Đêm u tịch bên sông Ngàn Phố. Con sông chảy từ núi Giăng Màn ở độ cao 700m từ biên ải Ai Lao, nằm trọn vẹn trong địa phận Hương Sơn, Hà Tĩnh đến ngã ba Tam Soa thì hợp lưu với sông Ngàn Sâu thành sông La, xuôi về sông Lam điệp trùng sử sách.
Tên con sông là Ngàn Phố là bởi hai bên sông trù phú những bãi bồi người dân ở đây gọi là phố, Ngàn Phố là phố nơi rừng. Ngồi dưới gốc ngô đồng cổ thụ đầu cầu Tràn bờ bắc sông Ngàn Phố lắng nghe tĩnh lặng của dòng sông, tán ngô đồng toả bóng trong đêm sừng sững.
Mặt nước phẳng lặng không hề gợn sóng mà mới mấy ngày trước đây còn cuồn cuộn cuống bình minh trôi theo những vạt phù du, chảy qua mặt cầu Tràn. Cây cầu không hiên ngang vượt sông như những cây cầu khác mà hoà mình vào sông, nhẫn nhịn mỗi khi có dòng nước lớn, để nước chảy tràn qua mặt cầu nên có tên gọi cầu Tràn.
Dòng sông Ngàn Phố giờ tĩnh lặng, dịu dàng, uỷ mị đến nhu mì, khác hẳn vẻ dữ tợn như những ngày mưa nước lớn. Thế mới hay tận cùng của hào nhoáng, dữ dằn là tĩnh lặng. Tĩnh lặng để tích tụ trầm tích, lắng đọng phù sa và có khi lại loang sóng cuộn trào, sục sôi khi chạm khơi đúng nguồn mạch, mưa thượng nguồn dồn dập.
Tận cùng của tĩnh lặng lại là sôi sục dâng trào, chỉ chực chờ cuộn tràn qua cây cầu mong manh nối đôi bờ thương nhớ. Ngàn Phố nhớ thương ngày nào hoa đăng rằm tháng giêng hay điệu hò man mác chất chứa ân tình.
Thường nghe: Nghệ đa tài, Tĩnh đa tình. Chẳng thế mà như Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác dời Hương Sơn khăn gói về kinh chữa bệnh cho Chúa, tình cờ gặp lại người tình xưa đã choàng áo nâu sồng phong kín một đài hoa nơi kinh kì.
Gặp lại người xưa Lê Hữu Trác tỏ lòng tao ngộ, nhưng người tình xưa nguyện khép đường tơ, hiệp ý tỏ bày muốn chàng còn luyến lưu duyên cũ thì khi trở lại Hương Sơn gửi tặng cho nàng một cỗ áo săng (quan tài) bằng gỗ mít, để sống không quấn quýt nên duyên được thì chết còn được bao bọc trong ân tình người xưa và ân nghĩa với đất Hương Sơn.
Chàng lương y Lê Hữu Trác đã thoả nguyện, khi về lại Hương Sơn chàng làm một cỗ áo săng bằng gỗ mít Hương Sơn để gửi đến kinh kì mà lòng cuồn cuộc trăm mối như sóng sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu chia ba ngả với Sông La tại bến Tam Soa.
Tháng 8 đến sông Ngàn Phố như đã chạm tay vào mùa thu xanh đôi bờ miên man. Từ chợ Thượng ngược bến Tam Soa lênh đênh trên mái chèo khua Ngàn Phố hay từ Rú Nầm, Rú Vằng xuôi xuống cầu Tràn, bến Đợi, bến Đón, bến Đưa. Chỉ nghe thôi cũng thấy bâng khuâng mỗi chiều khi hoàng hôn xuống còn lại con đò đơn côi cắm sào giữa ngút ngát bờ lau, bãi ngô.
Một chiều trên dòng Ngàn Phố còn vẳng điệu Ví Dặm, Ví Đò ai cất lên giữa hun hút, rưng rưng chạm vào tâm tư người lữ khách đứng bên bờ vọng phía xa xăm. Ai đặt tên cho những bến đò Ngàn Phố để một chiều mưa rơi bến vắng người lữ khách phương xa tiễn biệt chính mình nhằm hướng biên ải Ai Lao đã gần kề trước mặt.
Mưa như giăng mắc phôi pha mà lòng còn lưu luyến. Chiều mưa giăng, người lữ khách lỡ đò trên bến Đợi ước một lần thành ngư phủ ngồi trên một mảnh thuyền nan thả câu giữa dòng Ngàn Phố đêm trăng thanh, một tiếng chuông chùa thả vào hư vô là là trên sóng nước.
Người lữ khách thấy lòng hoang hoải nỗi sầu bi thả trôi theo sương khói bảng lảng trên sông, chỉ còn lại tịch mịch từng giọt rượu rót xuống nhân gian mờ tỏ dưới trăng. Người lữ khách nhớ ông lái đò già, một người chiến binh đã giã từ chinh chiến về gác mái chèo lên mảnh trăng đêm trên sông Ngàn Phố mà chàng đã gặp lần qua sông theo một bóng hồng về miềm xa thẳm. Giờ trở lại Ngàn Phố chàng đã phong sương mà ông lái đò già biệt tăm giữa bóng hoàng hôn đổ dài trên bến vắng.
Hương Sơn nghĩa là núi thơm, mảnh đất trung du giáp miền biên ải được bao bọc bởi hai con sông: Ngàn Sâu và Ngàn Phố, bao bọc như hai phím tay ngà mềm mại vỗ giấc mộng biên thuỳ. Phía sau là Rú Nầm, Rú Vằng, Kim Sơn, Mồng Gà, Thiên Nhận sừng sững giữa thiên thu. Đêm nằm dưới chân Rú Nầm nghe từng giọt sương đêm dầm mình trên lá, tiếng của tinh khiết thao thiết giữa thâm sơn cùng cốc.
Sáng bình minh mặt trời đã chói chang, trời xanh thăm thẳm mà sương còn quấn quýt từ lưng chừng thương nhớ mãi không chịu rời xa. Thày giáo hiệu phó một trường THPT nói với tôi Hương Sơn là miền gái đẹp của Hà Tĩnh. Thày còn chở tôi đi một vòng Hương Sơn để được thấy những đoá hoa sơn cước đương độ rực rỡ đôi mươi, loài hoa từ đất Núi Thơm nên cũng dạt dào hương và sắc.
Tháng 8 về Hương Sơn mùa thu miền sơn cước còn dùng dằng luyến hẹn. Sáng sớm sương giăng đầu núi mà nắng chói chang oi ả suốt ngày dài. Cơn mưa chiều sầm sập kéo đến nước tuôn trắng trời đại ngàn kéo thẫm hoàng hôn xuống dãy núi mờ xa.
Hương Sơn là miền sơn cước nhưng không thấy gợi lên vẻ gân guốc, hiên ngang mà miên man nỗi niềm người lữ khách. Núi như chiếc ô che lên mái tóc xoã tuôn chảy từ biên ải của Ngàn Phố, Ngàn Sâu. Hẹn ngày nào đó thả hoa đăng, chèo thuyền giữa dòng Ngàn Phố để được nghe Ví Dặm, Ví Đò, được khoan nhặt giữa mênh mông dòng đời cuộn chảy.