Khi tiết trời bắt đầu se se lạnh nơi mảnh đất phương Nam, khi bản nhạc Xuân của nhà hàng xóm rộn lên cũng là lúc báo hiệu năm dần trôi về cuối. Vậy là đã mười bốn năm rồi…
Mười bốn năm tôi rời xa quê về nơi đất lạ. Mười bốn năm để chàng trai đôi mươi ngày ấy thành ba của mấy đứa con. Và mười bốn năm để mỗi lần sắp Tết, má lại gọi điện nhắc chừng: “Tết, mùng mấy bây về?”
Hồi đó, nhà nghèo lại đông con. Má sinh tôi rồi thêm bốn đứa nữa. Đứa trước mới thôi nôi, đứa sau đã cất tiếng khóc chào đời. Người ta nói với má: ” Đẻ nhiều chi cho khổ? Con nhóc con nheo…”. Má cười: “Trời cho thì mình nhận. Đông cho vui cửa vui nhà”.
Tôi không biết “vui cửa vui nhà” của má nằm ở đâu? Chỉ biết khi gà vừa mới gáy canh tư, má đã lọ mọ ngồi dậy nhóm lửa nấu cơm để kịp ba vào rừng, ra rẫy. Chỉ biết ba lóc cóc một mình trên chiếc xe bò từ sáng đến tối mịt mới về, mồ hôi ướt đẫm mà tưởng chừng có thể vắt nước ra từ áo. Hồi nhỏ nhiều khi tôi tự hỏi, ba mệt nhiều sao không thấy ba than? Mãi đến khi mình làm ba rồi mới hiểu ra, ba không dám than. Dưới ba còn má và năm đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Than rồi cũng đâu giải quyết được gì chỉ khiến cho má và lũ trẻ lại càng thêm nản. Người đàn ông trụ cột phải kiên cường để chèo lái con thuyền đi qua gian khổ.
Ba ít nói nên câu mà anh em tôi nghe nhiều nhất là “cố gắng học đi con”. Đó cũng là tâm nguyện lớn nhất của cuộc đời ba. Chỉ biết những lần anh em tôi “cãi nhau như mổ bò”, má phải mệt nhoài phân xử. Tuổi chúng tôi xấp xỉ nhau nên dễ gì nhường nhịn. Chỉ biết những đứa con của ba của má cứ lần lượt rời xa để tiếp tục đến trường vì nơi đó không hề có trường cấp hai. Những đứa trẻ mười một mười hai tuổi bắt đầu làm quen với cuộc sống không ba má, mỗi năm chỉ về nhà hai lần vào dịp tết và nghỉ hè. Nhà lại vắng hoe.
Hồi đó, khi chúng tôi chưa lập gia đình, dù có đi làm xa nhưng má không hề nhắc. Má biết nghỉ Tết rồi thì chúng tôi sẽ lại về nhà quây quần bên má, bên ba. Má nói: “Ừ! Cả năm đi đâu cũng được nhưng Tết phải về ăn bữa cơm gia đình cuối năm, rồi đầu năm. Vậy cũng gọi vẹn tròn, đông đủ một năm”. Chúng tôi cười : “Má cứ lo xa. Tụi con cách nhà vài trăm cây số. Về mấy hồi”. Má không đáp nhưng mắt lại xa xăm…
Hóa ra cái lo xa của má không hề vô lý. Anh em tôi lập gia đình, xuôi về nơi khác. Đứa đông, đứa tây mà miệt mài bươn chải. Mượn cái cớ công việc rồi gia đình riêng, chúng tôi về thăm ba má cứ thưa dần, gặp đứa này thì lại mất đứa kia. Ngôi nhà tưởng chừng như đông đúc đó bây giờ chỉ có hai ông bà. Ba nhìn má, má nhìn ba nén tiếng thở dài ngó ra đầu ngõ, mà trông.
“Tết, mùng mấy bây về?”. Má nhắc chừng từng đứa. Đứa lớn nghe nhiều, đứa sau nghe ít. Có lúc bực mình, chúng tôi lại càm ràm: “Thì con sắp xếp được mới về chứ má. Con cũng có gia đình riêng, công việc rồi khách khứa… Đâu phải cứ muốn là đóng cửa về ngay được”. Giọng má chùng xuống: “Ừ! Tao cũng hỏi chừng chừng tụi bây vậy thôi…”. Tút tút tiếng chuông. Má giận.
“Tết, mùng mấy bây về?”. Nghe mãi rồi chúng tôi cũng không cần phải nhìn lịch để biết bánh xe thời gian đang trôi dần năm cũ, cũng không cần phải nhìn phố xá trưng bày biết là sắp Tết. Má nhắc tức là còn nửa tháng. Không sai! Dường như má đã chuẩn bị sẵn thời điểm để gọi cho từng đứa như cách người ta mời khách đến nhà mình dự tiệc, cần phải chuẩn bị. Sinh đó. Nuôi đó. Lo cho ăn học đó. Dựng vợ gả chồng đó. Rồi cuối cùng cũng phải nhắc cho những đứa con “bất hiếu” biết mà về với mình. Ba má buồn cũng phải.
Riêng tôi, mười bốn lần cả thảy đã nghe câu nhắc chừng của má. Có năm, vợ chồng tôi dự tính không về quê mà dành thời gian để đi đây đi đó.”Thời buổi nào rồi, không về Tết thì lúc khác mình về chứ mấy khi được nghỉ dài ngày như vậy?”. Còn chưa kịp bàn đi đâu thì má gọi: “Tết, mùng mấy bây về?“. Vậy là đành khép lại dự định trong đầu. Biết đâu mấy đứa khác cũng nghĩ như mình thì Tết cũng hai ông bà thui thủi, khác đâu ngày thường. Vậy là vợ chồng, con cái lũ lượt kéo về ăn bữa cơm quê cùng ba má ngày Tết. “Ừ! Cúng ông bà, ăn bữa cơm đầu năm cùng ba má rồi tụi bây muốn đi đâu thì đi. Chơi đâu thì chơi. Ba má không cản. Ba má chỉ cần một ngày Tết tụi bây quây quần là đủ”, má cười. Ước muốn sum vầy của ba má bây giờ rút lại còn một nửa theo thời gian. Chúng tôi nhìn nhau, rồi nhìn ba má cũng nở nụ cười mà chợt nghe lòng mình chùng xuống.
Sáng nay, đứng nhìn mình trong gương, tóc dường như có vài sợi bạc. Tôi chợt giật mình khi nghĩ đến ba má tuổi đã gấp đôi đang mòn mỏi đợi chờ những đứa con trở về ăn Tết, sum họp với mình. “Tết, mùng mấy bây về?”, câu đó má còn có thể nhắc chừng chúng tôi thêm bao nhiêu lần nữa trong đời…
Nhấc máy gọi cho đứa em: ” Như mọi năm, chiều mùng Một tập trung, má sắp nhắc chừng rồi đó”. Nói xong, chúng tôi lại cười, mà nụ cười xen lẫn âu lo.