Đào vừa ấp nụ hồng đã phai. Mai rực vàng chưa mấy độ đã tàn. Ngoảnh mặt, đã già nửa tháng ba. Chớp mắt, đã qua một mùa hoa Giêng giếng. Đếm thời gian trôi trên từng mùa hoa, sao mỏng manh, chóng vánh đến vậy. Bất giác, từ trong vô thức, câu “Kiều” của thi hào Nguyễn Du sống dậy: “Ngày xuân con én đưa thoi”…
Không biết tự bao giờ mà tháng ba in dấu trong tôi bằng mùa hoa Giêng giếng. Một sớm nào không rõ, mùi hương đồng nội nguyên sơ hoang hoải ấy đã lướt qua khứu giác vô cùng nhạy bén của tôi, sắc vàng rười rượi ấy đã hồn nhiên trải ra trước tầm mắt tôi. Cả cái tên gọi Giêng giếng lạ lùng kia nữa cứ vang vang bên tai tôi. Nghe quê mùa mà duyên dáng, mà tình tứ, mà đong đưa đến lạ.
Giêng giếng!
Tôi chẳng thể tìm thấy mối liên hệ nào giữa cái tên ấy với màu sắc ấy, dáng vẻ ấy, hương thơm ấy. “Ra giêng Giêng giếng trổ vàng”… Hay bởi Giêng giếng nở rộ vào dịp tháng giêng ta nên dân gian gọi vậy để nhắc mùa? Bao lần Giêng giếng nở là bao lần tôi băn khoăn đi tìm lí lẽ, nguyên cớ cho một cái tên. Giêng giếng cũng tự nhiên thế mà neo vào tâm cảm tôi chăng? Để rồi một hôm bất chợt vỡ lẽ: Riêng gì Giêng giếng, những Hồng, Huệ, Nhài, Mai, Lan… cũng thế, nào có cơn cớ gì. Mà sao tôi chưa từng căn cơ? Như thể những cái tên ấy hiển nhiên vốn đã vậy.
Tháng ba, Giêng giếng nhuộm vàng một dải bờ sông Rào Cái. Nhiều nhất, rộ nhất là quãng đê ven sông từ chân cầu Thạch Đồng xuôi về biển. Mặt đê quãng ấy người ta đã đổ bê tông, nhưng mái đê vẫn nguyên nền đất mỡ màu hằng năm được phù sa bồi đắp nên Giêng giếng chen chúc với đám cây bụi mà sinh sôi. Xuân sang, những ngọn mềm mại khỏe khoắn len lỏi trườn qua tầng lá dày, vượt lên đám quần sinh kia rồi phủ tấm voan vàng rực rỡ điểm tô đôi bờ.
Giêng giếng rực rỡ thế, từng chùm khỏe khoắn là thế nhưng quá đỗi mong manh. Hoa chỉ sống trọn vòng đời trong khoảnh khắc như loài Phù dung – sớm nở tối tàn. Hương nồng nàn, nhất là lúc chiều muộn, như quấn như níu lấy chân người, một lần cuối dâng hết cho đời trước khi lặng thầm rã cánh tan vào đêm…
Bước chân tôi bao lần bị màu hoa ấy, hương hoa ấy quyến luyến, không đừng được mà chậm lại dừng lại mỗi khi ngang qua. Bàn tay bao lần không ngần ngại mà chọn lấy mấy cành vàng rực rỡ chấp chới như trăm ngàn cánh bướm xuân ấy về chưng. Và bao lần những chiếc gai sắc nhọn chi chít trên cành Giêng giếng cào xước bàn tay, găm vào đầu ngón tay đau nhói. Có những chiếc gai nằm lại, mưng mủ hay lâu ngày thành vết chai. Đám gai ấy sinh ra vốn dĩ để giúp loài thân gỗ mềm yếu ấy bấu víu vào thân cây nào đó mà vươn ngọn lên cao ngạo nghễ trổ hoa hay để bảo vệ những cánh hoa mong manh giữa miền hoang dã? Sinh vật nào mà chẳng mang trong mình bản năng tự vệ, có quyền tự vệ. Và bất kể sinh vật nào, một khi muốn sở hữu cái đẹp, đoạt lấy cái đẹp, đều ít nhiều phải trả giá. Tôi sực nhớ đến chàng lãng tử một đời kiếm tìm những “phận hoa bên lề”, kiếm tìm cái đẹp để tự tình, rồi mãn nguyện mà chấp nhận bị gai đâm. Phải Giêng giếng cũng là một “phận hoa bên lề”? Và tôi, hơn một lần vẫn “nên bị gai đâm” vậy.
Có những ngày công việc cuốn tôi đi. Vừa ngước mắt thấy một chân trời rực vàng Giêng giếng đấy thôi, mà cúi mặt lầm lụi qua mấy bữa, cả triền đê đã xác xơ, cơ man những chấm tàn dập dờn xuôi theo dòng nước. Tôi không khỏi giật mình ngác ngơ vì đã hững hờ đi qua một mùa hoa Giêng giếng. Tháng ba đã cạn. Mưa bụi cũng qua thì… Nghe lòng mình như một thoáng hoang mang…
Nay mai, thành phố không còn dừng lại ở chân cầu Thạch Đồng, tả ngạn dòng sông Rào Cái mà vươn dài, trải rộng qua bờ bên kia, xuôi mãi ra tận biển. Những con đường đang rộng mở. Những bờ kè ven sông ngày một nối dài.
Nay mai, một vùng đô thị mới sẽ trải dọc hai bên bờ sông. Những xôn xao thì thào của ngàn lá xanh sẽ được thay bằng những khối bê tông trơ lì câm nín. Giêng giếng có còn nơi trú ngụ để thắp sáng đôi bờ mỗi tháng ba về? Loài hoa hoang dại ấy sẽ về đâu? Sắc vàng mong manh ấy mai này dạt trôi về đâu?