31.2 C
Hanoi
Thứ Tư, Tháng 7 16, 2025

Đời nến

K ý ức con người là một thứ...

Những ánh trăng quê

N hìn ánh trăng chảy tràn trrên...

Chỗ dựa mang tên ba

Ba tôi có một thói quen lạ....
Trang chủ Blog Trang 67

Đếm thời gian khi đi qua cánh đồng

Nếu như người quê thường đếm thời gian khi đi qua cánh đồng thì ở phố, người ta thấy thời gian trôi qua những hàng cây.

     Mùa tháng Ba, mỏng nhẹ như tơ trời, với ánh nắng ửng trên màn sương trắng loãng. Lúa ngoài cánh đồng vừa phấp phỏng lên xanh. Cây trên phố vừa hé bừng lộc biếc. Bao người lại qua, một sớm kia ngỡ ngàng trên những vòm cây hôm nào đã xôn xao thay màu lá mới. Cho ta thoáng giật mình: Ôi thời gian, sao mà nhanh quá! Như thảng thốt trên đầu mình tóc đã thêm sợi bạc.
Thế đấy, thời gian- những khoảnh khắc vô hình ta đâu thể nắm bắt cứ trôi về vô cùng vô tận, nhưng lại làm mái tóc xanh một ngày thành tóc trắng.

     Nhưng cũng chính nó, kỳ diệu thay, chữa lành bao nhiêu vết thương trong tâm hồn con người. Để rồi không còn nữa những đắng cay, tuyệt vọng – những điều mà khi ta chạm phải ta đã muốn dừng bước. Mỗi bước đi của thời gian, mỗi bước đi non dại chập chững của ta, vượt qua ngưỡng đời chật hẹp và khó khăn, ta lại có thêm sự trưởng thành. Để có một ngày bình thản nhìn cuộc đời, lại vẫn hân hoan đón đợi… Bởi biết rằng, những cánh đồng lại run rẩy cây mạ lên xanh. Những mùa cây lại cho lộc nõn sau lớp vỏ xù xì…

     Và mẹ ta, bà ta, sau những lấm láp bùn quê, lại thong thả bước chân lên chùa, vui hội. Mùa lộc nõn này cũng là mùa lễ hội. Niềm vui như ngưng lại trên nụ cười, trong ánh mắt. Lấp lánh những tin tưởng, đợi chờ… Như thể là mắt lá trong một sáng mùa này rung rinh mãi những non tơ, như chưa hề biết rằng đã có đông giá và bão gió đi qua…

     Đếm thời gian đi qua cánh đồng…Ban mai lóng lánh. Cỏ ướt, chân trần. Ô cửa xanh mở ra phía rặng tre, lá khô thả thuyền trên mặt ao trong vắt.

     Trưa thơm khói. Nắng Xuân nhảy nhót trên rặng đài bi rời rợi xanh. Má ửng hồng, và nỗi bàng hoàng của ánh mắt chạm nhau sau rặng cây còn vương những sợi dây tơ hồng rực rỡ…

     Đêm ảo huyền. Có bông cau rụng khẽ dưới sân gạch êm rêu. Trăng biếc buông xuống đất, xuống cỏ, xuống rơm…bao nỗi dịu dàng. Bạn đã từng có nó trong đời thực chưa? Có thể là có rồi, nhưng nó ở xa quá, hoặc có thể nó quá đẹp đẽ, quá mỏng manh khiến bạn chưa bao giờ tin nó là thực trong đời mình. Và nó vĩnh viễn thuộc về giấc mơ…

     Những khi đi về dưới vòm khuya sương lạnh, có cảm giác như nỗi buồn treo mình như những cánh dơi đêm. Có thể im lìm, cũng có đôi khi quẫy đạp, nhưng rồi sau đó lại rơi thăm thẳm vào bóng đen đặc quánh, bí hiểm.
Nếu như người quê thường đếm thời gian khi đi qua cánh đồng thì ở phố, người ta thấy thời gian trôi qua những hàng cây.

Chỉ có sóng dẫu đã bạc đầu vẫn còn nông nổi

Chỉ có sóng, dẫu đã bạc đầu vẫn còn nông nổi. Nên biển, dài rộng thế vẫn chẳng khi nào lặng yên.

Chúng tôi đi qua những con đường chiều nắng đang vãn mà cánh đồng phía 2 bên xa xăm lại mờ ảo màn sương cuối cùng của mùa Xuân, của tháng ba. Những ngọn núi xanh trầm tĩnh ngàn năm, chợt nhói vết thương loang màu đất đỏ. Nhưng rồi mây trắng, nhanh lắm, đã ùa xuống như những ngọn thác, dần choàng lên núi màu viễn ảo. Rồi những thác mây ấy tràn lấp cả chân trời…

     Chỉ có sóng, dẫu đã bạc đầu vẫn còn nông nổi. Nên biển, dài rộng thế vẫn chẳng khi nào lặng yên. Con đường nhỏ gập ghềnh dẫn lối tới một bờ biển hoang vu gió. Những cái mảng nhỏ, không có cánh buồm nào, chỉ có những lá cờ đỏ chói cứ muốn bay lên trên ngọn sóng trắng. Và cơ man là đá nằm gối nhau trên cát dài với nỗi u tịch. Trên mình nó, có những vết vẹm, vết hà khắc dấu những trầm luân.

     Chỉ có sóng, dẫu đã bạc đầu vẫn còn nông nổi. Nên biển, dài rộng thế vẫn chẳng khi nào lặng yên. Nó đã ở đâu, tự bao giờ, dưới lòng biển sâu, qua bao trôi dạt, bao con sóng, bao cơn thủy triều, bao mùa trăng sóng sánh, bao nhiêu sự sinh tồn…để chiều nay im ắng năm đây?
Tôi cúi xuống với từng vết bám, khứa vào thân đá nỗi đau, niềm vui, đời sống vừa như bí ẩn nhưng cũng vừa bình thản của những loài sinh vật đã hiện hữu từ chục, trăm hay ngàn năm trước. Một chút tò mò, một chút xót xa, một chút luyến nhớ, mông lung…

     Chỉ có sóng, dẫu đã bạc đầu vẫn còn nông nổi. Nên biển, dài rộng thế vẫn chẳng khi nào lặng yên. Tôi đã ném một con dã tràng vào lòng biển, khi chúng chưa kịp xe cát vì không muốn đứng trông những thành quả bị sóng dập vùi.

Tôi muốn nói: Dã tràng, mày cũng ngu ngốc lắm. Nhưng biết đâu, con dã tràng nhỏ bé tôi tưởng chừng đáng thương tội nghiệp đó lại đang thầm mai mỉa cái ngu dại của tôi.

     Chẳng phải ư, những vết thương loang đỏ trên núi xanh trầm tĩnh rồi cũng được vỗ về bằng cả thác mây. Chẳng phải ư, dẫu biển lắm tai ương thì mỗi ngọn cờ kia cũng chói màu hy vọng? Chẳng phải ư, mỗi một sinh vật dẫu nhỏ bé, mỗi một cá thể nhỏ bé, nó có lý khi theo đuổi một đời sống, hạnh phúc của riêng nó, mà không thể và không nên áp đặt, cưỡng cầu cái ý muốn chủ quan của ai khác…?

     Chỉ có sóng, dẫu đã bạc đầu vẫn còn nông nổi. Nên biển, dài rộng thế vẫn chẳng khi nào lặng yên. Và trên hết cả, tôi thấy yêu biết mấy tình yêu mà tôi vẫn cảm nhận, vẫn hiện hữu ở xung quanh tôi. Một năm chúng nó nhận ra nhau giữa cuộc đời này, đã cho tôi thấy và tin vào tình yêu. Cảm ơn chúng, vì nhờ chúng mà tôi tự dưng lại biến thành ma quỷ.

Tết hàn thực và ô cửa màu xanh

Điều duy nhất, với mình, khiến tết hàn thực còn có ý nghĩa là để…nhớ bà ngoại. Sáng mồng ba tháng ba của những năm xưa xa ấy, bà trở dậy cùng mùi trầu nồng ấm, và tiếng nói khẽ như nhung trong không gian tịch mịch ban mai vừa hé ngoài ô cửa: Tết hàn thực bánh trôi bánh chay rồi đây.

Mình lơ mơ trong chăn ấm, nghe thấy lời bà nói với một niềm vui len lỏi. Cái đứa vừa hảo ngọt, vừa hảo nếp như mình (thực ra cái gì mình chả hảo) nghĩ đến món bánh bà nấu, sau khi cúng dâng.

Đã có nhiều cái tết hàn thực xa quê, xa bà, mình thức dậy buổi sớm, cứ nhắm mắt như vậy, nằm im trên giường, và tưởng tượng ngoài kia, cái ánh nắng non còn vương cả bụi sương mai đang khẽ len vào ô cửa sổ màu xanh, con mọt cọt kẹt những tiếng cuối cùng ở chân giường trước khi ngoài kia, mọi âm thanh thức dậy. Đó là tiếng lá tre vươn xòa vào nhau, tiếng con chim chích chăm chỉ lích tích, tiếng bỏm bẻm nhai trầu và giọng nói chậm rãi êm mượt của bà vang lên…

Khi ấy, những đóa tóc tiên hồng rực ngoài hiên cũng thức dậy. Cả mảnh vườn nhỏ cũng xôn xao. Và bắt đầu có tiếng chân trâu, chân người lõm bõm trên con đường làng vẫn ướt sương. Bà mở rộng hơn đôi cánh cửa sổ màu xanh, đón vào chút nắng đầu tiên. Rồi bà khẽ khàng ra giếng, vào bếp, đỏ lửa… Mùi rơm cháy, mùi khói ấm… Con mèo lười cũng vươn vai theo bà vào bếp nằm gừ gừ bên đống tro cũ…

Có những sáng bình yên như thế, mình từng sở hữu, và thật nhanh, nó đã biến mất trong đời như một giấc mơ. Giấc mơ đến, giấc mơ đi, khi người ta chưa kịp tận hưởng hết vẻ đẹp diệu kỳ của nó…

Mình đã từng không dừng lại để tận hưởng cuộc sống, mà mê mải lao đi. Lao đi, mà chẳng biết để làm gì. Chỉ để thấy lòng mình trống rỗng, và mất mát. Có lẽ là lao đi theo cái quán tính, như trăm ngàn người xung quanh họ cũng vẫn lao đi như vậy. Cơm áo gạo tiền, mưu sinh, tất bật, đôi lúc giật mình ngẫm lại cũng vẫn thấy mình hèn hạ, mình bạc nhược… Và lại tự an ủi, không thế thì không sống được. Ôi, thật tệ, lấy cái hèn hạ, bạc nhược này để lấp liếm cho cái bạc nhược kia mà thôi…

Nhưng cuộc sống thì vẫn tiếp diễn và vẫn hết sức tươi đẹp. Như cánh đồng đom đóm mà bữa trước, bọn mình ngất ngây đứng nhìn nó trong đêm tối. Như rặng cây giáng hương mùa đầu tiên nở rực vàng và thơm nức trên phố (con phố có dòng kênh nặng mùi). Chỉ qua có 3 ngày, mà bạn thảng thốt nói: Hết sạch giáng hương rồi, mùa hoa đã qua…

Thế đấy, những đẹp đẽ lại thường rất mong manh. Nó như một thứ ảo ảnh, là những thoáng đến trong đời, mà người biết nắm bắt, biết tận hưởng thì sẽ có nó mãi, trong từng phút giây, trong từng giác quan…

Và tết hàn thực, tết bánh trôi bánh chay, bà ơi, cháu nhớ vùng ký ức đẹp đẽ, nhớ ban mai mà ánh nắng yếu mang cả bụi sương đậu trên ô cửa sổ màu xanh nhà ta, nhớ tiếng con mọt, tiếng con chim chích, tiếng con mèo lười, nhớ mùi khói, mùi bếp, mùi trầu. Bà ơi, cháu nhớ bà, khôn nguôi…

Bức tường sương mai

Em thơm bóng tối con đường
Tôi run rẩy chạm bức tường sương mai
Vàng son gian díu phôi phai
Bước chân đè nặng một vài trầm luân

Mùa xuân đi qua, mùa hạ đi qua, mùa thu đi qua, mùa đông đi qua, mùa xuân lại về. Tuổi trẻ như một bài ca dao đầy đủ những vòng lặp nhưng sẽ chẳng có vòng lặp nào giống vòng lặp nào. Ai ầu ơ quá khứ, ai ru hời tương lai, còn tôi đã nhiều lần bối rối khi chạm phải bức tường sương mai.

Tôi gọi nó là bức tường sương mai bởi nó mỏng tang trong tâm tưởng, một khoảnh khắc hiếm hoi nào đó bạn sẽ như kẻ mộng du, chỉ cần nhắm mắt lại là có thể chạm ngay vào ngày hôm qua và đằm mình trong những đoạn phim đẹp mà ký ức ghi lại. Nó thực đến nỗi chính mình cũng phủ nhận đó là ảo giác. Tiếc thay người ta thường bị sập trong ma trận ấy để trở về thực tại với một tâm hồn thương tật, giống như kẻ tội đồ “ketamin”(1) thiếu mấy đường cày nên không thể rũ bỏ thân xác mà “trippy”(2).

“Bức tường sương mai” là bốn câu thơ cảm thán trong một đêm tôi vô hình, bất lực về ngự trị trong nhà lao của tư tưởng khi mà tôi và người mình yêu thương sẽ chẳng còn phần nhiều hi vọng có thể cùng nhau đi tới cái đích có hậu của một chuyện tình. (May mắn thay người ấy bây giờ là vợ tôi)

Để có được hạnh phúc trong tầm tay hãy quên đi quá khứ của mình, tin vào hiện tại, sống với hiện tại một cách trọn vẹn thì niềm hạnh phúc dù đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa. (tư tưởng Phật giáo) Dẫu vậy chẳng có lý do gì để những chuyến tàu hành hương về kỷ niệm không thôi thúc gióng giả hồi còi, không thống thiết gọi lại những yêu thương cho dù đó là tình bạn, là tình yêu và cả những thứ tình thơ dại nơi bếp lửa gia đình.

Một buổi chiều nửa mưa nửa gió, mê tơi vài đàn chim dấp díu mờ dần phía biển, phố xá ngơ ngác ánh đèn, con đường mặt lạ người dưng, rồi bỗng dưng tôi sững sờ nhận ra từ đâu đó mùi bếp dầu đủ khét đủ thơm của cha tôi mỗi chiều nấu nướng đợi con đi học về. Mấy chục năm rồi tôi vẫn không thể quên được cái mùi ấy và nhiều khi nó trở lại xộc vào khứu giác, một bức tường sương mai mỏng tang dịu dàng, chỉ cần tôi thò tay vào là nắm được, chỉ cần tôi thò chân là như có thể bước vào thế giới của ngày hôm qua. Nhưng đó là những khoảnh khắc hiếm hoi, bức tường sương mai vỡ vụn, chỉ còn lại cảm xúc nhạt nhòa.

Nếu cuộc đời cho ta cơ hội quay về quá khứ, bạn sẽ phát hiện, những kỷ niệm đó sở dĩ tươi đẹp là bởi vì chúng ta không thể làm lại mà thôi. Khi ngày hôm nay biến thành ngày hôm qua, bạn cũng sẽ hoài niệm như vậy. Tuy nhiên có quá nhiều kỷ niệm mà khi có cơ hội được quay trở về chúng ta cũng không thể làm lại. Đó là điều đau khổ nhất của mỗi một con người.

Khi bước vào tuổi trung niên tôi bắt đầu thường hay hoài niệm về quá khứ, về những năm tháng xưa cũ bên cạnh còn người thân, bạn bè. Kỉ niệm vui có, buồn cũng nhiều và quan trọng hơn hết lúc đó tôi còn rất trẻ.

Những kỷ niệm hoài cổ có thể cho mọi người cảm giác thân thuộc, có ý nghĩa và điều này giúp tôi cởi mở hơn với những trải nghiệm khác biệt trong tương lai, hơn cả, nó khuyến khích tính tính sáng tạo. Bạn có nhớ những ngày tuyệt vời đã qua? Hãy để tôi gợi nhớ cho bạn…

Như Jessica Helfand mô tả trên trang “Design Observer” sự hoài niệm khơi gợi lại ký ức và nhận thức về thực tế, ủng hộ triết lí duy tâm và tưởng tượng về một thời đã qua. Sự hoài niệm có thể đem lại những cảm xúc tích cực về hạnh phúc, sự kết nối, sự tự tin, lạc quan, và có thể nâng cao tinh thần của mỗi con người khi cảm thấy nỗi buồn phiền dửng dưng chợt đến.

Biểu hiện tâm lý của sự hoài niệm đã được kích hoạt sinh lý từ các điểm thị giác, thính giác, khứu giác và vị giác. Một bài hát đặc biệt nào đó có thể gợi nhớ về đám cưới của bạn; một mùi hương lạ lùng nào đó có thể đưa bạn trở lại với những món ăn thủa gia đình ấu thơ; hoặc một bức ảnh đơn sơ có thể khiến bạn nhớ lại những ngày nghỉ hè ồn ào thời trẻ trâu cào cào bắt bướm – hoặc thậm chí hồi tưởng lại như Expedia đã thực hiện chiến dịch “Thrownback Thursday” (Nhớ về ngày Thứ Năm), sử dụng “sự hoài niệm” để thu hút đối tượng truyền thông mạng xã hội. Đó chính là những bức tường sương mai ngọt ngào.

Thời gian cứ trôi đi, không hạn, chẳng hồi, có nhiều khi tôi lắng nghe, có nhiều khi tôi lơ đễnh, có nhiều khi linh hồn như những dòng suối nhỏ chảy róc buồn rách vào đêm. Sương mai lại bảng lảng mơ hồ trong tầm mắt, níu tay giữ một ngày hè, dang chân khều một ngày đông, mùa thu đi qua, mùa xuân trở về, những vòng lặp đáng yêu của cuộc sống cứ hổn hển soi gương tháng ngày. Thơ viết cho nỗi buồn đã qua, thơ viết cho niềm vui ở lại, viết cho những gì khó sâu ánh mắt, khó đầy bờ môi, khó tình khó tội con tim chật chội. Ừ nhỉ, chỉ là một bức tường sương mai…

(1) Ketamin được bán dưới nhãn hiệu Ketalar và một số tên khác, là một loại thuốc được sử dụng chủ yếu để bắt đầu và duy trì gây mê. Nó gây ra một tình trạng giống như trạng thái bị thôi miên, làm giảm đau, an thần, và mất trí nhớ. Sau này Ketamin bị lạm dụng và là tiền chất của một số loại ma túy tổng hợp, dân bay gọi nó là “ke”.
(2) “Trippy” là tên gọi quá trình tác dụng của ketamin tới não và ảo giác có thể xảy ra.

Cúc họa mi

Buổi chiều chênh vênh lửng lơ trên  những ngọn triều đã đổi  hướng căng bọt gió đông. Ngồi từ cái buổi chiều của tuổi trung niên nhìn ra thế giới, cảm giác như mình đang ở trên một căn gác xép bộn bề, muốn làm việc này, muốn xếp việc kia mà đôi bàn tay lóng ngóng không nỡ làm không gian nhoài về phía trước.

Thời gian của tôi cũng như những ngọn triều kia, cưỡi lên những dòng hải lưu chu du mà trong lòng vẫn biết càng lạnh vắng, càng nhớ nhung, càng cô đơn nghĩa là một phần tươi đẹp của chính mình đã đang ngất ngư dâng đầy hay cạn kiện ở một con nước trái chiều. Từ phía biển, từ phía Nam, từ phía của mùa đông luôn mơ hồ với khá nhiều người tôi đã cảm giác Hà Nội đang thay đổi hồn phách  bởi loài cúc họa mi.

                              Hoa cúc nhiều tên, nhiều tượng trưng ẩn ý, vậy nhưng dễ dàng chiếm đoạt tâm trí người ta lại là loài cúc họa mi bé nhỏ, đã đôi khi khiêm nhường bên những chặng đường ta qua như một loài hoang dại. Không cần thương hiệu, không có slogan và đương nhiên cả cái vẻ bề ngoài chẳng phải kiêu kì, nhưng cúc họa mi lại trở thành mùa vụ, trào lưu, nương náu tâm hồn. Âý là khi họa mi biết nhường nhịn cái đẹp và sẵn lòng làm tấm gương soi cho những  vẻ đẹp cuộc đời. Phải chăng điều đó đã làm cho loài cúc họa mi thêm một lần bất tử mỗi khi Hà Nội chạm Đông?

Đã hơn hai mươi năm rồi, khi những vui buồn còn đang ngủ gà ngủ gật trên tuổi thanh xuân, một ngôi nhà nhỏ lọt thỏm giữa cánh đồng ven đô Hà Nội, mùa đông vờ vĩnh những giận hờn. Yêu thương, ai bảo em là cúc họa mi.

           Chúng tôi lớn cùng nhau dưới mái trường THPT Chuyên Thái Bình. Sau này lên Hà Nội không còn cùng bàn chung lớp, Phượng vào học Phân Viện Báo Chí Tuyên Truyền, còn tôi theo ngành Quốc tế học, Khoa học xã hội và nhân văn. Dẫu vậy tôi vẫn gặp Phượng luôn, có khi ở lại cả tuần cùng Phượng và anh trai. Phượng là đứa con gái nết na, biết lo toan cho gia đình, đôi khi Phượng còn toan lo cho tôi khác nào một thứ của nợ mắc dịch. Tôi biết thế và tự mãn với điều đó.

Chúng tôi không phải là kẻ yêu người thương, cũng chẳng là thứ ngôn tình cúc họa mi hằng đông giữa bầu trời se xám, làm người ta ấm áp gấp gáp bằng một thứ màu trắng an nhiên. Bạn bè ở giảng đường và ký túc xá có đôi khi chột dạ nghĩ tôi và Phượng kẻ yêu người thương. Ai bảo thỉnh thoảng tôi đến ký túc ngủ vùi vài giấc đông lạnh lùng.

           Lại nhớ về ngôi nhà nhỏ giưa cánh đồng ven đô lọt thỏm giữa những xô bồ Hà Nội. Một cánh đồng xám ngắt, một mùa gió hanh hao, nơi chúng tôi cứ ngồi hát hết bài nọ đến bài kia mà không biết mỏi. Có đôi khi tôi đến và mang theo cho Phượng một bó họa mi. Tình thế còn gì. Nhưng không phải là tình yêu… Hình như họa mi không có sứ mệnh để trao gửi một ái tình? Mà ở đời những ái tình không bưu cực, không địa chỉ chuyển phát lại là những ái tình bền lâu nhất?

Hà Nội ngày giao mùa không quá lạnh. Cho đến bây giờ tôi vẫn chẳng thể gọi tên một cách chính xác cái cảm giác đó. Nắng vẫn ấm áp là vậy mà gió đã làm ngơ lạnh lùng. Đôi lúc chỉ cần một cơn gió se se lướt qua nhưng cũng đủ khiến bầu trời muốn khóc và tâm trạng của người ta thì trở nên mộng mị vô thường. Nhưng may mắn thay vì giữa cái u ám ấy, người sống ở Hà Nội vẫn được tận hưởng những giây phút bình yên, lãng mạn đến ngẩn ngơ khi tình cờ bắt gặp một gánh cúc họa mi trắng trong dịu dàng.

 

Tôi nhớ lời đề từ của một cuốn sách nhỏ: “Cúc Họa Mi, dành cho người biết chạm, dành cho người biết yêu, dành cho người nghĩ nhiều, và cho ngày đông giá…loài hoa cánh trắng mỏng manh ven đường mà bao nhiêu nội lực…Bình thường, chứ lẽ nào tầm thường, phải không em?”

Như lời ước hẹn, hằng năm tháng mười một lách cửa cũng là khi bộn bề trắng muốt, mỏng manh họa mi dắt díu mùa đông về Hà Nội. Những bông hoa nhỏ nhoi với cánh hoa bé loe xoe, xếp đặt ngay ngắn, xen giữa là chút nhụy vàng của nắng, gói gém chút mảnh mai yếu đuối của mây, đơn giản thế thôi mà xinh, mà tươi, mà thương đến lạ lùng. Cúc họa mi là món quà đặc biệt mà Hà Nội dành cho những ai yêu nó, chưa kể là một lời ngỏ cho những người ghé qua đây mỗi buổi đông về.

 

Cúc họa mi vén màn bảng lảng khói sương mà hiện hữu vào những ngày chớm đông thầm kín, thời gian cúc nở rất ngắn khoảng hai đến ba tuần là tàn. Mỏng manh và tinh tế. Họa mi thể hiện bạn là con người nồng nhiệt và đặc biệt chân thành, luôn luôn biết an ủi người khác bởi vậy có rất nhiều bạn bè thân tín chung quanh. Chợt nghĩ cúc họa mi sao mà giống con bạn tôi đến vậy…

                                    Họa mi được trồng phổ biến ở những bãi bồi sông Hồng tại khu vực Nhật Tân. Hoa không có mùi hương quyến rũ, cũng không có vẻ đẹp kiêu sa khi đứng một mình, nhưng khi là một bó hoa hay một vườn hoa thì bất cứ ai cũng cảm thấy đắm say. Tôi đã đi qua bao mùa cúc họa mi, đã đi qua biết bao những ngày buổi chiều quên nắng, biết bao ngày Hà Nội giấu ngọt bùi vào thưa vắng, trầm tư mà yêu.

 

Tôi đã bắt gặp hình ảnh những cô gái lạc vào vườn họa mi. Dường như bất kể cô gái nào lạc vào đây cũng không còn giữ được thần thái của mình nữa. Khi ấy là cốt cách của cúc họa mi mất rồi. Em chỉ là cúc họa mi, em là một ngày đổi gió, em là khoảnh khắc chạnh lòng níu giữ cái bảng lảng đông sang còn vấn vít mùa thu ở lại. Có đôi khi tôi ước mình là một buổi chiều mỏng, đem chút nắng tàn của mùa thu mơ màng, ở lại những khu vườn họa mi lạc lối, thắp lên mắt môi những kẻ đương thời.

Em đi nhặt nắng giữa cánh đồng họa mi, em đi buông gió vô ưu cho những ngày tơ vương cũ. Ai bảo cúc họa mi không phải là một thứ ngôn tình… Người ta xinh, người ta yêu, người ta lạnh, người ta cô quạnh, nhưng họa mi thì chưa bao giờ tạnh trong những mùa bình dân.

Dường như loài họa mi biết cách tôn thêm vẻ dịu dàng của phụ nữ. Hay cúc họa mi từ đời trước, từ kiếp trước, từ nhớ thương ngàn xưa ngày trước đã mang vóc dáng hình hài nữ nhân…Bởi thế mà đừng bao giờ ngạc nhiên loài hoa về gõ cửa, phố phường xô nghiêng những vui buồn hay yêu thương đã từng tắt lửa, đón em trở về.

Họa mi đến rồi đi nhưng yêu thương còn ở lại mãi. Vì mùa hoa chỉ trong khoảng hai tháng ngắn ngủi, nên nó luôn khiến cảm xúc con người ta chưa trọn vẹn, cứ hụt hẫng, cứ bâng khuâng và cứ thế người ta lại chờ đợi mùa cúc hoạ mi năm sau. Năm sau, năm sau và rồi nhiều năm sau nữa, họa mi vẫn thế chỉ se sẽ lời yêu, chỉ mỏng mảnh dịu dàng khiến cho Hà Nội miên man trong niềm ngơ ngác. Có ai và có ai, có tôi và có tôi, đã từng ngác ngơ trong niềm miên man ấy. Hà Nội thở dài…

                       Dòng sông Hồng chảy từ đâu mà về quanh co những bãi bồi Hà Nội. Mây trắng từ đôi mắt người Sơn Tây phải chăng cũng dìu dịu buông xuống nơi này. Họa mi cứ thế, hồn nhiên như một tình ca của hồn sông, của hình đất, của ưu tư lắm thay những nẻo mây trời…

 

Tôi xa Hà Nội như một tiếng thở dài. Tôi quên Hà Nội như một lời vu vơ. Tôi yêu Hà Nội như cái nhìn ngang rất vội. Tôi phụ tình Hà Nội từng mùa, từng mùa bối rối họa mi. Ở bờ cõi nhân gian nào còn thứ màu trắng tinh khôi hơn cúc họa mi? Ở một cánh đồng ngôn tình nào còn có những yêu thương bè bạn như tôi và Phượng đã đi qua? Thế giới ồn ào. Thế giới cay nghiệt. Thế giới muôn trùng. Xin cho giữa đời này em chỉ là cúc họa mi…

Gửi người Bụi phấn hương tay

           Chuyển đến ở cùng cha tôi trong khu tập thể giáo viên trường cao đẳng sư phạm Thái Bình, một buổi khi “Nắng vào thu” tôi tìm được trong chồng sách của cha mình “Bụi phấn hương tay”.

Tôi nhớ đó là một tập thơ khổ nhỏ, bìa màu sáng bạc, trên trang đầu có ghi dòng chữ : ” Thân yêu tặng anh chị và các cháu”. Đó là bút tích của người thơ Trọng Khánh “Người đánh trống trường” tôi.

Thu ngẩn ngơ mùa nên thu chùng? Ai vẩn vơ chùng thêm tơ đàn? Vậy nên thời khắc mùa thu có khi mơ màng vài đoạn buồn vị kỷ. Có những những khi lại than thác thầm thĩ lên khơi. Lạ lắm thay những thứ nhẹ nhàng mênh mang chẳng thể gọi tên người ta cũng cho rằng đó là thứ buồn cố hữu. Đẹp hình hài, đẹp cội rễ, đẹp tạc khắc vào thời gian, ra đi và không bao giờ trở lại, đó chẳng phải là buồn sao?

                                                   Đêm ấy lần tìm về cánh cổng nhà mình qua những tấm hình hai mươi nhăm năm về trước, THPT chuyên Thái Bình ở số 194 Lý Thường Kiệt im lìm khép hờ như vẫn đang đợi những hồi trống gióng lên vồn vã, lim dim nheo mắt, bụi mờ trắng phấn hương tay. Người đã ở đâu và ở đâu…Đó là một tấm hình quá đỗi bình thường nhưng nó đã chạm đến vô vàn thương yêu trắc ẩn của các thế hệ thầy trò chúng tôi. Nhìn qua khe cổng tôi như một kẻ phi mình từ thinh không ngút ngát cho đến khi gần tiếp đất cũng chưa bật nổi chiếc dù bung ra để níu chặt những cảm xúc, để cứu sinh khoảnh khắc gieo mình.

Tôi chuộc hồn xưa bóng cũ, tôi thấm tháp không gian và thời gian, tôi đăng đàn dọn dẹp thảo thơm lòng dạ mà mà nghe thi nhân khoan nhặt trở về.

Tiếng trống vang lên
Không gian nào cũng chật
Và thời gian chìm đi trong khoảnh khắc
Học trò các nơi
Ùa vào lớp học
Mặt trống rung lên
Những dãy nhà
Im phăng phắc
Giọng thầy giáo già
Tiếng khoan tiếng nhặt
Câu dân ca
Dào dạt lòng người
Dùi trống gầy đi
Qua tiếng tùng, tiếng cắc đổ hồi
Cánh hoa phượng nở hồng đầu mùa Hạ
Khi tang trống giục cây thay màu lá
Một bài toán khó giải cho đời
Người đánh trống trường tôi
Gân săn sợi mây
Đuôi mắt cười qua mỗi lần thay mặt trống
Chiếc dăm tre căng phần da mỏng
Để âm thanh cuộc sống chất đầy
Mùa hanh tiếng đanh nhức tay
Mùa nồm tiếng chìm mỏi bắp
Ngày buồn tiếng tròn rõ nhịp
Ngày vui tiếng nổ bung trời
Người đánh trống trường tôi
Tóc bạc, già rồi
Tiếng trống vẫn giòn như thời trai trẻ
Nhịp vẫn đều và âm thanh vẫn khoẻ
Như tiếng cười
Của lứa tuổi mười lăm.
Người đánh trống trường tôi
Cả cuộc đời
Gửi vào âm vang
Như trái tim
Thình thình nhịp đập.
Người đánh trống trường
bài thơ giải nhất cuộc thi của báo Giáo dục & Thời đạị

Cha tôi có nhiều bạn bè là văn nghệ sỹ, bởi vậy ngay từ nhỏ tôi đã có cơ duyên được lắng nghe những ngày nhạc đêm thơ và vùi hồn mình trong hương lúa bộn bề xứ sở. Khi ở trường tôi gọi người thơ là thầy, nhưng khi ở ngoài tôi gọi nhà giáo ưu tú là chú.

Đôi khi phơi phới thầy thường nheo nheo con mắt đọc thơ cho tôi nghe và hay gọi tôi là Trọng Huy chứ không gọi là Hồ Huy như các cô chú và các bác trong hội văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Có lẽ thầy ưng chữ Trọng giống như một phần thương hiệu bút danh tài hoa của mình.Bọn học trò ở đâu mà không ma không quỷ, học sinh trường chuyên chúng tôi cũng chẳng phải thánh thần.

            Nhớ ngày đó thầy bị thoái hóa cột sống, việc cử động cái đầu một cách linh hoạt như người bình thường là quá đỗi khó khăn. Khi ai đó gọi từ phía sau thầy phải dừng lại quay nhẹ nhẹ chậm rãi cái đầu rồi vặn thêm một chút lưng mới có thể đối mặt khôi hài. Chính cái cảnh tượng đáng yêu bi hài ấy mà chúng tôi mượn thơ Nguyễn Đình Thi để định danh cho một phong cách: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại…”

Trọng Khánh là một nhà thơ nhưng lại là người mẫn cán trên cánh đồng giáo dục. Thương hiệu “Khánh hóa” và danh hiệu nhà giáo ưu tú mặc nhiên trở thành cốt cách của một người thầy tài hoa. Thương hiệu thôi thì chưa đủ thầy còn có những tài sản vô giá là biết bao thế hệ học trò giỏi giang thành đạt.

Đáng kể là huy chương bạc Olimpic hóa học quốc tế tại Đức mà Trần Ngọc Tân đã gặt lấy mang về. Đó không chỉ là niềm tự hào của Tân của thầy mà còn là sự hãnh diện của các thế hệ thầy trò trường chuyên Thái Bình chúng tôi. Ai bảo chúng không thể không kiêu hãnh. Thầy đã dạy cho chúng tôi phải biết kiêu hãnh như thế nào

Với tôi “Người đánh trống trường” chính là hình tượng người thầy cả một đời chưa một ngày quên dùi bỏ nhịp, dẫu là trống “Tiếng khoan tiếng nhặt” thì đã “Như trái tim thình thịch nhịp đập, cả cuộc đời gửi vào âm vang…”

Tiếng trống định kiến vô tri, thầy đã cho nó mượn một linh hồn mà nhắc nhở mà hối hả năm năm tháng tháng học trò. Người văn, kẻ sỹ bầu rượu túi trăng Trọng Khánh lãng đãng sớm gió chiều mây, bị cuộc đời xô đẩy vào thơ, ấy vậy mà vẫn chưa một ngày gàn dở buông bỏ trên vai cây thập tự Thầy…

Có nhiều khi tôi chắc mẩm tài thơ “Khánh Hóa” như một thứ phụ gia ngọt ngào khiến những công thức lề luật khô cằn trổ bông đầy cánh đồng trường Chuyên tỉnh lẻ. Tôi vốn                                              không ưa thứ thơ ca phải vặn chữ này, phải vẹo chữ kia, làm thơ mà toát mồ hôi như kiểu ăn một cân chữ nhả vài hèo trăng.Thơ của thầy tôi cứ cà giật cà giật, mới đọc chưa vần mà lúc thấm thì uyển chuyển như những nguyên tố hóa học trong một bảng tuần hoàn định mệnh.

Thầy tôi sớm ra đi trong cái vòng tuần hoàn nghiệt ngã ấy. Trường tôi đã trễ nải bao hồi trống giục trống dồn, học trò như đám diều đói gió no dây. Thi ca đã nghiêng mình đưa tài hoa về chốn ưu tú vĩnh hằng. Chốn ấy là Thầy.

Một hôm khi nhớ về thầy Trọng Khánh tôi mỉm cười hạnh phúc. Người đang ở đâu trong thế giới nào, trần gian vẫn bâng khuâng bụi phấn, vẫn ý tứ bồi hồi hương tay. Và cuộc đời một người thầy bốn mùa gieo hạt, đã tự xanh non bản tình ca cần mẫn trên cánh đồng quê hương.

Tôi có cảm giác thầy mới vừa đâu đây, như một thời khắc ngất ngư của người nghệ sỹ, dìu dặt bạn bè mà lạc trôi, lạc trôi. “Người đánh trống trường” tôi đã hóa thạch những thanh âm vào nhớ, vào thương, vào nếp xưa nề cũ, vào năm trước, vào năm sau, vào những mùa quả trĩu ngọt trong cả chiêm bao.

Ôi… “Người ra đi đầu không ngoảnh lại” Tiếng trống cười, lời trống khóc, những không gian im bặt, những thời gian cay mắt. Gửi người “Bụi phấn hương tay”…

( Nhớ thầy trước ngày hội trường 30 năm)

Thương nhớ vùng cao

Tôi không biết thổi khèn như Lò A Sùng, tôi không giỏi bắn tên như Giàng A Chính, nhưng thời gian của tôi cứ vùn vụt trôi đi như mũi tên, cứ âm ba điệp điệp như điệu khèn bè bạn. Ai đó khóc, ai đó cười, ai đó say còn tôi cứ ngân nga mãi thương nhớ vùng cao.

Cứ mỗi độ thu về hơi may ẩn dật trên các triền núi, ven lối đi, trong bản nhỏ, khứu giác của tôi lại trầm kha mùi nếp nương, điệu khèn đổ lửa, màn giăng sạp rượu nồng và ngất ngây những đêm Mường tịch mịch.

Là lúa đó, nó chín từ chân đèo, nó ngả từ xanh lá mạ tới vàng ruộm trăng non, là nếp đó nó vắt từ lưng chừng nương đến bộn bề thôn bản. Đâu đâu cũng thấy một màu vàng nhớ thương day dứt. Tây Bắc ư mùa thu gấm vóc những nẻo đường.

Ừ nhỉ tháng chín xếp nắng lên gác bếp, tháng chín gùi gió vào nhà kho, tháng chín đổ vàng ra nương rẫy, nhìn mấy đường dao đi, ngước mấy đường trâu về đâu đâu cũng ngờm ngợp no tròn màu lúa. Vậy ư? Ai bảo thương nhớ vùng cao.

Mùa lúa chín ở Tây Bắc diễn ra vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 10, chẳng gọi mời thì đã làm bồn chồn những đôi chân ham đi gửi mộng mà chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vùng cao Tây Bắc.
Ai trầm trồ khi bước chân vào thung lũng hùng vỹ ở Mù Cang Chải  với những thửa ruộng bậc thang vàng ươm trải dài trên những sườn núi cheo leo.Ai chết lặng Lao Chải, những áng mây bồng bềnh trôi trên ruộng bậc thang như mênh mang gợn sóng. Ai bảo thương nhớ vùng cao?

Có một hôm nào đó chẳng như bao hôm nào ở bản Phùng thuộc huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang bạn thức dậy trong một buổi sớm mai. Ô kìa bình minh nhen nhóm giữa những lớp lúa vàng đang độ thu hoạch, lúa ngả vào gió, lúa nắng vào mây, lúa bồng bềnh xếp vàng xếp bạc.

Đừng vội giật mình mà ngã vào mùa màng bản nhỏ. Ai bảo thương nhớ vùng cao.Đừng có ngạc nhiên khi ai đó ném bạn vào một buổi chiều Tú Lệ, sau những hạt mưa cuối mùa mỏng mảnh, dưới thung sâu những hạt nắng cuối ngày vỡ òa lặn vàng vào lúa, se khô vào gió mà mơ hồ lên khơi mườn mượt những thang trời. Chết lặng ư? Ai bảo thương nhớ vùng cao.

Tôi đã từng ngã vào nụ cười của một cô gái Mông, đã ngẩn ngơ trong một vài lưỡi hái, tôi ước mình là lúa mà vàng rực những tháng ngày, tôi ước mình là gió mà thơm nếp những mùa nương.
Ngày trôi đi, giờ trôi đi, tháng năm biền biệt những mảnh vàng Tây Bắc. Đời người ai biết được những niềm vui nhỏ bé vùng cao. Đừng ước nữa tôi chỉ muốn làm một điệu khèn thôi để nhảy nhót những tháng năm này, giữa vùng trời này. Ai bảo, thương nhớ Vùng Cao.

Có những đêm phải ngủ lại Pù Luông, có những khi offroad xuyên rừng, có đôi lần lạc như thú hoang trekking men theo sườn núi tôi cũng chẳng hơn gì Lưu Nguyễn ngày xưa lạc bước tới Đào Nguyên.

Vùng cao là vậy khắc khoải như bìm bịp than chiều, dớ dẩn mà ngồ ngộ như đôi dép tông Lào gã choai choai trong bản. Vùng cao là vậy, vụng về như lưỡi hái thôn nữ trăng tròn mà thoăn thoắt chuyển mùa ươm hạt. Chết chửa, ai bảo thương nhớ Vùng Cao.

Là bùa đấy, là ngải đấy, mùa thu là thứ bùa ngải ám ảnh con người. Đừng sợ, tôi đã nhiều lần muốn được chết chìm trong thứ bùa ngải ấy để mà vĩnh hằng. Tháng chín ư, tháng chín mà làm gì, đừng nói lại thương nhớ Vùng Cao?

Cánh đây chừng mười năm, lâu như bước con trâu đẩy dốc, tôi và vài người bạn đã chia ba con đường Y Tý. Một đường bắt đầu từ dưới chân đèo Ô Quy Hồ dốc ngược lên như đỉnh trời. Một đường được đi xuyên từ Bát Xát – Bản Vược qua Mường Hum mà vào và đường thứ ba là từ tận A Mú Sung, điểm gần sát với Lũng Pô – nơi con sông Hồng buông mình vào cõi Việt.

Mấy anh em chúng tôi chẳng ai bảo ai dang hai tay mà ôm trọn tháng chín vào lòng, lúa rục rịch tay áo, lúa vàng rực khom lưng, lúa ngả vào lòng thơm thảo. Tôi mon men chạm đến mây trời.
Mấy hôm trước Vũ Mạnh Cường gọi: Hồ ơi về Trạm Tấu nhớ ghé Homestay mình nhé…Dông dài nữa nhưng tôi chẳng thể nào nhớ hết đã nói những gì, đã nghe những gì, trong lòng chỉ trào dâng một ham muốn, một ham muốn tột bậc…xách ba lô lên và đi…và đi…

Cường kể: “Mình chưa kinh doanh du lịch bao giờ nên cũng hoang mang lắm. Nếu tiếp tục khai thác thị trường trong huyện thì không thể thành công. Và mình bắt đầu lên mạng học hỏi mô hình kinh doanh du lịch homestay thu hút khách từ dưới xuôi lên”.

Từ một mảnh đất xung quanh là ruộng đồng, Cường vay vốn ngân hàng mở rộng quy mô homestay. Đến nay, tổng diện tích đất homestay này hơn 2 ha, bao gồm cả bể bơi khoáng nóng, nhà sàn và đồi thông. Hiện tại, homestay của anh Cường có 19 phòng nghỉ, trong đó có 17 phòng nhỏ và 2 phòng tập thể.

Những ngày cuối tuần, lượng khách dưới xuôi lên nghỉ dưỡng kín phòng, còn những dịp lễ tết, mỗi ngày khu nghỉ dưỡng thu hút 1.000 lượt người đến tham quan, vui chơi. Nói tới homestay tôi lại nghĩ về Trần Vũ và Chez Vu Homestay Phú Quốc. Khỉ thật, tôi là ai mà cuộc đời cứ mắc nợ những bàn chân.

Tôi là ai? Tôi không biết thổi khèn như Lò A Sùng, tôi không giỏi bắn tên Giàng A Chính, nhưng thời gian của tôi cứ vùn vụt trôi đi như mũi tên, cứ âm ba điệp điệp như điệu khèn bè bạn. Ai đó khóc, ai đó cười, ai đó say còn tôi cứ ngân nga mãi thương nhớ vùng cao.

Mái đình tha hương

Khi những đôi chân còn chưa mỏi mệt, khi những đôi vai còn gánh nặng nhân gian, thì cho dù là một ngày nào đó vẫn còn những mái đình tha hương…

   Ngày đổ dài trên phố
Những mỏi mệt vô chừng…

Đã úa mềm như cỏ
Đã tan hòa như sương
Đã chìm làm đá sỏi
Đã hư vô bụi đường
Mà sao lòng vẫn khát
Mà sao dạ vương thương
Sao trí còn lẩn khuất
Một nỗi sầu tha hương

   Và người không ở lại
Đằng sau ánh tà dương
Còn ta và đêm tối
In đời nhau trên tường

( Thơ Phạm Thùy Vinh )

Đã nhiều lần tôi ngước mắt lên, đã nhiều lần tôi chùng chân xuống và biết bao lần trong giấc chiêm bao vụng dại những mái đình ấu thơ lại vi vút hiện về. Cuộc sống của người tha hương là vậy, cho dù bạn đi đến đâu, là cùng trời cuối đất hay góc bể chân đời, phồn hoa đô hội hay lấm lem cực nhọc thì cây đa bến nước sân đình luôn là những ám ảnh vượt mọi ngóc ngách ngõ hẻm hang cùng của không gian và thời gian.

                                            Có một ngày trên xứ người xa lạ, không phải thôn Đoài, cũng chẳng phải thôn Đông, hoàng hôn tím sẫm buông xuống buổi chiều của gã đàn ông bươn chải, bất giác một mái đình cong vút lở lói những tường gạch điêu tàn, đó là khi quê hương đang lặn lội tìm về trong những ẩn ức yêu thương. Cái cảm giác đó khiến cho biết bao nhiêu người phải nổi da gà, cảm giác đó đã chạm đến yêu thương sâu thẳm của mỗi con người tha hương.

Chỉ một mái đình cong vút trong tâm tưởng cũng khiến người ta ấm lòng, như được trở về với mẹ, như được trở về với cha, như được trở về quê hương xứ sở. Dẫu có nghèo xơ nghèo xác, dẫu có bùn lầy đầm cạn chuôm sâu thì nơi ấy vẫn là nhà. Quê hương như một tiếng nấng nghẹn ngào ám ảnh người ta vào những buổi chiều buông tà khơi trăng. Giấu làm sao được những cảm xúc, che đậy làm gì những cảm xúc, hãy cứ để nó bung ra, hãy cứ để nó nức nở mà gọi tên ngày tháng.

                                                     Ai bảo thời gian là phũ phàng? Tôi nói thời gian là ngang trái. Bởi thời gian chính là kẻ khổ tâm nhất khi phải chứng kiến lớp người này tới lớp người kia sinh ra lớn lên để rồi cứ biền biệt cá nước chim trời. Than ôi những mái đình rêu phong, găm vào mình bao mưa bao nắng, xõa vào mình bao nhức nhối trần ai. Để làm gì? Để trơ trơ mốc mác, để sói mòn ưu tư, để phiền muộn những tháng ngày heo hút. Ai bảo thời gian là phũ phàng? Người ta đi và đi. Ai bảo không có những mái đình tha hương.

Ngôi đình làng có thể được xem là những lối đi về của mỗi người, đặc biệt trong những dịp hội làng, hay mỗi khi làng có việc. Trong khuôn viên của ngôi đình thường có cây đa cổ thụ, bóng râm mát, hồ sen và một khoảng sân vẫy gọi chim về làm tổ.

                        Lúc đầu, đình chỉ có chức năng như ngôi nhà lớn của cộng đồng, là nơi hội họp, nộp sưu thuế và nơi nghỉ cho khách lỡ đường. Về sau, triều đình phong kiến mới sắc phong cho những vị có công với nước làm Thành Hoàng làng (sống làm tướng, thác làm thần). Vì vậy đình kiêm chức năng nữa là thờ vị Thành Hoàng – người có công khẩn đất, lập làng.

Ngoài Thành Hoàng làng, tùy theo thực tế của làng, mỗi ngôi đình làng có thể thờ các vị thần, thánh khác do mỗi làng tôn thờ, hoặc việc thờ cúng các vị thần theo sắc phong của nhà vua, tất cả đều được rước vào đình thành một tập thể siêu thần, thành một sức mạnh vô hình, tạo niềm tin, niềm hy vọng của làng xã Việt Nam.

                                Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, trong đời sống người dân Việt Nam khi xưa, đình làng khi khởi dựng được phục vụ nhiều mục đích, từ thờ tự, tế lễ, là nhà hội đồng chung, là nơi xử kiện, nộp sưu thuế, nơi nghỉ cho khách lỡ độ đường, đình làng cũng là nơi vui chơi, nơi sinh hoạt ca hát, có đình làng còn là lớp học… Đình làng còn được coi như biểu tượng của quyền lực làng xã, nó có chức năng như một ngôi nhà lớn của cộng đồng.

Chỉ bấy nhiêu đó thôi mà đình làng có một sức sống bền bỉ, tôi có thể quên mùa thu, tôi có thể quên mùa hạ và ai nữa có thể quên mùa xuân nhưng đình làng căm căm như cái rét nàng Bân chẳng ai nỡ lòng quên mùa đông tàn trên những tán lá đa sân đình cũ càng rêu mốc. Chẳng ai nỡ lòng quên cái nắng cái gió khô rang những đêm hè. Một đêm hè nghe lời hát ru sân đình. Có không? Có chứ, những lời hát ru muôn thủa đã nhập đồng nhập bóng nơi này.

                                 Sân đình như một nỗi bi ai từ ngàn kiếp đã chẳng mong một gánh tương phùng. Người ta gió, người ta mây, người ta xoải những bước dài tha hương, còn mái đình trăm năm hay ngàn năm vẫn vô thủy vô chung mà trầm tịch, mà lặng câm, mà rang rộng cong vút những mái xưa chái cũ dưới vòm trời này, dưới gầm trời này, dưới những thác lũ cuộc đời này…

Chiều hôm ấy, chiều hôm nay, chiều hôm kia, đã rất lâu rồi những buổi chiều tôi gặp. Mái đình ưu tư ở đâu và ở đâu, cất những mái vòm cong vút mà cuốn tôi vào lòng. Đó là khi tôi tha hương, đó là khi tôi cơ nhỡ, đó là khi tôi không thể nói lên lời. Ai biết và ai biết. Chỉ có tôi với một mái đình. Để tôi nhớ, để tôi đếm, để tôi nghĩ… đời tôi đã có bao nhiêu mái đình tha hương…

Người đến từ Triều Châu

Người đến từ Triều Châu nhưng lại không nhớ rõ mình là đời thứ bao nhiêu của dòng họ từ Triều Châu di cư đến đây nhưng chiếc xe hủ tiếu, mì truyền lại từ đời ba anh đến nay cũng ngót nghét gần 60 năm.

     Đặt chân đến Hà Nội, Hà Nội đâu phải người dưng, người ta muốn thưởng thức ngay một tô phở Bát Đàn, phở Lý Quốc Sư nóng hổi. Còn tới Sài Gòn chữ vội trên vai bạn nhất định phải ghé những tiệm dưới đây để thưởng thức hủ tiếu.

     Những người Hoa đầu tiên từ Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Triều Châu… đã đặt bước chân di dân đầu tiên lên “Hòn ngọc viễn đông”. Họ mang theo nhiều nét văn hóa, phong tục khác nhau làm cho linh hồn mảnh đất này thêm phong phú. Mà trong đó, nghệ thuật ẩm thực là nét chấm phá thú vị, với điểm nhấn đặc sắc là hình ảnh những chiếc xe hủ tiếu, mì “chở” trên mình các điển xưa tích cũ của lịch sử Trung Hoa.

     Năm 1778 người Hoa từ Cù lao Phố đã chuyển về Chợ Lớn sinh sống và một cộng đồng người Hoa bắt đầu hình thành. Cũng từ đó những chiếc xe hủ tiếu mì đầu tiên bắt đầu xuất hiện ở Sài Gòn. Ban đầu phần lớn người Hoa tập trung ở khu Chợ Lớn. Anh Lưu Khải Văn không nhớ rõ mình là đời thứ bao nhiêu của dòng họ từ Triều Châu di cư đến đây nhưng chiếc xe hủ tiếu mì truyền lại từ đời ba anh, đến nay cũng ngót nghét gần 60 năm. Cứ đều đặn 7h sáng anh bắt đầu nấu và chế biến nguyên vật liệu, đến 13h chiều thì bày bán, đến 23h khuya lại dọn hàng. Chu kỳ ấy cứ tiếp diễn đều đặn tuần tự từ hàng chục năm nay. Tất cả công thức nấu nước lèo, pha chế đều “bí truyền” riêng trong dòng họ.

     Nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3, TP.HCM), quán có tên là Trường Thạnh nhưng nhiều thực khách chỉ biết đến cái tên “hủ tiếu mì bò viên Triều Châu”, bởi đây là quán ăn có chủ là người gốc Triều Châu và nổi tiếng bởi món bò viên nhà làm cực ngon.

     Được biết, quán hủ tiếu Trường Thạnh do một người đàn ông gốc Hoa tên Thái Minh Khôn mở bán khoảng 60 năm trước, khi ông cùng vợ con sang Việt Nam sinh sống và lập nghiệp. “Ngày đó cha tui chỉ bán bò viên với nước súp, mới đầu hương vị khá lạ nên nhiều người không thích cho lắm. Cha tui cứ nấu đi nấu lại riết rồi cũng quen, cha còn tự chế biến ra công thức làm bò viên của riêng mình và được thực khách ủng hộ đến tận bây giờ”, bà Thái A Muổi (56 tuổi, chủ quán đời thứ hai) cho biết.

     Khi ông Khôn qua đời, toàn bộ công thức làm bò viên, nấu nước lèo đều được ông truyền lại cho con gái là bà Muối. “Tui tiếp quản quán ăn của cha để lại cũng hơn 20 năm nay rồi, ngoài bò viên thì tui cũng có thêm một số thành phần ăn kèm như gân bò, lòng bò, lá sách… Đặc biệt bò viên, nước chấm đều phải tự nhà làm thì mới yên tâm giữ đúng hương vị, vì đó là cái đặc trưng, cái riêng biệt mà cha tui làm ra rồi”, bà chủ nói.

     Theo cảm nhận của nhiều thực khách đã từng ăn và “nghiện” hương vị của hủ tiếu mì bò viên nơi đây thì “bò viên phải nói là ngon tuyệt đỉnh, dai nhưng không hề cứng, mềm mềm, sần sật, cắn một nhát là ngập răng và mùi bò thật sự rất thơm ngon”. Tuy nhiên, tô hủ tiếu mì ở đây khá ít nên nếu người nào có sức ăn khỏe thì phải hai tô mới đủ no.

     Bên cạnh hương vị thơm ngon của món ăn, chất lượng của bò viên thì phong cách phục vụ và thái độ bán hàng vui vẻ của chủ quán cũng là điểm níu chân thực khách suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Bà chủ ở đây bán hàng dễ thương lắm, tôi ghé ăn lúc nào cũng được chủ quán hỏi thăm tận tình xem ăn có ngon không, có vừa miệng không. Có hôm còn được tặng thêm chén bò viên ăn kèm. Ấn tượng nhất là một lần tôi ghé ăn thì thấy có đứa bé bán vé số vào mời khách, bà chủ ra hỏi có đói bụng không rồi làm cho đứa nhỏ một tô hủ tiếu bự. Với riêng tôi thì món ăn do một người có lòng tốt nấu ra chính là món ăn ngon nhất rồi. Mỗi khi hương bò viên thơm lên nghi ngút, tình người, tình đất, tình xứ sở lại giao hòa với nhau khiến cho lòng tôi mải mê thờ phụng.

     Hủ tiếu Triều Châu ngon quá, tuyệt vời quá, mùi vị phá lấu cải chua thanh đậm và miếng hủ tiếu hồ trơn trơn dai dai, tất cả hòa nguyện vào đầu lưỡí, một sự kết hợp độc đáo cuốn hút từ miếng đầu tiên tới miếng cuối cùng, chắc chắn bạn sẽ phải ghé ăn hoài vào những lần sau.

     Đến Sài Gòn muốn ăn hủ tiếu bạn có thể đến Hủ tiếu mỳ cật: Cửa hàng nằm tại số 62 Trương Định, phường Bến Thành, quận 1. Quán nổi tiếng và có từ lâu đời, tuy không gian hơi nhỏ nhưng lúc nào cũng đông khách. Tô hủ tiếu luôn đầy đặn như tấm lòng hiếu khách của chủ quán, sợi mỳ dai dai được làm trong suốt như bột lọc, bạn cũng có thể lựa chọn ăn cùng thịt nạc, xí quách, thịt bằm, hay thập cẩm đều rất lạ và ngon miệng.

     Ngoài ra bạn có thể đến Hủ tiếu Nam Vang Ba Hoàng. Là một quán không biển hiệu, nhưng luôn đông khách nằm trong hẻm 46 Võ Văn Tần. Hủ tiếu Nam Vang hay hủ tiếu xương ở đây đều rất ngon. Tô hủ tiếu đầy đặn, tôm tươi luộc đỏ au, thịt xắt mỏng, thịt bằm béo ngậy. Nước dùng ngọt đậm đà, hành phi thơm giòn ăn kèm tỏi ngâm và sa tế thơm hợp vị.

     Ngồi ngắm nhìn những tô hủ tiếu đang nghi ngút khói, đang nghi ngút hương, đang thênh thênh thang thang đường phố, bất giác tôi lại nghĩ đến những xe đẩy hủ tiếu truyền đời của người đến từ Triều Châu. Thời gian sẽ chẳng bao giờ trở lại, giống như hôm nay bạn ăn một tô hủ tiếu này đã khác, ngày mai bạn ăn một tô hủ tiếu cũng ngay tại nơi này cũng sẽ khác. Chỉ có những phong vị quê hương, tình người, tình xứ sở sẽ chẳng bao giờ thay đổi. Kể cũng lạ, người đến từ Triều Châu…

(Bài viết có tham khảo một số tư liệu từ Wikipedia)