Đ ến độ tuổi nào đó trong cuộc đời, con người ta bắt đầu có thói quen nhìn về quá khứ, không phải một ngày, một tháng hay một năm cụ thể mà là cả quãng đời đã sống. Không phải hiện tại khổ đau hay quá khứ có dấu ấn không thể lãng quên, phai mờ. Mà nhớ về ngày qua trong bình thản suy tư, chiêm nghiệm, dù vui hay buồn, hạnh phúc hay khổ đau, với tôi đó chính là lúc đã thực sự trưởng thành.
Ngày đã qua không chỉ là 24 giờ. Trong một trăm năm của đời người, 24 giờ chỉ như chớp mắt. Vẫn biết có những cuộc đời bừng sáng trong phút giây hay lụi tàn trong khoảnh khắc. Nhưng nền móng của hôm nay là hôm qua, hôm kia, đôi khi là cả một phần đời đã qua từ rất lâu. Những được, mất trong một ngày không nói lên điều gì cả, nếu ta không gieo trồng nó từ quá khứ và gìn giữ, ghi nhớ nó tới ngày sau.
Càng đi xa tuổi thơ tôi càng nhớ những năm tháng sống cùng mẹ cha trong căn nhà mái tranh vách đất nơi quê nghèo xứ Nghệ. Nhớ mảnh vườn thoang thoảng mùi hoa cam, hoa bưởi mỗi độ xuân về. Nhớ tuổi thơ rộn rã tiếng cười khi chơi trốn tìm trong cây rơm đầu ngõ. Nhớ những chiều hè lội mương cắt cỏ, nghe tiếng sáo đồng quê vi vu mà mơ bay tới những miền xa. Như phần đông trẻ em Việt Nam thế kỉ trước, tôi không biết đến ánh sáng thị thành. Ánh sáng văn hoá duy nhất mà tôi được soi rọi thuở ấy chỉ là sách. Tôi đã đọc sách như kẻ đói ngốn ngấu bữa ăn trên bàn tiệc. Từ truyện cổ tích đến thơ ca, tiểu thuyết và cả những cuốn tạp chí văn học, hoạ báo Liên Xô. Tôi đọc mọi lúc, mọi nơi, khi ngồi đun lửa nấu cơm, lúc chăn bò trên núi, khi chui vào mùng đi ngủ, cả lúc đi xia (vệ sinh)… Những quyển sách theo đó cũng sờn mép, cong queo, long gáy, có khi rách bìa, nhiều trang ố vàng vết bùn đất.
Nhưng nhờ sách, tôi được “khai hoá văn minh”, biết đến tuổi thơ trong trẻo mà nhọc nhằn của những người cùng trang lứa, biết ước mơ và nghị lực sẽ dìu đỡ con người đi qua gian khó, biết yêu thương và đau khổ ở đời muôn hình vạn dạng, biết bất công và cuộc chiến chống lại nó ở đâu và thời nào cũng có, dù trí tuệ non nớt thuở ấy không cho phép tôi hiểu và lí giải mọi điều một cách cặn kẽ. Nhờ sách, tôi được sống và “trải nghiệm” nhiều trạng thái cảm xúc, nhiều số phận cuộc đời mà ở độ tuổi của tôi, nếu không có sách, là điều gần như không thể.
Khi sách bắc những nhịp cầu tri thức thì tâm hồn tôi cũng lớn dần cùng ao ước, khao khát được đi xa! Có lẽ bởi quá quen với luỹ tre làng, con đê nhỏ, cánh đồng lớn hơn chiếc nong và trập trùng dãy núi trăm ngọn, nên mỗi lần xuôi đò theo sông Lam bán chè xanh cho người dân mạn dưới, tôi cứ mơ rong ruổi theo những cánh buồm ra biển. Tôi chưa từng thấy biển nhưng những trang sách đã dạy tôi biết về thanh âm của tiếng sóng vỗ bờ, những cồn cào, khát khao của biển và cả cơn giận của đại dương khi bão tố cuồng phong. Những ước mơ cứ âm ỉ trong lòng, chấp chới như cánh chim cuối trời, không rõ rệt nhưng luôn luôn vẫy gọi…
Rồi tôi cũng đi xa, như ước mơ bồng bột thơ ngây, khi chớm bước qua thời niên thiếu. Nhưng, lúc sống giữa chốn phồn hoa náo nhiệt của phố phường, tôi lại không nguôi nhớ về quê cũ. Thì ra tâm lý con người ta thật kì lạ. Những điều tưởng đã quá quen, quá cũ lại thành một điểm tựa, một nguồn sức mạnh tinh thần vô giá. Ngày hôm qua mà tôi từng ao ước được thay đổi, được đi xa ấy lại là tình thương và nỗi nhớ dịu dàng sâu thẳm trong trái tim tôi. Tôi biết ơn những tháng năm nhọc nhằn vất vả thiếu thốn, biết ơn đất nghèo đã nuôi lớn lòng hiếu học, dạy tôi biết sống làm người, biết chắt chiu từng niềm vui nhỏ nhất, biết tự trọng và kiêu hãnh.
Tôi biết ơn gió lào nắng lửa và bão giông xứ Nghệ dạy tôi biết chịu đựng, biết chấp nhận và vươn lên giữa cuộc đời nhiều bất trắc. Mỗi khi nhớ về ngày đã qua, tôi lại có thêm niềm tin và nghị lực để vượt qua khó khăn trở ngại, sống yêu thương và thanh thản hơn.
Ai trong đời chẳng có quá khứ. Dẫu vui hay buồn thì nó cũng là một phần đời không thể thiếu của mỗi chúng ta. Lãng quên hay ghi nhớ, phủ nhận hay tự hào về quá khứ là cách ứng xử riêng của mỗi người và ai cũng có lí do của mình. Ngày hôm nay của chúng ta rồi sẽ thành ngày đã qua. Có những điều trong cuộc sống nằm ngoài tầm kiểm soát hay hoạch định, nhưng chắc chắn, ngày mai luôn tuỳ thuộc vào cách ta dựng xây, vun đắp nó hôm qua, hôm nay.
Dẫu biết rằng, trong cuộc sống con người ta luôn nhìn về phía trước, hướng về tương lai, nhưng tôi vẫn thường nhìn về phía sau, thương về quá khứ, để hiểu và trân trọng hơn những gì mình đang có. Bởi đó còn là nguồn năng lượng tích cực, giúp tôi vững bước trên đường đời, nhắc nhở tôi, rằng không có hôm qua, không thể có hôm nay và ngày mai.