Chẳng còn mấy nữa mà Tết. Bà tiên già mùa đông đã họp giao ban trao lại cây đũa thần cho nàng chúa xuân non tơ mơn mởn. Và bánh chưng của ngoại một lần nữa trở về. Món quà đầu tiên chào nhân gian là những hạt mưa phùn nhè nhẹ, bay bay, mỏng tanh đến độ không làm ướt nổi mái tóc thề của người em gái. Hơi mùa mọng căng nẩy bung những chồi non, lộc biếc, gọi trăm hoa đua nở. Đất trời như khoác lên mình bộ xiêm y mới, lộng lẫy, rực rỡ sắc màu.

Năm nay tôi về quê ngoại ăn Tết. Bố mẹ tôi ở cùng ông bà ngoại, hai cụ sinh con một bề. Các bác, các dì cũng đều sống quây quần xung quanh. Đã mười ba năm kể từ ngày theo người dưng khác họ về ở chung nhà, tôi mới có dịp tự tay gói những chiếc bánh chưng để bày biện lên mâm cỗ gia tiên trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Ngoại chính là “người thầy đầu tiên” của tôi, tiếc rằng bà đã theo mây gió về trời… Mắt chợt cay xè. Ký ức ùa về như những thước phim quay chậm.

Ngoại ngồi chuẩn bị lá dong, mái tóc bạc phơ được vấn gọn gàng trong chiếc khăn nhung. Lá phải là loại bánh tẻ, không non cũng không già, láng bóng, xanh đậm, cuống nhỏ. Chẳng cần dùng dao, bà bẻ gập sống lá, hàm răng nhưng nhức hạt na cắn nhẹ, khẽ tước phần gân ra khỏi tàu lá. Tôi cũng hí hửng bắt chước. Tàu thì rách đôi, chiếc lại rách ba. Ngoại cười xòa, điều cô cháu gái đi nghiền nhân đỗ.

Ngoài sân, ông đang bó lại mấy bó lạt. Lạt được chẻ từ những ống giang già, dài cỡ ba gang tay. Ông cạo vỏ, chẻ ra từng thanh nhỏ, lọc lấy cật rồi khéo léo tạo ra những sợi lạt mỏng nhưng dẻo dai bất ngờ. Lạt cũng chia ra hai loại. Lạt thẳng để gói bánh chưng vuông và lạt quang gói bánh chưng tày( bánh dài giống bánh tét của người miền Nam). Sở dĩ có bánh tày là vì ra giêng, vào vụ cấy, các bà, các mẹ sẽ sắt từng miếng bánh như khoanh giò mỏng, rán giòn lên mang ra đồng vừa ngon vừa tiện. Lạt quang chính là từ bốn chiếc lạt thẳng tạo ra một mối nối thành hình dạng như chiếc quang gánh, gọi là giàng tư.

Mẹ dậy từ tờ mờ sáng để đãi gạo. Thường mẹ tôi sẽ gói một nồi. Ở cái vùng quê đất bạc trắng phèn chua này, đơn vị đong tính bằng nồi. Một nồi là mười sáu đấu, mỗi đấu gạo khoảng cân rưỡi. Thứ gạo nếp bà chọn phải là nếp cái hoa vàng, hạt tròn mẩy thơm nức. Mẹ đem ngâm từ đêm hôm trước, sáng hôm sau đem vo sạch trộn đều với nước dong giềng để róc nước rồi xóc muối . Thao tác này sẽ làm cho bánh chưng đậm đà và có màu xanh đẹp mắt đầy tính thẩm mĩ.
Tôi mang đỗ xanh mẹ đồ ra nghiền nát để làm nhân bánh chưng. Bà dặn mẹ tỷ lệ cứ hai đấu gạo một đấu đỗ là vừa. Thịt ba chỉ mẹ đem ướp sẵn một chút nước mắm, mì chính, hạt tiêu cho vừa ăn. Nhân này cũng chia thành hai loại, thái con chì với bánh vuông và thái miếng dài chừng hai ngón tay với bánh tày.

Trên chiếc chiếu cói cũ đã sờn, một chiếc mâm nhôm được đặt chính giữa. Bà và mẹ bắt đầu gói bánh vuông. Hai chiếc lạt đặt ở dưới, hai lá dong xếp hình chữ thập ở trên. Lần lượt trải đủ năm lớp, gạo, đỗ, thịt, đỗ, gạo. Bẻ lớp lá nằm ngang, buộc một chiếc lạt, bẻ tiếp lá dọc rồi lại buộc. Sau cùng giàng thêm bốn chiếc lạt nữa là được một cái bánh chưng vuông vức đến không ngờ.
Công đoạn gói bánh chưng dài cũng tương tự. Chỉ khác, lá dong xếp theo chiều dọc, hai lá đặt so le gối mép lên nhau. Gạo cùng nhân trải dài cỡ chừng hai gang. Bàn tay lốm đốm những dấu đồi mồi gấp một đầu lá, dựng bánh lên vỗ nhẹ quanh thân, gập nốt đầu còn lại rồi cố định bằng ba chiếc lạt buộc song song. Cuối cùng dùng lạt quang để giàng bánh lại cho chắc. Bà và mẹ gói nhanh thoăn thoắt, từng chồng bánh vuông vức như những viên gạch trông thật hút mắt. Công bằng mà nói bánh bà gói lúc nào cũng đẹp hơn mẹ gói một chút. Tôi ngồi học theo bà vo được hai chiếc nhỏ xíu, hơi meo méo. Nhưng yên tâm, bà đã gói sẵn sáu chiếc bánh mini đẹp tuyệt vời cho chị em tôi tự khi nào.

Bếp gạch được ông ngoại đắp từ mấy hôm trước, lúc ấy vừa vặn đỏ lửa, ấm nóng cả một khoảng sân. Mẹ đặt nồi, cho lớp cuống lá dưới đáy chống bén nồi rồi xếp bánh vào, nước đổ xâm xấp. Mẹ xung phong canh bánh, dù đã thấm mệt nhưng ẩn sâu trong đôi mắt vẫn ánh lên ngững tia sáng rạng rỡ. Bánh chưng phải luộc từ tám đến chín tiếng mới ngon. Mẹ lâu lâu lại tiếp nước cho nồi bánh, không để cạn nước bao giờ. Tôi chả buồn đi chơi, cứ loanh quanh trực bánh chín để xí phần cái nào đẹp nhất trong khi cậu em trai tót đi bắn bi với mấy đứa bạn hàng xóm.

Mười giờ tối, bánh chín. Mẹ vớt bánh ra rửa qua nước lạnh, lấy khăn lau khô từng chiếc rồi xếp thành hàng. Một tấm gỗ mỏng đặt chồng lên, tôi giúp mẹ xếp gạch lên trên để lèn bánh. Đó là kinh nghiệm của bà, làm vậy để bánh rền hơn, ngon hơn. Một tiếng sau, bà và mẹ đem những chiếc bánh chưng đem gói lại bằng mớ lá dong để riêng từ ban sáng. Lúc này, mặt xanh của lá được quay ra, mấy cô cậu bánh cũng được diện áo mới trông thật đẹp. Tôi mặc dù đã díu hết cả mắt, vẫn kịp cất riêng cho mình ba cái bánh nhỏ xíu, xinh xinh…

Gần hai chục mùa xuân xa ngoại mà ngỡ mới hôm qua. Biết bao thăng trầm, biết bao dâu bể, nhưng cứ mỗi độ Tết đến, xuân về lòng tôi lại nao nao một cảm giác bồi hồi khó tả. Nhớ ông tôi cặm cụi, chau chuốt chẻ từng chiếc lạt giang. Nhớ bà tôi trên chiếc chiếu cói ngồi gói bánh chưng. Bà đang cười nhìn tôi, nét cười đen nhánh, hồn hậu. Bàn tay vương dấu đồi mồi thoăn thoắt buộc lại chiếc lạt giàng tư. Chợt vô thức cất tiếng gọi: Ngoại ơi!

Minh họa: Trần Nguyên