T ôi chẳng biết con vạc kêu sương vì đêm quạnh quẽ quá hay nó khắc khoải kêu sương để gọi bầy trên đường thiên di về miền phương Nam đất ấm xa xôi nào đó, bỏ lại ngoài kia cơn gió bấc băng đồng cào xước thịt da, nẻo quê mịt mù sương giá bồng bềnh sau đôi cánh. Chỉ biết rằng khi âm thanh “ac ac ac …” thao thiết vọng lên giữa trời đêm cô tịch, lòng bỗng thấy trào dâng một nỗi niềm khắc khoải. Như kẻ vô tình rơi vào kẽ nứt của thời gian rồi bị kẹt lại ở đó, tôi loay hoay trong bầu trời xanh thẳm dằng dặc tuổi thơ, giữa chấp chới những cánh chim trời.

Thuở ấy, tuổi thơ tôi là hình ảnh các loài chim: mùa xuân chim én, chim sáo; mùa hè chim se sẻ, cu đất, cu cườm; mùa thu, mùa đông chim vạc… Mãi tận sau này khi những ngày thơ bé đã lùi vào dĩ vãng, cuộc sống đẩy đưa phải vùi mình vào nỗi lo cơm áo gạo tiền nơi thành phố mà dần xa rời quê hương. Tôi vẫn còn thói quen nhìn những cánh chim bay tha thiết đợi mùa về.

Sáng sớm nay, một sớm mùa đông như bao mùa đông năm cũ. Nơi tôi sống cái lạnh không riết ráo, thấu thịt thấu xương, làm nứt nẻ khô môi tứa máu như tiết trời mùa đông ở chốn quê nhà miền trung. Nhưng cũng đủ bất chợt làm tôi rùng mình trong vô thức, vì cái se buốt mang hơi hướng của sương đêm theo gió lùa qua ban công len lỏi vào nhà. Thảng hoặc tôi nghe vọng trong đêm vắng tiếng vạc kêu sương lan dài đơn độc “ac ac ac”… Buồn tênh! Rồi âm thanh ấy bị hút vào thinh không im bặt. Trong một khoảng lặng mênh mông đêm, thiêm thiếp đêm, tâm hồn như được gợi thức. Dòng chảy thời gian quen thuộc thời thơ ấu nơi quê nhà qua bao nhiêu năm đã tạm ngủ quên nay bỗng nức nở ùa về. Trong cơn miên man của hồi ức, tôi trở về những đêm mùa gặt theo ba má ra đồng dồn lúa. Dưới ánh trăng thu rót mật vàng dịu, loang loáng khắp cánh đồng. Tiếng nói cười giòn vang, những đôi chân bì bõm lội ruộng đêm cũng như ngày cứ thoăn thoắt hối hả, những vòng tay ôm ngập ôm lúa rung rinh trĩu hạt. Tiếng các bác đánh xe bò quất roi vào mông lũ bò “bem bép” thúc chúng đi nhanh hơn để chở lúa về sân. Tiếng máy tuốt lúa rầm rập ồn ã… Ngày mùa tất bật rộn ràng. Thôn xóm thơm mùi cơm gạo mới. Đêm đêm từ bầu trời trăng treo lơ lửng thường vọng đến tiếng kêu trầm ấm quen thuộc “ac ac ac” của lũ vạc đi ăn đêm. Lạ thay! Ngày đó, dưới đôi mắt nhìn đời vô tư lự, tụi trẻ con chúng tôi nghe tiếng vạc mà chẳng gợi một nỗi niềm. Âm sắc tuổi thơ chỉ ăm ắp những trò nghịch đùa con trẻ. Nỗi háo hức đối với những đêm trăng mùa gặt theo chân người lớn ra đồng là một nỗi niềm vô cùng choáng ngợp. Bọn tôi í ới gọi nhau, lăng xăng chạy đầu này đầu kia, chân giẫm mẹp gốc rạ, tay sục dưới ruộng bùn tìm cua, tìm ốc, bắt cá rô cá lóc. Hễ có đứa nào thấy được con cua con cá là y rằng mừng rú lên sung sướng đánh động để mấy đứa kia biết chạy tới. Cả bọn túm tụm sục sạo, lục tung hết một góc ruộng lên cho đến khi mình mẩy ướt sũng, lấm lem nhớp nháp và bắt gọn con cua, con cá trong tay mình mới thôi. Chúng tôi thích chí cười ha hả. Tiếng vạc trong tâm tưởng trẻ con chỉ đơn thuần như một dàn hợp xướng của thiên nhiên, không mảy may gợi trăn trở cũng chẳng có chỗ đọng lại suy tư. Và chẳng biết tự bao giờ lũ trẻ trong xóm tôi lại thuộc nằm lòng mấy câu thơ, đọc vanh vách mỗi khi nô đùa dưới trăng mà nghe tiếng vạc kêu:

“Cái vạc mà đi ăn đêm
Rớt lại trên đồng một tiếng kêu sương
Ơi nắng mày nắng lên mau
Lúa thóc đầy bồ tao đổ ra phơi”.

Mặc cho bao cõi lòng người lớn chất chứa tâm tư, những liên tưởng kiếp vạc mỏng manh sương mây nào đó. Tâm hồn trẻ con chỉ có chỗ cho ngập tràn niềm vui của đêm trăng mùa gặt; của đầy ắp chậu cua, chậu ốc và rộn ràng mùa màng bội thu; của ngày mai trời được nắng và lúa thóc sẽ giòn khô… Tất thảy đều là những âm sắc long lanh trong trẻo chưa lợn cợn đường gân ngờ vực nào ở cuộc đời, như thể những sợi dây ngờ vực chỉ hình thành và chảy trong huyết quản của kẻ đã trưởng thành.

Rồi mùa thu dịu dàng qua đi. Đông về, khi từng cơn gió bấc băng đồng, thốc liên hồi làm nghiêng ngả hai hàng bạch đàn dọc bờ sông, đập vùn vụt vào vách nhà ẩm thấp phủ rêu. Lũ trẻ chúng tôi bị cái lạnh mùa đông quật cho tơi tả, lây lất rồi cũng vươn mình lớn lên. Trong mơ giữa chấp chới cánh vạc bay, tôi thấy má ngồi móc lại chiếc áo len thủng rách tơi cũ. Mắt má thẳm sâu đăm đắm theo từng mũi đan. Ánh điện nhập nhòa vạch những sắc vàng lạc lõng trên chiếc giường tre xập xệ, như chính má gượng nở một nụ cười nhưng còn đó là nỗi đau. Nước mắt má lã chã trong ráng chiều đỏ rực ngày tiễn đưa bà ngoại về miền mây trắng, như máu đổ ngập vào lòng huyệt mộ sâu. Ngoại ra đi nhẹ tênh, bóng ngoại thấp thoáng lúc mờ lúc tỏ, tan vào trong vắt tiếng chuông tụng kinh. Ngoại ơi, ngoại ở đâu trong triệu triệu giọt âm thanh lanh lảnh đó? Ngoại từng tựa cửa bảo tôi rằng: “Đêm đông nghe tiếng vạc kêu bạt gió não nùng quá con ơi!”. Để từ ấy trong tâm hồn cô gái tuổi mới lớn, tiếng vạc kêu không còn là âm sắc trong veo trẻ thơ với nắng lên, với đêm trăng nô nức, mùa màng bội thu nữa… Mà đã trở nên nao nao tê tái, quạnh vắng một nỗi đời. Tôi đã thấy những cánh đồng trơ gốc rạ nhuốm màu nâu sẫm sau nhà. Chiều chiều khói đốt đồng cay hoài con mắt. Tiết trời vào đông, đêm dài và nặng nề trôi qua như những cơn mất ngủ. Bình minh ngày càng chậm chạp thêm và đến muộn hơn, bất đắc dĩ lắm chúng mới le lói vài tia nắng vàng úa yếu ớt. Xa xa sương như khói giăng kín mênh mông cánh đồng vừa gặt, cái giá rét làm bức tranh quê thẫm lại đặc quánh. Hình ảnh lũ vạc nhập nhòe quyện vào sương mù, lững thững từng bước chân kiếm ăn khi trời còn phủ lên mình một lớp khăn voan mờ đục sương giá. Sớm mai lạnh buốt, mưa phùn xiên xiên lất phất làm bộ lông chúng ướt mèm, cúm rúm. Cảnh tượng ấy vô tình làm thức dậy trong tôi niềm thương cảm sâu sắc. Và tôi… Đã biết rưng rưng thương cho kiếp chim trời mong manh sương mây từ đó. Cơn Bấc vẫn cồn cào quét bạc thếch đôi bờ sông. Mùa nối mùa qua đi ngoại tôi ra đi không bao giờ trở lại nữa. Má đem thương nhớ dệt lên ngày tháng cũ. Còn tôi, tâm hồn rỗng khuyết nay đã được đắp đầy nỗi buồn của sự mất mát người thân. Đêm đêm tiếng con vạc kêu “ac ac ac” như đốt cháy cả trời đông, như xuyên thủng vào căn nhà trống hoác lạnh căm. Đâu rồi dàn hợp xướng âm thanh của tự nhiên trong trẻo ngày xưa? Vạc ơi, mày kêu chi hoài, chi mãi phía nhà đã vắng bóng một người thân.

Thời gian trôi qua, khi con người ta mỗi ngày một trưởng thành, mỗi ngày một nhìn sự vật xung quanh một cách khắc khổ hơn. Tôi nhận ra rằng dù mùa thu hay mùa đông thì con vạc cũng chỉ kêu một điệu duy nhất, là ngôn ngữ của nó. Cũng như con người nói thứ ngôn ngữ của chúng ta. Lẽ tất nhiên ta không thể thay đổi ngôn ngữ của loài người bằng một thứ ngôn ngữ khác mà diễn đạt với nhau được. Nhưng theo tuổi tác, tâm hồn con người lại được làm đầy lên mãi. Chính vì vậy mà khi ta trưởng thành, khi ta đã hiểu được nỗi đau của sự mất mát. Ta nghe tiếng vạc vọng lên giữa đêm cũng giống như tiếng thét vào bầu trời mà âm thanh dội lại của nó chính là những giọt âm sắc quyền năng, xuyên thấu tất thảy, làm rách toạc cõi lòng của những kẻ có tâm hồn đang trĩu nặng tâm tư.