T

hịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh.

Tết là sự hiện diện của bánh chưng xanh thơm lừng mùi lá dong quyện trong hạt nếp dẻo; là đĩa thịt mỡ thơm ngậy ăn kèm với củ dưa hành thanh thanh; là rộn ràng âm thanh của tiếng pháo nổ đón chào năm mới. Và chắc chắn không thể thiếu những cây nêu dựng trước cổng nhà.

Trên vườn nhà tôi có thật nhiều cây tre. Tầm khoảng ngoài 20 tháng chạp, bố xách dao lên vườn đi hết bụi tre này đến bụi tre khác ngắm nghía rồi chọn lấy một cây ưng ý nhất. Cây tre lọt vào đôi mắt xanh của bố là thẳng, suôn, cao khoảng 5-6 mét. Hạ cây xuống, bố dùng dao tỉa hết cành nhánh, chỉ chừa lại phần ngọn.Trong bếp, mẹ đang chuẩn bị đủ thứ cần thiết để lo bánh trái, nếp xôi thì ngoài này, bố lo phần trang trang hoàng cho không gian thêm đẹp. Cứ thế mà năm nào tết nhà tôi cũng thật rộn ràng, tất bật. Đám cháu nhỏ thấy ông làm thì líu ríu theo sau, tò mò hỏi han đủ thứ.

Ông vừa làm vừa nhiệt tình giải thích cặn kẽ từng lời thắc mắc của cháu mà không biết mệt. Rằng vì sao ngày Tết có cây nêu, vì sao trên ngọn nêu ông treo củ tỏi và nhánh xương rồng, rồi lại có thêm cái đèn lồng xanh đỏ…Cháu đã thôi chạy lăng xăng mà ngồi ngẩn tò te bởi tâm hồn ngây thơ bị cuốn theo lời ông nói. Cho đến khi cây nêu được dựng lên, những ánh đèn đỏ vàng xanh tím quấn quanh thân cây nhấp nháy lung linh trước cổng thì đàn cháu vỡ òa mà reo vui thích thú.

Lặng ngắm khung cảnh ấy mà tôi nhớ Tết xưa, thuở tôi còn thơ bé. Cũng là cảnh dựng nêu ngày Tết nhưng người đảm nhiệm công việc ấy lại là ông tôi. Hồi đó, bố là bộ đội ở đơn vị xa, có Tết về có Tết không, và nếu có thì cũng là những ngày cận Tết tôi mới được đón bố. Chính ông tôi cũng là người tự tay chọn cây tre ưng ý, tỉa hết cành nhỏ, tự tay buộc cả một bó tỏi củ, thêm cái mảnh khánh đất…Rồi cây nêu được dựng lên, ngọn nêu phấp phới la đà trên cao, chỉ có điều thuở đó không có những dây bóng nháy đủ màu như ngày nay. Tôi cứ đứng dưới gốc nêu mà ngắm rồi tưởng tượng ra cái câu chuyện Sự tích cây nêu ngày Tết từng được ông kể cho nghe. Chỉ là trong tưởng tượng mà tôi thấy ghét lũ quỉ tham lam độc ác giành hết ruộng đất, xảo quyệt cướp hết lúa của con người. Nhưng rồi lại thấy hả hê khi con người nhờ được Bụt giúp mà những vụ sau ung dung đem khoai và ngô và nhà. Thấy cảm ơn ông Bụt độ lượng, giàu lòng yêu thương khi đã bày kế cho con người dựng nêu để trừ ma quỉ vào dịp Tết đến. Để từ đó, nhân dân ta có tục dựng nêu vào dịp trọng đại thiêng này để mong cầu bình an.

Vẫn nhớ lời ông bảo, sau ngày 23 tháng Chạp, các vị thần thổ công, thổ địa, ông táo vắng mặt do bận về chầu trời nên ma quỉ sẽ nhân cơ hội đó vào phá phách. Vốn đầu óc hay tưởng tượng nên tôi khá sợ hãi nhưng chợt nghĩ đến cái bóng áo cà sa của ông Bụt, nhìn lên củ tỏi, và chiếc đèn lồng trên ngọn tre, bỗng chốc nỗi sợ tan biến mà hóa thành sự bình an trong tâm hồn. Bởi tôi vẫn tin củ tỏi, mảnh khánh kia sẽ xua đuổi quỉ ma, còn chiếc đèn lồng ấm áp đang soi đường rước ông bà tổ tiên về đoàn tụ cùng con cháu…Mùi hương trầm tỏa lan trong giá rét khiến cho lòng trẻ thơ ấm lạ ấm lùng.

Nhà tôi ở lưng chừng đồi, đứng từ trên sân có thể nhìn ra bao quát mênh mông xóm làng. Tết đến, quanh xóm, nhà nào cũng có cây nêu nhưng có vẻ nhờ địa hình nên cây nêu nhà tôi vươn cao nhất. Những ngày dựng nêu xóm làng thêm nhộn nhịp rôm rả. Mọi người thường ra ngõ để xem việc dựng nêu, rồi còn phụ nhau dựng cho nhanh, cho chắc. Dưới bóng cây nêu, hàng xóm đứng chuyện trò thăm hỏi: nhà bà ngày mấy gói bánh chưng, nhà tui mới bóc dưa hành và ngâm đỗ, sáng nay ở chợ nhiều đào tươi…Đám trẻ con thì thích thú đi hết nhà này đến nhà khác để xem cây nêu của mỗi nhà khác nhau thế nào. Bố bảo mỗi lần về đến đầu xóm, nhìn ngọn nêu cao nhất là biết ngay nhà mình nơi ấy, biết ngay ở nhà ông nội đã chuẩn bị chu toàn.
Vẫn nhớ năm tôi lên sáu, bố viết thư về bảo Tết này có khả năng lớn là không về được. Đối với ông bà và mẹ, đó là việc bình thường bởi đây đâu phải là Tết đầu tiên bố bận việc đơn vị. Người nhà bộ đội thường được lên sẵn tâm lí vững vàng như vậy. Nhưng với tôi, dù đã được mẹ động viên song lòng tôi vẫn buồn và trông ngóng. Nhớ lời của bố từng nói, từ đầu xóm thấy cây nêu cao nhất là nhà mình nơi ấy, tôi thường ra đứng dưới gốc nêu ngóng chờ, hi vọng, mong ông Bụt ban cho phép màu. Và vào buổi chiều ba mươi giá rét của năm ấy, khi đang tha thẩn dưới gốc nêu, một bóng dáng cao gầy đã xuất hiện, tay còn cầm một nhánh đào thắm tươi. Tôi reo vui òa tới ôm chầm lấy bố. Được bố bế trên tay, đứa trẻ ngây thơ thỏ thẻ bên tai bố rằng: ngày nào con cũng đứng ở đây, để bố về đầu xóm nhìn thấy cây nêu là thấy con luôn.

Ngày nay, nơi quê tôi, ngày Tết, nhà nhà dựng nêu. Nhưng cây nêu thời hiện đại được trang trí bởi muôn ánh đèn màu nhấp nháy. Bố tôi bảo nhà mình nhiều tre, mỗi năm có một dịp nên bố vẫn thích tự tay mình dựng cây nêu truyền thống. Trên ngọn nêu ấy, bố trang trí thêm lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay. Nhưng có nơi, đặc biệt là dọc những con đường lớn người dân làm cây nêu bằng ống thép và cố định nơi cổng nhà, hễ dịp Tết là được trang hoàng lộng lẫy. Đêm xuống, nhìn từng hàng nêu thẳng tắp rực rỡ lung linh. Trên ngọn nêu ấy, không còn ngọn tre phất phơ cùng những củ tỏi, cây xương rồng, mảnh khánh… nữa mà thay vào đó là những cái khung bằng chất liệu thép hàn thành hình lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng rực sáng trên cao. Càng ngẫm càng thấy đúng, chỉ cần dưới lá cờ của Đảng, của Tổ quốc vinh quang thì ắt sẽ có bình an, ấm no và thịnh vượng.