: “Mình chưa kinh doanh du lịch bao giờ nên cũng hoang mang lắm. Nếu tiếp tục khai thác thị trường trong huyện thì không thể thành công. Và mình bắt đầu lên mạng học hỏi mô hình kinh doanh du lịch homestay thu hút khách từ dưới xuôi lên”.

Từ một mảnh đất xung quanh là ruộng đồng, Cường vay vốn ngân hàng mở rộng quy mô homestay. Đến nay, tổng diện tích đất homestay này hơn 2 ha, bao gồm cả bể bơi khoáng nóng, nhà sàn và đồi thông. Hiện tại, homestay của anh Cường có 19 phòng nghỉ, trong đó có 17 phòng nhỏ và 2 phòng tập thể.

Những ngày cuối tuần, lượng khách dưới xuôi lên nghỉ dưỡng kín phòng, còn những dịp lễ tết, mỗi ngày khu nghỉ dưỡng thu hút 1.000 lượt người đến tham quan, vui chơi. Nói tới homestay tôi lại nghĩ về Trần Vũ và Chez Vu Homestay Phú Quốc. Khỉ thật, tôi là ai mà cuộc đời cứ mắc nợ những bàn chân.

Tôi là ai? Tôi không biết thổi khèn như Lò A Sùng, tôi không giỏi bắn tên Giàng A Chính, nhưng thời gian của tôi cứ vùn vụt trôi đi như mũi tên, cứ âm ba điệp điệp như điệu khèn bè bạn. Ai đó khóc, ai đó cười, ai đó say còn tôi cứ ngân nga mãi thương nhớ vùng cao.