Làng bên một dòng sông yêu thương và thơ mộng biết mấy. Con sông Ninh Cơ nước đỏ phù sa uốn quanh làng tôi như một dải lụa hồng trên nền xanh ngút ngàn vườn dâu, bãi mía. Hai bên bờ sông, xóm làng sầm uất với những bóng dáng quen thuộc: Lũy tre xanh, mái ngói chùa rêu phong cổ kính, con đường đất nhỏ… Bên triền đê đàn trâu thong thả gặm cỏ, thấp thoáng cánh cò bay như chớp nắng trên cánh đồng trải vàng, lúa chín… Chiều tối từng đàn cò trắng bay về lượn vòng rồi đậu trắng trên ngọn tre trồng chắn sóng dưới chân đê. Một khung cảnh làng quê thanh bình, ấm áp. Đồng cảm với bài thơ: Nhớ con sông quê hương, của nhà thơ Tế Hanh, tôi rất thích câu:
“Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre…”
Sông Ninh Cơ là sông nhánh của sông Hồng trước khi chảy ra biển, tưới tiêu cho cả một vùng miền rộng lớn, dòng nước mát lành mải miết trôi. Trên dòng sông luôn đầy ắp ánh nắng, thuyền bè đi lại vạch đường sóng nước hình mũi tên đuổi dạt vào bờ. Hoa nắng nhảy nhót trên sóng. Mùa xuân dòng sông nhìn sống động hơn, xanh tươi, trẻ trung như người anh am hiểu, tri âm, tri kỷ.
“Phù sa như sữa mát lành
Sông ngây ngất ngắm tre xanh lúa vàng
Bến Mây xanh chuyến đò ngang
Sóng trăng em với ngỡ ngàng sóng xuân".
Tôi cảm nhận dòng sông cũng có tâm hồn. Mọi tâm tư buồn vui của con người đều được dòng sông âm thầm chia sẻ. Ngày còn nhỏ, tôi thích mê mẩn mỗi khi ngồi trên mặt đê nhìn những cánh buồm nâu no gió từ phía hạ nguồn ngược nước đi lên. Cánh buồm nhuộm củ nâu màu vàng sậm xen lẫn những cánh buồm bạc màu nắng gió, như những cánh dơi khổng lồ cứ từ từ, ngoài phía xa, rồi ngang qua mặt, rồi xa dần, xa khuất. Chiều chiều đứng trên đê đếm và đố nhau nhận biết những con thuyền là một thú vui không biết chán.
Thuyền Nghệ (thuyền ở Nghệ An, Hà Tĩnh), thuyền xứ Thanh (Thanh Hóa) có thân hình nhỏ nhưng mũi thuyền vổng cao có lẽ đây là loại thuyền chạy pha sông, biển. Thuyền Hải phòng, Quảng Ninh to lớn với một cánh buồm rộng và hai cánh buồm phụ bên sườn thuyền. Cảnh thuyền buồm đi trên sông đẹp như tranh thủy mặc. Trên thuyền, người thủy thủ nhàn tản, mát mặt khi đang thuận buồm, xuôi gió.
Những ngày không có gió, họ lầm lũi kéo thuyền đi dọc bờ sông, người đen xạm, nón mê đội úp chụp xuống mặt. Hồi còn là học viên sỹ quan của một Học viện trong Quân đội, xem bộ phim Cánh buồm đỏ thắm, khi con thuyền buồm đỏ thắm đẹp như mơ xuất hiện, lòng tôi tha thiết nhớ những cánh buồm nâu cánh dơi trên dòng sông quê tôi. Những cánh buồm luôn mang theo khao khát mơ hồ về những chân trời xa.
Ở những vũng nhỏ ven sông, là nơi đàn trâu ăn no đang ngâm mình trong nước, chỉ còn nhìn thấy những cặp sừng cong như cánh cung và cái mũi trâu đen khìn khịt nhô lên mặt nước, thở phì phò. Trâu rất khoái ngâm mình trong nước mát phù sa, chúng ngụp lặn ra điều thích thú lắm. Những ngày đi học xa, một tuần mới về qua nhà, tôi thường ra ngoài bờ sông, mê đắm nhìn dòng sông hiền triết vừa chảy vừa ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm. Con đò nhỏ đang sang sông, người lái đò khoan thai bước lên, lùi xuống từng nhịp chèo đưa đẩy.
Người đi đò phần đông là người dân với lỉnh kỉnh quang gánh, thúng mủng đựng chuối chín, đậu, vừng và khoai lang mang bán ở chợ Bùi. Những người nông dân hiền lành, tóc vấn khăn, răng đen nhưng nhức hạt na, quần thâm, áo gụ nói cười hồn hậu. Nao nao nhớ tiếng gọi đò trong đêm khuya khoắt. Ngày ở chiến trường ra, tôi đã xuống đò để sang bên kia sông, cúi vốc nước sông mát lạnh ấp vào mặt cho thỏa nhớ mong. Với tôi con sông gần gũi và thân thương lắm. Dòng sông mộc mạc hiền lành như người ông ân cần, nâng bước. Cũng bến đò này, lần lượt đã đổi thay, từ con đò gỗ nhỏ, một người chèo rồi đến chiếc đò bằng xi măng lưới thép và ngày nay con đò trên bến là con thuyền bằng thép có gắn động cơ thủy.
Tuổi thơ của chúng tôi ngày trước không có trường mầm non nên thỉnh thoảng vẫn được bố mẹ cho ra vườn ở ngoài bãi sông. Bãi sông là đất do dòng sông bồi đắp, có con đê quai (quê tôi gọi là đê bối) ngăn nước mùa lũ cho khu đất trồng màu. Một vùng đất pha cát rộng mênh mông màu mỡ chủ yếu trồng mía và dâu nuôi tằm. Trong vườn trồng dâu, người dân trồng xen canh đậu, lạc, rau bắp cải, su hào… tùy theo từng mùa.
Đất tốt nên cây trồng tươi xanh nhanh lắm, ngày ấy rau, củ ăn không hết còn phơi nắng cho heo héo để làm dưa muối cả cây, củ su hào rửa sạch khi muối để nguyên cả vỏ. Dưa su hào, bắp cải …muối cả củ, cả cây phải muối trong chum sành màu da lươn. Miệng chum có hòn đá to dùng để nén ép cho thật chặt. Rau bắp cải và củ su hào muối ăn giòn giòn , chua chua, ngọt và ngon lắm. Những ngày giáp hạt, rau củ muối dưa cùng với củ khoai nước đã giúp người dân quê tôi chống đói.
Ở trong vườn mía như ở trong rừng, cây mía tám tháng đã cao hơn đầu người lớn, lá mía rậm rạp, không một giọt nắng lọt qua. Mẹ đứng trên chiếc ghế cao mà vẫn phải ngửa mặt mới bóc được lá mía. Ngồi trong vườn mía với những dóng mía vàng tươi ăn ngọt lịm, nghe tiếng chim cu gáy vọng từ ngoài xa . Tiếng chim cu gáy bổ rõ ràng từng nhịp dài và sâu thăm thẳm nghe mênh mang, da diết làm buổi chiều như rộng và sâu hơn.
Chiều mát, chúng tôi chạy ra ngoài mép sông nhìn thuyền chài đang thu lưới, những con cá ánh bạc nằm phơi bụng trong lưới. Đặc sản của sông nước quê tôi là tôm trứng cá bống trắng và cá măng. Xóm chài nhưng chỉ có dăm chiếc thuyền câu bằng gỗ bé nhỏ có mui khum khum đan bằng tre, bập bềnh trên sóng nước. Người dân nghề chài lưới quen với gạo chợ nước sông.
Xóm chài neo đậu ngay cạnh bến đò, trẻ con xóm chài vào học cùng trường với chúng tôi nên thân nhau lắm. Sau này, ngày được nghỉ học tôi vẫn đi đò sang bên chợ Bùi mua muối về cho mẹ bón mía. Muối ăn thì mặt chát mà sao bón cho mía, cây mía lại ngon ngọt thế. Mỗi lần ngồi đò qua sông là một xúc cảm khác lạ trên sóng nước mênh mang, tôi luôn có tâm trạng xao xuyến, bâng khuâng khi nhìn dòng sông trôi đi không trở lại.
Cũng tại bến đò này mỗi khi thuyền của ông tôi ở HTX Vận tải Tháng 8 đi qua nhà neo đậu. Tôi háo hức trèo lên thuyền, một con thuyền cỡ vừa (10 tấn) với 5 thủy thủ, ăn ở rất gọn gàng. Tất cả đồ đạc sinh hoạt và lao động được xếp đặt rất khoa học, ngăn nắp là do không gian sinh hoạt chung vốn chật chội. Con thuyền ấy trong một lần chở bông vải sợi bị máy bay Mỹ bắn rốc két vỡ tan, một thủy thủ bị thương. Ông tôi cùng các bác lao xuống dòng sông đang chảy xiết để vớt những bao kiện bông vải tan tác, trôi nổi trên sông.
Bờ sông bên làng tôi thuộc bãi bồi, bên kia là bãi lở. Ông tôi bảo cứ khoảng 100 năm thì dòng sông lại đổi phiên bồi, lở. Thủy triều lên, nghe ì ạp tiếng sóng vỗ mép bờ. Khi thủy triều xuống, lộ ra một bãi cát mịn, thoai thoải như bãi tắm Đồ sơn, chúng tôi thỏa thích bơi lội trong những ngày nghỉ hè mà không sợ bị dòng nước cuốn đi. Trẻ con làng tôi, đứa nào cũng sớm biết bơi và bơi giỏi. Ôi nhớ và thích lắm, những chiều hè được cùng chúng bạn tung tăng nhảy òa vào nước sông mát lạnh. Dòng sông dịu dàng như lòng mẹ âu yếm, vỗ về và bao dung.
Bên kia sông là Bùi Chu, một địa danh nổi tiếng lắm người tài, giỏi. Nhìn những xóm đạo với tháp chuông cao, có cây thánh giá trên đỉnh nhọn. Tiếng chuông nhà thờ mỗi sáng tinh mơ và khi chiều tà thong thả, nhả từng tiếng ngân nga, ngân nga. Bà nội tôi vẫn nghe tiếng chuông nhà thờ bên kia sông vọng sang để đánh thức chúng tôi dậy ôn bài trước khi đi học. Sau này lên thành phố, nhớ tiếng chuông thong thả, ngân nga tôi phải tìm mua chiếc đồng hồ quả lắc có chuông điểm giờ kêu bính bong gần giống như tiếng chuông nhà thờ.
Ngày nay do công trình thủy điện Sông Đà nên không còn mùa lũ nữa, dòng sông u uẩn, lặng lờ trôi với bao nhiêu tâm sự, đầy vơi. Người ta nạo vét lòng sông lấy cát xây dựng và cát san lấp ao chuông, làm nhà ở bằng những con tàu với hệ thống nạo vét với ống bơm lớn xình xịch chạy suốt ngày đêm, sông oằn mình ngoi ngóp thở . Cũng không còn cảnh thuyền buồm do thuyền đã được thay thế bằng xà lan gắn máy, hình ảnh cánh buồn trôi sâu vào kí ức.
“Chảy đi sông ơi…”, giai điệu bài hát luôn ngân lên trong tôi, như tiếng lòng tha thiết.