Có ai về xin gửi chút heo may

                                          Người đàn bà phố ơi ! Hãy về đi nếu lúc nào đỡ bận. Hãy đi dọc triền đê trong những chiều biển vắng, cho cỏ may dệt lên gấu váy, ngắm những cánh buồm đỏ thắm đang rẽ sóng ra khơi. Về để nghe tiếng lửa hồng tí tách trong đêm đông, về để nghe quê mình bồn chồn trong mỗi bước đi xa…

                                       Bây giờ trời sắp lập đông, heo may gọi lá trên cành, cây rùng mình thay áo. Nắng chấm chấm trên những vòm hoa sữa trắng sáng lên. Vài cánh diều đỏ thắm vi vút trong gió gọi mùa. Bâng khuâng trời heo may hay lòng em cũng đang lay lắt heo may. Gọi gió về đi để tung tóc thề trên khăn san tim tím. Màu khăn mơ hồ thoảng nhẹ trên vai ai.

    Em đưa tay như hứng từng giọt nắng cuối mùa để gom lại dệt áo lạnh mùa sang. Chị đi về nơi ấy thật rồi để gầy buồn hoa cúc. Mùa thu của Hà thành có giống xứ biển nhà mình không chị nhỉ? Em đang để lòng mình nhắc nhớ xa xôi, ướp hồn mình bằng những kỉ niệm. Em nhớ chị đâu phải nỗi nhớ của tình nhân, sao nhớ cừ đầy lên cứ rối lên trong dạ lúc chiều buông.

    Ảnh: Thiên Mã

                    Ngày chị đi em không dám tiễn, bởi sợ sẽ òa khóc trước mặt chị, làm ngùi ngùi lòng kẻ đi xa. Giờ tung tăng giữa phố, chị có nhớ rơm rạ quê nghèo nhà mình không. Có nhớ những chiều chủ nhật hai chị em không phải đi trường, được ngồi bên nhau, nói những câu chuyện văn chương say bất tận, để rồi nhìn váo ánh mắt như có lửa của chị có cảm giác hai đứa đang bay đi rất xa rất xa.

    Cũng rót rượu nhé ! Nhưng nào có đứa nào biết uống, biết tính em cầu kì, hay bày đặt nghiêm cẩn chị cũng chạm môi chút rượu nho để rồi mỉm cười nghe em thao thao bất tuyệt giảng về cách ngâm ủ chế biến rượu. Chị nhìn em khích lệ như đang nghe đệ tử của Lưu Linh. Hai đứa mình đâu phải ruột thịt chị nhỉ? Mà sao có những lúc ta nhớ chị ngay cả khi mình đang ở cạnh nhau. Có những chiều thứ bảy người đàn bà lúc nào cũng tất bật cơm áo chồng con, vội vã vén khéo việc nhà trốn xuống với con em hay mơ mộng bằng cả cái thế giới xóm mình cộng lại. Xem em xoay váy lụa một vòng và đưa tay mời chị lên xe như một quý công nương. Lên xe để lang thang tới bất cứ nơi đâu.

                 Chị đi vội quá làm em dang dở giấc mơ viết về ẩm thực. Bánh chưng bà Thìn dưới dốc cầu Yên Định ngon quá chị nhỉ? Em nghĩ rằng chị sẽ chẳng quên cái buổi tối lạnh em và chị hơ tay trên than hồng trong quán. Bóc bánh chưng nóng hổi trên tay. Em cứ mắc bệnh triết gia: âm dương ngũ hành nước lửa thật đều, để bánh nhừ và thật chín. Ăn miếng bánh chưng bà Thìn như gặp đất trời hội tụ, lòng ấm lạ ấm lùng trong đêm đông. Bà chủ quán cứ cười hiền về tính cách của hai chị em. Chị lặng im nghe em huyên thuyên nhiều chuyện, gật đầu ngay cả những chuyện em nhắc đi nhắc lại rất t nhiều lần.Tại chị đấy ! Chị chiều em lắm cơ để bây giờ vắng chị em nói chuyện với ai cũng nhạt.

    Ảnh: Thiên Mã

    Ngày xưa ơi ! Bao giờ trở lại ngày xưa. Mình sẽ trở về xứ đạo nơi trọ học của hai con bé, lớp ba và lớp bốn, khóc thút thít vì nhớ nhà xa mẹ. Chị bẻ cho em miếng cơm nếp đỗ đen mẹ đưa cho con gái với ánh mắt năn nỉ con đừng khóc nhè mà bỏ học về nhà. Em ngồi dưới chân tượng thánh Phê Rô đưa cơm nếp lên miệng mà óng nước mắt. Chị dỗ dành em không được cũng buông rơi miếng nếp và hai đứa cùng òa khóc. Hai bé con quyết chí rủ nhau bỏ học đi bộ gần hai chục cây số về nhà trong cái lạnh hun hút của mùa đông. Bây giờ nhớ lại mắt em vẫn còn rơm rớm.

            Ngày em mới ra trường. Vượt qua con dốc cao, nghe biển mặn vỗ vào bờ cát như vỗ vào ước mơ hoài bão của mình. Em ra chân sóng dạy học, còn chị lại vượt dốc về nhà với cái bụng kềnh càng. Với những chiều bờ đê trơn như đổ mỡ, chị thương chồng lận đận miền trong. Để rồi có những ngày mắt chị ngời lên rạng rỡ trong hạnh phúc khi ngồi sau xe anh. Anh đẹp trai với quân hàm đỏ thắm trên vai đưa chị tới trường làm em ngưỡng mộ, thầm mừng cho chị và mơ ước xa xôi. Thế mà em cũng giống chị mất thôi !

                      Khi làm vợ lính rồi em mới hiểu bao nhiêu đêm nước mắt, ngàn vạn cái trở mình trong chị. Mới hiểu những đêm dài lẻ bóng dưới đèn khuya ! Mới thấm nỗi cô đơn vào những ngày lễ tết tựa cửa nhìn thiên hạ ríu rít bên nhau. Hạnh phúc tưởng mong manh nhưng sao lại vẫn vững bền chị nhỉ ? Cái ốc đảo nơi chi về làm dâu. Cái xóm chín nghèo ven chân sóng heo hút. Bóng những người đàn bà lầm lụi chờ chồng về với những đùm tép moi lúc trời không yên. Đêm nằm nghe sóng vỗ bờ, biển động trào lên mà nước mắt chị ướt gối. Thương chồng đóng quân xa và thương cả phận mình. Hai đứa con chị ra đời bi bô tập nói trong tiếng sóng biển ào ạt.

    Bây giờ giữa Hà Thành lộng lẫy đèn xe chị có nhớ dư ba âm thanh tiếng sóng của xứ biển nhà mình không? Hôm nào nói chuyện với chị trong điện thoại em, có nghe nhạc nền thư gửi Elise, rồi Sonata ánh trăng mà chợt ngỡ ngàng. Tiếng nhạc như gợi lên đêm khuya thanh vắng sông Đalube xinh đẹp đẫm ánh trăng, thành Vienna cổ kính đang chìm vào giấc ngủ và tiếng dương cầm buồn bã cất lên xa xôi như heo may đang giã biệt bên bờ biển vắng.

                              Em lại nhớ đến nao lòng có những chiều vắng chị em mình lênh đênh trong tiếng nhạc. Và trước khi đứng lên bao giờ chị cũng nài nỉ em nghe ‘Dạ Cổ hoài lang”.Cũng đúng thôi ! Chị bây giờ đâu phải rưng rưng buồn khi nghe “ Dạ cổ hoài lang” của Cao Văn Lầu nữa chị nhỉ? Anh về rồi! Đêm đêm không phải một mình lẻ bóng nữa ! Em thấy yên lòng khi chị đỡ tủi thân. Ai bảo mình có duyên đèn sách. Ai bảo mình bén nghiệp văn chương để nhiều khi nước mắt rơi lặng lẽ đúng không chị?

    Ảnh: Cao Kỳ Nhân

                                                             Mình đâu phải người theo đạo nhưng chị em mình đều thích xem lễ nhà thờ. Noel này chắc một mình em lủi thủi qua nhà thờ xứ đạo. Đôi găng tay màu đỏ em mua vài chiếc mũ ông già Noel năm ngoái còn không? Hai đứa mình qua nhà thờ Văn Lý, qua xứ Xương Điền, lên đê biển. Nhìn những dòng sông sao lấp lánh trên cây thông giáng sinh, đôi mắt chị rạng ngời như đang được hưởng Hồng Ân của Thiên Chúa:” Mùa noel đó còn nhớ không em”- Vâng ! Em sẽ nhớ ! Như tất cả những gì mình đã có trong nhau. Dẫu có xa xôi nhưng vẫn đau đáu trong lòng.

    Em kể cho mà nghe, có chuyện này buồn cười lắm cơ ! Hôm qua em vào lớp khác dạy thay cho đứa bạn bị ốm. Ôi chao ! Đứa học sinh lớp đó hư qua cơ. Em nhắc tới mấy lần nó vẫn không sợ. Chắc muốn bắt nạt cô giáo dạy thay. Muốn lập nghiêm với cu cậu, em bắt nó xòe tay ra định vút cho một cái, nhưng cái thước của em giơ lên rồi lại hạ xuống vì khi nhìn bàn tay nó giống tay chị như đúc, và ánh nhìn thì y hệt chị. Em ngỡ ngàng hạ thước xuống hỏi ra mới biết nó gọi chị bằng cô. Tự dưng em rưng rưng khi nhìn bàn tay ấy. Chị đừng cười em chị nhé.! Em sợ em vung tay lên sẽ gõ nhầm vào tay chị.

    Bây giờ chị đem chồng lên phố. Chị quẩy cả mùa thu xứ biển. quẩy gánh cơm áo đời thường trên hai vai.

    Mỗi sớm mai thức dậy chắc không nghe thấy âm thanh tiếng gà gáy gọi bình minh, chắc sẽ không được nằm im nghe tiếng bồ câu gù nhau dưới mái hiên yên ả…nghe hạt vừng hạt cải lách tách trong hơi thở mùa xuân. Dẫu lụa là váy áo trên con đường nồng nàn hoa sữa,và cà phê với bạn mới cùng trường. Chị đừng ngại khi nói chuyện với ai khi giọng mình mang nặng âm điệu hồn quê xứ biển chị nhé! .

                  Người đàn bà phố ơi ! Hãy về đi nếu lúc nào đỡ bận. Hãy đi dọc triền đê trong những chiều biển vắng, cho cỏ may dệt lên gấu váy, ngắm những cánh buồm đỏ thắm đang rẽ sóng ra khơi. Về để nghe tiếng lửa hồng tí tách trong đêm đông, về để nghe quê mình bồn chồn trong mỗi bước đi xa…