Cây xoan già đứng trơ cành trong cái lạnh căm căm. Gió mùa phả vào mặt buốt giá. Quãng đường dẫn về ngõ nhà tôi bùn sục sâu đến đế dép, nhầy nhụa, trơn trượt. Vài con gà con gặp lạnh, trễ cánh, ủ rũ đứng chờ thần chết ghé thăm.

           Rét lắm nên nghé con bỏ mẹ ra nằm dưới hốc rơm. Tôi xoa xoa hai tay vào nhau cho khỏi cóng. Càng về chiều sương mù càng dày, khoảng cách càng thu hẹp lại. Mẹ bảo sẽ về trước giờ chuông nhà thờ Phúc Lộc điểm. Nhưng hôm nay, chuông đã điểm từ lâu mẹ vẫn chưa về, khiến lòng tôi cứ thấp tha thấp thỏm, đoán già đoán non. Cuối cùng cái thân hình gầy yếu của mẹ cũng xẻ ngang lớp sương mù dày đặc đi về phía tôi. Hai mắt tôi ngân ngấn nước, ùa ra ôm lấy mẹ. Mẹ chỉ đi chợ xa một ngày mà sao tôi mong mỏi mẹ quá chừng?

Rút chiếc nạng tre ra, mái rèm cửa sập xuống. Lúc này những luồng gió lạnh chỉ lọt vào nhà tôi qua khoảng trống giữa mái tranh và phên đất. Mẹ bày biện những món đồ mua được từ chợ xa về lên chiếc cũi tre. Chợ cuối năm nên đã bán hàng tết. Năm nào cũng thế, cá thửng được mẹ mua sớm nhất. Vì đó là món không thể thiếu trên mâm cỗ tết của người dân quê tôi. Và với nhà tôi cá thửng đã là món sang nhất rồi. Mẹ cho ít mật mía và các gia vị vào kho khô, treo lên góc bếp. Con mèo hen suốt Chạp cứ nhìn lên gióng treo mà thèm thuồng những con cá thửng. Nhưng hình như nó biết đó là thức quý của gia đình nên không giám mò đến gióng treo.

Sơn dầu: Đào Hải Phong
                         Sắp xếp xong xuôi mọi thứ, mẹ nhen bếp thổi cơm chiều. Những giờ cơm cuối năm dưới ngọn đèn dầu yếu ớt, sự im lặng của hai mẹ con nghe rõ từng tiếng va chạm của răng. Cả năm mẹ đã ít nói, suốt ngày tay chân cứ liền với công việc lấy đâu ra thời gian mà chuyện trò. Ngày tết, mẹ lại càng kiệm lời hơn. Mẹ không có tiền cho tôi sắm sanh đồ mới. Mẹ chưa nhìn đâu ra tiền để trả cho người ta trước ngày 30 tết. Thì mẹ biết nói với tôi điều gì? Còn tôi, dù mới được điểm mười nhưng tôi đâu dám khoe với mẹ. Tôi nhắc đến chuyện học chỉ khiến mẹ tôi càng buồn thêm. Mẹ cũng mong con mình giỏi giang, bằng bè bằng bạn… Nhưng đã ba tháng học phí của tôi mẹ chưa đóng đồng nào. Cũng chỉ tại ông trời khắc nghiệt, rét chi mà đến héo hon cả ruộng vườn, đẩy nhà tôi vào cảnh bần cùng.
Cha tôi ít biên thư về hơn độ trước. Chuyện cha có về quê ăn tết hay không mẹ con tôi cũng chỉ trông chờ vào lời hứa của cha ngày cha đi xa. Cái nghèo khó và sự biệt li đã khiến cho lòng người trơ lạnh. Yêu thương dâng lên đến não bộ vẫn không nói được thành lời. Khi cha về đến đầu ngõ tôi thấy mẹ khóc, nhưng rồi mẹ vội kéo tà áo lau khô giọt nước mắt vừa rỉ ra. Mẹ không muốn cha buồn.
           Người phụ nữ miền Trung thường nuốt nước mắt vào trong những mong chồng con vui vẻ. Họ nhận nhiều hơn những thiệt thòi mất mát về mình để bồi đắp những sướng vui cho chồng, cho con – đó là bà nội tôi nói thế. Nhưng nếu áp vào trường hợp mẹ tôi thì chẳng sai tẹo nào. Mẹ đã rút cạn sức lực, tâm can để lo lắng cho chồng, cho con vượt qua những khó khăn. Có lẽ nhờ vậy mà nhiều năm cha tôi công tác xa nhà nhưng vẫn hoàn thành mọi trọng trách.

Cha về cái tết cũng ấm và no hơn. Mẹ tôi có thêm chiếc áo dạ mới. Tôi thì có chiếc mũ lông, đôi dày cao cổ. Nhờ vào đồng lương ít ỏi của cha mà nhà tôi có vài ba cân thịt treo trên gác bếp. Cha về còn giúp mẹ tát cá ao… Đêm giao thừa, cha đứng trước bàn thờ tổ tiên mà khấn nguyện và báo công với ông bà, cầu mong một mùa xuân mới no đủ hơn, khỏe mạnh hơn. Có cha dù nhà trach vách đất nhưng cảm giác vững chãi đến lạ thường.

Tranh sơn mài Đón giao thừa (1958) của hoạ sĩ Lê Quốc Lộc
                       Nhiều cái tết như thế đã trôi qua với gia đình tôi trên mảnh đất nghèo xứ Nghệ. Những tưởng sẽ chẳng bao giờ nhà tôi có đủ một khoản tiền lớn để xây nhà, để anh em tôi vào đại học. Nhưng cha mẹ tôi đã vất vả cả một đời và làm nên tất cả. Giờ nhìn lại những thành quả hôm nay mà gia đình tôi có được, và nhìn lên đôi bàn tay chai sần của mẹ cha, anh em chúng tôi tự bảo ban nhau mà phấn đấu vươn lên.
Gió chiều vẫn thổi, nhưng không còn lạnh như xưa. Cây xoan già đã đi vào quá vãng. Đoạn đường trơn trượt xưa kia đã được bê tông hóa sạch đẹp. Tôi về quê đón tết cùng cha mẹ và thấy lòng nhớ thương những mùa tết cũ. Khóe mắt tôi cứ cay xè trong khói bếp tối 30. Hình dáng mẹ tôi năm nao cứ hiện về nguyên vẹn. Giờ này, mẹ đang hạ chiếc treo xuống gắp cá thửng đặt lên chiếc mâm gỗ để dâng lên thờ cúng ông bà…
          Tôi đã không kìm được lòng và ùa đến bên mẹ khi nghe ca sĩ Quang Lê cất lên những ca từ: “Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi. Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần. Dù biết như thế, tôi vẫn phải tin, tôi vẫn phải tin mẹ đang còn trẻ…”.