Không hiểu sao mỗi khi nhìn những dòng sông từ thượng nguồn đổ về hạ lưu dẫu tháng đông gầy, dù ngày hạ mập, dẫu tuần trăng béo, dù chặp lúa non, tôi lại ám ảnh phù sa đàn bà.
Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trẩy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh
(Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm)
Châu thổ sông Hồng là một đề tài bất diệt trong những bản tình ca xứ sở. Bởi lẽ đó mà lề thói tập tục, vui buồn, hạnh phúc, khổ đau kể cả những nụ cười mùa thu tỏa nắng cũng gắn liền với lở bồi ngàn năm. Những cảm xúc mãnh liệt nhất, trong sáng nhất của con người xứ Bắc nếu không là hệ lụy từ những dòng sông thì đó là một điều phi lý.
Người phụ nữ, người mẹ, người chị, người đàn bà. Nghe chữ đàn bà đã ngà ngà thổ nhưỡng, nhớ chữ đàn bà đã mặn mà thế gian. Người đàn bà giống những dòng sông, khi ngơi ngơi lưng bờ lúc chực chờ đỉnh nước, mùa thong dong nhịp nhịp, vụ kíp kíp bằng băng. Chẳng qua cũng chỉ dùng dằng những cung bậc muôn lời sông tha sông thiết, mà một dòng trôi thà ngàn đời trôi.
Phù sa đàn bà có gì mà lạ, tôi bảo đó là thứ tiết hạnh áo đỏ quạch áo, quần đen thui quần. Phù sa đàn bà có gì mà vui, quẩn quanh đường bếp thả đỉa ao chuôm, gồng gánh đời chồng, bế bồng đời con. Chuyện chuyện đều phải cần những tảo tần sớm tối, gieo đông gặt tây, thu mây vén nắng. Trắc ẩn phù sa mà nở hoa đàn bà.
Người đàn bà Việt Nam mà điển hình vùng đồng bằng Bắc Bộ như một thứ quê mùa chỉ suốt đời ráo riết gom thứ vụn vặt này chắt thứ lộn xộn kia vào cái nhà kho hữu cơ của mình, rồi bừa rồi ải, rồi đất rồi trời, rồi trăm khúc sông đổ về một bến, tình tính tang tính tình, đỏ đông xanh hạ, vàng chạ xuân thu. Phù sa đàn bà bừa bộn như một cái chợ làng không ai đánh thuế, tha hồ mà bày biện, dốc sức mà phô trương.
Nhưng có lẽ bởi thế mà người đời dễ vô tình quên, hoặc cơ hồ như khó mà nhận ra phù sa đàn bà. Bởi những vẻ đẹp của phù sa có mấy khi hiện hữu. Nó đẹp ở trong những thứ chịu sức ảnh hưởng của nó, ví như bốn mùa cây trái, ví như hai mùa lúa thơm, và ví như vô vàn sản vật mùa màng mà dòng phù sa hổn hển chảy qua.
Phù sa đàn bà cũng vậy, nó khó nhận ra ở thì hiện tại, người ta chỉ dễ dàng nhận ra ở thì tương lai: những đứa con ngoan, những ông chồng giỏi, những cửa nhà vun đắp, những họ hàng đầy ắp tiếng thơm. Nhưng, lại là nhưng, ít ai nhận ra đó chính là thứ phù sa đàn bà…
Từ quốc mẫu Âu Cơ đến sau này như Bà Trưng Bà Triệu Phụ nữ Việt Nam là nguồn nhân tố quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của xã hội. Lịch sử đã và luôn minh chứng sự hiện diện của phụ nữ trong các vai trò quan trọng.
Quá trình xây dựng, lao động sản xuất, đấu tranh chống thiên tai, địch họa, tề gia… Được khẳng định qua năng lực và phẩm hạnh trong các hoạt động xã hội, bao gồm cả lĩnh vực phi truyền thống, góp một phần to lớn công sức và trí tuệ cho nền hoà bình và văn minh nhân loại. (wikipedia)
Tôi đã từng nghĩ phù sa đàn bà là những phẩm hạnh hi sinh, đắp bồi mà không toan tính, lúc nào cũng lặn lội cũng dâng tràn. Cảm xúc! Mỗi đàn bà là một dòng sông mà mỗi cánh đồng hạnh phúc là bản tình ca thành quả. Phù sa đàn bà không phải là một thứ nhỏ nhen nhưng khi đầy thì bồi cho xanh gan thắm ruột, đã cạn thì lở cho sâu tóc mọt răng. Đừng trách phù sa đàn bà. Hạnh ngộ giữa đời thường là cho đi và cho đi…Đừng tiết chế…
Hình ảnh phụ nữ thông qua văn thơ, ca dao, tục ngữ lưu truyền trong nhân gian: “Thân cò lặn lội bờ ao – Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non” phần nào minh chứng người phụ nữ xưa thường bị gạt ra lề cuộc sống thiết yếu nhưng vẫn cặm cụi phụng thờ khuôn khổ chật hẹp cổ hủ gia phong. Ai bảo phù sa đàn bà không phải là những đục trong cam chịu?
Phù sa đàn bà cũng như thứ phù sa ngàn đời bãi bồi bãi lở ngoài kia, có gạn đục khơi trong, có lắng sâu, có tức tưởi, có bão vùi nắng lấp, có thất bại ê chề. Nhưng đã đơm hoa kết quả thì ngỡ ngàng chín ngon chín ngọt, chẳng bao giờ phiền muộn chắc lép hơn thua…
Phù sa đàn bà, chỉ muôn đời là thứ quê hương khó gọi ra tên, ra hương, ra vị, ra sắc màu. Nhưng cơ hồ như đã bén rễ vào nguồn cội, vào yêu thương, vào gốc gác của mỗi đứa con khi chúng bước chân ra khỏi mảnh làng của mình.
Khi nói đến Bắc Bộ, nói đến Kinh Bắc, đến những làng dân ca quan họ, người ta đều nhớ đến chiếc áo tứ thân… nhớ đến chiếc nón quai thao, mái tóc “đuôi gà”, cái khăn mỏ quạ,… Đó là những nét đặc trưng trang phục cổ truyền của người phụ nữ châu thổ Bắc Bộ.
Không hiểu sao mỗi lần nhìn ngắm lại cảnh tượng này tôi cứ mơ màng bóng dáng đàn bà như những dòng phù sa lặng lẽ thơm vào đất, nhiệt thành xanh vào cây rồi bất chợt đỏ thắm những cánh buồm cửa biển. Phù du không phải là phù sa… Phù sa đàn bà tưởng là vô hình mà lại hữu hình. Nó hiện hữu hàng ngày trong từng bữa ăn, trong từng giấc ngủ, trong từng lời ru, trong từng tiếng con ve sầu khắc sâu ngày nắng lửa, trong chớp giật mưa giông ở mỗi phiên chợ nghèo.
Phù sa đàn bà như như đám cọ vẽ và sắc màu bếp núc của một người họa sỹ chẳng bao giờ ngăn nắp bảnh bao, cứ phải bày biện, cứ phải quăng ra đó vì sợ không thể nhập đồng những cảm xúc bất chợt. Và tôi lại nhớ đến mấy câu thơ vạm vỡ dư thừa cá tính của Nguyễn Quang Thiều:
Sông Đáy chảy vào đời tôi
Như mẹ tôi gánh nặng vào ngõ sau mỗi buổi chiều đi làm về vất vả
Tôi dụi mặt vào lưng áo người đẫm mồ hôi mát một mảnh sông đêm…
…Những chiều xa quê tôi mong dòng sông dâng lên ngang trời cho tôi được thấy
Cho đôi mắt nhớ thương của tôi như hai hốc đất ven bờ
nơi những chú bống đến làm tổ được dàn dụa nước mưa sông.
(Sông Đáy)
Một ngày trong veo, lặn lội qua dòng sông chín đỏ. Sông sâu mấy nả, sông dài mấy tay, ở nơi giang đầu sông khóc, về nơi cửa biển sông cười. Tôi chao nghiêng lời ru. Tôi đò đưa chân sáo. Tôi mục đồng một thủa. Tôi lấm lem trâu đằm. Tôi vắt chân đồng nội, tôi co cẳng đồng ngoại. Tôi giật mình ngã vào chiêm bao.
Tôi ngơ ngác phù sa đàn bà. Điều gì làm con người ta ngoảnh mặt, điều gì làm con người ta quay lưng, điều gì khiến con người ta thức tỉnh? Giống như tôi, đi qua những buổi chiều đồng dao, đi qua những buổi trưa cò vạc, đi qua những tinh mơ lở lói, đâu đâu chẳng thấy bàn tay của gió, đâu đâu chẳng thấy lấp lánh phù sa đàn bà. Và nhiều khi tự hỏi dòng sữa mẹ nuôi tôi lớn khôn có phải là phù sa? Tôi tự lẫm chẫm trả lời: đó chính là phù sa, một thứ phù sa được chắt lọc từ tình mẹ. Tôi ăn phù sa, tôi uống phù sa, tôi ngủ phù sa để tôi không phải là một thứ phù du. Phù sa đàn bà là vậy đấy…