Paris tình yêu của ta

    904

    Xuân lẳng lặng ra đi, hè gõ cửa mà sao cái lạnh mùa đông vẫn chưa chịu qua. Paris chìm mình trong cái ướt át, lạnh lẽo bất thường đằng đẵng theo đuổi từ mùa đông năm ngoái.

                  Những con phố nhòe nhoẹt loang lổ vì nước mưa. Thu gọn mình trong tấm áo choàng của mùa đông năm cũ, qua các con phố. Kim Tự tháp Piramide thâm tím bên viện bảo tàng Louvre. Băng qua đường chếnh choáng, đây rồi bến bờ sông Seine. Lưỡng lự bên cây cầu Nghệ thuật – Le Pont des Arts cầu của Tình yêu.

                Đưa mắt nhìn Nàng tiên sắt Eiffel nhấp nháy khi 22 giờ điểm chuông. Những chiếc khóa sắt trên cây cầu Tình yêu lẳng lặng nhỏ những giọt thề. Đâu đây chiếc khóa vô hình đã xiên thấu vào trái tim ta, cài chặt với muôn vàn kỷ niệm, vui, buồn, hờn giận. Hắn nhận ra mình đã yêu, đang yêu và còn yêu.

    Ôi Paris! Ngươi đã nuốt hồn ta, đã chinh phục ta. Một Paris của Marc Lavoine được tăng sức huyền bí của chất giọng Suad Massi làm ta bật khóc.

    “Je marche dans tes rues
    Qui me marchent sur les pieds
    Je bois dans tes cafés
    Je traîne dans tes métros”

    Ta yêu Paris thật rồi.

    Hắn nhớ lại những ngày vừa đặt chân đến thủ đô của nền Cộng hòa đệ Ngũ. Bốn tên sinh viên du học lễ mễ kéo những chiếc valise nặng nề, tư trang, sách vở, từ điển và cả giò, chả quê hương, từ bến métro Colonel Fabien, Quận 10 trung tâm Paris đến vùng ngoại ô Antony, địa chỉ của ký túc xá.

                  Cả bốn tên ngu ngơ đến mức không hiểu tại sao tàu tốc hành RER B không dừng lại ở Antony mà đã đưa những tân sinh viên đến tận mấy bến sau, Massy-Palaiseau. Luống cuống, họ băng qua đường tầu, sang bờ bên kia để bắt tầu trở lại bến của ký túc xá. Ký túc xá nằm trên một quả đồi thấp, lạ lùng đến rợn người. Xung quang là các chung cư cao tầng. Mỗi phòng có một giường, một bàn học, một ghế, một lavabo. Bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh ngoài hành lang, chung cho tất cả sinh viên cùng tầng.

    Sơ sài và lạnh lùng. Paris là đây ư? Hắn thấy thất vọng, buồn đến vỡ mộng. Hình ảnh một Paris thơ mộng, lịch lãm, hoành tráng, kiêu hãnh dưới ánh đèn hoa lệ giờ chỉ là giấc mơ. Cả bốn du học sinh ngẹn ngào quanh đĩa thịt gà giá rẻ mua ở chợ Ed về luộc. Chợ Ed, chợ hàng rẻ tiền chắc chỉ có sinh viên và kẻ nghèo lui tới. Bát miến đầy ắp, không lòng, chẳng mề, vắng cả hành hoa. Một đĩa giò, chả du hành với hàng chục ngàn dặm nằm phơi trên nền gạch trải báo miễn phí mà họ đã chủ tâm vơ về từ bến xe bus.

                   Hắn òa khóc vì sự thiếu thốn đến khó hiểu nơi đây. Nhớ mẹ. Nhớ nhà. Nhớ bát cơm tám mẹ đong đầy. Nhớ bàn tay run rẩy của mẹ khi gắp miếng thịt gà bỏ vào bát cho ta trong buổi chia tay chưa trọn 24 giờ trước. Nhớ ánh mắt mẹ long lanh đẫm lệ vì tự hào về đứa con được đi du học ở Pháp. Nhớ cái phút chia tay, không dám ôm mẹ vào lòng. Vẻn vẹn một câu từ biệt: “Con đi đây, mẹ!”

    Chao ôi ! Nước Pháp là đây?

                   Hai mươi mốt năm trôi qua. Những năm tháng bươn trải, tu học, tìm hiểu và hòa nhập vào một nền văn hóa, văn minh mới. Hắn miệt mài từ học viện này đến trường đại học kia. Hắn chấp nhận làm mọi việc để sống những năm tháng dài lê thê, rửa bát trong nhà hàng, giúp việc văn phòng, trợ lý, nhân viên ngân hàng, dịch thuật, giáo viên…

    Tự bao giờ hắn gắn bó với những chiếc ghế trong công viên Luxembourg, vườn cây Tuleries. Hắn thả mình vào thế giới tưởng tượng của Jules Verne. Đứng tầng cao của Tháp Eiffel hắn thấy Paris nhỏ bé mang hình mạng nhện với các phương tiện giao thông giăng tơ ngang dọc. Hắn lang thang bên Nhà thờ Đức bà Notre-Dame de Paris vắng bóng chàng gù si tình Quasimodo, nhưng vẫn thấp thoáng “Những người khốn khổ” không nhà cửa, ngửa tay xin tiền du khách.

                             Không còn các chàng Ngự lâm trên các quảng trường để chống lại sự yếu đuối của nhà vua, chỉ có các cuộc biểu tình, tuần hành của dân chúng mỗi khi có sự thay đổi chính quyền hoặc chính sách nhà nước. Lâu đài Versailles vẫn hoành tráng, sừng sững giữa hàng ngàn hec ta công viên, vườn tược. Những ngày hội nước và âm nhạc đã làm sống lại cái xa hoa, quyền quí bao đời vua quan.

               Tự bao giờ hắn muốn lang thang trên các khu phố để chiêm ngưỡng các công trình lịch sử, các kiến trúc rất Paris, để rồi ta sẽ lọt mình vào một quán cà phê bên vỉa hè. Một Bistro Parisien. Với một cốc cà phê expresso và tờ báo “Canard Enchainé” hắn có thể ngồi hàng giờ mà không bị người phục vụ hắt hủi.

                       Hắn mỉm cười vì mình mê tờ báo Le Canard Enchainé (Chú Vịt bị xiềng chân) và không thể bỏ được món Canard Laqué – Vịt quay. Hắn có thể quên thời gian đang trôi để lạc mình trong những phòng tranh. Hắn có thể tận hưởng muôn vàn những bộ phim cũ, mới và chắc chắn một điều là không bao giờ đến được trang cuối của nghệ thuật thứ bảy.

    Hắn đã yêu Paris bằng một tình yêu lúc sâu lắng lúc nổi như sóng cồn. Đã có lúc hắn mơ ngày về với mẹ nhưng đã trót yêu và yêu lắm cái miền đất xa, nhưng không còn quá lạ với hắn. Miền đất của đổi thay, miền đất của bình đẳng, dân chủ. Dòng chảy lặng lẽ của sông Seine đã ôm chặt, vĩnh hằng chiếc chìa khóa Tình yêu của hắn.

                        Ôi Paris, hơn hai mươi năm của cuộc đời ta bên người. Chưa một lần ta hỏi người có yêu ta. Người mẹ nào sẽ không lượng thứ nếu con không dứt tình để về với mẹ yêu? Khập khễnh bước chân dần xa cây cầu Nghệ thuật, hắn muốn thả hồn trong căn gác của ngày chủ nhật. Một đêm mưa, một thoáng đìu hiu đưa hồn đến với Trịnh, bỏ lại sau một Paris cùng các vỉa hè ướt mềm.

    Paris những năm tháng bồng bềnh