Đã từ lâu tôi yêu màu hoa sở, màu hoa của núi rừng đại ngàn quê hương em. Em là chi mà hấp dẫn tôi đến thế, để mỗi năm lại cuốn tôi về Bình Liêu trong nắng gió mùa đông? Bây giờ em ở nơi nào, tôi về quê em, em có biết không? Chiều không em chầm chậm trôi trên một cánh rừng hoa trắng. Trong lễ hội hàng vạn người, bạt ngàn hoa mà tôi vẫn thấy thiếu vắng một loài hoa tôi nhớ thương.

               Đến với núi rừng Bình Liêu vào tháng mười hai, mùa lễ hội hoa sở – loài hoa được người dân tôn vinh là biểu tượng của vùng đất nơi này, tôi gặp lại một màu núi trắng. Cả một vùng núi trắng muốt màu hoa. Lần đầu nhìn thấy, cây hoa sở, nhác trông, tôi nghĩ đó là cây chè. Hoa, lá của cây cũng giống hệt cây chè quê tôi.

Nhưng không phải, đó là cây sở hay còn gọi là trà mai hoặc trà mai hoa, là loại cây cổ thụ, lá dày dặn và cứng hơn lá chè. Hoa thì nhìn giống hệt hoa chè nhưng nhiều cánh, là loại cánh kép. Nụ chè trông giống hệt nụ hoa trà nhà tôi trồng trưng bày vào dịp tết, khi nở cũng từ từ đội các lớp đài lên mà khoe lớp cánh lụa là, ngà ngọc. Những cánh hoa trắng muốt, nhụy vàng tươi cứ bung ra mà nở, cứ rộ lên mà trắng, cứ xòe ra mà rung rinh khoe sắc tinh khôi, khoe mùi hương dìu dịu với đất trời hoang sơ, kỳ vỹ.

                                  Ấn tượng với loài hoa này vào một lần về quê em khi hoa sở trổ bông. Người ta chỉ nhận ra cánh rừng hoa sở khi mùa đông về, hoa sở nở rộ tạo thành những thảm hoa trắng muốt trên nền lá xanh đậm. Tôi và em nắm tay nhau đi trong bình yên, dưới những vòm hoa trắng mà ngắm thiên nhiên tươi đẹp. Khắp nơi, đâu đâu cũng trắng một màu hoa sở. Tôi yêu vùng quê em từ dạo ấy, không biết mùi hương từ mái tóc em thơm hay mùi hoa sở, để tháng năm tôi chẳng thể nào quên.

Em dẫn tôi đi trên con đường núi cao chênh vênh để ngắm quang cảnh quê em nên thơ, trùng điệp. Những dãy ruộng bậc thang trải dài, đẹp như một bức tranh phong cảnh khổ rộng. Chỉ cách một cánh rừng, bên kia biên giới là huyện Ninh Minh thuộc thành phố Sùng Tả, Trung Quốc. Bất chợt, tôi nhớ tới bài hát Chiều biên giới của nhạc sỹ Trần Chung, phổ thơ Lò Ngân Sủn. Đây là bài hát được xếp vào hàng hay nhất những bài hát về chủ đề biên cương. Tôi cất tiếng hát trong chiều lộng gió :

Chiều biên giới em ơi, có nơi nào xanh hơn như chồi xanh cỏ biếc, như rừng cây của lá, như tình yêu đôi ta.... Em ơi, có nơi nào đẹp hơn chiều biên giới, khi mùa đào hoa nở, khi mùa sở ra cây, lúa lượn bậc thang mây, mùi tỏa ngát hương bay...

              Giữa khung cảnh trời đất nên thơ, tâm hồn tôi cũng thăng hoa cùng thi nhạc. Em chỉ nhìn tôi mỉm cười và ngạc nhiên về giọng hát đầy cảm xúc của tôi. Tôi muốn ôm em trong vòng tay nhưng lại chỉ vuốt nhẹ mái tóc mềm mượt của em để rồi nuối tiếc. Vẻ đẹp thuần khiết, trong trắng, trinh nguyên, mộc mạc của hoa sở, của người con gái như núi rừng đại ngàn quê em đã chiếm giữ hồn tôi suốt cuộc đời, để mỗi mùa đông về, tôi ngẩn ngơ nhớ thương một loài hoa trắng.

Hôm nay đây, trở lại Bình Liêu vào một ngày cuối đông, hoa sở vẫn nở trắng ngời rạng rỡ, nhụy cứ vàng tươi trong ánh nắng mặt trời. Hoa đón tôi bằng mùi thơm dịu nhẹ, bằng sự tươi tắn, nồng nàn, tinh khôi. Hàng năm, lễ hội hoa Sở Bình Liêu được tổ chức thu hút người con quê hương và du khách ở khắp miền tổ quốc về dự, thưởng thức vẻ đẹp hoang sơ của một loài hoa rừng nơi biên cương phía bắc. Cây sở không chỉ để ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa mà cây còn mang lại kinh tế cao cho nhân dân trồng rừng. Đó là loại cây không chỉ làm đẹp mà còn làm giàu cho Quảng Ninh.

                                Hoa sở nở nhiều và đẹp nhất chính tại vùng đất Đồng Long quê em. Đó là một loài hoa lạ kỳ, nó kiên cường, chọn thời tiết khắc nghiệt, giá rét mà nở, làm bừng sáng cả bầu trời biên cương những ngày mùa đông u ám.

Và xuân sang, khi các loài hoa khác đua nhau khoe sắc, thì nó lại lặng lẽ âm thầm kết dần thành quả, để rồi những quả đó dâng cho con người thứ tinh dầu sóng sánh, tươi như màu nắng, vàng ươm màu nhụy hoa. Người ta ép dầu ăn từ hạt, dầu sở là một loại dầu ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao, có tác dụng chữa bệnh, ngoài ra, còn làm nguyên liệu quan trọng trong ngành công nghiệp, ngành y dược.

              Mỗi năm tôi lại tìm về, dù em đã xa quê hương, tôi vẫn muốn về đây tìm lại chút hương thơ ngây thuở ấy, neo vào hồn hoa mà giữ cho riêng mình một tình yêu trong trắng, tinh khôi. Hoa sở của em và hoa sở của tôi, loài hoa nở mùa đông để báo trước một mùa xuân sắp về!

Hoa sở đôi chiều trắng lối quê Dăng dăng sương sớm bước em về Tôi đi không biết chiều hay sớm Chỉ biết chờ em đến sắt se.Hoa sở - Ngô Quân Miện