Nhà Nội nằm trên dải đất kéo suốt bờ sông Hồng ngầu ngầu sắc đỏ. Lớp phù sa tháng năm vun bồi ấy đã nuôi lớn bao nhiêu đậu đỗ lạc vừng, bao ngô khoai bầu bí. Nội đã ăn những thứ chân quê ấy để mà kèo kẹo nuôi bảy đứa con, ròng rã chờ chồng những năm kháng chiến chống Pháp, rồi lại chờ người đàn ông vừa hồng vừa chuyên ấy, sau năm 54, đi công tác xa nhà, thảng hoặc mới về.
Cha tôi cũng nhờ những thứ chân quê ấy mà lớn lên bên con Ngòi Lâu, mà chọi trâu chọi dế, mà vượt lũ vượt ghềnh, vớt củi, thả bè, kéo tôm đánh cá, mà đến với mẹ tôi.
Ngày mẹ về làm dâu nhà Nội, mẹ ngẩn người rồi cười khúc khích khi nghe Nội bảo đi tìm cái đừng (cái thang), đi lấy cái ớp (một dụng cụ như cái gầu sòng đeo ở thắt lưng) cho Nội trèo cây hái ổi. Mẹ lúng túng không dám lên nhà trên khi đã nhận lệnh mà tìm mãi trong bếp vẫn không thấy nồi cơm vừa nấu( thì ra Nội vùi chiếc nồi gang dưới lớp tro bỏng rất dày, nhờ vậy mà cơm chín cả từ trên vung nồi chín xuống nên rất ngon).
Tháng ngày làm dâu nhà Nội, mẹ thấm và biết yêu những gian truân. Cô gái con nhà công (công nhân) đã biết cấy, biết gặt, biết bó cọ gánh về, khéo léo chọc và đưa cọ bằng sào cho Nội và bố lợp nhà, trổ tài nấu bát canh cá ” cá Ngòi Lâu sủi đâu ăn đấy”, để rồi sau này truyền những thứ ấy lại cho tôi, dạy lũ tôi biết mình cũng được sinh ra từ gốc rạ, mà thêm yêu cây lúa, mà thêm trọng nghề nông.
Lấy mẹ, gia tài bố mang về nhà mẹ, mang đến nhà tôi là chiếc ba lô bạc, chiếc hòm rỗng tự đóng bằng gỗ bồ đề và những tràng cười sảng khoái, thoải mái, đáng yêu vô cùng mà chỉ chàng trai Ngòi Lâu mới có, khiến cho tôi, những lúc xa nhà thèm nhớ đến trào nước mắt.
Đại loại thế này:
– Ngày xưa, để được lòng mẹ mày, bố đã phải đạp thuyền đưa mẹ và bạn của mẹ mày đi chặt chuối lợn mãi tận chân núi Cao Biền xa tít ít ít … mù xa, qua bao đường nước, bao nhiêu cái ẻ mới đến được.
– Ẻ là gì hả bố?
– Ẻ là cái thung lũng ngập dưới nước, nó được tạo nên giữa hai quả đồi đó con (mẹ tôi xen vào).
– Thế sao bố không gọi là cái thung lũng cho nó xong đi mà lại gọi là cái ẻ?
– Quê mình gọi thế con à!
Nhưng tôi không chịu, tôi phụng phịu:
– Cô giáo con có dạy cái chữ ẻ này đâu, bạn con viết văn tả Hồ Thác có đứa nào gọi là cái ẻ đâu. Bố sai rồi!
Bố thần mặt ra, đành chiều tôi mà gọi cái ẻ là cái thung, để rồi bữa sau lại đổi thành cái ẻ!
Này nữa:
– Cháu thuê áo này đi, áo này bê tráp đẹp, nhà chú có đủ phai đấy!
– H ơi lên xem phin! Đến bộ phin chị em mày thích rồi này!
– Bố ơi, bố quê quá đi! người ta gọi là ” bộ phim” chứ không phải “bộ phin”, gọi là “sai (size)” chứ ko phải ” phai!”chết cười với bố…
Ngày đó tôi ngu ngơ, tôi nào đã biết và thấu câu “câu đất lề quê thói”.
Ngày đấy, tôi và em tôi còn dại, lần nào cũng hùa nhau chọc, đến nỗi có lần bố nổi cáu” Vâng, tôi quê! thì các cô cũng từ quê mà chui ra đấy chứ đâu! cứ chế tôi mãi đi, rồi thì mất gốc!!!
Giờ đã lớn.
Tôi rời nhà, bay vào khung trời rộng. Đêm nay, nghe mưa ngoài phố, đọc mạng, thấy khắp nơi người ta chế giễu chữ Phê Tê Bốc, chế giễu chữ Gu Gờ, chẳng dám trách chi họ, chỉ thương và nhớ bố đến nôn nao.
Tôi nhớ hình ảnh bố cười trừ, ngường ngịu đưa cái tay sần sẹo vết bỏng xăng lên gãi gãi đầu mỗi khi bị chọc .
Đâu như vết bỏng đó do một lần dũng cảm lao vào trấn áp một tội phạm quá khích mà ông có. Đâu như hồi ấy tôi 5 tuổi, vừa biết rụng cái răng sữa đầu tiên. Đâu như hồi ấy tôi cứ nằng nặc đòi theo mẹ vào bệnh xá Công an tỉnh chăm bố, mà nào chăm được gì, chỉ tổ làm vướng chân mẹ khi cứ nhìn cái tay đậy kín gạc của bố rồi khóc ròng khóc rã, sợ tay bố rụng mất . Đâu như cũng từ ngày ấy tôi được mẹ cho ăn bát cháo lòng đầu tiên mua ở quán gần cổng Công an tỉnh, biết vị ngon của nó và còn giữ lại cái thích ấy cho mình đến tận bây giờ.
Đêm nay mưa.
Tôi nhớ cái giọng con nhà lính oang oang vọng từ ngoài cửa, khi ông cụ đứng phắt khỏi bàn trà bày dưới gốc nhãn nhà đối diện, vội vã chạy về khi biết mẹ đang điện thoại cùng tôi ” Mẹ mày bảo nó gọi xê búc đi cho tôi nhìn thấy mặt, nó đi lâu thế còn gì!”
Tôi nhớ đôi mắt bố nheo nheo nhìn tôi qua videocall, y như vẫn nhìn con chó Pun, gật gật cái đầu, chu chu cái miệng, tặc tặc cái lưỡi hệt như hồi tôi còn xíu xíu : Gái à, đang làm gì đấy? ăn chưa? mau về, bố nhớ mày rồi, con Phida nó cũng nhớ lắm rồi đấy! ( tên con chó là Pizza ạ).
Tôi nhớ sự thỏa mãn ánh lên trong cái nhìn của bố khi nghe tôi hứa : Vâng! con hứa thường xuyên gọi “xây tham” về nhà để nói chuyện cùng bố! hihi…
Và tiếng bố : Này, đây! N nói chuyện với chị mày đi ! chị em mày thì suốt ngày xê búc với chả xê búc!
Tôi nhớ người chiến sỹ đã khiến cả nhà tôi có một thói quen thành lệ, bất di bất dịch trừ khi bận: sớm nghe An ninh ti vi, trưa nghe Nhận diện tội phạm, tối cùng nhau nghe thời sự.
Tôi nhớ người chiến sỹ ấy vẫn dùng chiếc điện thoại Nokia để gọi, chẳng bao giờ nhắn tin.
Ông Trung tá ấy, dẫu đã về hưu nhưng luôn theo dõi sát sao tình hình an ninh chính trị, đưa ra những nhận định về thời cuộc vô cùng chính xác, gõ bàn phím truy cập mạng trên máy tính phăm phắp và… cho đến giờ vẫn chưa hề biết dùng face book!
Mỗi tội, ông đã, sẽ và vẫn mãi gọi facebook là Xê Búc, gọi videocall là Xây tham, cũng như vẫn mãi không chịu gọi cái ẻ là cái thung, nhất quyết không chịu cởi khỏi mình chiếc áo đầm đẫm vị quê mà tôi luôn nênh nao nhớ…
Bài và ảnh: Hà Ngọc