N gày còn trẻ con mong tết như mong mẹ về chợ. Xa lắm rồi những tết xưa tuổi cũ. Ngoái đầu chỉ thấy yêu thương ở lại trên những tà áo mới còn ám mùi thuốc pháo thơm tho… Quê tôi xưa điện chỉ sáng trong nhà ngoài ngõ vào ba ngày tết.
Đêm ba mươi trầm hương day dứt, cứ nằm ráo hoảnh, chốc chốc lại quay sang ngó cái đồng hồ, ôm khư khư bộ quần áo mới, chỉ chờ đến giao thừa mà diện. Lòng khấp khởi nôn nao. Lúc tối đọc status của thằng Tuấn Híp học cùng trung học, giờ nó lại đổi tên thành Tuấn Xuka :”Ở đây, nhà nào cũng nghèo, nghèo bằng nhau. Cho nên họ buồn bằng nhau khi gió mùa về. Cái gió làm người ta ngậm ngùi, biết sắp hết năm, thêm một tuổi, tiếc muốn chết.”
Rõ khỉ cái thằng mặt dầy, nó lại làm mình không ngủ được, lại mò dậy, viết và viết… Lại mở xem lại ảnh của mấy đứa con, năm nào chúng còn bé xíu bé xinh mà bây giờ đã biết lý sự cãi lại nhem nhẻm. Nhoài mình soi gương, đầu hói, tóc bạc, mặt mũi trầm kha… Không hiểu sao mỗi dịp cuối năm nỗi ưu tư cứ vụng về bám riết lấy tâm hồn. Nhiều lúc muốn vui, muốn ngóc đầu lên như cái máy bay chạy đà cất cánh, nhưng đến cuối đường băng lại ngã sõng ngã soài vào những mấp mô ký ức.
Bắc Việt đặc trưng bốn mùa rõ rệt nên tập quán văn hoá vô hình trung cũng tạo ra cho người nông dân nhiều trải nghiệm khác biệt. Cuối năm, việc cày việc cấy đã xong, trời đông gia giá, lại thêm mưa lắc rắc phùn là tiết trời điển hình của Tết. Mãn Đông, chớm Xuân, cái lạnh tái tái tê tê được thay bằng sự ấm nồng ấm nhiệt, báo hiệu một mùa cây cối xanh chồi đỏ lộc. Ngày ấy xa rồi, chỉ còn yêu thương ở lại. Nhớ cứ trước tết ít ngày bác tôi lại áo nâu chân trần gánh gồng nào hành nào tỏi từ dưới quê cách bảy, tám cây số mang lên cho gia đình tôi. Nhưng tôi chẳng màng quan tâm đến những gánh hành gánh tỏi một nắng hai sương ấy, điều tôi nhớ nhất là mỗi dịp như vậy bác tôi lại dắt tôi ra chợ mua cho tôi con gà đất nung và một bầy tò he xanh đỏ tím vàng.
Con gà bằng đất nung ấy thánh thật, nó cứ te te gáy mỗi khi tôi bập miệng vào thổi hơi. Sau này lớn lên, cuộc sống văn minh dần, tôi có vô vàn những thứ đồ chơi đắt tiền hiện đại, nhưng không hiểu sao con gà đất nung và bầy tò he xanh đỏ tím vàng bác tôi mua cho mỗi dịp chợ phiên tết về luôn có một vị trí trang trọng trong ký ức tuổi thơ. Bác tôi mất rồi. Bác không con cái, cả đời lấy ruộng đồng cơ cực làm vui. Ngày bác mất tôi cũng không về được mà từ biệt. Cuộc sống trăm ngàn lý do để người ta thoái thác cái triết lý nhân sinh: nghĩa tử là nghĩa tận. Nhưng có một điều mà chắc chẳng ai biết mỗi khi nấu nướng nước mắt tôi dàn dụa vì hương tỏi vị hành. Xưa cũ cứ trở về như con giun trong bụng đứa trẻ con quặn lên mỗi khi bụng lép dạ đói…Con gà đất nung đôi khi thương hại mà trở về trong giấc mơ bé nhỏ của tôi, nó vẫn te te gáy, vẫn xanh đỏ tím vàng, vẫn hụt hơi yêu thương ở lại.
Khi hàng sầu đông buông lơi quăng áo ở trần, gia tài cuối cùng của ả chỉ còn lại thân trần gầy guộc đứng đìu hiu cười mỉa gió tàn là tín hiệu bà lão mùa đông hấp hối. Chồi lộc chẳng ai bảo ai cứ thế nứt ra trên xù xì vỏ cây mốc mác, sáng sớm hích hạt sương long lanh trên đỉnh đầu xuyên qua kháu khỉnh tia nắng mặt trời ngã xòe xuống đất. Chim muông từ đâu chẳng ai rủ ai kéo đến vênh váo sáo ca, đất trời như con gấu sau giấc ngủ đông tẻ nhạt vươn vai khều mật níu ngọt chăm bẵm nàng Xuân. Tôi vẫn ước ao mình có lại những cảm nhận tinh tế như vậy.
Lâu lắm rồi tết chỉ là tết thôi. Chỉ còn những yêu thương ở lại. Kể cũng lạ con người ta càng lớn thì những yêu thương lại càng nhỏ nhoi. Mắc việc này, bận việc kia, thiếu khoảnh này, hụt khoảnh kia, lễ nghĩa vì vậy mà đại xá…Lại một mùa đông mới chớm sắp qua, thêm một mùa xuân ngấp nghé trên tờ lịch, trên những báo cáo cuối năm, trên những hí hửng tháng lương mười ba chưa tới. Cuộc sống cứ bộn bề tóc xanh tóc bạc. Tết nay là nỗi lo, lo đủ thứ trên đời. Trẻ con không còn biết lá dong, bánh chưng, bánh tét. Người lớn đôn đáo bon chen cho cái tết mau qua đi. “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, ông đồ già, mực tàu, bút lông” chỉ còn trong sách vở. Muôn năm cũ lấy ai là người giữ lửa cho hồn. Tôi vụng dại nhớ mỗi độ xuân về, trên những nẻo đường thanh tân, hồn mực tàu giấy đỏ, bóng bút múa bên hè, áo the khăn xếp… Đêm nay ai người cười mỉa gió đông? Tôi thối lòng thối dạ mà nhớ tới lâm tâm lấm tấm mưa phùn, nhớ bác tôi áo nâu chân trần quang gánh nào tỏi nào hành thoăn thoắt đường xa chợ phiên. Nhớ tết. Nhớ con gà đất nung te te gáy buổi thiếu thời. Nhớ bầy tò he xanh đỏ tím vàng ngày xưa ngày sau. Buồn bã không phải là cách để nâng niu kỷ vật. Yêu thương ở lại… Ngoài kia sầu đông…