Cây rơm

    Tranh, chất liệu sơn dầu của Meules

               Lâu lắm rồi, tôi không được thấy cây rơm. Hay rơm đã dần rơi vào dĩ vãng, nằm sâu trong tâm trí người làng.

    Hôm rồi, trên truyền hình, người ta kêu toáng lên chuyện nông dân đốt rơm rạ, làm ô nhiễm môi trường, che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông. Thương thay cho một đời rơm rạ. Động lòng, tôi chạnh nhớ ngày xưa. Cây rơm đánh thức trong tôi, nỗi nhớ làng.
              Lũ chúng tôi, sinh ra và lớn cùng rơm rạ. Cha mẹ nhớ ngày sinh chúng tôi là vụ gặt, vụ cày nào đó. Cả bốn chị em chúng tôi đều sinh vào mùa đông. Mùa mà lúa đã vào bồ, rơm rạ đã về sân. Tôi được sinh vào nửa đêm hai tám tháng mười âm lịch. Rơm đã ủ ấm, tỏa hương thơm những ngày đầu đời tôi.

    Rơm tết thành mũ đội đến trường ngày bom Mỹ đe dọa. Cái nùn rơm giữ lửa cho thợ cày, thợ cấy. Đống rơm đứng lù lù ngoài cổng. Có đứa trẻ nào cùng trang lứa mà không từng nằm dưới, trên và trong rơm.

    Graystaks, Claude Monet
    Vào vụ, rơm phơi kín sân kho hợp tác, dọc đường làng. Màu vàng no ấm trải khắp và mùi thơm ấm áp, rất riêng quyến rũ. Thứ được coi là xác cây lúa, càng nắng, gió hanh hao càng vàng óng. Rơm như vỏ kén, ôm bọc tuổi thơ chúng tôi. Khi rơm đã khô, nhà nào nhà nấy, gom thành từng đống, đánh cây rơm. Từng núi rơm mọc lên khắp mọi nhà. Nhìn vào cây rơm, biết nhà ai nhiều hay ít thóc, biết làng được mùa hay thất thu. Tôi từng viết:
    Làng xưa, no đói ngó rơm
    Trâu nhai gió bấc, nắng thơm tiếng gà…”
    Cây rơm đứng bên cổng nhà, góc vườn hay góc sân. Nó một lần nữa khiêm tốn, hứng chịu gió mưa, rét buốt suốt cả mùa đông sang xuân.
    Bố tôi, cán bộ nhà nước, nhưng ông rất thạo việc nông. Từ cày bừa, gieo hạt đến đan lát, chăn nuôi, thời vụ ông đều làu làu. Bố thường đảm nhiệm đánh cây rơm. Rơm đã khô nỏ, mẹ tôi vun thành từng đụn nhỏ quanh cây rơm. Bố dùng nạng rơm, (một đoạn ngọn tre hoặc hóp dài hơn hai mét, phần to chẻ ra, tạo thành hai răng) xúc rơm hất lên đống. Ban đầu, việc này đơn giản. Cây rơm đã cao quá đầu người, hất rơm mới khó.
               Tôi thường được bố cho trèo lên đống, rải rơm và dẫm đều xung quanh. Tôi rất thích việc này. Tay bám vào cột trụ, xoay quanh đống rơm. Muốn cho cây rơm tròn, đều phải giữ cột trụ luôn là tâm điểm. Nhiều lần tôi trượt chân, kéo theo cả mảng rơm, lăn xuống đất. Bố lại đủn đít lên. Có lúc cố tình để cho bố hất rơm trùm kín đầu. Chóp cây rơm, mẹ tôi buộc từng túm rơm, bảo tôi trèo thang, buộc chúng vào cột trụ, làm cái nón che mưa nắng cho rơm.
    Sơn dầu: Phú An
    Suốt mấy tháng liền, cây rơm là nguồn thức ăn dự trữ cho trâu, bò. Nó cũng giữ lại những hạt lép, hạt sót cho lũ gà, vịt ngày giáp hạt. Có nhà buộc trâu bên cây rơm. Trâu bò, chó mèo, gà vịt ngắm chúng tôi chơi đùa, trốn tìm quanh đống rơm. Cây rơm gầy mòn dần. Lớp rơm ngoài, chịu nhiều mưa nắng, màu sậm lại. Bên trong, rơm vẫn vàng óng, thơm phức. Ra giêng rơm thấp xuống và teo tóp. Đến lúc chỉ còn cây cột và cái chóp nón chơ vơ trên nền đất. Rơm giống như mẹ tôi, gầy mòn, héo úa qua bao sương gió, mưa, rét của những ngày đông lê thê.
               Ngày không thể ra đồng, mẹ thường lấy rơm nếp ra tuốt làm chổi. Rơm nếp là thứ rơm được cất riêng. Mẹ bó thành từng bó lớn, xếp ngay ngắn, phần bông về một phía, cất nơi khô ráo. Mẹ tôi không chỉ biết đan quạt nan giỏi mà kết chổi rơm cũng rất khéo. Mẹ lựa từng bông, tuốt bỏ phần lá lúa rồi buộc chúng lại thành “con” bằng chính sợi rơm.
    Những con rơm được kết lại, dàn đủ độ dày của chổi. Phần tay cầm, mẹ cuốn bằng những sợi rơm đã tết tròn. Tay mẹ thoăn thoắt như đang múa trên rơm vàng. Có cảm giác từng ngón tay của mẹ đều có mắt. Phần giữa tay cầm và thân chổi, được mẹ trang trí bằng cọng rơm, cắt ngắn, trông như cái váy của chổi.

               Chổi rơm thuộc về “giống cái”. Người phụ nữ nào cũng gần gũi với cây chổi. Mẹ tôi hay nhắc: “Đừng có ôm rơm cho nặng bụng”. Được vài chục cái là mẹ mang ra chợ. Trong làng, cũng nhiều người không biết làm, phải mua chổi của mẹ.

    Làng – màu nước: Lưu Công Nhân
    Người miền núi cất giữ rơm rất cẩn thận. Nó vừa là chất đốt, vừa là thức ăn cho gia súc. Trâu, bò, ngựa khi thời tiết rét, thiếu cỏ đã có rơm thay thế. Rơm che chắn xung quanh, giữ ấm chuồng trại. Rơm được cất trên gác, hoặc kho chứa riêng, che mưa nắng, chống hỏa hoạn. Thậm chí, khi rơm đã mục ruỗng, nó cũng không muốn bỏ người nông dân. Rơm bổ sung chất mùn, làm cho đất tơi xốp, tăng hoạt động của vi sinh.
              Tôi đã gặp những cặp cây rơm của người Dao ở Nặm Đăm, Quản Bạ, Hà Giang. Đồng bào làm sàn tre nứa cho rơm đứng. Từng đôi, từng cặp cây rơm như những cây sa mộc, gần gũi bên nhau. Rơm chăm chút, duy trì sự sống và phát triển đàn gia súc vùng cao. Nếu thiếu vắng những cây rơm ở Nặm Đăm, chắc những homestay sẽ thưa vắng khách hơn nhiều.
    Tôi đã thấy, những “kho rơm” của người Tày ở Nà Hang, Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Rơm che chắn sương lạnh, mưa rét cho trâu bò… Từ rơm đã hình thành nhiều trang trại trồng nấm, đem lại một nguồn thu cho nông dân. Tôi bất ngờ khi gặp những “nhà rơm” ở Bắc Sơn, Lạng Sơn. Và còn nhiều nơi khác… Giữ rơm là lưu giữ mùa vụ, là sự tiếp nối, xoay vòng sự sinh xôi của đất. Trong xác rơm, còn thấm mặn cả mồ hôi nước mắt của người làng.
             Tôi yêu rơm rạ như yêu thương cha mẹ, làng xóm, quê hương. Nó nhắc tôi nhớ một tuổi thơ cay xè vì khói rơm. Những chiều đông hun chuột. Những trưa rặt mải nướng khoai. Mả Tây, Đồng Đèo, Trũng Lầu, Gò Gianh… biết bao tên ruộng ở làng mà rạ rơm chưa phủ lấp.
    Tôi khởi hành từ rơm rạ để tới những thành phố nguy nga. Và, cho dù thế nào tôi vẫn biết ơn rơm rạ. Rơm rạ làm nên tôi, vây bọc lấy tôi như kén bọc tằm. Xin được chắp tay ngợi ca để tự nhắc mình đừng vô ơn với rơm rạ.
    Bãi giữa quê tôi