Những chuyến hàng lại ra chợ vào buổi sớm mai. Nên sáng nay con đứng nhìn và con nhớ má. Ngày xưa, có phải má con mình ngồi đằng kia, trong góc đó? Và con ngồi chồm hổm, mắt ngó về ông già bán kẹo mà tay chắt chiu rổ trứng gà con con. Ôi! Nhớ hồi xưa quá, má há?
Tôi gọi những cái chợ ruộng dân dã này là chợ của má. Bởi nó hiền lành, lam lũ như má, bởi chợ nhỏ nhoi, khiêm tốn như má, nhưng nó mang một cái hồn sâu, mênh mông lắm nên người ta nhắc nhớ hoài, thương hoài như thương… má vậy.
Bất cứ khu chợ thực phẩm nào ở thành phố Cà Mau cũng có một góc nhỏ dành cho người chợ ruộng. Chợ bắt đầu từ tiếng xe lam chở hàng lặc lè, ậm ì trong buổi sớm, bằng tiếng trò chuyện êm đềm, bằng đôi tay oằn, đôi chân mỏi. Chợ bắt đầu bằng những cái bao ni-lông trải ra nền đất. bàn tay nào bày ra đó mấy trái dừa khô, mấy nải chuối vàng, con vịt lạc cạc bên rổ trứng. Trên thúng, trên nia lún phún nhô lên những ngọn rau uống sương cong cong.
Hầu như tất cả rau trái ở quê mình có, ở chợ ruộng có. Từ rau muống, rau lang, mồng tơi, bù ngót đến lá chuối xanh, lá dứa, bó sả, nhúm ớt… Rồi cá, rồi gà, vịt, chuột đồng… Ngày rằm, ngày ba mươi, chợ trang điểm bằng bông trang được cột thành khóm đỏ tươi bán cho những người cúng bàn thờ Phật.
Mồng hai, mười sáu, chợ lúc nhúc những chú gà non tơ. Trời hạn, chợ bày thúng rau đắng đất run rẩy xanh cho ta thèm một nồi cháo tống. Bữa nắng chiều, chợ có rễ tranh, mía lau…
Mưa xập xoài, chợ lổn nhổn ốc lát bán kèm lá ổi, lá sả. Những con ốc lát vừa cựa mình trở dậy từ đất, thịt cứ ngọt lừ. Cũng cử này, người ta bán xổi rau muống đồng, loại rau muống bị chìm trong nước nhú lên những cái đọt non mềm, cỡ một gang tay, trắng nõn, tưởng như có thể bẻ bằng mắt một cái “bụp” ngon ơ.
Mùa nào thức ấy. Nhưng có hôm ta thèm thứ trái mùa lại gặp ở đây thứ trái mùa. Vô tình, chính con người nón rách áo túi cùng những món hàng đã khoác lên cho chợ ruộng một cái áo bình dị, một linh hồn hiền hậu mà rất đỗi thiêng liêng. Thêm vào đó một chút thâm trầm dân dã. Thì có gì dân dã bằng nắm rau càng cua mọc từ chái hè, mấy trái bình bát chín hườm mọc từ hào ranh, rổ đọt lúa hái từ sân trước…..
Chỉ có vậy mà những nội trợ đảm đang mê đắm mê đuối chợ này. Họ mua được nhiều rau tươi, cá tươi, giá lại rẻ do gần như người bán chỉ lấy công làm lời. Họ mua được đầy ắp lòng tin từ bàn tay cần cù của những tấm lòng nông dân chân chất. Và những người xa quê đỡ nhớ quê nhà.
Những người ra chợ Cà Mau đều từ ngoại thành, từ những địa danh như Bà Bèo, Đàn Âm, Nhà Phấn, Tân Thành, An Xuyên vốn có truyền thống trồng rau, đi chợ.. Lọn rau muống giá 150 đồng, nhúm đọt chùm ruột giá 500 đồng, xấp lá chuối 1000 đồng… học cũng tích cóp tháng ngày. Thật ra, nhà nào cũng có một vài công ruộng nhưng “ngồi không ăn lúa kho cũng hết, nên đi bán kiếm ít đỉnh tiền”.
Khuya sớm gánh gồng đi chợ, chợ tan, các mẹ, các chị về nhà, lua vội vài chén cơm, lại tần tảo quẩy giỏ, cầm dao ra vườn lo buổi chợ mai. Cắt, lặt, rửa, bó lọn… loay hoay cũng đến tận chiều. Bàn tay thấm nước, nhăn nheo, bàn tay tái nhợt. Vậy mà buồn (chắc là nông dân ai cũng buồn kiểu này), họ không định đoạt được giá cả món hàng. Nó có thể rẻ, rất rẻ (mồ hôi có rẻ vậy bao giờ).
Đội rau đi chợ trở thành một công việc đẹp của người nông dân tự đời nào không biết. Tìm được một người đi chợ lâu năm không khó, chỗ này, đằng kia đều có mặt những người dì “tính từ hồi đó đến giờ tui đi đứt cỡ 50 đôi dép Lào”. Họ là những người gắn bó máu thịt với cảnh chợ quê này không chỉ vì mưu sinh mà là mối gắn bó thiêng liêng. Không có rau, không đi chợ, đâm… buồn..
Có người lặn lội đi bán từng trái bình bát chín, không đủ tiền đi xe thì đi bộ, “miễn sao đỡ ghiền chợ. Ở nhà buồn tay buồn chân, đi bán, một trăm đồng cũng đỡ một trăm”. Những đồng tiền nhỏ nhoi nhưng đầy niềm vui bởi nó được làm ra từ giọt mồ hôi mặn, từ tấm lòng lương thiện, thẳng ngay.
Những chuyến hàng lại ra chợ vào buổi sớm mai. Nên sáng nay con đứng nhìn và con nhớ má. Ngày xưa, có phải má con mình ngồi đằng kia, trong góc đó? Và con ngồi chồm hổm, mắt ngó về ông già bán kẹo mà tay chắt chiu rổ trứng gà con con. Ôi! Nhớ hồi xưa quá, má há?