L

àng tôi nhỏ lắm, nhỏ đến nỗi mỗi buổi sớm mai nhà đầu làng nhóm bếp thì nhà ở cuối làng đã ngửi thấy thơm mùi khói bếp. Chỉ chừng có bốn năm chục nóc nhà tranh quây quần với nhau bên cạnh một con suối nhỏ.

Làng tôi cũng đã có đủ mọi thứ cần thiết để được gọi là làng hoàn chỉnh. Làng có đình, đền, chùa, có cổng làng xây từ lâu đời rất cổ kính. Trước khi tôi sinh ra làng có chức lí trưởng có phó lý và các ban bệ như một làng lớn có mấy trăm nóc nhà và có hàng ngàn trai đinh vậy.

Làng thuần nông, làm ruộng lúa, trồng dâu kéo tơ trồng mía và làm màu. Xong mùa gặt nhà nào cũng có cây rơm cao ngần ngật tận ngọn cây mít. Rơm để dành cho trâu bò ăn vào những ngày mưa gió giá rét, rơm để dành cho việc nhen lửa nấu bếp.

Cứ ngày ba cữ nhà nào cũng dùng rơm nhóm bếp. Khói rơm, khói bếp từ mái rạ chui ra từ từ bò lan trên mái nhà. Mùa đông mưa phùn hay là những hôm khí trời ẩm ướt, những đụn khói cứ đọng lại từng đám trên mái nhà, không chịu tan đi và cũng không chịu bay đi đâu cả. Bọn con trẻ thường bảo nhau khói đang ngủ trên mái nhà. Ta giơ tay ra tưởng chừng như vốc được từng nắm khói. Mùi vị khói đậm đặc lại, nồng nàn hương của rơm rạ, hương thơm của cơm của thức ăn quyện trong hương khói luôn xuất hiện ngay đầu mũi mọi người.

Những ngày trời quang mây tạnh khói bò ra vườn leo lên bờ cây, ngọn cỏ, leo lên ngọn cây cau lơ lửng trên rặng tre để lại những màu mờ ảo huyền diệu. Những làn khói khi xanh khi trắng đục khi đậm khi nhạt như những đám mây cổ tích.

Thật kỳ lạ chỉ nhìn ngọn khói của làng bọn trẻ con chúng tôi cũng đã biết được rất nhiều thứ.

Khói không chịu đi đâu cứ quẩn quanh trên mái bếp chắc chắn hôm đó trời không mưa thì cũng rất âm u ít gió. Khói bay nhanh ra khỏi nóc bếp rồi tan nhanh ra thì hôm đó là ngày tạnh ráo và có nắng.

Khói nhà ai màu trắng nhẹ nhàng thì nhà đó đang nấu cơm bằng củi thật khô. Nhà nào khói đen đậm bay chậm nặng nề thì chắc chắn là đang nấu cám lợn. Khói mùa đông có màu đen nhiều, khói mùa thu và mùa xuân có màu xanh lam. Khói mùa hè có màu trắng đục và nhẹ nhàng thanh thoát.

Nương theo ngọn khói chúng tôi lớn lên bằng những trò nướng khoai, nướng cá. Cha mẹ đi làm đồng, trong làng chỉ còn lại toàn bọn trẻ con, đứa lớn giữ đứa bé, ngày hè hay là những ngày nghỉ học thì không biết có bao nhiêu là trò vui. Chỉ cần cái thau cũ cả bọn ra đồng đắp mương tát cá, hồi đó cá nhiều vô kể, chỉ cần tát một hồi là được cơ man nào là cá, cua, to nhỏ đủ loại. Những bếp lửa dã chiến được nhen lên, khói tỏa un tùm, con mắt cay xè mặt mũi lấm lem chúng tôi chia nhau từng con cá con cua ăn thật ngon lành. Cũng có khi cả bọn cầm con dao cùn lên đồng màu đào khoai, tất cả lại hì hụi nhen lửa nướng ngay trên đồng, ngọn khói lại quấn lấy bọn trẻ chúng tôi. Quần áo đầu tóc ám đầy những khói là khói.

Trong làng nhà nào cũng có cái gác phía trên bếp gác đồ cho bồ hóng bám vào, bồ hóng bám càng nhiều càng tốt, quan niệm của người lớn như vậy thì đồ bằng tre đan như rổ rá, thúng mủng,dần sàng mới bền đẹp lâu dài. Chuyện bền đẹp có hay không thì chưa biết nhưng mùi khói, mùi bồ hóng theo người làng đi khắp trong mọi công việc hàng ngày. Quần áo ám mùi thơm của khói, đồ dùng ám bồ hóng,ám mùi khói thật thân thương gần gũi.

Ngày còn nhỏ có những hôm trời rét cố ngủ nướng nhưng khi mẹ nhóm bếp,ngọn khói chui qua bờ vách, leo lên tận giường,chui vào mắt làm cho cơn buồn ngủ tan biến đi đâu mất, thế là phải tung chăn vùng dậy. Những buổi sáng trời lạnh như thế thường tất cả anh em chúng tôi quây quần bên bếp lửa để sưởi và hít hà khói bếp. Mùi khói, tiếng cơm sôi, mùi thơm của cơm tạo nên một cảm giác ấm cúng lạ thường.

Làng tôi nhỏ, bao bọc bởi con suối nhỏ bởi vậy ngọn khói cũng quanh quẩn không đi đâu xa. Cũng có nhiều khi nổi hứng lên khói bay cao lên bầu trời cao trong xanh phía trên làng hoà lẫn vào đám mây đi rong chơi đâu đó. Trong con mắt và suy nghĩ của bọn trẻ làng tôi thì ngọn khói làng không đi xa, nếu có lỡ đi xa rồi cũng sớm trở về.

Ấy là những buổi sáng mùa thu những đám sương mù dẫn ngọn khói làng đi ra từ những hẻm núi rồi vắt qua suối rồi từ từ đi vào làng. Trong làng trở nên một màu trắng bao trùm lên khắp cả các nóc nhà, có những khi nhiều đến nỗi đứng từ nhà nhìn ra ngoài ngõ mà chẳng thấy gì. Bọn trẻ con chơi trong màn sương khói và bảo nhau khói làng ta đã về.

Những ngày lễ tết khói hương trong các gia đình, khói hương trong các đình chùa toả ra ngào ngạt hoà quyện với khói bếp, cảnh làng chìm trong màn khói mỏng trông thật linh thiêng và ấm áp vô cùng.

Tất cả các thế hệ người làng ra đi đều mang theo bên mình vị khói của làng. Có những người thành đạt ở nơi xa vẫn đau đáu vị khói làng. Trong thâm tâm ngọn khói làng là một trong những hồn cốt quê hương, trong đó có hình dáng ông bà tổ tiên, bạn bè và có bóng dáng tuổi thơ của của chính bản thân mình.

Giờ đây khi cuộc sống đã được cải thiện, nhà nhà bếp gas, bếp điện nhưng tất cả mọi gia đinh trong làng vẫn duy trì một góc bếp củi. Thi thoảng cha mẹ tôi lại đem củi vào nhóm, ông bà ngồi bần thần nhìn ngọn khói vô tư bay lượn trên đầu mình. Kỷ niệm ùa về. Những ngọn khói linh thiêng

Thiết kế: Hồ Huy.
Tranh màu nước: Hồ Hưng