Hà Nội hoa sữa hoa sưa. Sài Gòn bay lá me rơi. Hải Phòng bung trời phượng Vỹ. Có gì lạ đâu, chỉ là yêu thương không nói nổi lên lời. Thương lắm Phồng ơi!
Những dấu lặng chói chang dành riêng cho mùa hạ, tưởng như nhiệt thành và yêu thương chẳng bao giờ lụi tàn. Ngước mắt nhìn lên, tháng năm bừng cháy, ngoái đầu nhìn lại nẻo đường réo rắt thanh xuân.
Phượng không phải là một đứa kiêu kỳ. Phượng năm nào cũng đỏ nhưng chẳng phải là đứa kín đáo thâm trầm. Phượng sôi nổi, phượng là đứa chưa gọi đã thưa, chưa nhớ đã về, bởi vậy phượng thường vỡ òa xúc cảm. Chẳng cần biết phượng đến từ đâu, dẫu có từ Madagascar, các cánh rừng ở miền tây Malagasy, thì với đám học trò phượng luôn đến từ tình bạn. Nhưng có một điều hẳn ai cũng biết, phượng đẹp nhất nơi đất cảng, thành phố quê hương mà nhiều khi người ta gọi nó là xứ Phồng.
Hải Phòng đó những ngày buông lửa, cơ man non tơ biếc biếc trên da thịt mùa hè, nhiều người lầm tưởng phượng gian díu với loài ve trỗi lên bản tình ca màu đỏ, rạc nắng, rạc gió, rạc những đôi mắt học trò nhìn sâu vào đâu. Giá như không có mùa phượng vỹ, người ta chẳng đủ một khát vọng mùa hè. Giá như không có mùa phượng vỹ, đằng sau những ô của sổ mái vòm bọn học trò ngơ ngác khát lửa nhìn nhau. Và giá như không có mùa phượng vỹ Hải Phòng ấy có lung linh xứ Phồng.
Men theo con đường xanh nắng bạc gió bên dòng sông Cấm, chạy vội lang thang cầu Đất, cầu Rào, nhiêu khê lối về chợ Sắt, bến Bính, thỏa thê Lạc Viên cho tới Kiến An. Tôi đã đi qua bao mùa Hải Phòng nắng lửa, xứ Phồng yêu thương luôn nhắc nhở những con đường. Ở Việt Nam chẳng riêng gì Hải Phòng đất cảng. Dọc từ Bắc vào Nam, trên dải đường chữ S đâu đâu chẳng hình bóng những con tàu. Vậy nhưng không ở đâu người ta cảm nhận được rõ rệt những chuyến đi xa, những bàn tay vẫy, những trái tim ủ đậy, và những giấc mơ bặt sớm bặt chiều ngả vào thương nhớ ngất ngây.
Tôi cũng từng là kẻ ra đi ở bến cảng này, từng quay đầu về nơi đất cảng này, từng yêu thương ngóng đợi ở thành phố này, bởi vậy mà Hải Phòng trở thành quê hương có gì lạ đâu. Cảng biển Hải Phòng chẳng phải là nơi nước sâu, cũng chẳng phải là vùng xanh trong ngăn ngắt, Hải Phòng phải là thứ phù sa châu thổ, ngấm ngầm tuôn ra vào nơi mặn gió, mặn nước, mặn người, mà vươn vai những hình hài, Phồng lên trong nắng ban mai.
Về mặt địa lý Hải Phòng hình thành từ một doi cát xưa kia, thứ đất không chân, nên nó chẳng bao giờ cần từ tốn, cứ đùn lên, cứ bão yêu, cứ mưa giận, cứ nắng thương, cứ phải phồng rộp những cung bậc cảm xúc. Bởi vậy mà người ta đọc chệch đi gọi Hải Phòng là Hải Phồng lúc nào chẳng ai người hay.
Hải Phòng như tính khí con người Hải Phồng, cứ phải ăn sóng nuốt gió, cứ phải đè bão lướt giông, cứ phải tần ngần lêu bêu cháy lên những mùa hoa rực lửa. Phồng lên mà nhớ, Phồng lên mà thương và rộp lên nức nở những hồi còi tàu rục rịch đêm hường. Cho ai thương ai mà ôm ấp bờ vai ngang tàng, cho ai quên ai mà te tái đường dài Hàng Kênh, cho ai say ai mà êm mà đượm những ngả đường Vĩnh Bảo, cho ai nhớ ai mà húp xì húp xụp tô bánh đa cua Trần Phú, Minh Khai.
Sống đâu cũng vậy, ở đâu cũng vậy, đi đâu cũng vậy, yêu ai cũng vậy, ghét ai cũng càng vậy nữa, người Hải Phồng luôn hồ hởi “Hải Phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu”. Câu hát cứ như một câu kinh nguyện cho linh hồn mỗi sớm, bằng an cho linh hồn mỗi tối và thương yêu ấp ủ cho những linh hồn Hải Phòng xa xứ tận đẩu tận đâu. Người ta tự hào, người ta hào sảng, người ta dông dài, người ta rực rỡ, nhưng sẽ chẳng khi nào người ta chìm sâu. Hải Phòng là không lòng vòng. Hải Phòng thì chỉ có Hải Phồng mà thôi.
Lại nhớ những lần tôi đi biển xa, những đêm trời mù tàu về một đốm mơ màng, xa xa trong đêm Hòn Dấu nhoe nhoáy những ánh chớp hải đăng. Kể cũng là điều thú vị thứ chớp sáng hải đăng Hòn Dấu Hải Phòng cũng Phồng lên đến lạ. Ngọn hải đăng 120 năm tuổi vẫn làm người ta phải sững sờ từ khoảng cách 22 hải lý, ánh sáng trắng và chớp đèn theo chu kỳ 15 giây, làm những con tim ở xa về bối rối, những ánh mắt ở xa về mong đợi, những mỏi mòn ở xa về thư thái, và những những nhịp đập nơi bờ bến lại có dịp Phồng lên yêu thương.
Ngưỡng vọng lắm nhưng tôi lại không phải là chàng trai đất cảng. Tôi chỉ là người đàn ông của xứ lúa Thái Bình. Yêu Hải Phòng, chảy trong mình dòng máu Hải Phồng thì cuối cùng cũng nên lấy một cô Phồng làm vợ. Điều đó chẳng phải là một lẽ tất nhiên ở đời. Một cô vợ Phồng là chuyện mơ ước của nhiều kẻ trong đời. Ai bảo gái Phồng hư vợ Phồng hư, tôi thì bảo chỉ có những kẻ hư mới không nhận ra cái ngoan của gái Phồng, cái ngoan của vợ Phồng.
Lâu nay không còn được rục rịch tàu bè phả còi mấy hồi, mỗi lần về Hải Phòng tôi ngoan ngoãn đáp máy bay xuống vùng trời Cát Bi bé nhỏ yên lành. Cảm giác sau khi thắt chặt đai an toàn, lòng tôi vẫn cứ run run, không phải run vì sợ, mà run vì những cảm xúc khó nói lên lời. Giống như tôi ngày xưa đem con tàu va vào những bờ bến cũ, giống như ai ngày xưa thảng thốt mấy bận còi dài, thương như ai ngày xưa cứ Phồng lên mê mải. Có đôi khi quay đầu nhìn lại, cũng chẳng nói lên lời, cũng chẳng yêu lên lời, cũng chẳng quên lên lời: thương lắm Phồng ơi!